Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Mộc Bản - “kho báu” trong các ngôi chùa cổ ở Hội An

Gần đây, cả nước vui mừng về việc mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu đầu tiên của nước ta được UNESCO đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình “Ký ức thế giới”. Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến di sản văn hóa thế giới Hội An hiện cũng còn lưu giữ hơn 200 mộc bản khắc các bộ kinh có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ thứ 20 đang được các ngôi cổ tự trân tàng. Nhân đây chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về di sản quý giá này.
           Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh ở Hội An - nơi lưu giữ hệ thống mộc bản:

          Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những chi nhánh của dòng thiền Lâm Tế tại Trung Hoa. Thiền phái này được tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh Hội An - Quảng Nam.

          Theo các tài liệu hiện tồn, vào thời chúa Dũng Quận Công Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) có vị Thọ tôn hòa thượng húy Nguyên Thiều theo các thuyền buôn sang Việt Nam, trú tại phủ Quy Ninh (Bình Định) và lập chùa Thập Tháp Di Đà rồi làm trụ trì ở đó. Đến thời Hoằng Quốc Công Nguyễn Phúc Trăn (Thái), chúa rất sùng mộ Phật giáo, chúa cho dựng chùa tại Thuận Hóa (Huế) và cho mời Nguyên Thiều hòa thượng ra khai đại giới đàn. Nhân vì thiếu người trong ba Thập sư An Xa Lê, nên chúa bèn yêu cầu hòa thượng về Trung Quốc mời thêm một số danh tăng sang chứng đàn, đồng thời thỉnh thêm pháp tượng, pháp khí. Về Quảng Đông, hòa thượng Nguyên Thiều mời được nhiều danh tăng như các ngài: Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hành Tại Toại, Minh Vật Nhất Trí, Minh hải Pháp Bảo, Minh Lượng, Minh Dung… và đại giới đàn được khai ở chùa Báo Quốc.

          Sau khi chứng đàn, tổ Nguyên Thiều khai sơn chùa Bảo Ân và Hà Trung ở Huế, ngài Minh Hoằng Tử Dung truyền pháp cho tổ Thiệt Diệu lập thành dòng phái Liễu Quán thì tổ Minh Hải và Minh Lượng vào Hội An - Quảng Nam, tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh. Kể từ khi tổ Minh Hải dựng chùa, xuất kệ truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An - Quảng Nam đến nay đã trải qua trên 300 năm hình thành và phát triển. Trong lịch sử, các ngôi chùa cổ thuộc dòng thiền Lâm Tế ở Hội An - là nơi in ấn nhiều loại kinh điển của Phật giáo đại thừa, chính vì thế mà nơi đây có số lượng mộc bản khá đồ sộ, với nhiều chủng loại, được các vị tổ sư thuê thợ tại địa phương khắc ván và thậm chí là nhiều bản được khắc từ Trung Hoa rồi chuyển sang nước ta.

          Những ngôi chùa được xem là Tổ đình của dòng Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 17, trên những vùng đất nằm cách xa trung tâm thành phố, nhằm giữ vẻ yên tĩnh, thanh u, tránh cảnh ồn ào náo nhiệt, thuận tiện cho việc niệm kinh, tu tập. Trong quá khứ, mảnh đất Hội An đã trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều đền chùa miếu mạo đã bị bom đạn phá hủy, phần lớn các cổ vật, tư liệu, kinh sách… đã bị thiêu cháy, nhưng hiện nay trong những ngôi cổ tự vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá của các vị tổ khai sơn như bình bát và y tăng cang của tổ Minh Lượng Thành Đẳng, các bộ tượng thờ, các độ điệp của triều đình ban cho các vị trụ trì đời trước… Đặc biệt là, ngoài những cổ vật trên các chùa còn bảo lưu được một kho tàng mộc bản rất quý giá mà các nhà chuyên môn ở địa phương gọi là “kho báu của dòng Thiền”.

          Số lượng mộc bản trong các chùa này chắc chắn không nhiều như ở Huế, Đà Lạt và một số nơi khác, nhưng đây là những hiện vật quý giá bởi niên đại chế tác khá xưa cũng như có vai trò trong việc minh chứng sự du nhập và phát triển của Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh vào Đàng Trong nói chung và Hội An nói riêng từ thế kỷ thứ 17.

          Qua khảo sát, nghiên cứu bước đầu chúng tôi xin giới thiệu về hệ thống mộc bản này như sau:

          Mộc bản trong các ngôi chùa cổ:

         Chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh Tự) là ngôi tổ đình đầu tiên được tổ sư Minh Hải Pháp Bảo từ Nam Trung Hoa sang khai sơn vào giữa thế kỷ thứ 17. Theo nhiều tư liệu ghi chép lại thì chùa này từng là nơi in ấn, phát hành kinh điển của dòng Lâm Tế Chúc Thánh nhiều nhất xứ Đàng Trong, thậm chí số mộc bản in kinh nhiều đến nỗi vị trụ trì phải cho đệ tử của mình là Thiệt Lương Hòa thượng lập thêm một ngôi chùa bên cạnh tổ đình (ngày nay vẫn còn) để chứa bản in và chuyên ấn tống kinh điển của nhà Phật. Nhưng nơi đây từng bị chiến tranh tàn phá nên số lượng mộc bản của ngôi chùa hiện còn rất ít ỏi, chỉ trên 12 bản in với nội dung bộ kinh Quan Âm Phổ Môn. Tuy vậy, 12 mộc bản này được tạo tác khá công phu từ việc khắc chữ (chữ ngược) đến các tư thế xuất tướng của Phật bà Quan Âm hết sức đặc sắc, sống động mà các máy móc hiện đại ngày nay chưa chắc thực hiện được.

           Ngôi chùa hiện lưu giữ được nhiều mộc bản nhất là chùa Vạn Đức (Vạn Đức tự/ Lang Thọ tự/ chùa Cây Cau). Đây cũng là một ngôi cổ tự nổi tiếng do Tổ sư Minh Lượng Nguyệt Ấn (sư đệ của tổ sư Minh Hải), người gốc Triều Châu  - Trung Hoa sang khai sơn vào giữa thế kỷ thứ 17. Chùa này hiện còn giữ y, bát của Tổ Minh Lượng và 115 mộc bản (ván khắc) rất phong phú về chủng loại và niên đại. Loại mộc bản dài nhất là 78cm, ngắn nhất là 50cm, hầu hết các bản kinh đều được khắc 2 mặt (khắc chữ ngược), có niên đại kéo dài từ thế kỷ 17 đến hết thế kỷ 18. Những bản có niên đại xưa là Quang Thuận thứ 21 (1598), Chính Hòa thứ 26 (1705) đến Cảnh Hưng thứ 25 (1764). Đây là các niên hiệu của những đời vua Lê, Việt Nam, có lẽ những bản khắc thời Quang Thuận được đưa từ Đàng Ngoài vào. Một số bản có niên đại muộn từ đầu thế kỷ 19 đế thế kỷ 20. Ngoài ra, có nhiều bản kinh được khắc vào thời Minh - Trung Quốc, điển hình như 3 bộ Di Đà, Quan Âm, Kim Cang được khắc vào thời Minh Anh Tông. Theo các nội dung phụ trong bản kinh cho biết, đây là những bộ kinh do Tỳ Kheo Vạn Tung cho thợ khắc vào ngày Phật Đản năm Thiên Thuận Nhâm Ngọ. Từ những thông tin trên cho chúng ta thấy, rất có khả năng 3 bộ kinh này được du nhập từ Trung Hoa sang nước ta vào thế kỷ 15. Đại đa số các mộc bản ở chùa Vạn Đức được khắc bằng chữ Hán, theo thể chân phương, sắc nét, trên các loại ván gỗ thị, mít (đây là hai loại gỗ mềm, bền, dễ chạm khắc), bên cạnh đó còn có một số bản khắc chữ Phạn (Sancrit).

          Chùa Phúc Lâm (Phúc Lâm tự) hiện cũng đang lưu giữ 86 bản khắc. Mộc bản ở ngôi chùa này rất đa dạng về kích thước của ván cũng như nội dung chuyển tải. Loại ván khắc dài nhất từ 101 cm đến 138cm, loại ván ngắn nhất từ 26cm đến 50cm. Loại chữ được khắc ở đây chủ yếu cũng là chữ Hán, ngoài ra còn có nhiều bản được khắc bằng chữ Phạn (Sacncrit). Nội dung trong các bản khắc ở ngôi chùa này không chỉ là những bộ kinh của Phật giáo Đại thừa mà còn nhiều bản khắc mẫu để sử dụng lâu dài như mẫu Pháp phái quy y, mẫu độ điệp, mẫu in người thế, mẫu mền quang minh, mẫu bùa trùng tang… (để tẩm liệm người quá cố theo nghi thức của Phật giáo). Đặc biệt tại đây còn có nhiều bản khắc kinh mang đậm dấu ấn của Đạo giáo như ván khắc bùa, kinh Quan Thánh giác thế,…

          Niên đại xưa nhất của mộc bản chùa Phúc Lâm là vào niên hiệu Khang Hy năm Giáp Thìn, đây là niên hiệu của vua Thánh tổ nhà Thanh - Trung Quốc, bộ kinh này rất có thể được khắc tại Trung Quốc, sau đó chuyển sang nước ta. Đại đa số bản khắc còn lại đều ghi niên hiệu các vua của Việt Nam từ Lê Cảnh Hưng ở thế kỷ 18 đến thời Bảo Đại ở thế kỷ 20.

          Ngoài số mộc bản ở các cổ tự nêu trên, hiện nay tại Nam Tôn Phật đường (một đạo phái không thuộc dòng thiền Lâm Tế) cũng còn lưu giữ gần 100 ván khắc có niên đại chủ yếu từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Điều đáng lưu ý là số một bản tại đây in nội dung kinh Phật chỉ là số ít, đa số là ván khắc in các kinh của Đạo giáo như Huỳnh Đình kinh, Ngọc Hoàng cốt tủy chân kinh, Đoàn Viên Minh Thánh kinh, Quan Thánh giác thế chân kinh và nhiều sách về phong thuỷ và tướng số… Đây chính là cơ sở dữ liệu quý góp phần vào việc nghiên cứu về sự du nhập của đạo Phật, Đạo giáo cũng như sự dung hòa “tam giáo đồng tôn” giữa ba tôn giáo Nho, Lão, Thích tại thương cảng Hội An xưa.

           Để bảo tồn, lưu giữ số mộc bản quý giá trên, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã tiến hành in rập (thác bản) để lấy nội dung nghiên cứu và lưu trữ. Đồng thời thường xuyên phối hợp, hướng dẫn cá vị trù trì ở những ngôi cổ tự có biện pháp bảo quản an toàn, hiệu quả nhằm gìn giữ lâu dài di sản qúy giá này./.
 

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: Tạp chí Di sản Văn hóa số 1 (30) - 2010

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây