Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Di tích Bia đá thời Minh Mạng ở Nam Diêu

Trong khoảng thời gian từ nửa đầu thế kỷ XVI đến khoảng thế kỷ XIX, Hội An là vùng đất có vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của Quảng Nam nói riêng, Đàng Trong nói chung; được các Chúa, sau đó là triều đình nhà Nguyễn quan tâm thể hiện qua nhiều chính sách, biện pháp cụ thể liên quan đến Hội An được sử liệu ghi chép. Đặc biệt ở Hội An có một số hiện vật, di tích lưu giữ dấu ấn của các Chúa, vua nhà Nguyễn như: Bức hoành đề 4 chữ “Cứu thế độ nhân” ở đình Sơn Phong được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng; Bức hoành đề 3 chữ “Lai Viễn Kiều” ở chùa Cầu được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng trong lần tuần du đến Hội An vào năm 1719; Bia đá mở đường thời Minh Mạng ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà.
Bia đá mở đường thời Minh Mạng nằm ở khu đất tại ngã ba đường Phạm Phán với đường bê tông, bên cạnh di tích khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu. Di tích này ghi lại sự kiện mở đường từ Vĩnh Điện đến Đại Chiêm hải khẩu vào năm Minh Mạng thứ 5 (năm 1824).

Bia đá hình trụ vuông bằng sa thạch, phần nổi trên mặt đất cao 70cm, mặt khắc chữ Hán quay ra đường Phạm Phán. Hiện trạng bia đá bị bào mòn mặt trên tạo đường lõm, một phần diềm trên mặt khắc chữ bị sứt vỡ. Mặt bia và diềm xung quanh bị phong hóa nhiều nơi. Bia đá được lập vào năm Minh Mạng thứ 5 (năm 1824). Mặt bia đá khắc chữ có kích thước: Cao 70cm, rộng: 27cm, xung quanh tạo gờ chỉ, không trang trí hoa văn. Chữ khắc thể Khải thư, gồm có 4 dòng chữ. Dòng nhiều nhất gồm 20 chữ, dòng ngắn nhất gồm 17 chữ. Các chữ có cùng kích cỡ: 2,5cm x 2,5cm. Chữ bia khắc sâu, rõ nét.

Nội dung khắc trên bia đá, tạm dịch như sau: “Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 5, vâng đắp đường mới về phía Đông một ngàn ba trăm bốn mươi tầm bốn xích đến phố chợ Hội An, hai ngàn sáu trăm sáu mươi sáu tầm đến Đại Chiêm hải khẩu. Đường về phía Tây hai ngàn một trăm mời hai tầm ba xích bốn thốn đến dinh thành, nối lý lộ một ngàn tám trăm tầm đến Vĩnh Điện hà khẩu” (1)

Qua các tư liệu có thể thấy rằng trong lịch sử nhà Nguyễn, vua Minh Mạng là người rất chú trọng đến vấn đề biển đảo, trong đó có Hội An. Hội An lúc bấy giờ có cửa biển Đại Chiêm (nay là biển Cửa Đại) – một điều kiện quan trọng để hình thành nên một đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng của Đàng Trong, Việt Nam và khu vực trong thế kỷ XVII, XVIII. Khu vực của biển là nơi tàu thuyền thương nhân các nước tấp nập qua lại giao thương, cùng với đó đã nảy sinh nạn cướp biển khá phức tạp. Tình hình đó vua Minh Mạng đã có nhiều chỉ dụ để trấn áp hoạt động này, được Mộc bản triều Nguyễn ghi chép khá tỉ mỉ: (2)

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 59, năm Minh Mạng thứ 10 (1829): “Ngày nọ, Thanh Hoa, Nam Định có 2, 3 thuyền giặc đi lại đón cướp thuyền buôn rồi bị quan binh bắt được, địa phương được yên. Nay Quảng Nam bỗng có tin ấy, chỉ là lũ chuột vất vưởng ở đáy nồi, rồi cũng khó tránh được lưới trời. Duy cõi biển xa rộng, lũ ấy sớm thì đông tối thì tây, nhân thế mà thừa cơ lén nổi. Bọn giặc lớn ấy, không thể để chậm mà không giết, vì sợ lửa đom đóm sẽ bùng lên”.

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 121, năm Minh Mạng thứ 15 (1834): “Bọn thuyền người nhà Thanh cứ quen thói cũ, thường lảng vảng ở ngoài biển, mua lậu gạo, rồi gặp chỗ vắng người, nhân kẻ sơ hở, đón cướp thuyền buôn, tưởng không phải chỉ riêng một chiếc thuyền này. Vả, gần đây ở hải phận Nam, Ngãi cũng có hai ba chiếc thuyền giặc bị quan quân đuổi đánh, tìm đường lẩn trốn. Hiện nay gió Bắc đương lộng, thế tất chúng còn ẩn nấp quanh các hải đảo, chưa thể đi xa được. Vậy, truyền dụ cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam tới Bình Thuận, phải nghiêm sức các bộ biền tuần dương và các tấn sở thủ sở, phải ngày đêm đi lại tuần tra, thoăn thoắt đưa như thoi, nếu gặp thuyền lạ người Thanh, có vẻ khả nghi, xét không phải là thuyền buôn, thì lập tức bắt giải để xét trị”.

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 200, năm Minh Mạng thứ 20 (1839): “Cách vài ngày, giặc lại ở cửa Đại Chiêm, đón cướp thuyền công giải của kho Quảng Ngãi, Suất đội Nguyễn Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết 4 tên giặc, cứu được 2 chiếc thuyền buôn. Vua nghe tin, ngợi khen, thưởng cho quan quân ở chuyến đi ấy được kỷ lục và tiền có từng bậc. Lại phái một Quản vệ bộ binh hai Suất đội Thủy sư ở Kinh và trên 90 biền binh, chia ngồi thuyền phòng dương, thuyền hiệu Tuần hải, đi ngay đuổi bắt, định cứ bắt được một chiếc thuyền giặc, thưởng cho 500 quan tiền”.

Không chỉ vậy, vua Minh Mạng cũng đã có lần tuần du đến Hội An vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), được sách “Đại Nam Thực lục” ghi chép lại. Dịp này vua đã tha 5 phần 10 bạc thuế cho dân Minh Hương; qua miếu Quan công cho 300 lạng bạc, qua miếu Thiên Hậu cho 100 lạng bạc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc mở đường vào năm 1824 được ghi dấu bởi bia đá ở Nam Diêu, Thanh Hà là nhằm chuẩn bị cho cuộc tuần du của vua Minh Mạng trong năm 1825 mà sử liệu nhắc đến như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, với việc quan tâm của vua Minh Mạng đến nạn cướp ở biển Đại Chiêm, việc mở đường có thể còn là một biện pháp để triều đình quản lý chặt chẽ hơn tình trạng này.

Có thể thấy rằng, di tích là nguồn tư liệu có giá trị về khoa học, khẳng định một sự kiện lịch sử đã từng diễn ra trên đất Hội An là việc mở đường đến phố Hội An và cửa biển Đại Chiêm vào thời vua Minh Mạng thứ 5 (1824). Cùng với những biện pháp để trấn áp nạn cướp ở biển Đại Chiêm và đợt tuần du đến Hội An vào năm 1825 đã được sử liệu ghi chép, di tích là nguồn tư liệu thực địa quý, góp phần minh chứng cho vị thế quan trọng của thương cảng quốc tế Hội An đối với nhà Nguyễn nói chung, dưới thời vua Minh Mạng nói riêng. Từ tuyến đường này, triều đình có điều kiện quản lý chặt chẽ hơn tình hình hoạt động của thương cảng quốc tế Hội An cũng như nạn cướp ở biển hoành hành ở cửa Đại Chiêm. Di tích giúp cho việc nghiên cứu để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến việc mở con đường này trong lịch sử, từ đó nhận thứ sâu hơn về vai trò của nhà Nguyễn đối với sự phát triển của thương cảng quốc tế Hội An. Về mặt kinh tế, di tích nằm trong khu vực làng gốm Thanh Hà – nơi có hoạt động du lịch đang phát triển. Việc khai thác giá trị của di tích sẽ tạo thêm sức hút cho hoạt động du lịch, qua đó góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

Tài liệu tham khảo và chú thích

(1) Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Di sản Hán Nôm Hội An (tập văn bia), tháng 12/2014.
 
(2) Theo tác giả Lê Khắc Niên, Vua Minh Mạng trấn áp cướp biển ở cửa biển Đại Chiêm: Nhìn từ mộc bản triều Nguyễn, www.facebook.com/truyen.dinhba.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây