Đặc tính của Di sản văn hóa, thiên nhiên Hội An với những danh hiệu của tổ chức UNESCO
- Chủ nhật - 19/05/2019 21:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thật may mắn, tự hào cho nhân dân Hội An hôm nay và các thế hệ mai sau là các lớp tiền nhân đã sáng tạo, để lại một di sản văn hóa vô giá - đó là quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo; Thiên nhiên cũng ưu ái ban tặng cho nhân dân Hội An một môi trường sinh thái: sông nước - biển - đảo với nhiều điểm kỳ thú, hấp dẫn. Đặc biệt có hệ sinh thái - đa dạng sinh học hết sức phong phú, với nhiều cá thể độc đáo.
1. Khái quát vị thế địa - lịch sử - văn hóa và dân cư Hội An
Hội An được mô tả, ghi chép, đánh dấu trên các thư tịch, họa đồ, bản đồ hàng hải xưa ở trong nước và quốc tế với các tên gọi: Faifo, Haifo, Faicfo, Haiso, Faiso, Faifoo… hoặc gắn với Cửa Đại - Cù Lao Chàm với các tên gọi: Pullu Ciam pello, Sanf - FuLaw, Cham-pu-lau, Chiêm Bất Lao, Cửa Đại Chiêm, Lâm Ấp phố… với vai trò là một Đô thị thương cảng - trung tâm thương mại quốc tế nổi tiếng suốt trong các thời kỳ lịch sử cổ - trung - cận đại, từ thời vương quốc Chămpa đến thời kỳ Đại Việt, Đại Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Hội An nằm ở vùng hạ lưu, cửa sông - ven biển tỉnh Quảng Nam, nơi hội tụ của các nguồn sông lớn ở xứ Quảng đó là: Nguồn Thu Bồn; Nguồn Ô Gia/ Vu Gia; Nguồn Chiên Đàn; và sông Đế Võng hay Lộ Cảnh Giang (tục gọi là sông Cổ Cò, nối thông Cửa Đại - Hội An với Cửa Hàn - Đà Nẵng). Đó là huyết mạch giao thông, là nguồn vô tận bồi đắp lên nhiều vùng đất trù phú, cùng với trữ lượng vô kể về sản vật. Đồng thời góp phần quan trọng tạo nên phong cách sắc thái văn hóa của xứ Quảng từ ngàn xưa. Phía Đông Hội An là biển Đông, có Cửa Đại (Đại Chiêm Hải khẩu - cửa biển lớn của Chiêm Thành/ Chăm pa) và cách xa bờ khoảng 18km có cụm đảo Cù Lao Chàm, gồm 8 hòn đảo lớn, nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Tai, Hòn Nồm, với tổng diện tích khoảng 15,5km2 . Ngoài xa cụm đảo này là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các hòn đảo ở Cù Lao Chàm quần tụ lại tạo thành hình cánh cung, xoay vào hướng đất liền, trên Hòn Lao với nhiều bãi cát thoai thoải, có dân cư sinh sống ở Bãi Làng, Bãi Ông, Bãi Hương.
Khu vực Hội An có địa hình - địa mạo - thủy đạo khá phong phú, đa dạng, độc đáo, với hệ thống sông lớn, nhỏ chằng chịt và chia cắt bởi những bãi/nỗng/trảng/cồn cát... ; bàu/đầm/hói/vũng nước... chúng được cấu thành bởi nhiều địa hình có nguồn gốc khác nhau của khu vực cửa sông - ven biển - biển đảo. Đặc điểm địa lý tự nhiên này đã có tác động chi phối mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành và phát triển của các lớp, khối cộng đồng dân cư ở đây trong đời sống sinh hoạt kinh tế - văn hóa. Hệ thống sông và cửa biển là một yếu tố - địa lợi, cùng với các yếu tố khác (Thiên thời, nhân hòa) có tính chất quyết định con đường hình thành của Đô thị thương cảng quốc tế Hội An. Như cố giáo sư Trần Quốc Vượng tổng kết: Hội An là Hội thủy, hội nhân, hội văn (hóa): Hội thủy/nước 3 nguồn Vu Gia, Thu Bồn, Chiên Đàn (nối Cửa Đại với cửa Kỳ Hà) và con sông Đế Võng (Lộ Cảnh Giang, nối Cửa Hàn với Cửa Đại); Hội nhân/người, có cư dân Việt tiếp nối người Sa Huỳnh cổ, Champa, có sự nhập cư của người Hoa, người Nhật và giao lưu của thương nhân các nước Châu Á, phương Tây; Hội văn: trên cơ sở kế thừa yếu tố văn hóa truyền thống Việt, tiếp thu văn hóa Sa Huỳnh - Champa bản địa và sự hội nhập giao lưu của văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, phương Đông, phương Tây… Để rồi được định danh trên một cái tên (gọi) rất Việt Nam đầy ước vọng Hội An - tức là nơi Hội thủy - Hội nhân - Hội văn/vật được an hưởng những điều an lành, hòa bình, chung vui, lạc nghiệp, và “nhân tình thuần hậu”. Có thể nói, Hội An là mảnh đất được Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.
2. Di sản đô thị Hội An - "bảo tàng sống" về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và dân cư đô thị
Hội An là một địa chỉ văn hoá, nơi duy nhất của khu vực Đông Nam Á được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những nét truyền thống (bố cục, quy hoạch, kiến trúc) của một đô thị - thương cảng cổ và con người đang sống cuộc sống đời thường, ngay trong đô thị di sản đó. Nơi đây lưu giữ những thông tin quý giá của quá khứ có chiều sâu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm về lịch sử, về con người liên quan đến cả khu vực và Đông Nam Á hải đảo. Cùng với nó đang tồn tại một kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú và đặc trưng của Việt Nam, có những làng quê in đậm nét cổ xưa với các nghề thủ công truyền thống, phong cảnh hữu tình… Tất cả tạo nên một giá trị đặc sắc mà không đâu lặp lại. Sức hấp dẫn lớn của Hội An được quy tụ trong những giá trị vật thể và phi vật thể, sinh ra từ trong quá khứ, tô bồi và phát triển trong hiện tại, cần được bảo tồn và phát huy trong tương lai. Các giá trị đặc sắc đó là:
Về lịch sử: Đô thị - Phố cảng Hội An là một trường hợp mẫu hình tiêu biểu ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bởi con đường hình thành đô thị của Hội An không phải xuất phát từ một trung tâm chính trị - kinh thành (nơi vua - chúa đóng đô); hay là hệ quả tách ra tất yếu do sự phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp khỏi lãnh địa phong kiến, của sản xuất nông nghiệp truyền thống; hay từ kết quả của con đường đô thị hóa từ chính sách phát triển thuộc địa của chủ nghĩa thực dân... Mà con đường hình thành của Đô thị Hội An là hệ quả tuyệt vời, hiếm có của các yếu tố địa lý thuận lợi với hệ thống sông và cửa biển gắn với tư duy, nhận thức nhạy bén các lớp thế hệ cư dân nơi đây (từ thời Tiền - sơ sử đến các thời kỳ cổ - trung - cận đại), với những yếu tố thuận lợi của từng thời kỳ lịch sử ở trong nước, khu vực và thế giới. Đó là con đường hội nhập, tiếp biến và phát triển. Một con đường hình thành riêng, được xuất phát từ vai trò trung tâm, vị thế địa lý - lịch sử, là kết quả của sự gắn kết độc đáo, tất yếu giữa những yếu tố lịch sử phát triển trong nước với nhu cầu thị trường trên con đường “Tơ lụa - hương liệu - gốm sứ” trên biển giữa phương Đông và phương Tây.
Nghiên cứu trường hợp đô thị Hội An có thể hiểu được về lịch sử dân cư, kiến trúc đô thị ở Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung, đặc biệt là về không gian đô thị truyền thống: những nét kiến trúc - quy hoạch của các thời kỳ phát triển trong qúa khứ hơn 400 năm tồn tại, các tuyến phố..., các kiểu nhà, quy hoạch khuôn viên còn lưu giữ. Không gian đó còn được gắn với lịch sử dân cư, nếp sinh hoạt, ứng xử văn hóa, phong tục, lễ hội, sinh hoạt kinh tế... của lớp thị dân từ xưa đến nay. Hơn nữa, nó còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cuộc sống đời thường ngay trong quần thể di tích kiến trúc - Khu phố cổ, mang ý nghĩa như “một bảo tàng sống” về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị điển hình.
Về văn hoá: Hội An là thương cảng giao lưu quốc tế rộng rãi. Phương Tây biết đến đô thị này với cái tên Faifo từ đầu thế kỷ XVI, song người Nhật Bản, Trung Hoa và thương nhân các nước phương Tây đã có nhiều hoạt động buôn bán, sinh sống ở đây từ các thế kỷ trước. Do đó có sự giao lưu văn hoá: lối sống, lối kinh doanh, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng… Vai trò của các thương gia, các nhà hàng hải Trung Hoa, Nhật Bản đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Ngoài kinh tế và thương mại, giao lưu, tiếp biến văn hóa đã để lại dấu ấn qua các công trình kiến trúc - di tích; sinh hoạt văn hóa, nếp sống, nếp ứng xử, lễ lệ, lễ hội, lễ tết; và trong các làng nghề truyền thống, diễn xướng dân gian (hát bả trao, bài chòi, hò khoan - đối đáp...). Thật khó mà tách bạch đâu là văn hóa của cư dân tiền trú, bản địa hay nhập cư, vì tất cả các lọai hình văn hoá đó đều có sự giao lưu, gắn bó hoà quyện, tiếp biến phát triển đến tinh tế, trở nên thuần khiết trên mảnh đất này, tạo nên một kho tàng văn hoá đa dạng, đặc sắc làm say mê các nhà nghiên cứu và những người hưởng thụ văn hoá, các nhà khoa học xã hội đến với Hội An từ xưa tới nay.
Về chức năng đô thị: Hội An trong quá khứ vừa là đô thị thương cảng (nơi trao đổi thương mại, hàng hóa, hội chợ quốc tế); vừa là phố buôn bán (trao đổi mua bán của cư dân địa phương, trong vùng); nhưng cũng vừa mang đậm tính chất văn hóa làng/xã. Ngày nay chức năng cảng đã không còn, chức năng phố buôn cũng có nhiều thay đổi. Kể từ khi được công nhận di tích quốc gia năm 1985, nhất là sau khi được công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1999 thì lượng du khách đổ về Hội An ngày càng nhiều. Kinh doanh thương phẩm, nông phẩm tự sản đã nhường chỗ cho kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại/xuất khẩu. Hoạt động du lịch đã trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hội An, làm nên một thành phố mới, diện mạo mới, chức năng mới. Vì lẽ đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã lấy Hội An làm trung tâm để quy hoạch phát triển ngành. Dựa vào Di sản để phát triển du lịch, sẽ có điều kiện lấy thu từ du lịch để bảo vệ di sản.
Di sản văn hóa đô thị Hội An trở thành một “Bảo tàng sống” hay nói một cách khác nó là “một cơ thể sống” đang được các lớp thế hệ con người Hội An nâng niu, trân trong giữ gìn còn khá nguyên vẹn, trên cả phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, với một cơ thể sống thì nhu cầu biến đổi và phát triển là yếu tố khách quan không thể cưỡng lại. Điều này tạo ra sự xung đột gay gắt giữa nhu cầu bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Hội An, nhưng lại thống nhất trong mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Xuất phát từ những đặc tính nổi bật nêu trên mà ngày 4/12/1999, tổ chức UNESCO đã ghi danh Hội An vào Di sản Văn hóa thế giới với 2 tiêu chí: “Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế” (tiêu chí II ); và “Hội An là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn hoàn hảo” (tiêu chí V). Và Bài Chòi, một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017. Ở Hội An loại hình nghệ thuật này đang được bảo tồn, lưu truyền, phát huy rất tốt trong cộng đồng dân cư và phục vụ du khách tham quan.
3. Di sản Hội An - sự gắn kết độc đáo với môi trường sinh thái - sinh quyển
Hệ thống sông Thu Bồn có phần thượng nguồn từ núi Ngọc Linh cao 2.598m thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chiều dài của dòng chính đến Cửa Đại dài 198 km với tổng diện tích đến Giao Thủy (nơi hợp lưu với sông Vu Gia) rộng 3.825 km2. Đây là con sông có độ dốc lớn, với hệ thống các nhánh sông nhỏ chằng chịt ở hạ lưu và chạy ra biển ở Cửa Đại (Hội An). Phần hạ lưu của sông tạo nên khu vực đất ngập nước rộng lớn, quan trọng và đáng chú ý nhất là khu vực xã Cẩm Kim, Cẩm Thanh và vùng lân cận với hơn 500 ha diện tích mặt nước. Các nhánh sông Ba Chươm, sông Cổ Cò, sông Đình, sông Đò nối với sông Thu Bồn đã tạo ra đa dạng các cồn gò như Thuận Tình, cồn Tiến, cồn Ba Xã, gò Hí, gò Già..., với các hệ sinh thái điển hình vùng nhiệt đới như rừng ngập mặn và cỏ biển. Quan trọng nhất là các dãy dừa nước dọc bờ kênh rạch quanh năm xanh tốt tạo cho khu vực đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn một sinh cảnh rất đặc biệt cho Hội An. Trên các cồn, gò và các vực nước chung quanh các dãy dừa nước từ vùng triều thấp trở xuống còn có hệ sinh thái cỏ biển (Seagrass ecosystem), một hệ sinh thái đặc thù trong vùng đất ngập nước, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Dọc triền sông phía ngoài dừa nước, trên các cồn, gò ở khu vực gần Cửa Đại, chúng ta còn gặp hệ sinh thái cỏ biển với sự ưu thế tuyệt đối của loài cỏ lươn Zostera japonica có lá khá dài (đến 40 - 50 cm), diện tích phân bố trên 30 ha, bao phủ gần hết các vùng triều thấp ven triền sông của xã Cẩm Thanh, làm thành tấm thảm màu xanh khi triều xuống. Một loài cỏ Xoan khác là Halophila beccarii làm thành các thảm mịn ven bờ và phát triển lên đến vùng nước lợ dọc các kênh rạch. Ở vài nơi hệ sinh thái này đan xen vào nhau rất lý thú. Về phương diện sinh vật, các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm.
Vùng biển, đảo Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dang sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với hơn 300 loại san hô, thuộc 40 giống, 17 họ. Có 5 loại thảm cỏ biển ở vùng nước sâu trên 10 mét. Quần đảo này có 97 loài thân mềm có liên hệ với rạn san hô, thuộc 61 giống, 39 họ. Các loài tôm hùm quen thuộc được tìm thấy trên các rạn san hô, cùng với khoảng 270 loài cá rạn thuộc 105 giống, 40 họ. Trên đảo cũng khá phong phú với thảm thực vật, có các loại gỗ quý như lim, gõ, kiền kiền, xoan núi... ; các loại cây bụi thấp như sim, mua, các loại dây mây... ; nhiều loại cây có dược tính làm thuốc chữa bệnh. Động vật hoang dã có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, 5 loài ếch nhái. Trong đó đáng chú ý là có khỉ đuôi dài và chim yến là 2 loài quý trong sách đỏ Việt Nam. Và cùng với rất nhiều cảnh quan sinh thái: suối Tình, suối Ông, hòn Chồng, hòn Khô, hòn Nhờn, hang Bà... ven đảo có bãi Ông, bãi Bìm, bãi Chồng... là những bãi tắm lý tưởng với bờ cát trắng phau và làn nước trong xanh, mát lạnh. Tại Hòn Lao, đảo duy nhất có cư dân sinh sống, nơi đây đã tìm thấy di tích khảo cổ học liên quan đến con người sống ở đây cách ngày nay trên 3.000 năm; đồng thời minh chứng sự giao lưu buôn bán với các nước Trung cận Đông, Ấn Độ, Đông Á, Đông Nam Á... cách đây 1000 năm. Hệ thủy lợi liên quan đến kỹ thuật trồng trọt, canh tác nông nghiệp của cư dân cổ tại vùng đảo này. Trên đảo còn bảo tồn 25 di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX và một kho tàng văn hóa dân gian phong phú: sinh hoạt, ứng xử, ẩm thực, phong tục, tập quán, văn học, diễn xướng... Tất cả minh chứng cho bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú của vùng đảo Cù Lao Chàm. Đặc biệt với hơn 2.000 người dân đang sinh sống trên đảo hôm nay là những chủ thể đóng góp tích cực cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái - đa dạng sinh học nơi đây cho mục tiêu sinh kế, phát triển kinh tế bến vững. Chính nhờ vào những những đặc tính vượt trội này mà ngày 26/5/2009, tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB) diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Cù Lao Chàm - Hội An đã chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Có thể nói, nét độc đáo của Đô thị lịch sử, văn hóa Hội An là đô thị sinh thái - nhân văn. Khác hẳn với hệ sinh thái Nha Trang - Khánh Hòa, hệ sinh thái Đà Lạt (Lâm Đồng); cả hệ sinh thái - nhân văn Huế và các đô thị khác ở Việt Nam và cả trong khu vực. Thật hiếm có nơi nào trên thế giới trong phạm vi diện tích nhỏ hẹp (hơn 60 km2, bán kính khoảng 5 - 10 km) mà có đầy đủ mọi tiềm năng - thế mạnh, tài nguyên du lịch như ở Hội An (gồm: Tài nguyên nhân văn - Di sản Văn hóa thế giới, làng quê - làng nghề truyền thống; Tài nguyên sinh thái biển - đảo - sông nước… Khu dự trữ sinh quyển thế giới…). Ở đây, giữa Khu di sản văn hóa với Khu dự trữ quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, thực chất là sự gắn kết độc đáo giữa lõi văn hóa - nhân văn với lõi sinh thái - tự nhiên. Cho nên muốn phát triển kinh tế du lịch bền vững ở Hội An thì phải xây dựng - bảo tồn cho được hệ sinh thái - nhân văn ở đây trong một thể thống nhất không thể tách rời.
Hội An được mô tả, ghi chép, đánh dấu trên các thư tịch, họa đồ, bản đồ hàng hải xưa ở trong nước và quốc tế với các tên gọi: Faifo, Haifo, Faicfo, Haiso, Faiso, Faifoo… hoặc gắn với Cửa Đại - Cù Lao Chàm với các tên gọi: Pullu Ciam pello, Sanf - FuLaw, Cham-pu-lau, Chiêm Bất Lao, Cửa Đại Chiêm, Lâm Ấp phố… với vai trò là một Đô thị thương cảng - trung tâm thương mại quốc tế nổi tiếng suốt trong các thời kỳ lịch sử cổ - trung - cận đại, từ thời vương quốc Chămpa đến thời kỳ Đại Việt, Đại Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Hội An nằm ở vùng hạ lưu, cửa sông - ven biển tỉnh Quảng Nam, nơi hội tụ của các nguồn sông lớn ở xứ Quảng đó là: Nguồn Thu Bồn; Nguồn Ô Gia/ Vu Gia; Nguồn Chiên Đàn; và sông Đế Võng hay Lộ Cảnh Giang (tục gọi là sông Cổ Cò, nối thông Cửa Đại - Hội An với Cửa Hàn - Đà Nẵng). Đó là huyết mạch giao thông, là nguồn vô tận bồi đắp lên nhiều vùng đất trù phú, cùng với trữ lượng vô kể về sản vật. Đồng thời góp phần quan trọng tạo nên phong cách sắc thái văn hóa của xứ Quảng từ ngàn xưa. Phía Đông Hội An là biển Đông, có Cửa Đại (Đại Chiêm Hải khẩu - cửa biển lớn của Chiêm Thành/ Chăm pa) và cách xa bờ khoảng 18km có cụm đảo Cù Lao Chàm, gồm 8 hòn đảo lớn, nhỏ: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Tai, Hòn Nồm, với tổng diện tích khoảng 15,5km2 . Ngoài xa cụm đảo này là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các hòn đảo ở Cù Lao Chàm quần tụ lại tạo thành hình cánh cung, xoay vào hướng đất liền, trên Hòn Lao với nhiều bãi cát thoai thoải, có dân cư sinh sống ở Bãi Làng, Bãi Ông, Bãi Hương.
Khu vực Hội An có địa hình - địa mạo - thủy đạo khá phong phú, đa dạng, độc đáo, với hệ thống sông lớn, nhỏ chằng chịt và chia cắt bởi những bãi/nỗng/trảng/cồn cát... ; bàu/đầm/hói/vũng nước... chúng được cấu thành bởi nhiều địa hình có nguồn gốc khác nhau của khu vực cửa sông - ven biển - biển đảo. Đặc điểm địa lý tự nhiên này đã có tác động chi phối mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành và phát triển của các lớp, khối cộng đồng dân cư ở đây trong đời sống sinh hoạt kinh tế - văn hóa. Hệ thống sông và cửa biển là một yếu tố - địa lợi, cùng với các yếu tố khác (Thiên thời, nhân hòa) có tính chất quyết định con đường hình thành của Đô thị thương cảng quốc tế Hội An. Như cố giáo sư Trần Quốc Vượng tổng kết: Hội An là Hội thủy, hội nhân, hội văn (hóa): Hội thủy/nước 3 nguồn Vu Gia, Thu Bồn, Chiên Đàn (nối Cửa Đại với cửa Kỳ Hà) và con sông Đế Võng (Lộ Cảnh Giang, nối Cửa Hàn với Cửa Đại); Hội nhân/người, có cư dân Việt tiếp nối người Sa Huỳnh cổ, Champa, có sự nhập cư của người Hoa, người Nhật và giao lưu của thương nhân các nước Châu Á, phương Tây; Hội văn: trên cơ sở kế thừa yếu tố văn hóa truyền thống Việt, tiếp thu văn hóa Sa Huỳnh - Champa bản địa và sự hội nhập giao lưu của văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, phương Đông, phương Tây… Để rồi được định danh trên một cái tên (gọi) rất Việt Nam đầy ước vọng Hội An - tức là nơi Hội thủy - Hội nhân - Hội văn/vật được an hưởng những điều an lành, hòa bình, chung vui, lạc nghiệp, và “nhân tình thuần hậu”. Có thể nói, Hội An là mảnh đất được Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.
2. Di sản đô thị Hội An - "bảo tàng sống" về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và dân cư đô thị
Hội An là một địa chỉ văn hoá, nơi duy nhất của khu vực Đông Nam Á được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những nét truyền thống (bố cục, quy hoạch, kiến trúc) của một đô thị - thương cảng cổ và con người đang sống cuộc sống đời thường, ngay trong đô thị di sản đó. Nơi đây lưu giữ những thông tin quý giá của quá khứ có chiều sâu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm về lịch sử, về con người liên quan đến cả khu vực và Đông Nam Á hải đảo. Cùng với nó đang tồn tại một kho tàng văn hoá phi vật thể phong phú và đặc trưng của Việt Nam, có những làng quê in đậm nét cổ xưa với các nghề thủ công truyền thống, phong cảnh hữu tình… Tất cả tạo nên một giá trị đặc sắc mà không đâu lặp lại. Sức hấp dẫn lớn của Hội An được quy tụ trong những giá trị vật thể và phi vật thể, sinh ra từ trong quá khứ, tô bồi và phát triển trong hiện tại, cần được bảo tồn và phát huy trong tương lai. Các giá trị đặc sắc đó là:
Về lịch sử: Đô thị - Phố cảng Hội An là một trường hợp mẫu hình tiêu biểu ở Việt Nam và Đông Nam Á. Bởi con đường hình thành đô thị của Hội An không phải xuất phát từ một trung tâm chính trị - kinh thành (nơi vua - chúa đóng đô); hay là hệ quả tách ra tất yếu do sự phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp - công nghiệp khỏi lãnh địa phong kiến, của sản xuất nông nghiệp truyền thống; hay từ kết quả của con đường đô thị hóa từ chính sách phát triển thuộc địa của chủ nghĩa thực dân... Mà con đường hình thành của Đô thị Hội An là hệ quả tuyệt vời, hiếm có của các yếu tố địa lý thuận lợi với hệ thống sông và cửa biển gắn với tư duy, nhận thức nhạy bén các lớp thế hệ cư dân nơi đây (từ thời Tiền - sơ sử đến các thời kỳ cổ - trung - cận đại), với những yếu tố thuận lợi của từng thời kỳ lịch sử ở trong nước, khu vực và thế giới. Đó là con đường hội nhập, tiếp biến và phát triển. Một con đường hình thành riêng, được xuất phát từ vai trò trung tâm, vị thế địa lý - lịch sử, là kết quả của sự gắn kết độc đáo, tất yếu giữa những yếu tố lịch sử phát triển trong nước với nhu cầu thị trường trên con đường “Tơ lụa - hương liệu - gốm sứ” trên biển giữa phương Đông và phương Tây.
Nghiên cứu trường hợp đô thị Hội An có thể hiểu được về lịch sử dân cư, kiến trúc đô thị ở Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung, đặc biệt là về không gian đô thị truyền thống: những nét kiến trúc - quy hoạch của các thời kỳ phát triển trong qúa khứ hơn 400 năm tồn tại, các tuyến phố..., các kiểu nhà, quy hoạch khuôn viên còn lưu giữ. Không gian đó còn được gắn với lịch sử dân cư, nếp sinh hoạt, ứng xử văn hóa, phong tục, lễ hội, sinh hoạt kinh tế... của lớp thị dân từ xưa đến nay. Hơn nữa, nó còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cuộc sống đời thường ngay trong quần thể di tích kiến trúc - Khu phố cổ, mang ý nghĩa như “một bảo tàng sống” về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị điển hình.
Về văn hoá: Hội An là thương cảng giao lưu quốc tế rộng rãi. Phương Tây biết đến đô thị này với cái tên Faifo từ đầu thế kỷ XVI, song người Nhật Bản, Trung Hoa và thương nhân các nước phương Tây đã có nhiều hoạt động buôn bán, sinh sống ở đây từ các thế kỷ trước. Do đó có sự giao lưu văn hoá: lối sống, lối kinh doanh, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng… Vai trò của các thương gia, các nhà hàng hải Trung Hoa, Nhật Bản đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Ngoài kinh tế và thương mại, giao lưu, tiếp biến văn hóa đã để lại dấu ấn qua các công trình kiến trúc - di tích; sinh hoạt văn hóa, nếp sống, nếp ứng xử, lễ lệ, lễ hội, lễ tết; và trong các làng nghề truyền thống, diễn xướng dân gian (hát bả trao, bài chòi, hò khoan - đối đáp...). Thật khó mà tách bạch đâu là văn hóa của cư dân tiền trú, bản địa hay nhập cư, vì tất cả các lọai hình văn hoá đó đều có sự giao lưu, gắn bó hoà quyện, tiếp biến phát triển đến tinh tế, trở nên thuần khiết trên mảnh đất này, tạo nên một kho tàng văn hoá đa dạng, đặc sắc làm say mê các nhà nghiên cứu và những người hưởng thụ văn hoá, các nhà khoa học xã hội đến với Hội An từ xưa tới nay.
Về chức năng đô thị: Hội An trong quá khứ vừa là đô thị thương cảng (nơi trao đổi thương mại, hàng hóa, hội chợ quốc tế); vừa là phố buôn bán (trao đổi mua bán của cư dân địa phương, trong vùng); nhưng cũng vừa mang đậm tính chất văn hóa làng/xã. Ngày nay chức năng cảng đã không còn, chức năng phố buôn cũng có nhiều thay đổi. Kể từ khi được công nhận di tích quốc gia năm 1985, nhất là sau khi được công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1999 thì lượng du khách đổ về Hội An ngày càng nhiều. Kinh doanh thương phẩm, nông phẩm tự sản đã nhường chỗ cho kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại/xuất khẩu. Hoạt động du lịch đã trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hội An, làm nên một thành phố mới, diện mạo mới, chức năng mới. Vì lẽ đó, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã lấy Hội An làm trung tâm để quy hoạch phát triển ngành. Dựa vào Di sản để phát triển du lịch, sẽ có điều kiện lấy thu từ du lịch để bảo vệ di sản.
Di sản văn hóa đô thị Hội An trở thành một “Bảo tàng sống” hay nói một cách khác nó là “một cơ thể sống” đang được các lớp thế hệ con người Hội An nâng niu, trân trong giữ gìn còn khá nguyên vẹn, trên cả phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, với một cơ thể sống thì nhu cầu biến đổi và phát triển là yếu tố khách quan không thể cưỡng lại. Điều này tạo ra sự xung đột gay gắt giữa nhu cầu bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Hội An, nhưng lại thống nhất trong mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Xuất phát từ những đặc tính nổi bật nêu trên mà ngày 4/12/1999, tổ chức UNESCO đã ghi danh Hội An vào Di sản Văn hóa thế giới với 2 tiêu chí: “Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế” (tiêu chí II ); và “Hội An là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn hoàn hảo” (tiêu chí V). Và Bài Chòi, một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017. Ở Hội An loại hình nghệ thuật này đang được bảo tồn, lưu truyền, phát huy rất tốt trong cộng đồng dân cư và phục vụ du khách tham quan.
3. Di sản Hội An - sự gắn kết độc đáo với môi trường sinh thái - sinh quyển
Hệ thống sông Thu Bồn có phần thượng nguồn từ núi Ngọc Linh cao 2.598m thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chiều dài của dòng chính đến Cửa Đại dài 198 km với tổng diện tích đến Giao Thủy (nơi hợp lưu với sông Vu Gia) rộng 3.825 km2. Đây là con sông có độ dốc lớn, với hệ thống các nhánh sông nhỏ chằng chịt ở hạ lưu và chạy ra biển ở Cửa Đại (Hội An). Phần hạ lưu của sông tạo nên khu vực đất ngập nước rộng lớn, quan trọng và đáng chú ý nhất là khu vực xã Cẩm Kim, Cẩm Thanh và vùng lân cận với hơn 500 ha diện tích mặt nước. Các nhánh sông Ba Chươm, sông Cổ Cò, sông Đình, sông Đò nối với sông Thu Bồn đã tạo ra đa dạng các cồn gò như Thuận Tình, cồn Tiến, cồn Ba Xã, gò Hí, gò Già..., với các hệ sinh thái điển hình vùng nhiệt đới như rừng ngập mặn và cỏ biển. Quan trọng nhất là các dãy dừa nước dọc bờ kênh rạch quanh năm xanh tốt tạo cho khu vực đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn một sinh cảnh rất đặc biệt cho Hội An. Trên các cồn, gò và các vực nước chung quanh các dãy dừa nước từ vùng triều thấp trở xuống còn có hệ sinh thái cỏ biển (Seagrass ecosystem), một hệ sinh thái đặc thù trong vùng đất ngập nước, chỉ có ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Dọc triền sông phía ngoài dừa nước, trên các cồn, gò ở khu vực gần Cửa Đại, chúng ta còn gặp hệ sinh thái cỏ biển với sự ưu thế tuyệt đối của loài cỏ lươn Zostera japonica có lá khá dài (đến 40 - 50 cm), diện tích phân bố trên 30 ha, bao phủ gần hết các vùng triều thấp ven triền sông của xã Cẩm Thanh, làm thành tấm thảm màu xanh khi triều xuống. Một loài cỏ Xoan khác là Halophila beccarii làm thành các thảm mịn ven bờ và phát triển lên đến vùng nước lợ dọc các kênh rạch. Ở vài nơi hệ sinh thái này đan xen vào nhau rất lý thú. Về phương diện sinh vật, các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển có giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm.
Vùng biển, đảo Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dang sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với hơn 300 loại san hô, thuộc 40 giống, 17 họ. Có 5 loại thảm cỏ biển ở vùng nước sâu trên 10 mét. Quần đảo này có 97 loài thân mềm có liên hệ với rạn san hô, thuộc 61 giống, 39 họ. Các loài tôm hùm quen thuộc được tìm thấy trên các rạn san hô, cùng với khoảng 270 loài cá rạn thuộc 105 giống, 40 họ. Trên đảo cũng khá phong phú với thảm thực vật, có các loại gỗ quý như lim, gõ, kiền kiền, xoan núi... ; các loại cây bụi thấp như sim, mua, các loại dây mây... ; nhiều loại cây có dược tính làm thuốc chữa bệnh. Động vật hoang dã có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, 5 loài ếch nhái. Trong đó đáng chú ý là có khỉ đuôi dài và chim yến là 2 loài quý trong sách đỏ Việt Nam. Và cùng với rất nhiều cảnh quan sinh thái: suối Tình, suối Ông, hòn Chồng, hòn Khô, hòn Nhờn, hang Bà... ven đảo có bãi Ông, bãi Bìm, bãi Chồng... là những bãi tắm lý tưởng với bờ cát trắng phau và làn nước trong xanh, mát lạnh. Tại Hòn Lao, đảo duy nhất có cư dân sinh sống, nơi đây đã tìm thấy di tích khảo cổ học liên quan đến con người sống ở đây cách ngày nay trên 3.000 năm; đồng thời minh chứng sự giao lưu buôn bán với các nước Trung cận Đông, Ấn Độ, Đông Á, Đông Nam Á... cách đây 1000 năm. Hệ thủy lợi liên quan đến kỹ thuật trồng trọt, canh tác nông nghiệp của cư dân cổ tại vùng đảo này. Trên đảo còn bảo tồn 25 di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX và một kho tàng văn hóa dân gian phong phú: sinh hoạt, ứng xử, ẩm thực, phong tục, tập quán, văn học, diễn xướng... Tất cả minh chứng cho bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú của vùng đảo Cù Lao Chàm. Đặc biệt với hơn 2.000 người dân đang sinh sống trên đảo hôm nay là những chủ thể đóng góp tích cực cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái - đa dạng sinh học nơi đây cho mục tiêu sinh kế, phát triển kinh tế bến vững. Chính nhờ vào những những đặc tính vượt trội này mà ngày 26/5/2009, tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB) diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Cù Lao Chàm - Hội An đã chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Có thể nói, nét độc đáo của Đô thị lịch sử, văn hóa Hội An là đô thị sinh thái - nhân văn. Khác hẳn với hệ sinh thái Nha Trang - Khánh Hòa, hệ sinh thái Đà Lạt (Lâm Đồng); cả hệ sinh thái - nhân văn Huế và các đô thị khác ở Việt Nam và cả trong khu vực. Thật hiếm có nơi nào trên thế giới trong phạm vi diện tích nhỏ hẹp (hơn 60 km2, bán kính khoảng 5 - 10 km) mà có đầy đủ mọi tiềm năng - thế mạnh, tài nguyên du lịch như ở Hội An (gồm: Tài nguyên nhân văn - Di sản Văn hóa thế giới, làng quê - làng nghề truyền thống; Tài nguyên sinh thái biển - đảo - sông nước… Khu dự trữ sinh quyển thế giới…). Ở đây, giữa Khu di sản văn hóa với Khu dự trữ quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, thực chất là sự gắn kết độc đáo giữa lõi văn hóa - nhân văn với lõi sinh thái - tự nhiên. Cho nên muốn phát triển kinh tế du lịch bền vững ở Hội An thì phải xây dựng - bảo tồn cho được hệ sinh thái - nhân văn ở đây trong một thể thống nhất không thể tách rời.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền