Hợp tác Việt - Nhật với trùng tu phố cổ Hội An
- Thứ tư - 05/12/2018 03:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kẻ thù âm thầm và nguy hiểm nhất của các công trình kiến trúc gỗ là mối mọt. Những ngôi nhà trong phố cổ Hội An vì liền vách nhau, càng thuận lợi cho các loại côn trùng này tấn công. Hơn nữa Hội An nằm ở cuối nguồn Thu Bồn, hàng năm thường bị nhấn chìm trong lũ, có năm đến hai, ba trận lụt lớn. Các tác nhân đó đã, đang và sẽ còn tiếp tục đe dọa sự sống còn của di sản văn hóa thế giới này. Việc bảo tồn, trùng tu nó hiện nay và mai sau rất cần đến bàn tay của những người thợ Kim Bồng.
Trùng tu chợ Hội An
Sự hợp tác giữa tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) với chính quyền và cơ quan chức năng ở Hội An mà trực tiếp là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cùng các doanh nghiệp làm công tác bảo tồn di tích đã giúp thợ Kim Bồng vừa giữ được nghề truyền thống của cha ông vừa tiếp thu những tri thức khoa học của chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này.
Trước hết đội ngũ thợ thi công công trình được nâng cao nhận thức về công tác trùng tu các kiến trúc gỗ. JICA và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An đã tổ chức các lớp tập huấn cho các đội thợ về mục đích và tính cần thiết của việc giữ gìn chân xác của di tích trong quá trình trùng tu. Việc tập huấn cũng được kết hợp trong quá trình thi công theo kiểu vừa học vừa làm, kết hợp với sự tư vấn của chuyên gia.
Chuyên gia JICA cũng tập huấn cho thợ phương pháp hạ giải (tháo dỡ) di tích, đánh số cấu kiện; xác định những phần kiến trúc có thể giữ lại, phần phải thay thế. Nếu như trước đây với những cấu kiện đã hư hỏng một phần, thợ thường bỏ hẳn với suy nghĩ “lần làm lần khó” nên thay mới hoàn toàn để cho bền lâu thì bây giờ họ đã biết giữ lại để bảo đảm tối đa tính chân xác của di tích. Qua các chuyên gia Nhật, họ học cách lọc bỏ những đoạn hư hỏng trong cấu kiện gỗ và chế tác phần tương tự như vậy để ráp vào. Đối với các cột gỗ lim bị rỗng ruột thì thay vì cắt bỏ, họ lồng vào đó một đoạn gỗ thích hợp để vừa giữ được tính nguyên gốc vừa đảm bảo khả năng chịu lực của cây cột. Thợ Kim Bồng cũng học được phương pháp của người Nhật chống mối bằng cách lót dưới gốc cột một tấm chì. Thợ của các Công ty Kim An, Kim Châu cũng được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tạo điều kiện ra Hà Nội dự các lớp tập huấn về bảo tồn di tích do UNESCO tổ chức. Trong Lễ hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật tổ chức hằng năm ở Hội An đều có các cuộc hội thảo về trùng tu, tôn tạo di tích, các công ty này cũng là thành phần được mời tham dự.
Thợ Kim Bồng chạm trổ các cấu kiện nhà gỗ
Trong hơn 20 năm qua, Công ty Kim An đã trùng tu thành công nhiều công trình kiến trúc cổ của thành phố Hội An, tiêu biểu là một số công trình như Tụy Tiên Đường (14 – Trần Phú), nhà 75 – Trần Phú, nhà 80 – Trần Phú, nhà thờ tộc Trương (69/1 Phan Châu Trinh), các đình: Đế Võng (Cẩm Châu), Xuân Mỹ (xã Cẩm Hà), Sơn Phong, Miếu Tổ nghề Yến (Cù Lao Chàm)… Nhìn chung, trong trùng tu tôn tạo các di tích nhà gỗ ở Hội An, thợ Kim Bồng đã tham gia tích cực, đảm bảo được các nguyên tắc như sử dụng đúng vật liệu truyền thống, giữ được kiểu dáng, phong cách kiến trúc của bộ khung nhà, các bộ vài, hệ mái, mặt tiền, tôn trọng tính đa dạng, hòa trộn các phong cách kiến trúc mà ngôi nhà vốn có. ( Nhà gỗ, tr 171).
Sự hợp tác tốt giữa tổ chức JICA, chính quyền thành phố Hội An và các doanh nghiệp trùng tu, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thợ Kim Bồng đã được Văn phòng UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá cao và trao tặng giải thưởng “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ” vào năm 2000. Hiện nay và trong tương lai, hợp tác văn hóa Việt – Nhật tại Quảng Nam nói chung, tại Hội An nói riêng vẫn rất quan trọng, trong đó việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của phố cổ Hội An vẫn rất cần sự hợp tác của các tổ chức văn hóa Nhật Bản.