Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Đặc điểm, địa mạo khu vực Hội An và lân cận (Vùng Cửa Sông Thu Bồn)

I. Đặt vấn đề
           Hội An là một thị xã nằm ở vùng cửa sông Thu Bồn. Theo các tài liệu lịch sử, trước đây Hội An là một đầu mối giao thông quan trọng nằm trên con đường biển quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, đồng thời là một thương cảng lớn của Việt Nam vào thế kỷ XVII – XVIII. Trước đó, khi thành Trà Kiệu là kinh đô của Vương quốc Champa, thì Hội An đã là một thương cảng phát triển. Nhưng giờ đây, Hội An chỉ là một thị xã rất bình thường với dãy phố cổ còn ghi lại dấu vết của thời “oanh liệt” đã qua.

          Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự ra đời và suy tàn của thương cảng Hội An? Có lẽ ngoài những nguyên nhân về mặt kinh tế - xã hội, thì các điều kiện tự nhiên ở đây cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Trong số các điều kiện tự nhiên, đáng chú ý nhất là vùng cửa sông Thu Bồn. Vùng cửa sông Thu Bồn được hình thành như thế nào và từ bao giờ? Quá trình biến đổi của nó theo thời gian ra sao? v.v… Giải quyết những vấn đề vừa nêu có ý nghĩa rất lớn không những để góp phần khôi phục lại con đường tới Hội An qua các thời kỳ lịch sử, làm sáng tỏ những nhận định về lịch sử trên cơ sở đáng tin cậy, mà còn giúp ta thấy được mối quan hệ rất phức tạp của các quá trình tự nhiên xảy ra ở một vùng cửa sông.

          II. Cơ sở tài liệu và phương pháp
          Việc nghiên cứu địa mạo cho một khu vực bất kỳ quy mô nào cũng phải tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định. Đối với khu vực Hội An và lân cận, nguyên tắc đó được tiến hành theo các bước sau đây:

          1. Tìm hiểu về Hội An thông qua các tài liệu đã có, cả các bài viết lẫn các bản đồ địa hình tỷ lệ cần cho nghiên cứu, cũng như ảnh máy bay hoặc chụp từ vệ tinh. Từ những tư liệu này rút ra một số nhận xét
và vạch các tuyến cần phải khảo sát chi tiết.

          2. Tiến hành khảo sát thực địa khu vực thị xã Hội An và lân cận để thu nhập các thông tin cụ thể về địa hình, trầm tích tầng mắt cũng như các yếu tố tự nhiên khác. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát toàn bộ các xã, phường của thị xã Hội An và một số xã thuộc huyện Duy Xuyên và huyện Điện Bàn.

          Qua các tuyến khảo sát trên, chúng tôi đã trực tiếp quan sát được dấu vết của các quá trình tự nhiên góp phần tạo nên các dạng địa hình trong thời gian trước đây.

          3. Xử lý các thông tin thu thập được ngoài thực địa kết hợp với các nguồn tài liệu khác nhằm xây dựng bản đồ địa mạo cho khu vực Hội An. Để góp phần tìm hiểu lịch sử phát triển địa hình ở đây, chúng tôi đã chọn nguyên tắc nguồn gốc lịch sử (thời gian thành tạo các dạng địa hình) có chú ý đến đặc điểm hình thái của các dạng địa hình để xây dựng bản đồ địa mạo. Tuy nhiên việc xác định tuổi của các kiểu nguồn gốc địa mạo - theo nguyên tắc này - đòi hỏi phải có nhiều số liệu và chính xác. Điều đó làm cho chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi xây dựng bản đồ địa mạo.

          III. Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển địa hình vùng cửa sông Thu Bồn
          Là nơi tranh đấu giữa đất liền và biển cả, sự hình thành và phát triển vùng cửa sông Thu Bồn chịu ảnh hưởng rất lớn của các điều kiện cả biển lẫn lục địa. Ngoài ra, những biến đổi của địa hình ở đây còn chịu tác dụng do hoạt động kinh tế của con người.

          1. Các nhân tố khí tượng - hải văn biển, chúng ta chỉ chú ý tới gió, sóng, dòng chảy và sự dao động mực nước biển
          a/ Gió: Trong năm, tại khu vực thị xã Hội An nói riêng và ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, chế độ gió có hai mùa rõ rệt.

          - Mùa gió đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Gió có hướng bắc và đông bắc là chủ yếu; tốc độ gió có thể đạt giá trị cực đại tới khoảng 15 - 25m/s.

          Gió là tác nhân làm cho cát di chuyển và tích tụ lại khi gặp điều kiện thuận lợi, tạo nên các cồn cát cao tới 6 - 8m, thậm chí đến 13 - 14m như ở đông bắc Trung Phường - tác nhân động lực chủ yếu trong quá trình hình thành và phát triển địa hình bờ biển.

          b/ Sóng: Chế độ sóng phụ thuộc rất chặt chẽ vào chế độ gió. Vì vậy trong năm có hai hệ thống sóng đặt trưng cho từng mùa khác nhau.

          Mùa đông sóng ngoài khơi chủ yếu có hướng đông bắc, còn gần bờ là hướng đông. Độ cao sóng ngoài khơi từ 1,5 - 3,0m, độ cao sóng 4m chỉ chiếm 1% còn ở vùng ven bờ sóng luôn nhỏ hơn 1,5m.

          Mùa hè, hướng gió ngoài khơi và gần bờ có sự khác nhau. Trong khi ngoài khơi sóng có hướng tây nam là chủ yếu do tác động của gió màu tây nam, thì ở vùng ven bờ sóng lại có hướng đông và nam. Độ cao trung bình của sóng ven bờ và mùa này thường dưới 1m. Số liệu thống kê cho thấy sóng có độ cao h = 0,1 - 0,6m chiếm 80% còn sóng có độ cao h = 0,6 - 1,5m chiếm 20%.

          Sóng là nguyên nhân trực tiếp tạo nên các dạng địa hình ở bờ biển - đó là các bãi cát và các cồn cát nguyên sinh, cũng như các cồn cát ngầm… Tuy nhiên so với các vùng khác thuộc miền Trung thì vùng cửa sông Thu Bồn chịu tác động của sóng Đông Bắc có thể yếu hơn vì phía ngoài là một quần đảo thuộc “Cù Lao Chàm”.

          Sóng là nguyên nhân trực tiếp tạo nên các dạng địa hình ở bờ biển - đó là các bãi cát và các cồn cát nguyên sinh, cũng như các cồn cát ngầm… Tuy nhiên so với các vùng khác thuộc miền trung thì vùng cửa sông Thu Bồn chịu tác động của sóng đông bắc có thể yếu hơn vì phía ngoài là một quần đảo thuộc “Cù Lao Chàm”.

          c/ Dòng chảy: Hiện nay vẫn chưa có số liệu đo dòng chảy ven bờ ở vùng này, cho nên chúng tôi tạm sử dụng các kết quả tính toán và đo đạt dòng chảy trong Biển Đông. Do vậy việc phân tích các hoạt động của dòng chảy biến đổi với địa hình chỉ mang tính chung. Ở Biển Đông tồn tại hai hệ thống dòng chảy: dòng chảy mùa đông và dòng chảy mùa hè. Dòng chảy mùa đông (tháng 2) có hướng đông bắc - tây nam, còn dòng chảy hè (tháng 8) có hướng tây nam - đông bắc. Theo các kết quả tính toán cho thấy ngoài khơi của Quảng Nam - Đà Nẵng, tốc độ dòng chảy tầng mặt đạt giá trị khá hơn. Các dòng chảy này có thể có ảnh hưởng rất lớn đến địa hình ở vùng bờ. Khi vào gần bờ, cộng thêm tác động của dòng chảy ven bờ, thì ảnh hưởng này càng lớn.

          Ngoài khả năng làm biến đổi địa hình bờ và đáy biển, hệ thống dòng chảy tầng mặt trong Biển Đông là điều kiện quan trọng cho việc đi lại và buôn bán giữa các nước ở vùng Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đặc biệt vào thời kỳ phong kiến, khi các phương tiện giao thông trên biển còn đơn giản và chủ yếu bằng buồm.

          d/ Sự thay đổi mực nước.
          Có hai dạng thay đổi mực nước biển.
          - Dao động thủy triều: Vùng biển ven bờ Quảng Nam – Đà Nẵng có chế độ bán nhật triều không đồng đều, nghĩa là trong một tháng có cả ngày hai lần triều lên xuống lẫn ngày một lần triều lên xuống. Biên độ thủy triều ở đáy không lớn. Tại Cửa Đại, biên độ triều bé nhất là 0,8m và lớn nhất là 1,5m. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, có thể ảnh hưởng của thủy triều không lớn vì biên triều nhỏ như đã nói ở trên và độ dốc lớn cho nên phần diện tích bãi biển lộ ra khi triều xuống không lớn. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, có thể ảnh hưởng các thủy triều không lớn. Điều đáng chú ý ở đây là ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng cửa sông Thu Bồn. Tại vùng cửa sông Thu Bồn, do địa hình bằng phẳng nên ảnh hưởng của thủy triều vào rất sâu trong lục địa - tới 40km. Mỗi khi thủy triều rút, cộng thêm tốc độ của dòng sông, khả năng đào sâu phần cửa cũng như phá hủy bờ cũng được tăng cường. Đó là nguyên nhân làm cho phần trong của Cửa Đại sâu đến hàng chục mét.

          - Các dao động không theo chu kỳ là sự thay đổi mực biển trong những khoảng thời gian khác nhau. Đó chính là các đợt biển tiến và biển lùi. Đến nay nhiều tài liệu đã khẳng định trong khoảng từ 4000 - 6000 năm trước đến nay đã có hai lần biển tiến và kèm theo nó là biển lùi. Đợt biển tiến thứ nhất xảy ra trong khoảng từ 6000 - 9000 năm trước, sau đó biển lại lùi. Lần biển tiến thứ hai đạt tới mức cực đại vào khoảng đầu Công nguyên (2000 năm trước). Hiên nay theo những kết quả nghiên cứu mới đây thì mực nước đại dương thế giới đang tăng lên. Qua hình vẽ thấy rằng, mực nước đại dương dâng lên vượt quá mực O chỉ từ những năm 30 của thế kỷ này. Song tốc độ tăng lên của mực nước giống nhau ở những khu vực khác nhau. Theo các kết quả nghiên cứu của R. K.Klige[1] có thể suy đoán, ở vùng bờ biển nước ta mực nước đang dâng lên với tốc độ khoảng 1mm/năm.

          Các hiện tượng biển tiến và biển lùi có ý nghĩa quyết định sự hình thành và phát triển địa hình khu vực thị xã Hội An và lân cận.

          2. Thủy văn lục địa
          Chế độ nước và dòng rắn của sông Thu Bồn giữ vai trò quyết định đối với sự thay đổi vùng cửa sông. Vùng thượng nguồn của sông Thu Bồn nằm gần một trong những Trung tâm mưa lớn của Việt Nam, tâm mưa Trà My. Điều đó khiến cho lượng nước cửa sông Thu Bồn rất lớn, trung bình hàng năm sông Thu Bồn đổ ra biển một lượng nước xấp xỉ 20km3. Đây là một con sông Thu Bồn đổ ra biển một lượng nước lớn nhất ở miền Trung Việt Nam (bảng 1).

          Bảng 1: So sánh lượng nước đổ ra biển của một sông lớn ở miền Trung Việt Nam.
                                                                 Thu Bồn      Đà Nẵng          S. Mã        S. Cả       S. Gianh
            Diện tích lưu vực (km2)                  10.350        13.900           28.400      27.200        4.680
            Lượng nước mang ra biển (km3)     19,9             9,4                18,5          24,7             8,4

          Do tổng lượng nước hàng năm lớn như vậy nên hàng năm sông Thu Bồn tải ra biển một lượng phù sa rất đáng kể (khoảng 1,5 x 106 tấn), mặt dù hàm lượng phù sa không cao lắm.

          Chế độ dòng nước và phù sa của sông Thu Bồn phân bố rất không đều trong năm. Thường mùa mưa từ tháng IX - XII tập trung tới 80 - 90% tổng lượng cả năm, còn mùa khô từ tháng I - VIII (kéo dài tới 8 tháng) lại chỉ chiếm 10 - 20%. Điều này thấy rõ qua giá trị độ đục bình quân của các trạm thủy văn trên sông Thu Bồn (bảng 2).

          Bảng 2: Độ đục trung bình (g/m3) của sông Thu Bồn
                                                              Tháng III          Tháng IV              Tháng X         Tháng XI
            Trạm Thành Mỹ                            25,1                  25,8                  183,7                150,3
             Nông Sơn                                    24,9                  26,9                  138,2                126,3

          Tất cả các điều kiện tự nhiên vừa nêu đã tham gia rất tích cực vào quá trình hình thành và biến đổi của vùng cửa sông Thu Bồn. Tùy thuộc vào mức độ tham gia của từng nhân tố và sự kết hợp giữa chúng mà tạo nên các dạng địa hình có nguồn gốc khác nhau.

          IV. Đặc điểm địa hình khu vực thị xã Hội An và lân cận
          Sau khi phân tích các tài liệu, chúng tôi đã chia ra các kiểu nguồn gốc địa hình sau đây:

          1. Địa hình nguồn gốc sông
          Các dạng địa hình nguồn gốc sông hiện nay còn quan sát được trong khu vực nghiên cứu là các thành tạo tích tụ. Ở đây chúng tôi đã tách được hai dạng địa hình: Bãi bồi và bãi cát ven lòng sông

          a/ Các bãi bồi có độ cao: 1,0 - 1,5m, có nơi cao hơn; cấu tạo bởi cát, cát bột, càng lên trên mặt kích thước hạt trầm tích càng nhỏ. Các bãi bồi phân bố rất rộng rãi ở Cẩm Châu, Cẩm Hà, Cẩm Nam, Cẩm Kim và phía Tây thuộc huyện Điện Bàn, cũng như ở phía Nam thuộc huyện Duy Xuyên. Nhiều nơi bãi bồi đã và đang bị dòng sông đào khoét để tạo nên các vách xâm thực. Nhìn vào sự phân bố hiện nay của các bãi bồi dễ dàng nhận thấy rằng nhiều vị trí bãi bồi này đã bị phá hủy hoàn toàn để sau đó tại vị trí này lại bị các thành tạo trẻ hơn lấp đầy. Các bãi bồi này được giả định tuổi trong khoảng 100 - 300 năm.

          b/ Các bãi cát ven lòng sông: Là các thành tạo nằm ven lòng sông cũng như các đảo giữa sông hiện nay. Chúng mới được thành tạo trong khoảng thời gian gần đây (dưới 100 năm) và rất dễ bị thay đổi, thậm chí có thể sau một mùa mưa các bãi này đã bị biến dạng.

          2. Địa hình nguồn gốc sông - đầm lầy
          Địa hình nguồn gốc sông - đầm lầy được tạo nên bởi các thành tạo trầm tích lấp đầy các đoạn sông trước đây. Chúng được hình thành là do các đoạn sông chết - sông mất nguồn, hoặc là dấu vết của các khúc uốn sinh ra trong quá trình di chuyển ngang của dòng sông. Các dạng địa hình được thành tạo nên cơ chế kiểu thứ nhất có mặt cắt trầm tích sông - đầm lầy rất điển hình. Trong khu vực Hội An có thể chia được ba bề mặt tích tụ có nguồn gốc sông - đầm lầy.

          a/ Bề mặt tích tụ có tuổi 300 - 2000 năm phân bố chủ yếu ở phía tây và một vài mảnh sót ở Cẩm Hà, Cẩm Kim. Các mảnh sót này chính là phần nổi cao hơn mà dòng sông này chưa phá hủy hết. Độ cao tuyệt đối của bề mặt này tới 2 - 2,5m.

          b/ Bề mặt tích tụ có tuổi 100 - 300 năm phân bố thành từng dải liên tục, kéo dài từ tây sang đông, đến sát thị xã Hội An và nằm ở phía bắc dòng sông Thu Bồn hiện nay. Một số mảnh sót của bề mặt này còn gặp ở Cẩm Kim và xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Bề mặt này có độ cao khoảng 1,5 - 2,0m.

          c/ Các bề mặt tích tụ thấp phân bố thành từng giải hẹp. Nhiều nơi còn sót lại những đoạn sông ngắn, uốn lượng quanh co. Các dải tích tụ này hiện nay quá trình tích tụ vẫn đang tiếp diễn và tiến tới hoàn thiện. Dạng tích tụ này gặp ở Cẩm Hà, Cẩm Nam và ở phía Tây thuộc huyện Điện Bàn. Thời gian thành tạo của các dải tích tụ này khoảng từ 100 năm trở lại đây.

          Nhìn vào sự phân bố các bề mặt tích tụ nguồn gốc sông - đầm lầy, đặc biệt đối với các bề mặt thứ 2 và thứ 3, chúng ta thấy rằng chúng chính là hệ thống các dòng sông cổ. Phân tích các tài liệu về địa hình, trầm tích, lớp phủ thực vật, khảo cổ v.v… đã cho phép chúng tôi vạch ra hai hệ thống sông cổ nằm trong phạm vi hai bề mặt tích tụ vừa nêu.

          3. Địa hình nguồn gốc biển
          Các thành tạo tích tụ biển chiếm phần lớn diện tích khu vực thị xã Hội An và lân cận. Có thể chia ra ba thành tích tụ biển trong khu vực này.

          a/ Bề mặt tích tụ cao 5 - 7m, cấu tạo bằng cát. Bề mặt này phân bố thành những dải rộng kéo dài về phía bắc và phía nam sông Thu Bồn và có hướng song song với đường bờ biển hiện tại. Khu vực đô thị cổ Hội An đã được xây dựng trên những phần cao của cồn cát này và nằm ở đầu mút phía sông Thu Bồn. Bề mặt tích tụ này rất phổ biến ở Việt Nam. Cho đến nay nhiều tài liệu đã xác nhận, các thành tạo này đã được hình thành vào thời kỳ biển tiến Holoxen trung đạt được mức cực đại, vì vậy tuổi của chúng được xác định khoảng 4000 - 6000 năm trước.

          b/ Bề mặt tích tụ cao 2 - 4m phân bố thành từng dải hẹp ở phía đông thị xã Hội An, thuộc các xã Cẩm Châu, Cẩm An ở phía nam sông Thu Bồn thuộc Trung Phường… Bề mặt này được cấu tạo bằng cát màu vàng - xám. Chúng được thành tạo trong quá trình biển lùi sau khi đạt được mức cực đại để tạo nên bề mặt tích tụ. Do đó tuổi của nó được xác định trong khoảng 2000 - 4000 năm.

          c/ Bề mặt tích tụ cao 1 - 2m là bề mặt có tuổi trẻ nhất. Chùng kéo dài thành dải hẹp ở sát ngay bờ biển. Hiện nay nhiều nơi đang bị sóng biển phá hủy. Tuổi của nó được xếp vào sau 2000 năm.

          4. Địa hình nguồn gốc sông - biển
          Các bề mặt tích tụ nguồn gốc sông - biển cũng rất phổ biến trong khu vực. Theo các đặc trưng về hình thái có thể chia ra ba mặt tích tụ.

          a/ Bề mặt tích tụ sông - biển cao 4 - 6m đều nằm ở phía tây khu vực  nghiên cứu thuộc hai huyện Duy Xuyên và Vĩnh Điện. Nó được phân bố phía sau các bề mặt cát biển cao 5 - 7m. Thành phần trầm tích trên mặt là cát - bột màu vàng. Bề mặt tích tụ cũng có tuổi 4000 - 6000 năm về trước.

          b/ Bề mặt tích tụ sông biển cao 2 - 3m phân bố dọc sông Thu Bồn và đã bị dòng Thu Bồn đào khoét, phá hủy và chia cắt nên chỉ còn lại những chỏm sót. Tại khu vực thị xã Hội An, các mảnh sót này có ở Cẩm Hà, Cẩm Kim. Tuổi của bề mặt này được giả định là 2000 - 4000 năm.

          c. Bề mặt tích tụ sông biển cao 1 - 2m chỉ có ở phần gần cửa sông hiện nay thuộc các xã Cẩm Nam và Duy Vinh. Đây chính là các đảo cửa sông hoặc các bề mặt tích tụ được hình thành theo cơ chế Đelta lấp đầy. Tuổi của bề mặt này được xếp từ 300 - 2000 năm trước.

          5. Địa hình nguồn gốc biển - đầm lầy
          Các dạng địa hình nguồn gốc biển - đầm lầy đều nằm ở phía đông thị xã Hội An thuộc các xã Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Thanh và một dải chạy song song với bờ biển ở phía nam sông Thu Bồn đi qua khu vực Trung Phường thuộc huyện Duy Xuyên. Điển hình cho kiểu nguồn gốc địa hình này là bề mặt tích tụ ở Cẩm Châu. Độ cao tuyệt đối của bề mặt này chỉ 0,8 - 1,2m. Trầm tích là bùn màu đen do lẫn nhiều chất hữu cơ. Thực chất của các dạng địa hình này là các vụng biển cổ. Sau khi mực biển rút xuống, chúng còn sót lại dưới dạng đầm lầy và sau đó dần dần bị lấp. Các dạng địa hình nguồn gốc biển - đầm lầy có tuổi dưới 2000 năm.

          6. Địa hình nguồn gốc biển - gió có độ cao 8 - 20m. Đó là dãy cồn cát ở phía đông Trung Phường, kéo dài song song với bờ biển. Thực chất đây là các dạng địa hình nguồn gốc biển, sau đó bị gió tác động, vun cát lên thành các cồn cao hơn.

          7. Địa hình nguồn gốc sông - biển - đầm lầy là phần đất thấp nằm ở phía đông xã Cẩm Thanh và hiện nay còn đang chịu tác động của thủy triều và nước sông. Từ các thành tạo cửa sông và biển sau đó bị lầy hóa so  phát triển các loại thực vật nước lợ như dừa nước. Hiện nay ở đây là một vùng lầu ven biển. Dạng địa hình này mới được thành tạo trong thời gian gần đây.

          8. Địa hình nguồn gốc hồ - đầm lầy là dạng địa hình phân bố rất hạn chế trong khu vực. Đó là một số hồ ở phía tây bắc thị xã Hội An nằm trong phạm vi dải cát cao 5 - 7m. Đây là dấu vết của các lạch trũng xen giữa các cồn cát biển trước đây và do thoát khỏi mực nước biển đã lâu nên nước đã trở nên ngọt hóa, tạo điều kiện cho thực vật phát triển và dần dần biến thành đầm lầy.

          V. Vài nét về lịch sử phát triển địa hình khu vực
          Trên cơ sở về đặc điểm địa hình vừa nêu ở phần trên, kết hợp với một số nguồn tài liệu khác, có thể chia lịch sử phát triển địa hình trong khu vực thị xã Hội An và lân cận thành các giai đoạn sau:

          1. Giai đoạn trước Công Nguyên
           Sự phát triển của địa hình trong giai đoạn này có liên quan chặt chẽ với đợt biển tiến Holoxen trung. Khi mực nước biển đạt tới mức cực đại (cao hơn khoảng 4 - 5m so với mực nước biển hiện nay), toàn bộ khu vực đều bị biển tràn ngập. Các quá trình địa mạo bờ biển hoạt động mạnh mẽ để tạo nên các bề mặt cát  biển mà hiện nay nằm ở độ cao 5 - 7m. Đồng thời với quá trình tạo nên các bề mặt cát biển này, ở phía tây, các hoạt động của sông và sông - biển cũng rất phát triển. Kết quả cuối cùng, biển lùi đến đâu thì các thành tạo tích tụ do sông  và sông - biển hỗn hợp cũng được hình thành đến đó. Chính vào thời kỳ này các bề mặt tích tụ sông - biển cao 4 - 6m và 3 - 4m cũng được hình thành. Tương ứng với bề mặt tích tụ sông biển cao 3 - 4m cũng được hình thành. Vào lúc mực biển thấp nhất của giai đoạn biển lùi này thì đường biển có thể nằm ở phía Đông Trung Phường, An Lương (thuộc huyện Duy Xuyên) ở khu vực Cẩm An (thuộc thị xã Hội An).

          Sau khi tạo thành các dạng địa hình tích tụ nêu trên vào gần cuối Công nguyên thì biển lại tiến vào lục địa làm tràn ngập vùng đất vừa mới thoát khỏi mực nước trước đó. Theo các tài liệu địa chất[2] thì mực biển đạt được cực đại vào khoảng đầu Công nguyên với giá trị khoảng 1,5 - 2,0m so với mực biển hiện nay.

          2. Giai đoạn từ đầu Công nguyên đến thế kỷ XVI - XVII:
          Vào đầu Công nguyên, mực biển đạt cực đại làm cho vùng cửa sông Thu Bồn trở thành một vụng biển. Vụng biển này có thể kéo quá về phía tây thị xã Hội An một chút, rồi vòng qua phía đông Cẩm Kim, Duy Vinh, rồi lại quay về phía đông. Đó là một vụng cửa sông, vì ở hai phía nam và bắc cửa sông Thu Bồn, nước biển không tràn ngập quá sâu vào đất liền. Điều đó khiến cho vụng cửa sông này loe như hình phễu. Và theo cách phân chia hiện nay thì lúc bấy giờ vùng cửa sông Thu Bồn là một estuary thực thụ. Sau đó mực biển lại bắt đầu hạ thấp và các dạng địa hình có các nguồn gốc khác nhau được tạo thành.

          Dấu vết hoạt động của sông và biển vào giai đoạn này còn thấy rất rõ trong địa hình hiện tại. Đó là các vách xói, lở ở bờ tây của vùng  Cẩm Châu. Cụ thể ở khu vực xóm Khe Suối… Vùng đầm lầy thuộc Cẩm Châu hiện nay chính là dấu vết rõ rệt của một vụng biển cổ mà đến nay vẫn chưa được bồi lấp đầy đủ do không được cung cấp vật liệu.

          Đó là các thềm tích tụ biển cao 1,5 - 2m ở rải rác trong vùng và thành một dải ở dọc theo chân bờ xói lở ở khu vực vừa nêu; đó là doi cát từ Hội An kéo về phía Đông, mà phần mút phía đông của nó có tên là Cồn Tàu. Ngoài ra các bề mặt tích tụ ban đầu mà hiện nay chính là các đảo vùng cửa sông thuộc xã Cẩm Nam, Cẩm Kim (thuộc thị xã Hội An) và Duy Vinh (thuộc huyện Duy Xuyên) đã được hình thành. Tuy nhiên, do hoạt động của dòng sông Thu Bồn, đặc biệt vào mùa lũ, làm cho các đảo này không ổn định và luôn bị biến đổi hoặc bị phá hủy từng phần hoặc được tích tụ để mở rộng diện tích sau mỗi lần dòng sông đi qua, Song sự biến đổi này cũng chỉ xảy ra theo quy mô và hình dạng của các đảo, còn vị trí của chúng hầu như rất ít bị biến động. Những thành tạo vừa nêu đều do hoạt động chủ yếu của dòng sông Thu Bồn, còn vai trò của biển lúc này chỉ là ảnh hưởng của dòng triều trong vùng cửa sông và sóng biển hầu như không có tác dụng ở đây.

          Ngược lại với vùng cửa sông, hai bên bờ bắc và nam cửa Thu Bồn các hoạt động của sóng biển lại đóng vai trò chủ yếu. Hai dải tích tụ cát nằm sát biển hiện nay chính là đã được hoàn thiện vào giai đoạn này. Song sự hoàn thiện của chúng có thể xảy ra rất sớm - nghĩa là vào nửa đầu của thời kỳ này. Sau khi hai dải cát này nhô lên khỏi mực biển đã làm cho vùng nước phía trong biến thành dầm phá. Có thể vào thời gian này (nửa đầu giai đoạn 2), quang cảnh ở đây cũng gần giống như phá Tam Giang và dòng sông Hương ở khu vực Huế hiện nay. Sau đó các dạng đầm phá này bị lấp dần, chỉ còn lại dưới dạng một dòng sông “Cổ Cò” hay một khu đầm Trung Phường.

          3. Giai đoạn từ thế kỷ XVII trở lại đây
          Từ thế kỷ XVII trở lại đây, sự phát triển của vùng cửa sông Thu Bồn ngoài các tác nhân tự nhiên của sông và biển, còn chịu ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế của con người do có những cuộc di dân từ “Đàng Ngoài” vào “Đàng Trong”. Hậu quả đó đã làm cho lượng nước sông Thu Bồn cũng như lượng phù sa của nó được tăng lên đáng kể. Và cuối cùng, lượng phù sa này được mang từ vùng biển trước đó, nhờ các hoạt động của sóng biển mà chất phù sa này được vun lại thành các cồn cát - đó chính là cồn cát nằm sát biển từ “Cửa Châu” đến Cửa Đại hiện nay. Cồn cát này nổi lên đã ngăn vùng phía trong nó tách khỏi biển khơi. Từ đây sự phát triển của vùng cửa sông Thu Bồn không theo phương thức estuary mà chuyển sang sự bồi lấp vùng cửa sông theo phương thức đelta lấp đầy. Các vùng đất hoặc đã được nổi lên cao, hoặc hiện tồn tại dưới dạng đồng lầy ở khu vực Cẩm Thanh hiện nay chính được thành tạo bởi phương thức này. Sự tồn tại của cồn cát vừa nói trên còn làm cho nước cửa sông Thu Bồn được thoát ra biển bằng hai cửa mà một cửa phía bắc ở lân cận cái gọi là “Cửa Khâu” và một cửa ở phía nam cách đó không xa, nhưng không phải là vị trí của Cửa Đại hiện nay.

          Các hoạt động của biển vào giai đoạn này cũng rất đáng kể, đặc biệt là quá trình di chuyển dọc bờ của bùn cát, từ hai phía của cửa sông Thu Bồn, Nhờ quá trình này mà cửa phía Bắc bị lấp lại biến nó thành “Cửa Khâu” như nhân dân ở đây thường gọi. Sự kiện này có lẽ xảy ra vào cuối thế kỷ XVIII vì giữa thế kỷ XIX người ta đã không tra cứu được cái gọi là “cửa Tiểu Chiêm” ở khu vực này. Từ khi cửa này bị lấp, quá trình di chuyển dọc bờ của bùn cát vẫn tiếp tục và đã ép dòng nước Thu Bồn chảy về phía Nam, khiến cho bờ nam Cửa Đại liên tục bị phá hủy. Theo nhân dân ở đây thì ở vùng này đã mất đi mấy xứ đồng. Theo dõi sự thay đổi này qua mấy chục năm trở lại đây cũng thấy rất rõ điều đó. Qua tài liệu ảnh hàng không chụp năm 1964 và năm 1985 ta thấy Cửa Đại đã bị dịch chuyển về phía nam hàng trăm mét.

          Cũng chính vào giai đoạn này, các quá trình tích tụ cả ở phần ven biển lẫn trên toàn bộ vùng cửa sông Thu Bồn diễn ra rất mạnh mẽ trong điều kiện mực nước biển giám xuống làm cho các vùng đầm phá ở phía bắc vào nam cửa sông đều bị bồi lấp mạnh mẽ. Cũng chính quá trình tích tụ này đã làm cho các tuyến đường sông luôn bị thay đổi và bị lấp dần gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền đi lại. Sự bồi lấp như vậy đã được mô tả cụ thể đối với khu vực đô thị cổ Hội An trong thế kỷ XIX[3].Và vào giai đoạn này cũng không còn các đầm hay hồ đủ sâu và rộng để làm nơi neo đậu của thuyền bè nữa. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đô thị Hội An không được phát triển thuận lợi như trước nữa.
 
 

[1] R.K.Klige, Sự thay dổi mực nước đại dương trong lịch sử trái đất, hay Dao động mực nước biển và đại dương sau 15.000 năm, Moskva 1982, tr. 11 – 12.
[2] Nguyễn Đức Tâm, Lịch sử hình thành các vùng đồng bằng ven biển Việt Nam, Khảo cổ học số 4, 1981, tr. 1 – 10.
[3] Nguyễn Hồng Kiên, Đô thị cổ Hội An, Khảo cổ học số 3, 1985, tr.66 – 77.

Tác giả: Vũ Văn Phái, Đặng Văn Bào

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây