Khi những người trẻ trở về với nghề Gốm
- Thứ hai - 20/03/2017 04:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong lần trò chuyện trước đây, cụ Nguyễn Lành, một nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà đã không giấu được sự trăn trở của mình vì lao động làm nghề toàn là những người lớn tuổi. Theo ông, khi văn hóa xã hội và kinh tế thị trường phát triển nở rộ, đều khắp, nhiều người trẻ đã chọn con đường học vấn để lập thân lập nghiệp hoặc tự tìm kế sinh nhai mới, có thu nhập cao, ít vất vả, cực nhọc, lấm láp như nghề gốm. Vì vậy, nhiều khi làng nghề Gốm chỉ còn các thợ trung, cao niên là chủ yếu. Ông Nguyễn Lành lo lắng, nếu cứ theo chiều hướng đó, liệu rằng sau này nghề gốm Thanh Hà sẽ về đâu khi không còn lao động nối nghiệp?
Bạn trẻ Lê Văn Nhật giới thiệu về sản phẩm Gốm mới- Ảnh: Phú Toàn
Nắm bắt được sự trăn trở đầy tâm huyết của các nghệ nhân và với trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, những năm gần đây, phường Thanh Hà đã có nhiều giải pháp để thu hút lực lượng lao động trẻ gắn bó với nghề gốm, giữ lửa làng nghề. Nhân dịp lễ giỗ tổ nghề mới đây, ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Trong nhưng năm gần đây, chủ trương phường Thanh Hà tổ chức tái tạo lại làng nghề phục vụ du lịch. Trong đó việc quan trọng nhất là mình cho đào tạo lại đội ngũ tay nghề lớp trẻ. Hàng năm đều tổ chức lớp đào tạo nghề cho lớp trẻ để phát triển lao động làng nghề. Và để khuyến khích lao động có tâm huyết với nghề, từ nguồn kinh phí trích từ vé tham quan, ngoài việc quảng bá, quản lý, địa phương còn hỗ trợ cho lao động để phục vụ làng nghề. Việc cải tiến sản phẩm mẫu mã là việc quan tâm hàng đầu của địa phương trong đó địa phương đều có kế hoạch tâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, để đa dạng sản phẩm phục vụ du khách”.
Từ sự khuyến khích của địa phươngvà sự năng động nắm bắt thị hiếu của khách hàng, thời gian gần đây, tại làng gốm Thanh Hà đã có những lao động trẻ kế nghiệp nghề gốm, quyết tâm đi lên bằng chính nghề truyền thống của cha ông mình. Dịp lễ giỗ tổ nghề mới đây, mọi người không khỏi cảm phục khi xem những sản phẩm mới lạ, độc đáo của chính các lao động trẻ được trưng bày, giới thiệu. Nếu như mấy chục năm trước, các nghệ nhân của làng gốm thường tạo ra các mặt hàng có trọng lượng và kích thước lớn, ít yêu cầu về thẩm mỹ nhưng tiện dụng cho sinh hoạt gia đình như: chum, vại, nồi đất, chậu rửa để bán buôn ở nhiều nơi thì ngày nay, lực lượng lao động trẻ của làng nghề đang khởi đầu nhịp bước mới khi tạo ra các mẫu hàng đầy tính sáng tạo, kiểu dáng nhỏ gọn, kết hợp họa tiết tinh tế, phục vụ khách du lịch và nhu cầu bài trí cảnh quan ở các gia đình, cơ sở lưu trú, khách sạn, các quầy lưu niệm, quán cà phê... BạnLê Văn Nhật, sinh năm 1988, người trước đây đã từng học các nghề: sửa xe, sửa điện thoại, giờ trở về tiếp nối nghề gốm truyền thống của gia đình, chia sẻ:“Trên nền tảng gia đình chuyên về làm gốm nên khi du lịch phát triển , em có suy nghĩ đổi mới sản phẩm của mình đi đểphù hợp với sự phát triển của nghề gốm. Em lựa chọn những cách sử dụng là trồng cây hoặc là mỹ nghệ, làm đa dạng hơn nhiều sản phẩm để cho độc và lạ để du khách có nhiều lựa chọn nhiều và phong phú hơn”.
Phường Thanh Hà tổ chức hội thi trẻ em chút gốm để cho lao động trẻ đam mê, tiếp nối nghề Gốm- Ảnh: Phú Toàn
Cùng với các sản phẩm mới lạ này, đỉnh cao trong ý thưởng và sản phẩm của người trẻ trở về với nghề gốm truyền thống phải kể đến tuyệt phẩm Công viên đất nung độc nhất vô nhị ở Việt Nam, do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, một người con của làng gốm Thanh Hà kiến tạo, xây dựng tại trung tâm làng nghề. Từ giã một công việc ổn định nơi Sài thành, anh Nguyên trở về quê hương, đem theo ý tưởng mà anh từng ấp ủ đó là xây dựng một Công viên đất nung – một bảo tàng nghề gốm. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 6 ngàn mét vuông, gồm 9 khu như khu lò gốm, khu bảo tàng, khu sản phẩm làng nghề, chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ... Điểm nhấn của công viên này là khu thế giới thu nhỏ và Bảo tàng làng nghề gốm. Ở đó các kiệt tác kiến trúc và điêu khắc của nhân loại được mô phỏng nguyên bản và thu nhỏ một cách rõ nét, chân xác. Có thể kể đến như cụm Kim Tự Tháp hàng ngàn năm của Ai Cập; Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp, Nhà Trắng của Mỹ, nhà hát Sydney của Úc, Đền Taj Mahal của Ấn Độ hay gần gũi hơn là những sản phẩm mang đậm tính dân gian cổ truyền của nghề gốm Việt Nam... Giờ đây, tuyệt phẩm công viên đất nung này trở thành một điểm đến thú vị không thể thiếu của làng nghề gốm Thanh Hà, là nơi được nhiều người yêu thích tìm đến trên bản đồ du lịch của Hội An cũng như cả nước. Và cũng từ đây, tên tuổi và “tiếng thơm” của nghề gốm truyền thống Thanh Hà có cơ hội đi xa hơn trên thị trường. Sự tiếp nối nghề nghiệp tổ tiên một cách đầy sáng tạo của anh Nguyễn Văn Nguyên không chỉ cho thấy niềm đam mê, khát vọng và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ lửa làng nghề mà còn thể hiện chiều hướng phát triển thăng hoa của nghề gốm Thanh Hà trong giai đoạn mới - khi du lịch góp phần tạo nên cảm hứng sáng tác và lớp trẻ bắt nhịp, thay đổi tư duy, vừa kế tục vừa phát huy nghề truyền thống để tạo nên những dòng sản phẩm mới đầy tài hoa, tinh tế. Tại lễ giỗ tổ nghề mới đây, anh Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ:
“Ngày hôm nay, chúng ta cùng tiếp tục truyền thống của làng. Chúng ta tôn vinh và cùng sát cánh với dân làng, là một thành viên của làng, hãy cùng cố gắng hết sức để làm những công việc dù nhỏ của mình để góp phần quảng bá, giữ gìn truyền thống và phát triển bền vững trong các giai đoạn sắp tới”.
Từ tâm huyết và sự sáng tạo, tài hoa của những người trẻ này, tin rằng, làng gốm Thanh Hà sẽ được đượcgìn giữ, kế thừa, phát triển mạnh mẽ, luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cho thành phố Hội An chúng ta.