Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một số sự kiện liên quan đến Hội An vào năm Hợi qua các tư liệu lịch sử

Với vị thế địa lịch sử - văn hóa, Hội An từ rất sớm là nơi giao thương, buôn bán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vào thời kỳ Champa - Lâm Ấp phố, Hội An đã là một thương cảng có thuyền buôn nước ngoài đến thường xuyên và đã có một số tác phẩm mô tả, giới thiệu nhiều thông tin quý giá về Hội An trong Tấn thư, Đường thư, một số thư tịch cổ Ả Rập. Đặc biệt lúc Hội An là thương cảng quốc tế phát triển cực thịnh vào thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi đến thời kỳ Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn đã có nhiều tác phẩm lên quan đến Hội An được xuất bản như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hải ngoại ký sự, Xứ Đàng Trong năm 1621... Các tư liệu này là nguồn sử liệu độc đáo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về vùng đất Thuận Quảng nói riêng, xứ Quảng Nam nói chung vào thế kỷ XVII - XVIII, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến Hội An vào năm Hợi được ghi chép trong Đại Nam thực lục, Hải ngoại ký sự, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên...
Năm Ất Hợi - 1695      

          Thiền sư Thích Đại Sán đến Hội An, ông đã miêu tả khá tỉ mỉ về phong cảnh tập quán, tình hình sản xuất, thương mại ở Đàng Trong trong tác phẩm “Hải ngoại kỷ sự” như sau: “...Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh). Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mãi. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố; cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc. Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập họp mua bán suốt ngày. Thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây. Đại ước Hội An đông nam bắc ba mặt gần biển, chỉ có phía tây đường núi liên tiếp, thông Tây Việt và Đông Kinh. Vì thế cách phía tây chừng mười dặm có đặt một nha trấn thổ như Vương phủ để phòng ngự lân bang. Khách trú đông đảo, sống thì làm ăn, đến lúc lâm chung, bơ vơ lữ thấn, nắm xương đành gửi quê người…”

          Cũng trong năm 1695, Thomas Bowyear đến Đàng Trong và có những ghi chép về Hội An được đăng trong tập sách Những người bạn cố đô Huế, tập VII năm 1920 như sau: “Faifo nằm cách cửa sông khoảng ba dặm. Đây là một con đường phố, dọc theo sông, có hai dãy nhà, khoảng chừng 100 ngôi nhà, của người Trung Hoa, ngoại trừ bốn hoặc năm gia đình người Nhật. Mấy người Nhật này, ngày xưa , là cư dân chính yếu, và là những người làm chủ việc bán buôn tại cảng. Nhưng vì số người giảm đi và họ sa sút, nay việc buôn bán là do người Trung Hoa, với mười cho đến mười hai chiếc thuyền là tối thiểu cứ hàng năm đến đây từ Nhật Bản, Quảng Đông, Xiêm La, Cao Miên, Mani và gần đây là Batavia”.

Năm Kỷ Hợi - 1719
         
          Theo sách Đại Nam thực lục cho biết: “Chúa Nguyễn Phúc Chu đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhận thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”. Sự kiện này đã được nhắc lại trong tác phẩm Đại Nam nhất thống chí, mục cầu đò: “ xã Cẩm Phố về phía tây phố Hội An huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía nam đổ vào sông cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói, hai bên cầu bày hàng mua bán, nên gọi là cầu ngói. Năm Kỉ Hợi thứ 28 Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là cầu Lai Viễn và viết chữ khắc biển vàng ban cho, nay vẫn còn”.

Năm Ất Hợi - 1755

          Theo sách Đại Nam thực lục cho biết, việc thu thuế thuyền buôn tại Đàng Trong, trong đó có Hội An được ghi chép như sau: “... Vì xứ Thuận Hóa Quảng Nam bờ biển kéo dài, người các nước đến buôn nhiều nên đặt quan cai trị để đánh thuế. Thể lệ như sau : Thuyền Thượng Hải mới đến nộp 3.000  quan, khi về nộp 300 quan; thuyền Quảng Đông mới đến nộp 3.000 quan, khi về 300 quan; thuyền Phúc Kiến mới đến nộp 2.000 quan, khi về 200 quan; thuyền Hải Đông mới đến 500 quan, khi về 50 quan; thuyền Tây Dương mới đến 8.000 quan, khi về 800 quan; thuyền Mã Cao, Nhật Bản mới đến 4.000 quan, khi về 400 quan; thuyền Xiêm La, Lữ Tống mới đến 2.000 quan, khi về 200 quan. Thuyền nào giấu giếm hàng hóa thì có tội, tịch thu thuyền và hàng hóa sung công. Thuyền không có hàng hóa thì không vào cửa biển. Đại ước hằng năm số tiền thu thuế ít là không dưới một vạn quan, nhiều là hơn ba vạn quan, chia làm 10 thành, lấy 6 thành nộp kho, còn 4 thành cấp phát cho quan lại và quân nhân...”
         
Năm Kỷ Hợi - 1839

          Dưới thời vua Minh Mạng, có nạn cướp ở cửa Đại Chiêm, đón cướp thuyền công giải của kho của tỉnh Quảng Ngãi, Suất đội Nguyễn Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết 4 tên giặc, cứu được 2 chiếc thuyền buôn. Vua Minh Mạng nghe tin, ngợi khen thưởng cho quan quân ở chuyến đi ấy được kỷ lục và tiền có từng bậc. Lại phái một Quản vệ bộ binh hai Suất đội Thuỷ sư ở Kinh và trên 90 biền binh, chia ngồi thuyền phòng dương, thuyền hiệu Tuần hải, đi ngay đuổi bắt, định cứ bắt được một chiếc thuyền giặc, thưởng cho 500 quan tiền.

Năm Kỷ Hợi - 1899

          Theo sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, vào thời vua Thành Thái thứ 11, định ra những việc cần làm để chỉnh lý các thị xã, trong đó có Hội An ở Quảng Nam: “… Mỗi thị xã phải có ngân sách thu chi riêng, vẫn do quan phủ tỉnh giúp đỡ quý Trú sứ bàn nghĩ lập thành sổ sách đệ lên trước ngày 1 tháng 12 Tây lịch hàng năm để Khâm sứ đại thần cùng Cơ mật viện duyệt định sẽ phát hồi tuân biện. Ngân sách ấy đã được duyệt, nếu trong đó có khoản nào phải thay đổi thì trình lại quý Khâm sứ đại thần với bề tôi Cơ mật viện nghĩ đổi định. Lại ngoài hai khoản thuế đinh điền thu riêng nhập vào tổng sách thì các hạng thuế ở thị xã như thuế dọn rác, tiền phạt bắt nhốt súc vật chạy rông, thuế lò mổ, thuế hiệu cầm đò, các khoản thuế chợ, thuế xe tay và các hạng xe chở thuê nhất thời đều giao cho quý Khâm sứ đại thần bàn với bề tôi Cơ mật viện nghĩ định. Thuế trưng thu bất thường đều do các thị xã ấy thu biện, tới như các hạng thuế cửa hiệu buôn bán và nghề khác sẽ bàn nghĩ riêng. Còn các khoản mà thị xã ở các phủ tỉnh cần chi tiêu như đèn đường, tuần phòng thị xã, sửa sang đường sá, dọn rác, thiết lập trường học và Sở Tế bần, giữ gìn đất mộ cùng tất cả những việc có ích cho thị xã, xây dựng tu bổ và chọn người giữ gìn các nha sở đền miếu trong thị xã đều do ngân sách thu chi của thị xã chi biện, nếu không đủ sẽ do quý Khâm sứ đại thần nghĩ cách giúp đỡ. Về việc tính toán các khoản trong ngân sách thu chi chuẩn do quý Khâm sứ đại thần chỉ thị tuận biện cho được ổn thỏa…”.

          Cũng trong tác phẩm này, theo Dụ chỉ của vua Thành Thái 11 về việc thành lập các thành phố ở Trung Kỳ bằng một sự tổ chức mang tính chất quyết định. Sự tổ chức này sẽ được áp dụng ở các khu trung tâm của Thanh Hoá, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết, những nơi mà sẽ không có nguồn vốn riêng. Theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, vào ngày 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương của Pháp đã ký Nghị định về việc thành lập các đô thị nói trên, trong đó có Hội An.

          Cũng trong năm này, trong Đại Nam thực lục đã ghi chép về việc chuẩn cho các xã ấp ở giữa hai phủ huyện Điện Bàn Hòa Vang tỉnh Quảng Nam đều chiểu theo địa thế nối liền mà thay đổi sáp nhập để tiện cho dân, trong đó có 3 giáp Đông Tây Nam Thanh Châu và 7 xã Đại An, Hà Quảng cùng 9 giáp Phước Trạch, Để Võng, Tân Hợp huyện Hòa Vang sáp nhập vào tổng Phú Triêm phủ Điện Bàn.
 
 
 

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây