Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một góc nhìn về đời sống của ngư dân Cẩm An - Hội An

Văn hóa làng xã là một nội dung đặc biệt quan trọng trong chương trình phối hợp nghiên cứu giữa Học Viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam Cộng hòa) và Nhóm Cố vấn trường Đại học Bang Michigan từ những năm 1960. Đầu tiên là hợp tác nghiên cứu vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, rồi đến chương trình nghiên cứu làng xã miền Trung, bắt đầu với trường hợp làng chài Cẩm An từ năm 1962 (bao gồm phường Cẩm An, Cửa Đại và xã Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An). Từ đó, nhóm nghiên cứu của TS. John D. Donoghue đã khắc họa thành công những đặc điểm quan trọng trong cuộc sống người dân nơi đây qua các khía cạnh: tổ chức làng xã – trị an, nghề cá và vạn chài, hôn nhân – gia đình, tín ngưỡng – lễ nghi và khát vọng tương lai (Donoghue, John, 1962, “Cam An: A Fishing Village in Central Vietnam”, 123 trang).
Tổ chức làng xã – trị an
          
          Làng Cẩm An có 6.491 người dân, thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Hội An 4,5 km, bao gồm 4 thôn nhỏ là An Bàng, Tân Thành, Phước Trạch và Tân Hiệp (Cù Lao Chàm); mỗi thôn lại chia làm nhiều liên gia (còn gọi là xóm) gồm nhiều hộ gia đình sống cạnh nhau. Mỗi xóm đều có tên riêng và số hộ gia đình cụ thể. Quận trưởng Điện Bàn bổ nhiệm Hội đồng Làng gồm 5 người, đứng đầu là Lý trưởng để trực tiếp quản lý sự vụ trong làng. Đồng thời, Ban Kiểm Tra Ngân Sách cũng được thành lập để theo dõi việc chi tiêu tài chính của hội đồng. Đứng đầu mỗi thôn là thôn trưởng, cũng do Quận trưởng chỉ định và mỗi liên gia lại có một liên gia trưởng đứng ra quản lý.
 
          Trách nhiệm hành pháp và trị an của làng được giao trọn cho “Ủy viên cảnh binh” (police councilor) của Hội đồng làng. Ủy viên có quyền bắt giữ, tạm giam, phạt tiền, xử lý các vụ tranh chấp nhỏ, tống trát hầu tòa, cấp giấy phép cho người dân trong làng rời khỏi tỉnh, cấp phép buôn bán gạo. Dưới quyền ủy viên cảnh binh là 4 Tổ trưởng Tự vệ của bốn thôn, mỗi Tổ trưởng quản lý 6 trung đội hoặc 18 tiểu đội (mỗi tiểu đội gồm 12 người) để phân chia quản lý, canh gác, đảm bảo trật tự các thôn. Ngoài ra, mọi thanh niên trai tráng trong làng từ 18-25 tuổi đều phải tham gia Dân Quân Tự Vệ Đoàn để góp phần bảo vệ trị an.

Nghề cá và vạn chài

          Có khoảng 85-90% dân làng Cẩm An đều kiếm sống bằng nghề đánh cá, số còn lại làm nghề đóng thuyền, đan lưới, làm buồm hoặc mở các cửa hàng vật tư, tạp hóa nhỏ lẻ, ngoại trừ thôn Tân Hiệp có nghề nông và đốn gỗ khá phổ biến.

          Ngư phủ ở Cẩm An chia làm ba loại chính: ngư phủ lão luyện, thuyền viên và ngư phủ thông thường. Ngư phủ lão luyện bao gồm lái chánh (chủ thuyền) và lái phụ (người hỗ trợ lái chánh). Thuyền viên (hay bạn) là những ngư dân ít kinh nghiệm hơn, đi theo phụ giúp lái chánh và lái phụ. Ngoài ra còn có các ngư phủ chuyên đánh cá xa bờ bằng công cụ tự chế, gọi là ngư phủ thông thường.

          Ngư dân Cẩm An chủ yếu đánh cá bằng hai phương pháp chính là nghề khơi (chài lưới biển sâu, xa bờ) và nghề lộng (đánh bắt gần bờ). Mùa khơi kéo dài từ tháng 2 – 5 (AL), trong mùa biển lặng. Thuyền thường đến nơi nước sâu, cách xa bờ hơn 60 km mới bắt đầu buông lưới. Ngược lại, sau tháng 6 âm lịch, khi mùa mưa kéo đến khiến biển động thường xuyên, ngư phủ chủ yếu sống dựa vào nguồn cá gần bờ. Các hoạt động đánh bắt cá trong mùa mưa bao gồm: dây câu chăng dài, lưới rổ, nghề giả, lưới quét, lưới rung, mành ngang và mành cơm.

          Thuyền đánh cá ở Cẩm An đều được làm bằng gỗ, điều khiển bằng buồm hoặc mái chèo. Chất liệu đóng tàu tốt nhất là gỗ cây sao, nó vừa cứng, chống nước lại rất bền. Mỗi chiếc thuyền có thể sử dụng trong khoảng 15 năm nếu được bảo trì, sửa chữa hợp lý.

          Vạn hay vạn chài hiểu nôm na là một cộng đồng dân cư sống bằng nghề chài lưới, đánh cá. Ở Cẩm An, vạn chài còn có ý nghĩa to lớn hơn thế bởi đây là tổ chức kinh tế – xã hội quan trọng bậc nhất của làng. Mọi thành viên vạn chài đều có trách nhiệm hỗ trợ nhau lúc khó khăn, từ công việc, sinh hoạt hằng ngày đến các nghi lễ, hoạt động giải trí. Đứng đầu vạn chài là vạn trưởng, người trực tiếp quản lý thuyền bè, ngư phủ và việc vận chuyển trong làng. Ngoài ra, vạn trưởng còn là chủ lễ trong các nghi thức và lễ hội liên quan đến nghề cá. Dưới quyền vạn trưởng là kiểm vạn và 4 thôn vạn trưởng. Cùng với vạn trưởng, các thành viên nói trên có trách nhiệm dàn xếp bất hòa của ngư dân, đảm bảo phân chia lợi ích công bằng và quản lý các hoạt động khác liên quan đến nghề chài lưới.

Hôn nhân và gia đình

          Cũng như nhiều nơi khác, hôn nhân đồng tộc (giữa hai người cùng họ, cùng tổ tiên) bị cấm tuyệt ở Cẩm An. Ở đây cũng không hề có khái niệm “tộc trưởng” hay sự phân chia thứ bậc giữa các chi, nhánh trong tộc. Sau khi kết hôn, phụ nữ không phải cải họ theo chồng nhưng con cái phải mang họ cha. Họ hàng bên nội thường được ưu ái hơn so với bên ngoại. Với những trường hợp hôn nhân đồng tộc (do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan), người dân nơi đây thường tránh lời ra tiếng vào bằng cách công khai đổi họ của người vợ (hoặc chồng) ngay trong ngày cưới.

          Chuyện hôn nhân ở Cẩm An, cũng giống như ở nhiều nơi trên khắp Việt Nam, có thể được sắp đặt hoặc tự nguyện, hoặc là cả hai. Người ta cho rằng một cuộc hôn nhân trọn vẹn cần đảm bảo hai yếu tố trên. Điển hình nhất là khi phải lòng một cô gái, người con trai sẽ thưa chuyện với bố mẹ và nếu ưng thuận, họ sẽ tìm người mai mối để liên lạc với gia đình nhà gái. Nếu đồng ý thì nhà trai có thể đem sính lễ đến làm lễ hỏi (đính hôn) và chú rể phải ở lại nhà cô dâu phục vụ trong hai năm liền. Sau đó, nếu nhà gái ưng thuận thì đám cưới có thể diễn ra và cô dâu sẽ sang nhà chú rể làm dâu hoặc chuyển sang nhà riêng của hai vợ chồng. Tại đây, cha mẹ thường ít khi áp đặt chuyện hôn nhân cho con cái, miễn là người bạn đời không phải họ hàng thân thích. Ngoài ra, trong chuyện cưới xin, tuổi tác và địa vị xã hội cũng rất quan trọng. Làng Cẩm An hiếm khi xảy ra các vụ ly hôn; nếu có thì chủ yếu là do không có con hoặc do người chồng muốn cưới vợ lẻ.

          Bởi Cẩm An là làng chài lưới, việc phân công lao động trong gia đình không quá rạch ròi như ở thành thị. Có không ít đàn ông ở nhà lo việc nội trợ trong khi người vợ dong buồm ra khơi đánh cá. Ngay cả trẻ em cũng được phân công phụ giúp những công việc phù hợp. Do công việc bề bộn nên cha mẹ thường có ít thời gian dành cho con cái. Khái niệm “kế hoạch hóa gia đình” cũng không được quan tâm lắm bởi dân làng cho rằng con cái là “lộc trời ban”.

Tín ngưỡng và nghi lễ

          Tín ngưỡng ở Việt Nam có thể chia làm ba loại chính: tín ngưỡng cộng đồng, thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng cá nhân.
          
          Tín ngưỡng cộng đồng ở làng Cẩm An được đặc trưng bởi tục thờ cá Ông, bà Ngũ Hành và Thành hoàng. Cá Ông là vị thần bảo hộ của ngư dân nên nghi lễ thờ cúng đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong làng. Trước đây, mỗi thôn đều có một miếu thờ cá Ông và một khu “Nghĩa địa cá Ông” dùng để chôn xác cá voi dạt vào bờ. Lễ “Nghinh Ông” được tổ chức hai lần một năm, để đánh dấu sự chuyển giao mùa cá, vào tháng giêng (ngay sau Tết Nguyên đán), khi mùa khơi bắt đầu và vào tháng 7 hoặc tháng 8 âm lịch, khi mùa khơi kết thúc và mùa giăng lưới gần bờ diễn ra. Dân làng Cẩm An thờ cúng bà Ngũ Hành – một vị thần có sức mạnh tự nhiên để tránh khỏi cơn giận của bà và được bà bảo vệ. Người ta tin rằng khi bà nổi giận thì nhà cửa và thuyền bè sẽ chìm trong biển lửa. Mỗi thôn trong làng đều có miếu thờ bà Ngũ Hành và nghi lễ cúng tế được tổ chức mỗi năm một lần. Người dân còn có tục cúng Thành hoàng, tức là những người có công khai khẩn nên làng, xóm. Nghi thức được diễn ra tại các miếu xóm, ít nhất mỗi năm một lần.

          Tục thờ cúng ông bà tổ tiên cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong đời sống tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Bàn thờ gia tiên luôn được lau chùi sạch sẽ và trang hoàng cẩn thận. Mộ phần được quét tước, bảo quản chu đáo và các “dấu hiệu” từ người đã khuất luôn được coi trọng. Người ta cho rằng nếu không cúng bái cẩn thận thì rất dễ xảy ra bệnh dịch, làm ăn thất bát hoặc gia đình đổ vỡ. Tuy thờ cúng ông bà là trách nhiệm của tất cả mọi người, thế nhưng vai trò chính vẫn do đàn ông trong nhà đảm nhận. Việc chôn cất và tang chế cho người đã khuất cũng tương tự, họ hàng bên nội thường phải để tang lâu hơn so với bên ngoại. Ngoài ra, đàn ông trong tộc phải tề tựu về từ đường mỗi năm một lần để tỏ lòng tôn kính với các vị tổ thủy.

          Về tín ngưỡng cá nhân, dịp quan trọng nhất đối với mỗi người trong một năm là ngày sinh nhật, kế đến là ngày bắt đầu mùa đánh cá. Trước khi tổ chức các nghi lễ nhân dịp này, hoặc các sự kiện khác, người dân đều phải sang nhà “thầy cúng” xin ngày giờ tốt để cho công việc được thuận buồm xuôi gió.

Khát vọng tương lai

          Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân Cẩm An cực kỳ thủ cựu và trung thành tuyệt đối với quan điểm sống của mình. Họ ngại thay đổi và thường không quan tâm đến điều gì khác ngoài cuộc sống trong làng và những vấn đề của riêng mình. Khác với một vài nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, cư dân thường mơ về Sài Gòn như một miền đất hứa, khi nhiều người từng bày tỏ nguyện vọng muốn được đến thăm hay làm việc, sinh sống lâu dài tại Sài Gòn. Một số trường hợp dân làng chuyển đến Sài Gòn tìm kế sinh nhai do nghề cá khó khăn hoặc tình hình an ninh trong làng không đảm bảo. Còn ở Cẩm An, nói chung ai cũng muốn mức sống trong làng được cải thiện, kinh tế phát triển và cuộc sống được ấm no hơn và phần lớn người dân đều cho rằng họ không thể kiểm soát được số phận của mình và những thay đổi nói trên chỉ có thể được thực hiện nhờ các yếu tố bên ngoài ngôi làng (như nhà nước). Cách nghĩ này thể hiện tầm nhìn hạn chế, phiến diện của dân làng Cẩm An. Tóm lại, khát vọng tương lai của người dân nơi đây không có gì ngoài cải thiện cuộc sống và tăng cường an ninh.

          Tuy còn một số điểm hạn chế, thế nhưng “Cẩm An: một làng đánh cá tại Trung phần Việt Nam” (Cam An: a fishing village in Central Vietnam) vẫn là tư liệu quý báu, có giá trị không nhỏ đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu đời sống của ngư dân làng Cẩm An nói riêng và các làng chài ven biển miền Trung nói chung vào nửa đầu thế kỷ XX.

Tác giả: Thanh Âu

Nguồn tin: vanhoaquangnamonline.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây