Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một số đồ án trang trí trên cấu kiện gỗ trong các công trình kiến trúc ở Hội An

Chạm trổ trên gỗ là một hình thức trang trí được cư dân Hội An tận dụng tối đa. Như muốn phô trương tài nghệ, trong quá trình tạo dựng nhà cửa, các hiệp thợ ở Hội An đã thi nhau chạm trổ lên các cấu kiện gỗ, nhất là ở các phần lộ ra bên ngoài. Đồ án trang trí vì thế cũng rất phong phú, thể hiện sự giao lưu giữa các phong cánh kiến trúc từng có mặt ở Hội An.
          - Đồ án sóng - nước: Xuất hiện với tần số cao, thể hiện đặc trưng sông nước của cư dân Hội An. Mặt khác, sóng - nước có ưu thế về mặt tạo cảm giác uyển chuyển, thanh thoát cho các cấu kiện gỗ, do đó đựơc ưa thích. Đôi khi có sự kết hợp giữa sóng - nước và hoa dây.

          - Đồ án hoa  - dây: Cùng với sóng - nước, hoa dây là mô típ xuất hiện phổ biến ở Hội An. Hoa dây Hội An là sự kết hợp nhiều phong cách. Ở đây có hoa dây kiểu thời Lê với đặc trưng thanh thoát, mềm mại, kiểu thời Nguyễn với sự cách điệu hoa dây thành các con vật, thành mây, thành sông nước. Thường là hoa sen, hoa cúc, hoặc có khi là sự kết hợp khó phân biệt.

          - Đồ án mây cuộn: Xuất hiện với tần số ít hơn ở nhà dân dụng, ngược lại, ở các di tích tôn giáo tín ngưỡng mô típ này xuất hiện khá nhiều.

          - Đồ án giao long: Các đuôi kèo, bông trính thường tạo dáng đầu một con vật nửa rồng, nửa rắn, dân gian gọi là con Cù. Con Cù là vật huyền thoại, gắn với sự tích Chùa Cầu vẫn được dân gian truyền miệng. Ở các di tích dân dụng, hình ảnh con vật này lại xuất hiện. Phải chăng, do đây là con vật linh thiêng, gắn với sức mạnh sông nước nên cư dân Hội An đã chạm vào các đầu kèo, trính với ước mơ nhờ đó có thể tránh được hỏa hoạn. Việc đưa một số con vật gắn với truyền thuyết “trị hỏa” lên nóc nhà hoặc kèo, cột là hiện tượng thường thấy ở các nước phương Đông. Cũng với ý nghĩa này, vùng Nam - Trung Hoa phổ biến có hiện tượng đắp hình cá lên nóc nhà, nóc cung điện, chùa chiền và hiện tượng này đã có ảnh hưởng nhất định đến một số di tích ở Hội An.

          - Đồ án như ý và dải lụa: Xuất hiện phổ biến ở các vì vỏ cua: Hai chiếc như ý tạo thành hệ kèo và thường có dải lụa uốn lượn xung quanh, hai tua xõa xuống bám vào thân cột. Có thể nói rằng, đây là sự sáng tạo của người thợ Hội An khi giải quyết vấn đề công năng và thẩm mỹ. Dải lụa cũng như mây cuộn, sóng nước có tác dụng làm không gian kiến trúc trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển, ưa nhìn. Đồ án này gắn với ước mơ “vạn sự như ý”, “bình an như ý”, “song toàn như ý” của cư dân Hội An. Hình tượng hóa ước mơ bằng các tác phẩm chạm trổ là hiện tượng cần chú ý khi tìm hiểu đặc trưng thẩm mỹ nhà phố Hội An.

          - Đồ án cá chép:  Cá chép là con vật tượng trưng cho sự giàu có, đầy đủ. Tranh dân gian với đề tài “phú quí” thường vẽ một chú bé bồng trên tay một con cá chép. Cá chép lại gắn với sự tích “vượt vũ môn” thể hiện ước mơ thành đạt, ý chí vượt khó của dân gian. Do tính chất này, nên đồ án cá chép được cư dân phố thị ưa chuộng. Điều đáng nói ở đây là một số hình tượng cá chép được chạm trổ rất công phu, thể hiện tài nghệ và khả năng sáng tạo của người thợ Hội An. Vào thăm những ngôi nhà phố Hội An, đến trước bẩy hiên hình con cá chép, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Dù phải làm một công việc nặng nhọc là đỡ mái hiên, nhưng tại đây, cá chép trông vẫn nhẹ nhàng, sinh động với tư thế ngực tì vào cột, đuôi vươn lên đỡ các đòn tay hiên. Ở đây xuất hiện 2 yêu cầu: Chọn cho cá chép một tư thế phù hợp với công năng kiến trúc, đồng thời phải gia công tạo tác sao cho cá chép sinh động “y như thật”. Hai yêu cầu này được những hiệp thợ mộc Kim Bồng giải quyết đạt mức tối ưu. Ngoài bẩy hiên, cá chép còn được để tạo dáng vì vỏ cua, để làm miệng xối thoát nước.

          - Đồ án dơi: Dơi là con vật xuất hiện khá phổ biến ở nhà phố Hội An, được sử dụng để tạo dáng các chi tiết, các bộ phận kiến trúc như bẩy hiên, con đội, tay ngai, gia thu, để trang trí ở các bức quả, vách ngăn, ô cửa… Dơi là con vật tượng trưng cho phúc,  một trong tam đa (Phúc - Lộc - Thọ), do chữ bức (蝠) có tự dáng giống chữ Phúc (福). Dơi được chạm trổ với các tư thế: Dơi ngậm vòng ngọc (dơi hàm ngọc), dơi ngậm đồng tiền (Phúc - Lộc), dợi ngậm chữ Thọ (Phúc - Thọ), dơi - mây, ngũ phúc (5 con dơi đang bay, tượng trưng cho phúc, lộc, thọ, khang ninh, khảo chung mạng)... Hình dơi còn được sử dụng để tạo dáng bẩy hiên, vì vỏ cua.

          - Đồ án bát quả: Gồm đào, lựu, mận, lê, phật thủ, bầu, bí. Tính linh hoạt thể hiện ở chỗ không nhất thiết phải chạm trổ theo đúng qui định truyền thống, thường được sử dụng với số lượng ít hơn, 4, 5 hoặc 6. Một số loại quả xuất hiện với tần số cao: Lựu gắn với ước mơ đông con (lựu khai bách tử), đào với ước mơ trường thọ, bầu, bí thể hiện sự sinh sôi, phát triển...

          - Đồ án bát bửu: Có sự kết hợp giữa bát bửu của Nho, Lão và một số hình tượng khác như vỏ ốc, ngà voi. Sự không thuần nhất này là kết quả tất yếu của hiện tượng giao lưu. Đồng tiền, một trong bát bửu Lão giáo xuất hiện khá phổ biến do là một vật gần gũi, gắn với ước mơ mua may bán đắt của nghề buôn.

          - Đồ án chữ Hán: Thường chạm các chữ Phước (福), Lộc (祿), Thọ (壽) được cách điệu thành nhiều dạng khác nhau. Một số hoa văn cũng được tạo dáng từ các chữ Công (工), chữ Hồi (回), chữ vạn (卍). Đôi khi người ta chạm cả một bài thơ lên các cánh cửa, các ô hộp ở buồng khoa...

          - Các đồ án khác:  Một số ngôi nhà còn xuất hiện các đồ án như “Ngư - Tiều - Canh - Mục (hoặc độc)” “Tứ hữu” (Mai - Lan - Cúc - Trúc), “Tứ thời” (tùng - hạc hoặc nai - hạc, mai - điểu, liên - áp, kê - cúc hoặc trĩ - cúc), “cá vượt vũ môn”...

          Nhìn chung các đồ án trang trí ở kiến trúc dân dụng ở Hội An khá phong phú. Sự phong phú này là kết quả của quá trình chung sống, giao lưu văn hóa giữa các thành phần cư dân và có thể được xem như là một đặc điểm về kiến trúc nói riêng, văn hóa nói chung.
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây