Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Nghề làm guốc ở Cẩm Kim

Từ lâu nay, khi nói đến Kim Bồng - Cẩm Kim người ta thường nhắc đến một nghề nổi tiếng ở đây là nghề mộc. Tuy nhiên, Kim Bồng ngày xưa còn có nhiều ngành nghề thủ công khác cũng đã có một thời gian thịnh đạt như nghề làm guốc, ươm tơ dệt lụa, nghề nhuộm chàm, nghề đan, dệt chiếu… góp phần cung cấp nhiều sản phẩm thủ công cho đô thị Hội An và các vùng lân cận, tạo nên sự phong phú của văn hóa ngành nghề truyền thống ở Hội An. Một nghề hiện nay không còn làm ở Cẩm Kim, nhưng trước đây đã là một nghề thịnh đạt cho ra một sản phẩm thiết yếu của đời sống người dân đó là nghề làm guốc.
       Theo thông tin thu thập được từ đợt tham vấn cộng đồng vừa qua ở Cẩm Kim thì vào thế kỷ XX, ở Cẩm Kim có nghề làm guốc và nghề này thuộc về một gia đình ở thôn Trung Châu. Theo ông Trương Đình Yên ở thôn Trung Châu, thì nghề làm guốc ở Cẩm Kim chỉ có tại gia đình ông và đây là nghề gia truyền, trải qua 3 đời (đời ông nội là Trương Đình Long, đời cha Trương Đình Qúy, đời ông Yên).
 
ong truong dinh yen thon trung chau cam kim là guoc

        Ông Yên kể, ngày xưa guốc là vật dụng phổ biến, người bình dân thì dùng guốc mộc, người khá giả thì dùng guốc sơn, vẽ hoa. Do vậy, thời gian trước năm 1945, ông nội và cha làm hàng guốc bán rất chạy, guốc được đem đến chợ Hội An, Nam Phước, Quế Sơn để bán, guốc được đóng theo đặt hàng của những người hàng xóm. Đến những năm từ 1947 - 1965, gia đình tản cư sang Việt An, Hiệp Đức. Tại nơi tản cư, gia đình ông vẫn duy trì nghề đóng guốc và phát triển mạnh nghề này. Từ năm 1965 - 1980 về lại Hội An, bản thân ông Yên có đóng guốc nhưng sản lượng giảm sút. Từ 1980 đến nay thì nghỉ, do nghề guốc không cạnh tranh được với nghề dép, giày… Ông Yên cũng kể rằng vào những năm đầu sau giải phóng, ngoài bản thân làm guốc thì ở Hội An cũng có hai tiệm đóng guốc nổi tiếng ở đầu phía Nam cầu Cẩm Nam và cầu An Hội. Chủ hai quán guốc này đều là con của ông Bộ, người Cẩm Phô.

       Nguyên liệu làm guốc ở Cẩm Kim chủ yếu là gỗ mứt và thầu đâu (xoan), hai loại gỗ này có thớ gỗ thẳng, không quá cứng để có thể dùng rìu đẽo bằng tay theo hình dạng mong muốn. Lúc ở Việt An - Hiệp Đức, gia đình dùng gỗ dầu lai, dầu trảy, quế để làm guốc vì có chung đặc điểm với gỗ xoan. Ông Yến cũng cho biết các loại gỗ mít, lim tuy chắc chắn, có màu sắc đẹp nhưng không được dùng đóng guốc vì thớ gỗ cứng, cuộn tròn, rất khó đẽo gọt.

        Riêng nói về cây thù đâu, đây là loại cây được trồng phổ biến ở vùng quê Hội An nói chung ở Cẩm Kim nói riêng vì người ta thường lấy lá để ủ làm phân xanh bón cho cây trồng nên về nguồn nguyên liệu làm guốc cũng khá thuận tiện. Ngày xưa, còn làm guốc, ông Yên thường đến các vườn cây ở Cẩm Kim để chọn gỗ thù đâu làm guốc. Cây thù đâu chọn làm guốc tốt thường là cây gỗ thẳng, ít có mắc, không bị con sùng ăn, có đường kính ít nhất là trên 15cm. Thân gỗ có đường kính 20 cm thì có thể đóng được một đôi guốc (tính theo độ dày).

      Cây mua về được cưa từng đoạn dài khoảng 40cm, bóc vỏ. Để tạo vóc ban đầu, chỉ với kinh nghiệm quen tay, quen mắt, người làm guốc dùng rìu đẽo ra vóc tương ứng mà không cần vẽ. Sau đó, tùy theo kích cỡ chân của khách hàng mà lấy rập tương ứng rập vào vóc, làm dấu rồi đẽo theo hình guốc. Ngày xưa thợ guốc phân các rập thành các loại, rập nhất - giành cho chân đàn ông to bằng cỡ số giày 42 - 45 hiện nay, rập nhì cỡ chân nhỏ hơn thuộc cỡ giày 40 - 42 hiện nay, rập ba thì nhỏ hơn thường là dùng cho chân phụ nữ. Rập lấy cỡ thì người thợ đẽo theo hình dáng của một chiếc guốc thực sự và đẽo chi tiết các chỗ cong của thành guốc gọi là đẽo gianh. Với guốc phụ nữ người ta thường tạo gót và đế ở mặt dưới. Riêng đối với guốc đàn ông thường là đế phẳng nên được dân gian gọi là guốc xà lan. Để cho mặt guốc được lán mịn, người ta kẹp guốc vào ngón chân, dùng bào chuyên dụng để bào nhẵn bề mặt của guốc. Tiếp đến là cắt quai, đóng quai. Quai ngày xưa thường dùng là dây da bò đã được thuộc nhẵn, sạch có màu đà, bảng to 4 cm. Sau này cũng có khi người ta dùng vỏ lốp xe vót mỏng để làm quai.

        Công đoạn vẽ hoàn thiện đôi guốc là công đoạn mà người thợ đầu tư sáng tạo và thể hiện những nét vẽ hết sức dân gian. Sơn dùng cho guốc thường là sơn nước Bạch Tuyết. Từ những màu cơ bản trắng, đen, xanh, đỏ, vàng, người thợ đã phối trộn ra nhiều màu khác để phù hợp với sở thích của nhiều người. Cũng có những đôi guốc đặt được vẽ những hoa văn hình tròn, dây cuộn… Qua bàn tay của người thợ, đôi guốc trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.

        Nghề guốc ở Cẩm Kim hiện nay không còn nữa, nhưng ông Yên vẫn còn giữ nguyên bộ công cụ làm guốc để làm kỷ niệm về một thời vàng son của gia đình, về một thời văn hóa đi guốc phổ biến. Hiện nay, trong bối cảnh Cẩm Kim đang được tập trung đầu tư khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống để hấp dẫn du khách, kích thích sản xuất tại địa phương, chúng tôi thiết nghĩ địa phương, doanh nghiệp quan tâm để khôi phục lại một nghề có giá trị qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất ở địa phương theo hướng chú trọng vào các nghề thủ công truyền thống kết hợp phục vụ các nhu cầu đa dạng về dịch vụ, du lịch văn hóa.
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây