Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một "Phố Pháp" ở Hội An, tại sao không?

Người Pháp đã để lại một kiểu thức kiến trúc ở Việt Nam, mà phổ biến là phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa (còn gọi là phong cách Pháp thời Đông Dương) - kéo dài cả thế kỷ (từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20). Bên cạnh những di tích kiến trúc ở Hà Nội, Sài Gòn thì ở Đà Nẵng, Hội An các di tích kiến trúc mang phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng đã tô điểm thêm những nét đặc sắc của thẩm mỹ cảnh quan đô thị.
images1351549 DSC08928 PT

Nhiều nhà ở phố cổ Hội An mang phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

          Thực vậy, khu vực từ chợ Hội An (đầu cầu Cẩm Nam) hiện nay đến cuối ngã tư đường Hoàng Diệu - Bạch Đằng, xuống đường Phan Bội Châu đến đường ngang Trương Minh Lượng, là khu vực có nhiều nhà mang phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa. Theo “Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh” (do Bộ VH-TT ban hành năm 2003) thì “…hai dãy nhà mặt tiền đường Phan Bội Châu (đến ngã ba Phan Bội Châu - Trương Minh Lượng) thuộc khu vực I” - khu vực được bảo tồn nghiêm ngặt.

          Trong hàng nghìn di tích kiến trúc có giá trị lịch sử - văn hóa của Đô thị cổ Hội An thì các kiến trúc mang phong cách Pháp thời thuộc địa cũng đã góp phần để Hội An không những đạt được tiêu chí 2 của UNESCO “là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế”, mà còn có những công trình kiến trúc “hội tụ được các yếu tố nghệ thuật dân tộc truyền thống và làm phong phú thêm bằng những tố chất thích hợp của nghệ thuật nước ngoài” như nhận định của giới chuyên môn. Ngoài hai dãy nhà mặt tiền đường Phan Bội Châu, di sản vật thể mang phong cách Pháp thời thuộc địa còn có ở những ngôi mộ cổ, đặc biệt là mộ của các thương nhân, giáo sĩ nước ngoài chôn tại Hội An. Những ngôi mộ này mang dáng vẻ và phong cách riêng, góp phần làm phong phú đặc điểm kiến trúc của loại hình mộ cổ ở Hội An. Đó còn là các ngôi nhà mà tiêu biểu là nhà của nghệ sĩ điện ảnh La Thoại Tân (đường Phan Châu Trinh), nhà bà Nguyễn Thị Chiến (Nam Diêu - Thanh Hà). Các di tích lịch sử - cách mạng như Trường Viên Minh (nhà 108 Nguyễn Thái Học), di tích Tòa sứ Hội An (nay là trụ sở Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An, số 10 Trần Hưng Đạo)…

          Từ những năm 30 thế kỷ 20, tại Hội An, chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã thành lập “Phân hội thể thao” dưới tên Đội bóng đá “Ô-ro” (Aurore, nghĩa là “Rạng Đông”) để hoạt động cách mạng. Rồi nhạc sĩ La Hối thành lập Hội yêu âm nhạc Faifo (Société Philhamonique) với ca khúc bất hủ “Xuân và tuổi trẻ” - một trong những ca khúc mở đầu cho tân nhạc Việt đầu những năm 40… Cùng với các hội nghề nghiệp khác giai đoạn 1936-1939 - thời kỳ Mặt trận bình dân bên Pháp - thì thực sự đã có một thế hệ người Hội An yêu văn hóa Pháp với tư tưởng dân chủ “bình đẳng, tự do, bác ái”. Hội An còn có anh em nhà văn dòng họ Nguyễn Tường chủ trương “Tự lực văn đoàn” với nhiều tác phẩm đã đưa văn học Việt Nam hội nhập văn học hiện đại của thế giới giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20. Ảnh hưởng văn hóa Pháp còn sâu đậm trong đời sống tinh thần của người Hội An mãi đến tận hôm nay ở một lớp người Hội An yêu tiếng Pháp như học giả quá cố Nguyễn Bội Liên, bác Nguyễn Thiệp (hướng dẫn viên du lịch - đã mất), anh Kim (chủ nhân quán cà phê “Những người bạn”)… Cũng có một lớp người Hội An mê nhạc Pháp, hội họa Pháp từ trước 1975 đến nay.

        Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp, Trung tâm văn hóa Pháp, Trung tâm UNESCO… đang lập một dự án nhằm hình thành một không gian nghệ thuật Việt - Pháp tại Hội An (dự kiến công bố vào dịp 4.12.2017 - nhân kỷ niệm ngày Hội An được tôn vinh “Di sản văn hóa thế giới”, và đưa vào hoạt động ngày 12.4.2018 - nhân kỷ niệm ngày Việt Nam và Cộng hòa Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao). Theo dự án, trục đường chính Phan Bội Châu sẽ là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa nghệ thuật Việt - Pháp, như không gian triển lãm, giới thiệu văn hóa Pháp - Việt, nghệ thuật đường phố (vẽ tranh, biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật đương đại (trình diễn, sắp đặt…), trình diễn nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, lụa Pháp, lụa xứ Quảng, trao đổi ẩm thực Việt - Pháp, cùng các hoạt động giao lưu cộng đồng Pháp ngữ… Dự án này nhằm mục đích mở rộng “Phố đi bộ”, tạo một ấn tượng về mối giao lưu văn hóa Việt - Pháp tại Hội An, nơi đã có bề dày lịch sử với những sự kiện văn hóa khó phai mờ (như sự hiện diện của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1659, người có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ)), và những di tích kiến trúc mang phong cách Pháp thời thuộc địa trong không gian đô thị cổ.

          Vì vậy, một địa chỉ văn hóa - du lịch mới để du khách thêm hiểu “vẻ đẹp không trùng lặp của phố phường Hội An” như cố kiến trúc sư Ba Lan Kazic từng nói, tại sao không?

Tác giả: Phùng Tấn Đông

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây