Năm con khỉ với một số sự kiện liên quan đến di tích cổ ở Hội An
- Thứ sáu - 05/02/2016 01:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khỉ là con vật đứng ở vị trí thứ 9 trong số 12 con giáp tương ứng với 12 địa chi (Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo quan niệm văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong âm lịch, tháng cầm tinh con khỉ (tháng 7) được gọi là tháng Thân và năm cầm tinh con khỉ được gọi là năm Thân với các tháng/năm can chi: Giáp Thân, Bính Thân, Mậu Thân, Canh Thân và Nhâm Thân. Chu kỳ của mỗi năm can chi là 60 năm.
Trong lịch sử, ở Hội An có nhiều sự kiện diễn ra trong năm con khỉ - năm Thân như việc đổi xã hiệu các xã thuộc khu hành chính Cẩm Phô vào năm Bính Thân - 1956, sự kiện Kháng Thuế năm Mậu Thân - 1908, sự kiện lập địa bộ các làng như làng Kim Bồng vào năm Nhâm Thân - 1812 (năm Gia Long thứ 11)… Tại các di tích ở Hội An, hình ảnh con khỉ không chỉ được thể hiện độc đáo dưới dạng tác phẩm điêu khắc như tượng khỉ ở chùa Cầu, phù điêu khỉ trên cánh cửa ở hội quán Triều Châu mà nhiều sự kiện diễn ra trong năm con khỉ liên quan đến các di tích như việc xây dựng hay tu bổ di tích, việc phụng cúng đồ vật, tự khí,… Trong bài viết xin giới thiệu một số sự kiện diễn ra trong năm con khỉ liên quan đến một số di tích cổ ở Hội An.
Năm 1740 - Năm Canh Thân: Lập bia chùa Quảng An. Trong lịch sử, chùa Quảng An là công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô lớn ở Hội An. Do nhiều nguyên nhân nên hiện nay ngôi chùa không còn.
Bia chùa Quảng An lập năm Canh Thân - 1740 hiện được đặt ở phía sau Quan Công miếu, trên bệ cao 68cm so với mặt nền hiện trạng. Bia đặt trên đế sa thạch cách điệu chân quỳ, cao 14cm, rộng 98cm. Bia sa thạch màu xám, hình chữ nhật (kích thước: cao 101cm, rộng 64cm), mặt bia phẳng. Diềm bia rộng 13cm, trang trí hoa cúc dây. Trán bia trang trí hình hai chim phụng ở hai bên và bông hoa ở giữa. Văn bia do Mẫn Trai Ngô Đình Dần soạn. Nội dung văn bia có đề cập đến sự kiện một người làng Minh Hương, họ Tẩy, hiệu Mẫn Trai, tỏ lòng từ tâm cúng tiền 100 quan để mua 3 mẫu ruộng sung vào việc Phật. Xã Minh Hương cũng xuất tiền mua thêm 8 mẫu nữa.
Năm 1824 - Năm Giáp Thân: Bia đá ở Nam Diêu đề cập đến sự kiện mở đường từ Vĩnh Điện hà khẩu đến Đại Chiêm hải khẩu vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) để phục vụ hành trình Nam tuần của vua Minh Mệnh vào năm 1825. Lần Nam tuần này, vua Minh Mạng có đến phố Hội An được Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến trong sách Đại Nam Nhất thống chí: “Đền Quan Công ở phố Hội An huyện Diên Phước do người làng Minh Hương xây dựng, thờ Quan Thánh đế quân, quy chế lộng lẫy. Năm Minh Mệnh thứ 6 Thánh tổ Nhơn hoàng đế tuần du phương Nam, xa giá đi qua đền, ban cho 300 lạng bạc”.
Bia sa thạch, hình trụ chữ nhật, cao 70cm, mặt bia rộng 27cm, được dựng ở vị trí cách khu miếu Nam Diêu chừng 10m về phía đông nam.
Năm 1836 - Năm Bính Thân: Xây dựng miếu Thái Giám trong khu miếu tổ Nam Diêu. Khu miếu Nam Diều có 04 miếu, gồm: Miếu tổ nghề gốm Nam Diêu, miếu Thái Giám, miếu Âm Linh và miếu Sơn Tinh Nhị Vị, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2008. Theo tư liệu hiện còn tại di tích cho biết miếu tổ nghề gốm Nam Diêu xây dựng vào năm 1868, trong khi đó miếu Thái Giám được xây dựng vào năm 1836 - năm Bính Thân. Miếu Thái Giám được tu bổ vào các năm 1893, 1993, 2003. Hiện tại, miếu Thái Giám nằm bên phải miếu tổ nghề gốm Nam Diêu. Trong miếu có 3 bàn thờ gồm bàn thờ Thần, bàn thờ Quang Tiền và bàn thờ Dụ Hậu, được trang trí rực rỡ, trang nghiêm. Trên tường đông miếu có gắn 2 bia đá ghi việc trùng tu khu miếu Nam Diêu.
Năm 1848 - Năm Mậu Thân: Lập bia tu bổ di tích miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương - Cù Lao Chàm, miếu Ông Tiến ở thôn Thanh Đông - Cẩm Thanh, xây dựng lại chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm.
Nội dung của bia đá gắn tường đông miếu tổ nghề Yến ở Cù Lao Chàm được lập vào năm Tự Đức nguyên niên - 1848 cho biết miếu tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm được Phó Quản cơ nhưng lãnh yến hộ Hồ Văn Hòa cùng Yến hộ hộ trưởng Lê Văn Biểu, dịch mục và các hộ (yến hộ) trong xã tu bổ, tôn tạo khang trang với quy mô như hiện nay. Ngôi miếu là công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo và quy mô ở Cù Lao Chàm, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006. Nội thất miếu thiết trí bàn thờ những bậc tiền nhân khai sáng nghề khai thác yến sào và chư thần liên quan đến sông biển. Hiện tại ngôi miếu còn lưu giữ tấm bia đá và nhiều bức hoành, bài vị có giá trị.
Nội dung của bia đá gắn ở tường tây miếu Ông Tiến lập vào năm Tự Đức nguyên niên - 1848 cho biết miếu Ông Tiến cũng được Phó Quản cơ nhưng lãnh yến hộ Hồ Văn Hòa cùng Yến hộ hộ trưởng Lê Văn Biểu, dịch mục và các hộ (yến hộ) trong xã tu bổ, tôn tạo khang trang với quy mô lớn. Trải qua chiến tranh, ngôi miếu bị sụp đổ và được tu bổ lại với quy mô như hiện nay vào năm 2007. Ngôi miếu được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011. Miếu thờ những bậc tiền nhân khai sáng nghề khai thác yến sào và chư thần liên quan đến nghề, sông biển.
Nội dung bia đá gắn ở tường đông chùa Hải Tang được lập vào ngày 11 tháng 3 năm Tự Đức nguyên niên - 1848 cho biết ngôi chùa được cư dân phường Tân Hiệp xây vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758). Về sau, do bão làm hư hại nên được xây dựng lại quy mô ở vị trí hiện nay vào năm 1848. Kiến trúc của ngôi chùa được bảo tồn nguyên vẹn đến bây giờ. Chùa Hải Tạng là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở Cùa Lao Chàm, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006. Nội thất ngôi chùa bài trí hệ thống tượng thờ rất có giá trị, đồng thời được trang hoàng bởi hệ thống hoành phi. Trong hệ thống tượng thờ tại ngôi chùa, đáng chú ý nhất là những pho tượng gỗ như tượng Hộ Pháp, Ngọc Hoàng, Địa Tạng, Quan Bình, Châu Thương, Quan Công, Tổ Sư. Những pho tượng này được tạo dáng hết sức uy nghiêm. Ngoài hệ thống tượng thờ gỗ, hiện vật có giá trị hiện còn tại chùa phải kể đến là đại hồng chung và các bát hương bằng sứ.
Năm 1908 - Năm Mậu Thân: Lập bia Tụy tiên đường Minh Hương. Tụy tiên đường Minh Hương là di tích có giá trị tiêu biểu về nghệ thuất kiến trúc nằm trong khu phố cổ Hội An, đã được cấp bằng xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1993. Di tích thờ các vị tiền hiền, hậu hiền làng Minh Hương và một số vị có công với làng. Tại di tích có 5 bia đá, trong đó bia ghi sự kiện di dời và xây dựng di tích ở vị trí hiện nay lập vào năm Duy Tân thứ 2 (Mậu Thân - 1908), gắn ở hiên phía đông của chính điện. Bia cẩm thạch màu trắng, hình chữ nhật có vát góc đỉnh (kích thước: cao 154cm, rộng: 94cm, vát góc đỉnh 10cm), mặt bia phẳng. Bia không có hoa văn trang trí, chữ kiểu Khải thư, khắc sâu, nét đều và dày. Nội dung văn bia đề cập đến nguồn gốc lịch sử làng Minh Hương ở Hội An, việc xây dựng Tụy Tiên đường vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820), việc di dời Tụy tiên đường Minh Hương đến vị trí hiện nay vào năm Thành Thái thứ 17(1905).
Năm Giáp Thân - 1944: Tại di tích chùa Kim Bửu, vào tháng 4/1944, Tỉnh ủy Quảng Nam đã mở Hội nghị tái lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Văn Quế làm Bí thư, một trong hai cơ quan của Tỉnh ủy được đặt ở Kim Bồng. Trong hội nghị này, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ xây dựng lại tổ chức Đảng, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hiện nay, chùa Kim Bửu là một trong những di tích có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc ở Kim Bồng - Cẩm Kim, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011.
Năm Mậu Thân - 1968: Tại di tích chùa Bà (hội quán Ngũ Bang), số 64 đường Trần Phú hiện nay, vào đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/5/1968, hai đồng chí Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường đã chỉ huy lực lượng tấn công sở chỉ huy của bọn lính bình định khét tiếng tại đây, tiêu diệt 60 tên ác ôn. Hai đồng chí cũng anh dũng hy sinh trong trận này.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền