Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Hãy về lại Thanh Hóa với chúng tôi

Vào năm 1971, trong trận chống càn ở Cẩm Thanh, tôi bị thương ở mắt, đến năm 1974, tôi (lúc bấy giờ là Ủy viên Thường vụ Thị ủy, Chính trị viên thị đội), được Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định cho ra miền Bắc để có điều kiện mổ, chữa trị mắt tốt hơn. Trước khi lên đường, Ban Thường vụ Thị ủy Hội An giao cho tôi 3 nhiệm vụ: Tập trung điều trị bệnh, thay mặt Thường vụ Thị ủy Hội An đến thăm Thị ủy Thanh Hóa kết nghĩa, làm công tác Đảng đối với một số đồng chí Hội An đang được điều trị ở Sầm Sơn - Thanh Hóa. Cùng đi với tôi có đồng chí Đinh Hùng Sơn.
           Đầu tháng 4 năm 1974, Sau nhiều tháng vượt Trường Sơn ra đến Hà Tây, tôi đã liên lạc được với đồng chí Huỳnh Viết Điềm. Ban liên lạc hội đồng hương Hội An tại Hà Nội. Đồng chí Điềm đã làm việc với Thị ủy Thanh Hóa chuẩn vị cho chuyến công tác của tôi ở Thanh Hóa.

           Sau đó, tôi cùng đồng chí Sơn đến thăm Thanh Hóa. Trên đường đi về thị xã chúng tôi rất bồi hồi khi lần đầu tiên được đến thăm Thị xã, được gặp các đồng đội, những người luôn sát cánh với đồng bào, đồng chí Hội An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong từng chiến thắng và ngay trong những tháng ngày gian khổ nhất. Miên mang suy nghĩ, sau nhiều giờ xe lăn bánh, chúng tôi đặt chân đến Thị xã Thanh Hóa thân yêu vào lúc 7h00 ngày 19 tháng 4 năm 1974. Xe dừng lại ở cơ quan Thị ủy Thanh Hóa, chúng tôi rất bất ngờ vì hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Huấn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, đồng chí Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Thị xã đón tiếp. Những tình cảm thắm thiết giữa Hội An - Thanh Hóa được thể hiện qua những ánh mắt xúc động, mừng rỡ, những cái bắt tay chân tình giữa các đồng chí của Thị ủy Thanh Hóa với chúng tôi.

            Vào buổi chiều hôm ấy Thị ủy Thanh Hóa bố trí một buổi gặp mặt với gần 500 đồng chí, cán bộ, công nhân, viên chức của Thị xã để nghe tôi kể chuyện về cuộc chiến đấu chống Mỹ đang diễn ra ở mảnh đất Hội An thân yêu. Thị ủy Thanh Hóa còn mời các đồng chí quê Hội An đang điều dưỡng ở Sầm Sơn - Thanh Hóa về dự buổi nói chuyện tràn đầy tình đồng chí, anh em này. Trong hội trường rộng lớn nhưng lòng tôi cảm thấy thật sự ấm áp trước sự chu đáo, đầy tình nghĩa. Tôi còn nhớ, mở đầu buổi nói chuyện, đồng chí Huấn - Bí thư Thị ủy Thanh Hóa nói: “Thưa các đồng chí! Hôm nay, các đồng chí, Châu, Sơn là những người con của Thanh Hóa về lại quê hương sẽ báo cáo tình hình công tác ở Hội An…”. Nghe đến đây, lòng tôi trào dâng xúc động vì cảm nhận được rằng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc, đồng chí đồng bào Thanh Hóa luôn hướng về miền Nam, Quảng Nam, đặc biệt luôn quan tâm đến đồng bào, đồng chí đang chiến đấu trên chiến trường Hội An như những người anh em ruột thịt. Lòng tôi có cảm giác như đứa con đi xa trở về quê hương gốc gác của mình. Theo yêu cầu của các đồng chí Thanh Hóa, tôi kể về tình hình chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ Hội An trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Không khí của buổi nói chuyện diễn ra thật tình cảm bởi có sự chia sẻ hết sức sâu sắc giữa người kể chuyện và người nghe. Khi tôi dứt lời kể về những chiến công của quân dân giải phóng nhà lao Hội An, bắt sống lính Mỹ, bắt sống lính Nam Triều Tiên, những đồng chí cảm tử dũng cảm diệt ác ngay giữa ban ngày… thì cả Hội trường liên tục vang dậy tiếng vỗ tay tán thưởng, chúc mừng làm cho cuộc nói chuyện trở nên sôi động hẳn lên. Nhưng lúc tôi nói về những ngày chiến đấu gian khó của quê hương Hội An trong những năm 1969 - 1972, vùng phía bắc Hội An hoàn toàn trắng dân, đồng bào bị đưa vào những khu dồn dân, địch liên tục bao vây khống chế các chiến sĩ cách mạng, làm cho công tác hậu cần thêm khó khăn khiến cho nhiều cán bộ phải ở hầm trong 4 - 5 ngày liền, thiếu ăn đến kiệt sức… thì hội trường lặng im trong xúc động, nhiều đồng chí Thanh Hóa cảm động không cầm được nước mắt. Không chỉ vậy sau buổi nói chuyện, nhiều cán bộ, công nhân, chiến sĩ Thanh Hóa đến tận phòng ở của chúng tôi để hỏi thăm, tìm hiểu thêm những tin tức về cuộc chiến đấu đầy gian khó nhưng anh dũng của nhân dân Hội An.

            Trong 3 ngày công tác ở Thanh Hóa, lúc chia tay, đồng chí Huấn - Bí thư Thị ủy còn ân cần nhắn gửi: sau khi phẫu thuật chữa trị mắt tại Hà Nội, đồng chí không đi an dưỡng ở nơi nào khác mà hãy về Thanh Hóa với chúng tôi.
 
(Trích sách: 50 năm nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam 1960 - 2010, Nxb: Thanh Hóa - 2010, tr 256 - 258)
 
 


 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh (tổng hợp theo lời kể của đồng chí Đặng Châu Nguyên Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Binh vận Thị ủy Hội An)

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây