Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Hội An - một di sản kiến trúc đô thị

Năm 1990, tại Đà Nẵng, hội thảo khoa học quốc tế về đô thị cổ Hội An được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa… Trong chuyên mục này xin trân trọng giới thiệu bài viết “Hội An - một di sản kiến trúc đô thị” của KTS. Kazimierz Kwiatkawski đã trình bày tại hội thảo.
Fanfo, Hải phố, Faifo, Hội An: Sự thay đổi của những tên gọi khác nhau này đã chứng minh sự đổi thay của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau trên mảnh đất Hội An.
         
Hội An, tên gọi hiện nay của thị xã ở phía Nam thành phố Đà Nẵng 30km, là nơi đang cuốn hút sự chú ý của các nhà sử học, các nhà phục hồi di tích, các nhà lịch sử nghệ thuật, các kiến trúc sư, các nghệ sĩ tạo hình nói riêng và các nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực nói chung, bởi tại đó có những quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo và phong phú. Hiện tại khó có thể trả lời một cách cặn kẽ những câu hỏi lớn đang được đặt ra về quá trình hình thành quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An. Hội An có từ bao giờ? Quá trình phát triển của Hội An đã diễn ra như thế nào?... Trên cơ sở những dữ liệu hiện có, cần xác định một cách khái quát về quá trình phát triển lịch sử của mảnh đất đô thị cổ Hội An.
         
Trước hết, chính vị trí ven biển thuận lợi của Hội An với những bến bờ thuận tiện cho tàu bè đã khiến cho thương cảng này luôn luôn có được những mối liên hệ với bên ngoài bằng đường biển. Mặt khác chính những điều kiện khí hậu thuận tiện, đất đai màu mỡ, sự phong phú của các nguồn hải sản - những điều kiện địa lý tự nhiên khác chứng tỏ là cư dân của mảnh đất này đã trải qua những nền văn minh thấp hơn so với những cư dân ở những nơi mà điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn. Theo một số nguồn sử liệu, có thể biết rằng khoảng 2.000 năm trước đây, con người di cư từ vùng Nam Thái Bình Dương đã đổ bộ lên Hội An. Họ là những người lập nên vương quốc Champa sau này trên cơ sở truyền thống của văn hóa Sa Huỳnh, một nền văn hóa khá nổi tiếng tồn tại cách ngày nay hàng ngàn năm. Chắc chắn là vào thời kỳ phát triển rực rỡ của vương quốc Champa (khi đó trung tâm của vương quốc này đóng tại địa vực của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay) thì Hội An, với tư cách là một cửa biển có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi nêu trên đã đóng vai trò rất quan trọng của một hải cảng lớn nhất của vương quốc Champa đương thời.
         
Sau nữa, qua bố cục kiến trúc và kiểu thức xây dựng hiện tại của khu đô thị cổ Hội An đã phản ánh rằng Hội An được xây dựng vào các thế kỷ XVI - XVII và cả trong thời kỳ từ cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trên con đường giao lưu thương mại, Hội An đã một thời đóng giữ vai trò của một trung tâm thương mại quốc tế quan trọng trên bán đảo Đông Dương. Bởi vậy đương thời, Hội An đã trở thành một trong những nơi có sức thu hút mạnh mẽ đối với các thương gia từ nhiều nước khác nhau mà chủ yếu là từ Nhật Bản và Trung Quốc. Từ trung tâm thương mại phồn thịnh này một số thương gia đã nhanh chóng làm giàu, và đó chính là nguyên nhân của việc xây dựng các ngôi nhà mà mỗi ngôi nhà đó đều thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiến trúc trên nền tảng xã hội mới và trong những điều kiện tự nhiên mới.   Kết quả khảo sát các di tích kiến trúc có thể khẳng định rằng, tại đây đã hình thành một sự kết hợp và thẩm nhận các phương pháp xây dựng, cấu trúc kiến trúc, trang trí nội thất của cư dân đô thị cổ Hội An. Tại các di tích kiến trúc của khu đô thị cổ đều dễ dàng tìm thấy những yếu tố phong cách kiến trúc Việt Nam, phong cách kiến trúc Trung Quốc và phong cách kiến trúc Nhật Bản. Sự kết hợp và sự hòa hợp các kiểu thức, các phong cách kể trên đã tạo thành phong cách riêng biệt cho đô thị cổ Hội An. Ở đây xin nhắc lại một số ý kiến cho rằng Hội An có những đặc điểm và tính chất của một đô thị Việt Nam. Tuy nhiên cần nói rõ hơn rằng, dù có những yếu tố nước ngoài, song trong kiến trúc cổ Việt Nam chưa bao giờ các yếu tố ngoại lai lấn át lại các yếu tố bản địa. Luận điểm này, một lần nữa được khẳng định và thừa nhận qua các kết quả nghiên cứu, khảo cổ bước đầu về lịch sử kiến trúc các ngôi nhà ở Hội An. Như chúng ta đã biết, các đền chùa ở Hội An đều mang đặc điểm của những tộc người đã xây dựng và sử dụng chúng về mặt tôn giáo, tuy vậy vẫn có thể nhận thấy không ít những đặc điểm chung của kiểu thức Hội An. Nói về những ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai mà cụ thể là yếu tố Nhật Bản trong kiến trúc và xây dựng ở thị xã cổ này có thể kể đến cầu Nhật Bản, một chiếc cầu vừa làm chức năng của một cái cầu vừa là nơi hành lễ được những người Nhật Bản xây dựng theo các phương pháp và tập quán truyền thống đương thời của người Nhật.
         
Có thể khẳng định rằng, thời kỳ từ thế kỷ XVI - XVII là thời kỳ tạo lập địa bàn cư trú của cư dân cổ Hội An, là thời kỳ diễn ra những sự tiếp nối riêng biệt của những bộ phận cư dân mới, đồng thời là quá trình thẩm nhận và tác động giữa các yếu tố, các phong cách kiến trúc khác nhau để kết hợp và bổ sung vào sự đổi mới trong việc xây cất của người Việt. Căn cứ vào những nguồn sử liệu và tư liệu khác (như đồ họa) có thể biết được sự tồn tại của các yếu tố cổ đô thị ở Hội An vào thế kỷ XVII, gồm: 1 - Cầu; 2 - Chợ; 3 - Thành cổ có trang bị súng thần công; 4 - Thành phố.
         
Đó là một phức hợp di tích mà trong đó các di tích được sắp xếp theo thứ tự trên và đã được khẳng định qua cách nhìn của một khách ngoại quốc trong một cuộc hành trình đến Việt Nam vào năm 1792 - 1793. Ở một bức họa của mình, du khách này đã vẽ hình ảnh chiếc cầu, trên đó có những người bản địa và chiếc thuyền Việt Nam, như loại thuyền đang được sử dụng hiện nay. Thời kỳ từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX là thời kỳ đáng chú ý trong tiến trình phát triển của lịch sử Hội An. Những quan hệ thương mại sống động đã tạo điều kiện cho thị dân ở đây nhanh chóng giàu có và mở rộng phạm vi xây dựng các công trình kiến trúc. Đến cuối thế kỷ XIX là thời kỳ khai thác công nghiệp thì trung tâm thương nghiệp và công nghiệp được chuyển về Đà Nẵng, còn Hội An chỉ tồn tại một vị trí tất thứ yếu. Cùng với thời gian, vai trò thương mại của Hội An càng ngày càng suy giảm và thế là cư dân ở đây buộc phải kiếm sống bằng những nguồn sống khác: đánh cá, thủ công nghiệp, nông nghiệp. Nhờ sự chuyển đổi nói trên qua các giai đoạn lịch sử khác nhau mà cho tới nay ở Hội An còn lại khá nguyên vẹn các di tích và cấu trúc nguyên sơ của một đô thị cổ. Bây giờ chúng ta hãy điểm lại các giá trị của các di tích kiến trúc trong quần thể di tích ở khu đô thị cổ này. Như đã biết, để có một cái nhìn đúng đắn về sự phát triển của kiến trúc cổ Việt Nam cần đặc biệt lưu ý là các công trình kiến trúc đô thị này được làm theo “đơn đặt hàng” của thị dân cũng như cố đô Huế trước đây đã được xây dựng theo ý đồ của triều đình nhà Nguyễn. Nhưng thực tế này những cứ liệu giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử kiến trúc Việt Nam để tiến hành các công trình nghiên cứu về mối quan hệ và sự ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau trong kiến trúc Việt Nam.
         
Để xác định giá trị của quần thể di tích kiến trúc Hội An cần phải khai thác và xác định giá trị của chúng trong một tổng thể các di tích, gồm: 1) Phức hợp di tích bao gồm các di tích là bất động sản đang có trong quy hoạch hiện tại của khu đô thị cổ. 2) Sự xác định lịch sử về mặt địa giới. 3) Các bất động sản trong khu vực kiến trúc dân dụng: nhà ở và các công trình công cộng và làm những chức năng riêng biệt. 4) Các biện pháp xây dựng mang tính truyền thống. 5) Các họa tiết trang trí trên các cấu trúc, những yếu tố trang trí nội thất và ngoại thất của các di tích. 6) Khai thác và sử dụng các di tích trong khu đô thị cổ.
         
Điểm thứ nhất: Phức hợp di tích đô thị cổ bao gồm hệ thống các đường phố lối đi được sử dụng với tư cách là các công trình công cộng. Thuộc về phức hợp di tích này còn bao gồm các công trình như cảng, phố, chợ, nhà ở dân dụng.    Điểm thứ hai: Các khu sân, vườn được tạo dựng với những kích thước và bố cục phù hợp với cấu trúc của công trình và khả năng vật liệu.
         
Điểm thứ ba: Trong phức hợp di tích dân dụng ở khu đô thị cổ Hội An có khoảng 80% công trình vẫn được bảo tồn nguyên dạng mặc dù một số ngôi nhà đã được sang sửa và làm mới một số bộ phận (vào đầu thế kỷ XX) theo kiểu thức lâu đài của Pháp. Đáng chú ý là những sự đổi mới này không chỉ một lần đã làm thay đổi các yếu tố ở phía trước nhà và còn bảo lưu được hệ thống các cấu trúc gỗ với những bộ phận có nhiều họa tiết trang trí rất tinh xảo. Có thể chia không gian kiến trúc dân dụng thành những phần khác nhau sau đây (kể từ mặt phố đi vào):
         
- Một gian hiên nhà.
         
- Từ 3 đến 5 gian tiếp theo là phần tiêu biểu của ngôi nhà. Tại đây có bàn thờ gia đình.
         
- Từ 2 đến 3 gian tiếp theo được làm sát với phía tường hồi nhà và có chiều rộng là 2 - 3m là phòng ngủ của gia đình. Phần còn lại liền với tường hồi đối diện là nơi đặt chậu cây cảnh, hòn non bộ, bể cá vàng... và thường thường còn có một bàn thờ nhỏ ngoài trời trong khu vực này.
         
- Từ 3 đến 5 gian làm phòng ngủ của các thành viên trong gia đình.
         
- Mảnh vườn nhỏ, nhà bếp, giếng nước và khu nhà vệ sinh.
         
- Thông thường trong khu vực nhà ở còn có một nhà thờ.
         
Điểm thứ tư: Trong tất cả các di tích kiến trúc ở khu đô thị cổ Hội An đều bắt gặp những phương pháp xây dựng nhà ở hết sức độc đáo. Các ngôi nhà thường được phân chia về mặt kiểu thức kiến trúc bằng những bức tường, vừa tạo được sự phân cách những cấu trúc gỗ của ngôi nhà, vừa làm chức năng phòng hỏa. Trong lòng các ngôi nhà có hệ thống các cột gỗ được kê trên các hòn kê bằng đá. Có thể khẳng định rằng, kết cấu gỗ của ngôi nhà được bố trí rất hài hòa về mặt kiểu thức kiến trúc và trang trí kiến trúc. Đáng lưu ý rằng đây là những công trình kiến trúc dân dụng có mái che và vì vậy cần hết sức lưu ý đến cấu trúc mái và ngói lợp (những yếu tố này vẫn bắt gặp ở các di tích kiến trúc gỗ tại khu di tích Huế).
         
Điểm thứ năm: Những yếu tố trang trí cơ bản là những phần chạm khắc ở các cấu trúc mái đỡ bằng gỗ. Những yếu tố này cũng thu hút sự chú ý của chúng ta trong quá trình nghiên cứu khảo sát, đặc biệt là các bức tường đầu hồi bằng gỗ. Tại đó thường có những họa tiết trang trí với các đề tài cây cỏ, tôn giáo và những cảnh sinh hoạt hằng ngày. Phần có trang trí chạm khắc tiếp theo là nhà thờ và các bàn thờ gia đình - đây là một trong những yếu tố cơ bản của nhà ở. Dường như tất cả các bộ phận trên bàn thờ đều được chạm khắc hết sức tinh xảo. Có thể nói mỗi một yếu tố trang trí ở đây đều được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Phía trước các ngôi nhà ở cũng đều được chạm khắc theo kiểu thức trang trí hết sức độc đáo của Hội An. Ở các bức tường che mái phía trước nhà và ở các tường hồi thường có những chi tiết trang trí, chạm khắc làm bằng vữa. Đáng chú ý là sự chuyển đổi của các họa tiết trang trí trên mặt tiền của các ngôi nhà được xây lại thay cho các bức tường gỗ có trang trí. Mặc dầu vậy, các họa tiết trang trí trên các cấu kiện gỗ vẫn tiếp tục được sử dụng và được thể hiện bằng các vật liệu mới là vôi vữa.
         
Điểm thứ sáu: Bằng những di tích kiến độc đáo mang những đặc điểm hết sức phong phú của mình: Trong tương lai Hội An có thể trở thành một thành phố của các nghệ sĩ. Vẻ đẹp độc đáo của các di tích kiến trúc là sự ngưng đọng và thể hiện trí sáng tạo, quan điểm thẩm mỹ, tập quán mùng 3 thì nhà nào cũng làm mâm cơm để tiễn đưa ông bà, tổ tiên những người thân khuất mặt sau khi về ăn Tết với gia đình. Và đến ngày mùng 7 - Tết Khai hạ thì làm lễ hạ nêu, nghĩa là thời gian Tết cũng chấm dứt. Tuy nhiên, dư âm của Tết còn được kéo dài cho đến ngày mùng mười nên trong dân gian truyền tụng câu “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân” và thậm chí đến ngày tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm lịch).
         
Cùng với những lễ nghi ngày Tết là nhiều trò diễn mang đặc trưng vui chơi văn hóa như hát sắc bùa, hát bài chòi, chọi gà, cờ người... Điều đó làm cho lễ Tết thêm thiêng liêng và vui nhộn, ấm cúng, rộn ràng trong mọi gia đình dòng họ, ngõ xóm từ làng quê đến phố phường. Những giá trị văn hóa này trở thành phong tục, nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc mang đậm tính nhân văn cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống của cư dân Hội An.

Tác giả: Kazimierz Kwiatkawski

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây