Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây
- Thứ tư - 10/07/2019 05:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2017, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã phối hợp với gia đình Nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên tập hợp, biên soạn và xuất bản sách Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên. Tập sách giới thiệu hơn 110 bài khảo cứu về lịch sử văn hóa Hội An và các sáng ta văn học. Nhân hội thảo khoa học quốc tế về Giao lưu văn hóa tại các thương cảng quốc tế thời Trung đại ở Việt Nam và Đông Nam Á, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xin giới thiệu 1 phần bài viết “Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên viết năm 1986, được in trong tập sách để chúng ta cùng hồi tưởng, tìm hiểu Thương cảng Hội An vào đầu thế kỷ 20.
Lòng sông Phố ngày trước sâu và rộng. Đầu cồn Cẩm Nam nay trải lên về phía tây rất xa. Vùng đất thôn An Hội nay, trước đây không có, chỉ là sông nước sâu, phía nam có một vài gò nhỏ nổi. Mé nam bên Cẩm Nam chưa bồi nên sông rộng (ngang cầu qua Cẩm Nam ngày nay, mé sông đi sát vào trường học Cẩm Nam nay). Giữa sông (dưới cầu, trước mặt chùa Bảo Thắng (sư nữ) ngó ra) có một bên cồn đất dài, rộng, thường gọi là cồn Tứ Bang (nay có bồi lại một ít) giữa cồn có một hàng tre dài, hai bên là thổ trồng khoai, trỉa đậu. Bờ sông Phố (tức bờ Bạch Đằng nay) Pháp chia dọc làm 3 đoạn đặt 3 tên: Từ chợ đi về Tây đến đàng ngang vào chùa Bà (cũng gọi là chùa Ngũ Bang, có tên Trung Hoa hội quán) là bờ sông Triều Châu. Từ đây đi lên đến góc nhà Lợi Xuyên (có nhà sắt) là bờ sông Hải Nam. Rồi từ đây đi lên về Tây đến cầu An Hội nay là bờ sông Phúc Kiến (quai Phúc Kiến). Dọc bờ sông từ góc chùa Bà xuống đến chợ có một hàng cây có bóng mát. Bờ sông xây đá, bực sâu, từ bến chợ lên, ghe thường kèm sát bờ. Đò mui ống (đò Hàn) đi Vĩnh Điện, Đà Nẵng, chợ Được, bến Đá (Thăng Bình) Tam Kỳ đậu dày bờ. Buổi chiều chừng 4, 5 giờ, người lên xuống nhộn nhịp. Hành khách, kẻ gánh gồng, người mang gói, đàn ông, đàn bà, con đò tranh nhau rước khách lên xuống lăn xăng kêu la nhau chí chóe. Từ ngã ba chùa Bà đến góc Lợi Xuyên (quai Hải Nam) thì ghe nguồn, đều là ghe trường, từ nguồn (Đại Lộc, Trung Phước,…) xuống đậu sát bờ bán chuối, mây, dầu rái, trầu và một số ghe vợi. Ghe vợi này chở hàng như cau, quế, chè, đường,… đi Hàn (Đà Nẵng) cho các hiệu xuất cảng hoặc chở thẳng ra tàu đậu ở Vũng Thùng. Từ góc Lợi Xuyên lên thì các ghe chở hàng từ Tam Kỳ ra và nốt mành từ các tỉnh Thanh, Nghệ vào và thỉnh thoảng có tàu ô Hải Nam vào đậu lấy hàng. Giữa lòng lạch thì ghe bầu đậu dày, neo tréo nhau, cột buồm dày như những ngọn dáo chĩa lên trời. Những ghe này ngoài các miền trong tỉnh như Trà Nhiêu, Bàn Thạch, Làng Câu, Cẩm Phô, Thanh Châu, Phước Trạch còn có ghe các tỉnh trong Bình Định, Phú Yên, Phan Thiết,… đến bán gạo, muối và mua hàng quay về. Người trên bờ sông nghe rộn ràng tiếng “Hẹ” và “Buôn” không ngớt. Đó là tiếng hô của người bạn ghe đong gạo dưới khoang lên tiếng cho người coi thẻ đánh trống làm hiệu. Mỗi tiếng “hẹ” là người biện (tài phó) cầm thẻ đánh vào trống rồi giao thẻ cho chủ mua. Khi đủ chín thẻ “nhứt phương” thì lấy một thẻ “thập phương” nữa cứ thế giữ lấy đủ 9 thẻ “thập” thì lấy một thẻ “bách” khi nghe 2 tiếng trống “Bum, bum”, tức là đủ một trăm thùng. Khi nghe đánh một hồi dài thì người đong biết đã đủ số mua, ngừng lại. Âm thanh ấy vang dội trên nhiều ghe từ nửa mai đến xế, chen vào những tiếng rao lanh lảnh của những ghe quán bán mì, bún nem, rượu, đậu hủ bơi quanh co, len lỏi trong đám ghe bầu lớn nhỏ chiếc nổi, chiếc khẳm, dây neo lái neo mũi tréo nhau. Ngay bến chợ (nhà đúc làm chợ cá hiện nay) lúc ấy bến lài, không đá xây, một số ghe trường đậu sát nhau mũi chong vào bờ, lái ra sông, trên có lợp hai mái tranh, che mưa nắng, hai bên có đòn dày lên xuống là những ghe vựa gạo bán lẻ cho bọn hàng xáo. Gạo này họ cũng mua của ghe bầu. Họ cũng là những cửa hàng nổi bán muối, gạo. Dưới bến chợ đi xuống, bờ có xây đá, dưới sông từ sáng sớm đến trưa là một nhóm ghe xuồng nhỏ, ván có, nan có của bà con tứ lân mang đồ hoa quả, cá tôm đến bán ở chợ Phố. Ghe như bèo, có người giữ ghe lấy tiền thuê (ba mươi đồng tiền, nửa xu). Trên đường từ chợ đi xuống đến đầu cầu ngày nay là (đường bờ sông Courbet) Cuốc Bê. Đường này có 2 hàng cây bòn hòn bóng mát. Ngang cổng trường Nguyễn Duy Hiệu (1) ngó ra là bến đò qua Cẩm Nam. Dọc bờ đá có một vài nhà chồ của mấy người giữ ghe xuồng và mấy kẻ đi đò dọc bằng ghe mui nhỏ bơi đi Kim Bồng, Trà Nhiêu, Thanh Châu… Khuôn viên trường Nguyễn Duy Hiệu ngày nay là một khu đất trống phía trước sát đường (Phan Bội Châu nay) sau sát đường Trần Phú, phía đông giáp đường Hoàng Diệu (ngày trước là đàng Boulevard Jules Ferry) phía trên có đường kiệt ngày nay vẫn còn. Khu này cỏ mọc, cứ ngày 14 tháng 7 dương lịch, ngày quốc khánh Pháp thì tổ chức các trò chơi, phía bờ sông làm lễ đài đua ghe. Ngày thường có 5, 7 con cừu của bọn sứ Pháp nuôi cho ăn, khi làm nơi che tôn cho các gánh xiếc hay làm nơi tổ chức chợ phiên (Fois Faifo 1936, 1937, 1938). Đây cũng là nơi tổ chức lễ Hưng quốc của Nam triều ngày mồng 2 tháng 5 âm. Trên mặt sông suốt ngày ghe thuyền nhộn nhịp qua lại, chiều chừng 2, 3 giờ gió nồm đưa các ghe rỗi từ Cửa Đại đem tôm cá lên bến chợ tấp nập rộn ràng.
Đi ngược lên trên bờ sông Bạch Đằng ngày nay, từ bến chợ dưới hàng cây có bóng mát, lên ngang chùa Bà (quai Triều Châu) nơi ghe trường và đò dọc tập trung, buổi sáng người buôn bán qua lại lên xuống lăng xăng, chiều lại con đò và hành khách đông đảo, kẻ đi Hàn, người Vĩnh Điện hay chợ Được, bến Đá. Cơm tối xong chừng 7 giờ xuống đò, nước lên, đò nhổ sào, bóng trăng dọi sáng lòng sông, gió nam hiu hiu, mái chèo khoan, nhặt khuấy nước buông lên giọng hát mái dài, hò khoan chơi vơi theo làn gió, cảnh thật nên thơ. Họ qua một đêm ở đò, sáng ra đến nơi, bến ga chợ Đà Nẵng hay chợ Được, Tây Giang. Từ ngã ngang chùa Bà đi lên, các nhà của Hoa thương đều là kho hàng (gọi là tào khâu) nào quất, cau, chè đường từ Quảng Ngãi ra hoặc từ Tam Kỳ, Trà My, Tiên Phước đến. Phu khuân vác lên đi vào cửa ngõ, một Hoa Kiều bụng phệ mặc may ô (maillot) ngồi ngang ngõ tay cầm một bó thẻ, miệng ngậm điếu dài, cứ mỗi vác hàng đi qua thì trao 1 thẻ. Dọc bờ lề các bao hàng, bó quế chi, giỏ cau khô nằm phơi nắng và thỉnh thoảng được lật qua đủ mặt hay được trải ra những tấm vanh như chiếc chiếu, canh ra một loại đường đen như bùn xông nồng nặc mùi mật mía, đường này gọi là đường xòa, một người cầm cào đi cào trộn hết tấm này đến tấm khác cho ráo. Quế chia từng bó rất đều gọn và bó chặt với hai vòng lạt, cau vô giỏ rất kỹ. Gạo từng bao sọc xanh nặng 100kg do phu khuân vác (lúc ấy gọi là cu li, cooli) đầu bịt khăn, trên lưng phủ một mảnh vải để kê vai vác đi, họ đi rất thong thả nhẹ nhàng, những chị phụ nữ cũng xóc nổi thoải mái chẳng kém đàn ông tý nào. Do những “tào khâu” ấy mà những nhà phía nam đường Nguyễn Thái Học ngày nay, ngày xưa người Hoa thường gọi đó là “Quế Trang” (xóm quế) vì ở sát bờ sông mặt xây về nam là nơi làm kho hàng, mặt xây về Bắc ra đường Quảng Đông (Rue des Cantonnais) là cửa hàng buôn bán. Hàng đến từ ghe kèm sát bờ bốc lên kho rất gần. Dọc đường bờ sông này, khoảng 1920 - 1922, cách khoảng sáu, bảy mươi mét có trồng một cây trụ cao chừng 2 mét, cứ mỗi chiều chừng 6 giờ hơn có một người gánh một số đèn dầu hỏa, đến thắp và để lên đầu trụ có lồng đèn gương bốn góc vuông che mưa gió.(Nhà máy điện ở Hội An được thiết lập năm 1925, 1926). Tối lại chừng 7, 8 giờ, các anh chị cu li khuân vác xong, thường tập trung dưới trụ đèn này có ánh sáng heo hắt để chia tiền, đếm bạc (lúc bấy giờ xu và bạc hào nhiều). Các cô hàng chè, cháo nem chả… cùng lấy nơi đây làm cửa hàng đón khách. Đêm đến trên lòng sông đèn thắp sáng, trông như một dãy phố nổi, ánh đèn dọi nước lao xao lềnh bềnh rất ngoạn mục.
Chú thích:
Đi ngược lên trên bờ sông Bạch Đằng ngày nay, từ bến chợ dưới hàng cây có bóng mát, lên ngang chùa Bà (quai Triều Châu) nơi ghe trường và đò dọc tập trung, buổi sáng người buôn bán qua lại lên xuống lăng xăng, chiều lại con đò và hành khách đông đảo, kẻ đi Hàn, người Vĩnh Điện hay chợ Được, bến Đá. Cơm tối xong chừng 7 giờ xuống đò, nước lên, đò nhổ sào, bóng trăng dọi sáng lòng sông, gió nam hiu hiu, mái chèo khoan, nhặt khuấy nước buông lên giọng hát mái dài, hò khoan chơi vơi theo làn gió, cảnh thật nên thơ. Họ qua một đêm ở đò, sáng ra đến nơi, bến ga chợ Đà Nẵng hay chợ Được, Tây Giang. Từ ngã ngang chùa Bà đi lên, các nhà của Hoa thương đều là kho hàng (gọi là tào khâu) nào quất, cau, chè đường từ Quảng Ngãi ra hoặc từ Tam Kỳ, Trà My, Tiên Phước đến. Phu khuân vác lên đi vào cửa ngõ, một Hoa Kiều bụng phệ mặc may ô (maillot) ngồi ngang ngõ tay cầm một bó thẻ, miệng ngậm điếu dài, cứ mỗi vác hàng đi qua thì trao 1 thẻ. Dọc bờ lề các bao hàng, bó quế chi, giỏ cau khô nằm phơi nắng và thỉnh thoảng được lật qua đủ mặt hay được trải ra những tấm vanh như chiếc chiếu, canh ra một loại đường đen như bùn xông nồng nặc mùi mật mía, đường này gọi là đường xòa, một người cầm cào đi cào trộn hết tấm này đến tấm khác cho ráo. Quế chia từng bó rất đều gọn và bó chặt với hai vòng lạt, cau vô giỏ rất kỹ. Gạo từng bao sọc xanh nặng 100kg do phu khuân vác (lúc ấy gọi là cu li, cooli) đầu bịt khăn, trên lưng phủ một mảnh vải để kê vai vác đi, họ đi rất thong thả nhẹ nhàng, những chị phụ nữ cũng xóc nổi thoải mái chẳng kém đàn ông tý nào. Do những “tào khâu” ấy mà những nhà phía nam đường Nguyễn Thái Học ngày nay, ngày xưa người Hoa thường gọi đó là “Quế Trang” (xóm quế) vì ở sát bờ sông mặt xây về nam là nơi làm kho hàng, mặt xây về Bắc ra đường Quảng Đông (Rue des Cantonnais) là cửa hàng buôn bán. Hàng đến từ ghe kèm sát bờ bốc lên kho rất gần. Dọc đường bờ sông này, khoảng 1920 - 1922, cách khoảng sáu, bảy mươi mét có trồng một cây trụ cao chừng 2 mét, cứ mỗi chiều chừng 6 giờ hơn có một người gánh một số đèn dầu hỏa, đến thắp và để lên đầu trụ có lồng đèn gương bốn góc vuông che mưa gió.(Nhà máy điện ở Hội An được thiết lập năm 1925, 1926). Tối lại chừng 7, 8 giờ, các anh chị cu li khuân vác xong, thường tập trung dưới trụ đèn này có ánh sáng heo hắt để chia tiền, đếm bạc (lúc bấy giờ xu và bạc hào nhiều). Các cô hàng chè, cháo nem chả… cùng lấy nơi đây làm cửa hàng đón khách. Đêm đến trên lòng sông đèn thắp sáng, trông như một dãy phố nổi, ánh đèn dọi nước lao xao lềnh bềnh rất ngoạn mục.
Chú thích:
(1) Hiện nay là chợ mới Hội An ở vị trí nhìn ra cầu Cẩm Nam.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền