Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một số thông tin về đội bóng đá Faifo thời kỳ thuộc Pháp qua một số tư liệu

Bóng đá là một trong những môn thể thao được nhiều người trên thế giới yêu thích, được mệnh danh là môn thể thao “vua”. Bóng đá du nhập vào Việt Nam theo “dấu chân” người Pháp vào khoảng năm 1896, khu vực miền Nam là nơi được tiếp cận đầu tiên với bóng đá, sau đó lan tỏa đến miền Bắc và miền Trung (1).
Thời Pháp thuộc, tại khu vực miền Trung có các đội bóng đá tiêu biểu như: Stade Olympique Huế, Citad Sport Huế, Societe d’Education Physique et de Sports de Huế (viết tắt là S.E.P.S.H), Sportive Touranais (Đà Nẵng), Association Sportive Faifo (Hội An), A.S.N.A (Vinh), A.S.F.C (Quảng Ngãi), A.S.C.F (Nha Trang), A.S.L.Y (Đà Lạt) (2).

Khu vực miền Trung, cũng vì địa thế khá dài, địa hình lại hiểm trở nên Tổng cục vận động Trung Kỳ chia các đội bóng đá thành 02 bảng, bảng A gồm đội bóng ở các tỉnh phía Bắc như: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Tourane (Đà Nẵng), Faifo (Hội An); bảng B gồm đội bóng ở các tỉnh phía Nam như: Qui Nhơn, Sông Cầu, Nha Trang, Phan Rang, Đà Lạt, Phan Thiết. Thể thức giải đấu được qui định gồm có lượt đi và lượt về, đội nào được nhiều điểm số thì đội đó sẽ dẫn đầu bảng, đội dẫn đầu bảng A sẽ gặp đội dẫn đầu bảng B trong hai trận để tranh chức vô địch; một trận thắng sẽ được tính 03 điểm, hòa được 02 điểm và trận thua 01 điểm; nếu hai đội có cùng điểm số thì đội nào có hiệu số bàn thắng cao hơn sẽ đứng trên; mỗi trận đấu được chia thành hai hiệp, mỗi hiệp 45 phút, giải lao 10 phút giữa hai hiệp; đội bóng nào dùng cầu thủ trong trận đấu mà không đăng ký từ đầu giải với ban tổ chức hoặc cầu thủ bị treo giò thì sẽ bị xử thua; nếu một đội bỏ cuộc hay chịu thua không đá thì sẽ bị tính 0 điểm; một đội đến đá ở tỉnh khác nếu muốn bỏ cuộc chịu thua thì phải báo cho đội kia biết ít nhất 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra, nếu không thông báo thì sẽ bị phạt 20 đồng bạc bồi thường cho đội kia... (3) Chính quyền trợ cấp cho các hội thể dục một nguồn kinh phí nhất định để duy trì các hoạt động: hội thể dục Huế: 1000 đồng, hội thể dục Hà Tĩnh: 125 đồng, hội thể dục Đồng Hới: 115 đồng, hội thể dục Faifo: 130 đồng, hội thể dục Qui Nhơn: 130 đồng, hội thể dục Phan Thiết: 200 đồng, hội thể dục Tourane: 75 đồng (năm 1921) (4).

Tại Hội An, giai đoạn này ít khi tổ chức các giải thi đấu bóng đá mà đa phần tham gia các trận đấu giao hữu hay các giải đấu ở khu vực miền Trung do chính quyền tổ chức và đã từng đạt được nhiều thắng lợi tạo nên tên tuổi đội bóng đá Faifo thời bấy giờ. Các đội bóng đá của người Pháp và đội bóng có ông bầu là người Châu Âu luôn được ưu ái, thiên vị hơn các đội bóng của người Việt trong thi đấu; đội bóng đá Faifo vốn là hậu thân của một đội bóng yêu nước (đội bóng Rạng Đông) nên càng bị chèn ép hơn. Trong một trận du đấu tại Huế, các cầu thủ đội bóng đá Faifo bị trọng tài xử ép nên thua trắng 0 - 6 đội bóng đá liên quân Pháp - Việt trên sân Bảo Long. Chính sự thiên vị đó nên những trận đấu luôn diễn ra trong tình trạng căng thẳng, đỉnh điểm là trận đấu giữa đội Faifo (Hội An) và Tourane (Đà Nẵng) vào ngày 03/02/1944 tại sân vận động Hội An. Vốn dĩ hai đội bóng này mỗi khi giao đấu đều rất nảy lửa, quyết liệt, diễn biến trong trận đấu trước đó được báo chí thời đó đánh giá: “Mỗi lần hai đội banh tên tuổi Faifo, Tourane ra quân quần chúng thể thao lại một phen hồi hộp vì cuộc đấu thường hoạt động. Chiều chúa nhật vừa rồi Tourane B lại gặp Faifo ở quận về. Tuy gọi là Tourane B nhưng hàng ngũ đều đủ chiến tướng hữu danh trừ Lan đau chân không chơi còn đủ cả Minh, Mua, Housset, Được, Đình. Trước sự dũng mãnh của Faifo, Tourane luôn luôn bị lấn đất nhưng nhờ thủ thành Thuyền gan dạ và điềm tĩnh nên tỷ số quân bình 1-1 ở hiệp đầu. Tái đấu Tourane gác thêm bàn thứ nhì. Faifo quật khởi cố gỡ trung phong Tứ tuy bị thương nhưng cũng cố dìu dắt anh em toàn đội nhờ vậy Faifo gỡ huề 2-2, rồi nâng tỷ số lên 3-2 chiếm phần thắng” (5). Theo Nam Phong (tác giả bài viết: Trung phong Trần Văn Tứ một huyền thoại của bóng đá xứ Quảng): Trong trận đấu, đội bóng Faifo bị chèn ép khi những pha đá xấu của đội Tourane luôn được trọng tài bỏ qua (Tourane là niềm hãnh diện của người Pháp một đội bóng được bảo hộ, còn Faifo được các cổ động viên người Việt dành cho nhiều tình cảm bởi tinh thần dân tộc và cả sự hào hoa trong lối chơi của các cầu thủ Hội An), trận đấu này đội bóng Faifo có sự góp mặt của trung phong Trần Văn Tứ, một cầu thủ tài năng, ông có miếng sở trường của con nhà võ, tung người ghi bàn vô lê rất có lực và chính xác. Trong một tình huống có bóng, trung phong Trần Văn Tứ của Faifo dẫn bóng đột phá dũng mãnh, qua mặt các hậu vệ của Tourane, thủ môn Thuyền (đội Tourane) lao ra nhưng Trần Văn Tứ nhanh chân hơn sút bóng tung lưới trước khi ngã gục xuống sân cỏ bởi một cú song phi đầy ác ý của thủ môn Thuyền. Sân vận động Hội An như muốn nổ tung trước tiếng reo hò, cổ vũ của các cổ động viên người Việt, trong khi Trần Văn Tứ, người ghi bàn thắng vào lưới Tourane nằm đau đớn trên sân. Đồng đội đưa ông ra ngoài sân để bác sĩ chăm sóc, nhiều người không khỏi lo lắng trước chấn thương khá nặng ở vùng bụng của trung phong Trần Văn Tứ, ông vẫn nén đau xin được đá tiếp. Chỉ ít phút sau khi vào sân Tứ lại ghi tiếp một bàn thắng nữa cho Faifo và trước khi trận đấu kết thúc, trung phong Trần Văn Tứ kiệt sức, gục ngã trên sân cỏ bất tỉnh. Mặc dù được bác sĩ cứu chữa nhưng do chấn thương quá nặng, ông đã qua đời khi chỉ mới 25 tuổi (6). Báo chí đưa tin bày tỏ sự thương tiếc về sự kiện này: “Trung phong của đội banh Faifo đã tạ thế, có quan Công sứ, quan Tổng đốc và nhiều quan chức khác trong tỉnh tiễn đưa Tứ đến chỗ yên nghỉ cuối cùng. Sau khi đá cho Faifo gặp Tourane về giải vô địch Trung kỳ, trung phong Tứ đã ghi một chiến công rực rỡ cho đội banh nhà. Nhà trung phong trẻ tuổi ấy còn hứa hẹn nhiều với tương lai. Nhưng không ngờ tài hoa mạng yểu. Sau trận đấu, Tứ đã ra người thiên cổ. Nguyên sau trận hôm đó, bệnh tình Tứ rất trầm trọng, quan thầy thuốc tận tâm cứu chữa nhưng tới khuya thứ bảy ngày 26 Fevrier (tháng 2) Tứ từ giã cõi đời. Lễ mai táng Trần Văn Tứ đã cử hành chiều hôm thứ hai 28 Fevrier rất long trọng, có quan Tổng đốc, quan án sát và quan bố chánh cùng các thần hào trong tỉnh tới đưa đám. Ai cũng ngậm ngùi thương tiếc Trần Văn Tứ và từ đây làng bóng tròn Trung kỳ mất một viên trung phong có hạng” (7).

Đội bóng đá Faifo quy tụ nhiều cầu thủ tài năng như: Đạt, Cũ, Đệ, Được, Minh, Xường, Khuê, Vàng, An-Iriani, Sung, Quang, Vầy, Tứ, Khá, Huê I, Huê II, Cần, Lenoir, Tửu, Khánh, Thứ, Tụy, Dậu, Dupuis, Chương, Tuy... Tùy vào mùa giải và trận đấu mà đội hình ra sân thi đấu của đội bóng đá Faifo cũng có sự thay đổi, dưới đây xin giới thiệu việc sắp xếp đội hình thi đấu của đội Faifo qua các năm:

- Trận đấu giữa đội S.E.P.S.H (Huế) và đội A.S Faifo (Hội An) diễn ra vào tháng 2/1933 tại Huế; trận này đội Faifo ra sân với trang phục áo vàng dọc lục, đội hình gồm có: thủ môn Diệp Truyền Anh, hậu vệ có Thêm, Phú, tiếp ứng (tiền vệ) có Nghĩa, Thứ, Ái, tiền đạo có Đương, Cư, Uýnh,  Huy, Đức (8), cụ thể đội hình được sắp xếp trên sân đấu như sau:

Đương - Cư - Uýnh - Huy - Đức
Nghĩa - Thứ - Ái
Thêm - Phú
Truyền Anh  (thủ môn)
- Trận đấu giữa đội A.S Faifo (Hội An) và Sport Touranais (Đà Nẵng) diễn ra vào năm 1937, trận đấu này đội bóng Faifo ra sân thi đấu trong trang phục áo màu đỏ (9), cụ thể đội hình được sắp xếp trên sân đấu như sau:

Khánh - Huê I - Tư II - Tửu - Huê II
Cần - Thứ - Tư I
Tú - Khá
      Vầy (Thủ môn)

- Trận đấu giữa đội A.S Faifo (Hội An) và Citad (Huế) vào năm 1939, trận đấu này đội bóng Faifo ra sân thi đấu trong trang phục áo màu xanh đậm (10), cụ thể đội hình được sắp xếp trên sân đấu như sau:

Huê II - Lenoir - Tư S - Tửu - Khánh
Được - Huê I - Cần
Tú - Khá
     Vầy (Thủ môn)

- Trận đấu giữa đội Tourane (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An) năm 1941 (11), cụ thể đội hình được sắp xếp trên sân đấu như sau:

Quang
Huê - Lenoir - Dupuis - Dậu
Thứ - Chương - Đinh
Vàng - Cũ
      Đạt  (Thủ môn)

- Trận đấu giữa đội A.S Faifo (Hội An) và A.S.N.A (Vinh) tại Huế vào tháng 12/1942, đội Faifo ra sân trong trang phục áp màu trắng, đội hình thi đấu gồm: Đạt, Cũ, Vàng, Cửu, Tụy, Xường, Huê, Dậu, Tứ, Lenoir, Bu.
 
Các trận đấu diễn ra tại sân vận động Faifo (Hội An) luôn thu hút một lực lượng khán giả khá đông, như trận đấu giữa đội Sepsh (Huế) và đội Faifo (Hội An) vào chiều chủ nhật ngày 20 tháng 08 năm 1933 có tới vài ngàn người đến xem, trong đó có cả quan Chánh, Phó sứ và các quan Nam triều (12); báo chí đưa tin: chiều Chủ nhật ngày 29 tháng 01 năm 1939 tại sân Stade Faifo (tranh giải vô đich Trung Kỳ) giữa đội Sportive Faifo và Citad Sport Huế (7-1), khán giả kéo đến xem chật sân, đội hình ra sân của đội Faifo như sau (13):
 
Khánh - Tửu - Tứ - Lenoir - Huê II
Cần - Huê I - Được
Khá - Tú
   Vầy (Thủ môn)
 
Năm 1936, tại sân vận động Faifo (Hội An), đội bóng đá Faifo đã thắng đội bóng đá SEPSH (Huế) với tỉ số áp đảo 3-1. Sân vận động Faifo (Hội An) lúc đó là sân cát, không phải sân đất cứng, khi thủ môn phát bóng lên phải dùng tay vun đất cát lên thành ụ rồi đặt bóng lên đó mà sút bóng lên.

Tháng 3/1939, tại sân vận động Faifo (Hội An) diễn ra trận đấu giao hữu giữa đội bóng đá Faifo và đội SEPSH (Huế), trận đấu kết thúc với tỉ số 2-0 phần thắng nghiêng về đội Faifo, đội bóng SEPSH vắng hai cầu thủ hay là Tương (hậu vệ) và Gà (tiếp ứng), đôi Faifo cũng vắng Tửu và Huê. Ngày 3/12/1937 tại sân vận động Hội An, đội AS Faifo gặp đội Stade Olympique Huế trong cuộc tranh vô địch Trung kỳ mùa 1937 – 1938, trận đấu kết thúc với tỉ số 5-1 nghiêng về đội AS Faifo, đội hình ra sân đội AS Faifo như sau:
 
Khánh - Huê 1 - Tư II - Tửu - Huê 2
Cần -  Thứ - Tư I
Khá - Tú
 Vầy (Thủ môn)
 
Tại sân Faifo (Hội An) tháng 12/1937 đã diễn ra trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch Trung Kỳ giữa đội bóng đá A.S Faifo và Sport Touranais, trận đấu kết thúc với tỉ số 6-2, phần thắng nghiêng về đội A.S Faifo. Đội hình ra sân thi đấu đội Faifo (14):

Khánh - Huê I -  Tư II - Tửu - Huê II
Cần - Thứ - Tư I
Tú - Khá
  Vầy (Thủ môn)
 
Đội bóng đá Faifo (Hội An) thời đó có sở trường đá trên sân đất cát, khô ráo, nếu gặp trời mưa đọng nước thường đá không được đúng phong độ, hôm đó trời mưa khiến khán giả khá lo ngại cho đội Faifo nhưng cuối cùng đội lại thắng giòn giã. Đội Olympique Huế đá thiên về sức mạnh, lấn lướt nhưng gặp đội Faifo có lối đá thiên về ban bật banh sệt nên nhiều lần làm cho đội bạn phải vất vả trong việc giành lại quyền kiểm soát trái bóng.

Ngày 28/9/1941, trên sân vận động Hội An đã diễn ra trận đấu giữa đội Thuận An Sport  và Faifo (hòa 1-1), trận đấu này đội Faifo ra sân với trang phục áo màu xanh, đội hình có: Đạt, Cũ, Đệ, Được, Minh, Xường, Huê, Vàng, An-Iriani, Sung, Quang. Trận đấu này mặc dù là sân nhà nhưng đội bóng Faifo bị trọng tài bắt ép đến nỗi khán giả bất bình liên tục (15).

Với dàn cầu thủ có chất lượng, đội bóng đá Faifo đã gặt hái được những thành công nhất định tại khu vực miền Trung, do đó, một số cầu thủ nổi bật của đội bóng thường xuyên góp mặt trong đội hình đội bóng đá Trung Kỳ để thi đấu cúp; vào năm 1936, gần như toàn bộ cầu thủ đội bóng Faifo là thành viên của đội tuyển Trung Kỳ đi thi đấu cúp Sylestre ở Nam Vang (Campuchia), trước đó chính quyền Trung Kỳ đã tổ chức trận đấu để tuyển chọn cho đội tuyển, giữa đội bóng đá SEPSH (Huế) và A.S Faifo (Hội An), trận đấu này kết thúc với phần thắng nghiêng về đội bóng Faifo (tỉ số 3-1) đội SEPSH (Huế) lúc đó là đương kim vô địch Trung Kỳ, sau khi chiến thắng trận đấu, người hâm mộ bóng đá Hội An rất phấn khởi, họ đốt pháo, reo hò, mở tiệc chiêu đãi các cầu thủ (16). Năm 1939, đội bóng đá Faifo có ba cầu thủ được chọn vào đội tuyển Trung Kỳ đi thi đấu giải Léo Lagrange ở Nam Vang (Campuchia) như: Xường, Tứ và Thứ (17).
         
Qua những thông tin trên có thể thấy được bóng đá Hội An trong lịch sử đã từng có được những thành công nhất định, những trận đấu để đời với những cầu thủ tài năng đã góp phần tạo nên danh tiếng cho đội bóng đá Faifo nói riêng và thể thao Hội An chung bên cạnh những môn thể thao khác như điền kinh, võ thuật,... Trong thời gian tới cần tiếp tục sưu tầm tư liệu liên quan đến bóng đá Hội An thời kỳ này nhằm có cơ sở nghiên cứu sâu hơn để làm rõ bức tranh bóng đá Hội An trong lịch sử, góp phần gìn giữ, lưu lại những thông tin về đội bóng đá lừng danh một thời của phố cổ Hội An.

* Tài liệu tham khảo và chú thích:

- (1) Bóng đá tại Việt Nam, Lê Văn Tâm

- (2) Tên một số đội bóng tại Vinh, Quảng Ngãi, Nha Trang, Đà Lạt hiện nay chưa tra được tên đầy đủ nên tạm thời dùng tên viết tắt.

- (3) Tràng An báo, Số 483, 26/12/1939 (Tài liệu lưu trữ tại Thư việc Quốc gia Việt Nam).

- (4) Trung Hòa nhật báo, số 533, 24/11/1927 (Tài liệu lưu trữ tại Thư việc Quốc gia Việt Nam).

- (5) Sài Gòn, số 16581, 8 tháng Ba 1944 (Tài liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam).
 
- (6) https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/Trung-PhongTran-Van-Tu-Mot-Huyen-thoai-cua-bong-da-xu-Quang-339.html

- (7) Sài Gòn, số 16587, 15 Tháng Ba 1944 (Tài liệu lưu trữ tại Thư việc Quốc gia Việt Nam).

- (8) Hà Thành ngọ báo, Số 1644, 25 Tháng Hai 1933 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).

- (9) Sài Gòn, số 1279, 20/12/1937 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).

- (10) Sài Gòn, số 141103, 4 Tháng Hai 1939 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).
 
- (11) Tràng An báo, số 892, 06/11/1941 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).
 
- (12) Hà Thành Ngọ báo, Số 1793, 26 tháng 8 năm 1933 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).
 
- (13) Sài Gòn báo, Số 141103, 4 Tháng Hai 1939 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).
 
- (14) Sài Gòn báo, Số 1279, 20 Tháng Mười Hai 1937 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).

- (15) Tràng An báo, Số 862, 1 Tháng Mười 1941 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).
 
- (16) Tràng An báo, Số 168, 27/10/1936 (Tài liệu lưu trữ tại thư viện quốc gia Việt Nam).

- (17) Tràng An báo, Số 474, 24/11/1939 (Tài liệu lưu trữ tại Thư việc Quốc gia Việt Nam).

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây