Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một số đặc trưng văn hóa Hội An thời kỳ các chúa Nguyễn

Thời kỳ các chúa Nguyễn “cát cứ” ở Đàng Trong là thời kỳ phát triển “vàng son” của thương cảng Hội An. Thông qua nhiều tư liệu thành văn cũng như qua các kết quả khảo cổ học tại Khu phố cổ nói riêng, Hội An nói chung, có thể hình dung được rằng: dưới thời các chúa Nguyễn ở trung tâm Hội An có hai khu phố chính, nơi diễn ra buôn bán sầm uất, tấp nập hàng hóa đó là khu phố của người Nhật và khu phố của người Hoa (phố Khách). Vấn đề này càng được khẳng định hơn thông qua ghi chép của giáo sĩ C.Borri như sau: “Chúa Đàng Trong xưa kia người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố... Thành phố này gọi là Faifo, một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và có lối sống theo tập tục riêng...”.
Về văn hóa làng xã - tộc họ: Xuyên suốt quá trình lịch sử Hội An là một “thành phố đặc thù” đó là “phố làng”, trong phố có làng. Thực tế đã chứng minh là dưới thời các chúa Nguyễn, thương cảng Hội An có “hai thành phố” của người Nhật và người Hoa. Hai thành phố này nằm chủ yếu trên đất của các xã Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô; tuy mỗi phố, mỗi cộng đồng người (Việt - Hoa - Nhật) đều có nếp sống riêng, nhưng trên “mặt bằng chung” họ chủ yếu vẫn sống theo lối làng xã với những quan hệ thân thiện, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và đều có thinh thần “tôn lão kính thượng” không khác gì các làng xã ở nông thôn. Điều này rất hiếm thấy ở những nơi phố thị, mà đặc biệt là ở một thương cảng quốc tế như Hội An. Thông qua một số gia phả hiện tồn của một số tộc họ còn hình dung được phần nào quan hệ thân tộc của cư dân Hội An dưới thời các chúa Nguyễn.

Tộc họ có vai trò hết sức quan trọng đối với việc hình thành làng xã cũng như xã hội nói chung. Mỗi dòng tộc đều có những giai đoạn hình thành sớm muộn khác nhau. Ban đầu, vị Thuỷ tổ đến khai cơ lập nghiệp, định kế mưu sinh thì số lượng nhân khẩu ít, sau đó dần dần sinh con đẻ cháu ngày một đông, khi đó mới hình thành tộc họ và tổ chức dòng tộc bắt đầu được thiết lập. Từ đó mới xây dựng từ đường để thờ cúng tổ tiên, mới hình thành Hội đồng gia tộc để điều hành công việc tộc họ.

Ngoài việc thờ gia tiên tại gia, các tộc đều xây dựng từ đường để thờ cúng ông bà tổ tiên và làm nơi giỗ chạp, cúng tế chung của dòng họ. Từ đường là nhà thờ “đại tộc” là nơi thờ từ vị thủy tổ trở xuống, nơi thờ bộ gia phả gốc và là nơi diễn ra đại hội tộc của cả dòng họ. Ngoài ra, còn các nhà thờ chi phái của các nhánh được tách ra do số lượng con cháu quá đông. Ở đây chỉ thờ từ các ông Cao tổ đầu chi đầu phái. Các chi phái đều có ngày cúng tế riêng và thông thường gia phả chỉ chép phần chi phái riêng của họ.

Đối với các tộc họ, gia phả được xem như là vật quý của dòng họ vì nó không những đơn thuần ghi tên tuổi của người trong họ mà nó như là một “bộ sử” ghi chép ngày sinh tháng đẻ, ngày mất, vị trí mộ phần, công trạng hành tung lúc sinh thời của nhiều đời trong dòng họ. Mà còn ghi chép cả về quá trình di cư của họ đến phố Hội An và nhiều vấn đề khác liên quan đến Hội An qua các thời kỳ như: các nạn lũ lụt, nạn đói, cháy chợ, xây dựng đền đài...  Hiện nay, nhiều gia tộc ở Hội An còn giữ được những bộ gia phả rất giá trị như gia phả tộc La, tộc Trần, tộc Trương, tộc Châu, tộc Lưu, tộc Lê,... Trong số đó một số gia phả được ghi chép và mang từ Trung Quốc sang.

Đối với các tộc họ người Việt, gia phả được cất giữ nghiêm ngặt tại từ đường, mỗi năm chỉ được mở xem một lần vào ngày chạp mã hay hội tộc để tế tổ và giải đáp những thắc mắc của con cháu trong tộc về quan hệ bà con hoặc ngôi thứ xưng hô. Người có trách nhiệm mở gia phả là tộc trưởng. Riêng đối với người Hoa và một số tộc họ người Minh Hương thì ngược lại, họ thường sao gia phả thành nhiều bản rồi giao cho những người con trai lưu giữ để họ có điều kiện hiểu biết kỹ hơn về dòng họ, đồng thời họ có nhiệm vụ truyền đạt các kiến thức cũng như truyền thống của dòng họ cho con cháu đời sau.

Mỗi dòng họ đều có tổ chức chặt chẽ, có Hội đồng Gia tộc để điều hành mọi hoạt động của tộc họ. Đứng đầu Hội đồng Gia tộc là trưởng tộc, là người chủ trì đề xướng mọi việc trong tộc. Mỗi tộc họ có một ngày giỗ tổ riêng, nhưng thường tập trung vào những tháng cuối năm. Ngày giỗ tổ gọi là chạp mả, đây là ngày cúng tế trọng đại nhất của một tộc họ. Đây là ngày mà toàn thể con cháu, bà con nội ngoài xa gần tập trung về nhà thờ để cúng tế, tưởng niệm ông và tổ tiên, đồng thời thông qua đó càng làm khắn khít thêm tình huyết thống máu mủ trong bà con dòng họ. Đây là dịp hiếm có để mọi người xa gần gặp gỡ thăm hỏi, động viên nhau vượt khó trong cuộc sống hiện tại.

Các tộc họ người Việt thường chọn một chữ lót duy nhất để phân biệt dòng họ và nhận biết bà con thân thuộc như: Huỳnh Đắc, Huỳnh Đắc tộc; Nguyễn Tường, Nguyễn Tường tộc; Trần Trung, Trần Trung tộc...  tất cả con cháu trong dòng họ đều phải sử dụng chữ lót đã chọn để đặt vào tên mình. Riêng đối với người Minh Hương và người Hoa, để phân định thế hệ và tôn ty trong dòng họ, họ dùng một bài thơ hoặc một câu đối thờ trong từ đường, cứ mỗi đời dùng một chữ trong bài thơ/ câu đối đó làm chữ lót để làm dấu hiệu nhận biết bà con và ngôi thứ xưng hô trong dòng họ. Thậm chí những tộc có cùng họ nhưng khác nguồn gốc thì cũng có hai bài thơ/câu đối phân định thế hệ khác nhau. Điển hình là hai tộc Trương của xã Minh Hương: tộc Trương Đôn Mục đường có câu đối là: “Tẩy Thế Doãn Hoằng Tấn - Tân Thức Vĩnh Ngọc Kim”; câu đối của tộc Trương Đôn Hậu đường là: “Mậu Thừa Chí Đồng, Hoài Đình Duy Bách Thế - Hiếu Hữu Truyền Hậu, Tự Phái Diễn Vạn Niên”.

Trong nhiều năm điều tra, khảo sát về các dòng tộc ở Hội An đã thu thập được khá nhiều các bộ gia phả và tài liệu liên quan, những nguồn tư liệu này thực tế đã cung cấp khá nhiều thông tin về tộc họ nói riêng, về tình hình Hội An nói chung. Nhưng chưa tìm thấy bản hương ước, tộc ước nào mặc dù các tộc họ ngoài việc xây dựng từ đường của gia tộc mình, họ còn xây dựng hương hiền làm “nhà thờ” chung của chư phái tộc và là thiết chế sinh hoạt chung của cả làng. Phải chăng tình hình an ninh trật tự của Hội An quá tốt, con người Hội An tự ý thức được nghĩa vụ quyền hạn của mình nên không cần phải có các văn bản pháp quy để ràng buộc họ ? Riêng chúng tôi chỉ tìm thấy một số ít các văn bản mang tính chất quy định chung của xã Minh Hương và bản Công nghị điều lệ của Dương Thương hội quán được khắc bia dựng tại Dương Thương hội quán tức Trung Hoa hội quán vào năm Vĩnh Hựu thứ 7.

Về phong tục - tập quán: Hội An nổi tiếng là nơi buôn bán dễ dãi, xâu thuế nhẹ nhàng, nam canh nữ chức, tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương đều muốn kết cư lập nghiệp” (trích Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn), do đất Hội An yên bình, thuần hậu như vậy nên hầu hết người Việt, Hoa, Nhật cùng nhau gắn bó chung sống hòa bình trên mảnh đất hẹp người đông này. Để thấy rõ hơn con người Đàng Trong nói chung, Hội An nói riêng, giáo sĩ C. Borri đã ghi chép như sau: “từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng, như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống chung trong một nhà, mặc dầu trước đó chưa bao giờ họ thấy nhau, biết nhau. Họ coi là một nết rất xấu, nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mọn mà không chia sẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng. Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối, họ coi như bị ràng buộc bởi phép công bằng...”.

Về phong tục tập quán, mặc dù cùng chung sống lâu dài tại một thương cảng trên đất Việt, bên cạnh những thói quen chung, mỗi cộng đồng người lại có những tập tục riêng vốn có của mình, chẳng hạn như người Việt tùy theo những phong tục tập quán được mang theo trong quá trình di cư, Nam tiến. Người Hoa và người Nhật cũng vậy, mỗi phố của họ đều “có một khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo phong tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy...” (trích Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri). Do người Nhật về nước quá sớm, sử sách lại ít ghi chép về phố Nhật nên những hiểu biết về phong tục của người Nhật tại phố Hội An vẫn còn hạn chế. Nhưng thông qua những hình vẽ từ bức tranh “Giao chỉ quốc Mậu dịch độ hải đồ” của dòng họ Chaya (Nhật Bản) mô tả cảnh phố Nhật ở Giao chỉ phần nào hình dung được cách ăn mặc của người Nhật là họ mặc Kimono, thường ngồi với tư thế quỳ như vẫn còn lưu truyền đến nay. Riêng người Hoa thì có thời gian sinh sống tại Hội An lâu dài hơn nên hiểu biết về những nếp sống của họ vẫn còn khá rõ. Dưới thời các chúa Nguyễn, người Hoa ở Hội An chủ yếu ăn mặc theo y phục thời Minh như Thích Đại Sán đã mô tả trong Hải Ngoại kỷ sự “... Đại Đường nhai, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều là người Phúc Kiến, ăn mặc vẫn theo lối tiền triều...”. Quan hệ hôn nhân trong thời kỳ này cũng có nhiều điều đáng lưu ý. Người Minh  Hương do nhập quốc tịch Việt, được phép lập làng xã, được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi của một người công dân Việt nên việc cưới hỏi của họ vẫn tuân theo các quy định của người Việt. Riêng người Hoa (khách trú) thì họ chỉ cho phép con trai cưới vợ Việt nhưng không cho phép con gái lấy chồng Việt (trừ một số trường hợp đặc biệt). Tình trạng đó kéo dài khá lâu mãi cho đến những năm đầu của thế kỷ XX.

 Về văn hóa ở (văn hóa kiến trúc): Tuy những công trình kiến trúc hiện đang tồn tại chủ yếu là các công trình của thể kỷ XIX, nhưng thông qua tư liệu có thể hình dung được lối kiến trúc trong thời kỳ này chủ yếu là kiến trúc gỗ với lối nhà dài gồm nhiều nếp, khoảng cách giữa các nếp có một khoảng sân trống để lấy ánh sáng và không khí.

Di tích kiến trúc ở phố Hội An rất phong phú, đa dạng về loại hình được xây dựng với nhiều chức năng sử dụng khác nhau như để ở, buôn bán, thờ cúng,... bao gồm nhà thờ tộc, nhà ở, đình, chùa, hội quán, cầu, giếng,... Phần lớn lối kiến trúc của các di tích đều thể hiện sự đan quyện tài tình, sự giao lưu hội nhập hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật và đó là sự tiếp thu chọn lọc tài tình của người Hội An trong suốt hàng mấy trăm năm, họ đã tạo ra được một phong cách riêng, đó là “phong cách Hội An”.

Nét nổi bật của quần thể di tích kiến trúc Hội An là giàu tính nghệ thuật - thẩm mỹ, đây là sự kết tinh sáng tạo nghệ thuật của cư dân địa phương qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Hầu hết trên các di tích đều có điêu khắc, chạm trổ các đồ án trang trí, đây là những biểu tượng văn hóa vừa để trang trí làm tăng vẽ thẩm mỹ của ngôi nhà, vừa bày tỏ sự ước mơ mong muốn tốt đẹp của các chủ nhân di tích. Những đồ án trang trí tiêu biểu thường gặp là: Dơi biểu tượng cho phúc; rồng mây biểu tượng cho sự thăng hoa, phát đạt; cá chép biểu tượng cho phú quý giàu có; đào lựu, phật thủ biểu tượng cho Tam Đa... Những đồ án đó được điêu khắc, chạm trổ hết sức tài tình, sống động, đây là nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo thể hiện sự tài hoa sáng tạo của các nghệ nhân người Hội An xưa.

Trong khi xây dựng những di tích ở Hội An, bên cạnh đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật, bao giờ người ta cũng chú trọng đến phần tạo dáng mỹ thuật, tạo vẻ hài hòa cho di tích. Nhìn lên bờ hồi của các ngôi nhà cổ, chỗ thì cong võng, chỗ thì giật cấp, chỗ thì đỉnh nhọn, chỗ thì uốn lượn mềm mại uyển chuyển, tất cả những hình ảnh đó tạo ra sự nhấp nhô sống động của cả quần thể di tích. Mắt cửa là một trong những đặc điểm riêng có độc đáo của di tích kiến trúc Hội An, với chủng loại đa dạng, kết hợp với màu sơn, vải điều đỏ, mắt cửa đã làm nổi bậc bộ mặt ngôi nhà, làm cho ngôi nhà tăng thêm phần sống động, uy nghi. Mắt cửa được gắn trên xà chính của lối ra vào với công dụng vừa làm then chốt để giữ đà cửa, vừa để tạo thêm vẻ thẩm mỹ cho những ngôi nhà và đồng thời cũng là vật trừ tà, xua đuổi những điều không hay, không tốt. Trước hàng cột hiên của các công trình tín ngưỡng bao giờ cũng được gắn những bẫy hiên theo dạng lồng đèn hình trụ khối. Bẫy hiên được điêu khắc chạm trỗ tinh hoa tỷ mỹ với nhiều đồ án hoa điểu, rồng phụng,... được sơn màu nhã nhặn tương xứng với ngũ hành, vừa mang tính mỹ thuật độc đáo, và làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho di tích.

Trong nội thất của các ngôi nhà bao giờ cũng có vì kèo “chồng rường giả thủ”, vừa để làm khung chịu lực đỡ các đòn tay, vừa là để trang trí khoe bày vẻ thẩm mỹ của các ngôi nhà. Phần đầu của các đoạn chồng rường bao giờ cũng được tạo dáng hình đầu rồng, mây lửa, các trụ đội tạo hình như cánh tay ôm chặt những đoạn chồng rường chắc chắn. Ở phần hiên trong của nhà thường được trang trí các vì vỏ cua chạm lủng với nhiều chủng loại khác nhau như: Vì cá chép, vì hoa cúc, vì hình dơi, vì ngọc như ý vải lụa... Các vì vỏ cua này vừa làm khung chịu lực đỡ các đòn tay hiên, lại vừa là những bức tranh điêu khắc đầy thẩm mỹ, góp phần làm tăng vẻ trang nghiêm hoành tráng cho ngôi nhà. Phần nhà trước thường làm nơi thờ cúng, tiếp khách, buôn bán nên được trang hoàng lộng lẫy với nhiều bức hoành phi đại tự, những câu đối sơn son thếp vàng hoặc khảm trai khảm ốc sáng lóng lánh, bên dưới bày biện nhiều đồ sành sứ, chậu hoa, cây cảnh một cách hài hòa, phù hợp, tạo cho ngôi nhà một không gian hết sức lý tưởng, tươi vui. Nhà cầu vừa là đoạn nhà nối liên kết giữa nhà trước và nhà sau đồng thời có tác dụng như một thư phòng là nơi đọc sách, viết chữ hay ngắm trăng, ngắm sao vào những đêm trăng thanh gió mát. Trước nhà cầu là phần sân trời, đây là khoảng trống để lấy ánh sáng, lấy không khí và cũng vừa là nơi để tạo cảnh, đắp giả sơn, cuốn thư để tạo vẻ đẹp cho ngôi nhà. Không gian tươi đẹp hài hòa đó tạo cho người sống trong ngôi nhà có cảm giác thỏa mái, vui tươi.

Bản thân của từng di tích kiến trúc hàm chứa một kho tàng mỹ thuật với nhiều kiểu dáng tạo hình dân gian độc đáo, phong phú và đa dạng về cả hình thức lẫn nội dung. Bên trong của các công trình kiến trúc còn bao hàm nhiều yếu tố tâm linh, yếu tố văn hóa phi vật thể. Đó chính là những giá trị văn hóa độc đáo của quần thể di tích kiến trúc Hội An.

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây