Một tư liệu ký ức vừa tròn 300 năm ở Chùa Cầu
- Thứ ba - 12/02/2019 02:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chùa Cầu - chiếc cầu có mái che kiểu thượng gia hạ kiều xinh đẹp bắc ngang qua một mương nước nhỏ nằm ngay giữa lòng phố cổ Hội An. Quy mô kiến trúc nhỏ nhưng chiếc cầu là minh chứng cụ thể về một thời Hội An mở cửa hội nhập quốc tế, về quá trình giao lưu - tiếp biến kinh tế - văn hóa từ nhiều nguồn gốc khác nhau ở phương Đông cũng như phương Tây đã diễn ra tại Hội An trên nhiều trăm năm trước. Trải qua biết bao biến thiên của thời gian, thời cuộc một số tư liệu ký ức có giá trị hiện vẫn được bảo lưu tại di tích, trong đó đáng chú ý nhất là bức hoành phi do chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng vào năm 1719, đến nay vừa tròn 300 năm.
Bức hoành hiện được treo trên ngưỡng cửa vào miếu Bắc Đế Trấn Võ nằm về phía Bắc Chùa Cầu, dài 158 cm, rộng 60 cm, nền sơn đỏ, chữ và các họa tiết thếp vàng.
Hoành phi "Lai Viễn kiều" - Ảnh: Phạm Phước Tịnh
Bên ngoài bức hoành có viền rộng 10 cm trang trí 6 hình rồng 5 móng, chứng tỏ đây là một bức hoành do vua chúa đề tặng. Viền phía trên và dưới trang trí đề tài lưỡng long tranh châu, quả châu, mây lửa và hình dáng rồng mang phong cách mỹ thuật thời các Chúa Nguyễn rõ nét, phân biệt với hình rồng mây sau này. Viền hai bên trang trí đề tài hồi long với hai hình rồng uốn từ trên xuống chầu vào bức hoành. Giữa bức hoành là 3 chữ Hán lớn: Lai Viễn kiều được viết theo kiểu Lệ thư. Vị trí lạc khoản bên phải có một dấu hột xoài đứng, kích thước lớn, chữ bên trong bị các lớp sơn phủ kín không đọc được. Bên trái là dòng chữ: Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân đề. Tiếp theo bên trái dòng chữ, phía dưới có hai dấu ấn vuông, kích thước tương đương nhau: 6,5 cm x 6,5 cm. Dấu trên khắc 6 chữ triện theo thứ tự 2 - 2 - 2: Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn (福週阮王之印). Dấu dưới được khắc 4 chữ triện theo thứ tự 2 - 2: Kỳ mệnh duy thiên (其命惟天).
Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn - Ảnh: Phạm Phước Tịnh
Phủi từng lớp bụi thời gian, lần giở từng trang tư liệu lịch sử chúng ta biết được rằng Nguyễn Phúc Chu là một vị chúa có tài thao lược, văn võ toàn tài. Đương thời tiếp xúc với ông, thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã ghi nhận: “Nay xem nhà vua thông minh nhơn thứ độ lượng khoan hồng, thông trí mọi việc, biết thể tất thần dân, giúp người lợi vật, gần xa sang hèn thảy đều thấm nhuần ơn trạch, lại hay chăm chăm gánh vác việc nhơn duyên tu hành…” (1). Tuy là lời trong một bức thư thiên về ca ngợi nhưng trong đó cũng có ít nhiều sự thật.
Hoành phi "Lai Viễn kiều" - Ảnh: Phạm Phước Tịnh
Bên ngoài bức hoành có viền rộng 10 cm trang trí 6 hình rồng 5 móng, chứng tỏ đây là một bức hoành do vua chúa đề tặng. Viền phía trên và dưới trang trí đề tài lưỡng long tranh châu, quả châu, mây lửa và hình dáng rồng mang phong cách mỹ thuật thời các Chúa Nguyễn rõ nét, phân biệt với hình rồng mây sau này. Viền hai bên trang trí đề tài hồi long với hai hình rồng uốn từ trên xuống chầu vào bức hoành. Giữa bức hoành là 3 chữ Hán lớn: Lai Viễn kiều được viết theo kiểu Lệ thư. Vị trí lạc khoản bên phải có một dấu hột xoài đứng, kích thước lớn, chữ bên trong bị các lớp sơn phủ kín không đọc được. Bên trái là dòng chữ: Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân đề. Tiếp theo bên trái dòng chữ, phía dưới có hai dấu ấn vuông, kích thước tương đương nhau: 6,5 cm x 6,5 cm. Dấu trên khắc 6 chữ triện theo thứ tự 2 - 2 - 2: Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn (福週阮王之印). Dấu dưới được khắc 4 chữ triện theo thứ tự 2 - 2: Kỳ mệnh duy thiên (其命惟天).
Phúc Chu Nguyễn vương chi ấn - Ảnh: Phạm Phước Tịnh
Kỳ mệnh duy thiên - Ảnh: Phạm Phước Tịnh
Phủi từng lớp bụi thời gian, lần giở từng trang tư liệu lịch sử chúng ta biết được rằng Nguyễn Phúc Chu là một vị chúa có tài thao lược, văn võ toàn tài. Đương thời tiếp xúc với ông, thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã ghi nhận: “Nay xem nhà vua thông minh nhơn thứ độ lượng khoan hồng, thông trí mọi việc, biết thể tất thần dân, giúp người lợi vật, gần xa sang hèn thảy đều thấm nhuần ơn trạch, lại hay chăm chăm gánh vác việc nhơn duyên tu hành…” (1). Tuy là lời trong một bức thư thiên về ca ngợi nhưng trong đó cũng có ít nhiều sự thật.
Sau đó, hơn 50 năm, khi viết về vị chúa này, học giả Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục đã hạ bút: “Thái Phó Tộ Quốc công là người hiếu học, chữ tốt, có tài lược văn võ…” (2). Với tài thao lược sẵn có lại nuôi chí mở rộng bờ cõi, thống nhất Bắc – Nam nên Minh vương Nguyễn Phúc Chu nhiều lần tuần du ra Quảng Bình, Bố Chính, vào Quảng Nam để duyệt xét, chỉnh đốn binh mã nhằm chuẩn bị “dòm ngó Trung triều” như chữ dùng của Lê Quý Đôn (3). Một trong những lần đó diễn ra vào tháng 3 năm Kỷ Hợi 1719 và chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt chân đến phố Hội An. Tại đây, trông thấy phía Tây phố có một chiếc cầu ngói, nơi ghe thuyền nước ngoài tấp nập lui tới buôn bán, Chúa đã ngự ban tên là Lai Viễn kiều, cho khắc biển sơn son thếp vàng ban tặng.
Đề cập đến sự kiện này, Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Kỷ Hợi, năm thứ 28 (1719), mùa xuân, tháng 3 Chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An nhận thấy phía Tây có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho…” (4).
Sau này trong Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi tại mục Cầu đò về chùa Cầu như sau: “Cầu Lai Viễn ở xã Cẩm Phố về phía Tây phố Hội An huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván gác mái gồm 7 gian lợp ngói, hai bên cầu bày hàng mua bán, nên gọi là cầu ngói. Năm Kỷ Hợi thứ 28 Hiếu Minh Hiển Tông hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương Nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía Tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là cầu Lai Viễn và khắc chữ biển vàng ban cho, nay vẫn còn” (5).
Ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết thêm một số thông tin về quy mô, vị trí của Chùa Cầu, đặc biệt là thông tin về chủ thể đầu tiên đứng ra xây dựng Chùa Cầu là thương nhân Nhật Bản tại Hội An. Thông tin này trùng với nội dung ghi tại tấm bia trùng tu Chùa Cầu năm Gia Long Đinh Sửu (1817) do đốc học Quảng Nam thời bấy giờ là Đinh Phiên soạn.
Lý do hình thành tên gọi Lai Viễn kiều được các tư liệu thống nhất xác định là do thấy phía Tây phố Hội An có chiếc cầu ngói, nơi thuyền buôn (các nước) tấp nập tụ hội buôn bán nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho tên Lai Viễn Kiều. Tên gọi này được lấy từ sách Luận ngữ của Khổng Tử, tại câu: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất duyệt lạc hồ? Có người bạn từ phương xa đến, há chẳng đáng để vui mừng hay sao" (6). Tên gọi này rất phù hợp với thực tế về sự tụ họp buôn bán, cư trú tại Hội An của nhiều thương khách đến từ các phương xa, qua đó thể hiện rõ chủ trương mở rộng quan hệ giao lưu buôn bán với các nước bên ngoài của chúa Nguyễn Phúc Chu nói riêng, các chúa Nguyễn nói chung. Tên gọi này truyền lại cho đến bây giờ là một minh chứng cụ thể cho chủ trương mở rộng quan hệ giao lưu – hội nhập quốc tế ngay từ thời các chúa Nguyễn và đến nay đang được chính quyền, nhân dân Hội An kế thừa, phát huy trong điều kiện mới.
Cũng cần nói thêm rằng, Nguyễn Phúc Chu còn là một người có công trong việc xiển dương Phật giáo ở Đàng Trong và bản thân ông cũng là một phật tử nhiệt thành. Chính ông đã mời thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán sang mở các giới đàn truyền thụ Phật giáo tại kinh đô Huế vào năm 1695 với sự tham gia của hơn 4.000 tín đồ, trong đó có những người trong hoàng tộc như quốc mẫu, công chúa, phò mã. Chính vào dịp này ông đã được Thích Đại Sán đặt cho pháp hiệu Hưng Long và đạo hiệu Thiên Túng đạo nhân (7). Đạo hiệu này được khắc tại bức hoành Lai Viễn kiều.
Nếu không có những tư liệu ký ức thì bánh xe khắc nghiệt của thời gian sẽ đưa nhiều sự kiện, nhân vật dần chìm vào quên lãng. May mắn là tại Chùa Cầu hiện đang bảo quản một số tư liệu ký ức có giá trị, trong đó có bức hoành phi Lai Viễn kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng. Bức hoành phi đang lặng lẽ, bền bỉ làm nhiệm vụ kết nối ký ức giữa quá khứ với hiện tại, đang thầm kể các câu chuyện về Hội An một thời mở cửa giao lưu kinh tế - văn hóa với bên ngoài, về một vị chúa có nhiều công lao trong phát triển đất nước, củng cố vương quyền ở Đàng Trong.
* Chú thích:
- (1) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch Viện Đại học Huế, Sài Gòn XB, 1963, Tr.88.
- (2) Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, NXB Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1977, Tr.64.
- (3) Lê Quý Đôn, sđd, Tr.65.
- (4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 1, NXB Giáo dục, 2007, Tr.137.
- (5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, 1997, Tr.379. Đây là nội dung theo bản Tự Đức. Bản Duy Tân có điều chỉnh một số thông tin: Cầu Lai Viễn tại xã Minh Hương; dài 18 thước, 7 tấc, trên có chùa thờ Bắc Đế; còn gọi là Chùa Cầu.
- (6) Chương Thâu, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Hội An, NXB Khoa học – Xã hội, 1991, Tr.362.
- (7) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, sđd, Tr.85.
- (1) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch Viện Đại học Huế, Sài Gòn XB, 1963, Tr.88.
- (2) Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, NXB Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1977, Tr.64.
- (3) Lê Quý Đôn, sđd, Tr.65.
- (4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Quyển 1, NXB Giáo dục, 2007, Tr.137.
- (5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa, 1997, Tr.379. Đây là nội dung theo bản Tự Đức. Bản Duy Tân có điều chỉnh một số thông tin: Cầu Lai Viễn tại xã Minh Hương; dài 18 thước, 7 tấc, trên có chùa thờ Bắc Đế; còn gọi là Chùa Cầu.
- (6) Chương Thâu, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về Đô thị cổ Hội An, NXB Khoa học – Xã hội, 1991, Tr.362.
- (7) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, sđd, Tr.85.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền