Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Cù Lao Chàm – Hội An qua một số tư liệu lịch sử

Cù Lao Chàm - trước đây có nhiều tên gọi: Ciam pullo, Pulociampello, Tiêm Bích La, Chiêm Bất Lao… là một địa chỉ nổi tiếng trong quá trình giao thương buôn bán của các nước trên Biển Đông và được ghi chép lại qua các tư liệu lịch sử của các học giả trong và ngoài nước. Nhân hội thảo “Cù Lao Chàm: Đa dạng tài nguyên thiên nhiên – văn hóa và phát triển bền vững” tổ chức vào ngày 6/9 tới, xin giới thiệu một số thông tin về Cù Lao Chàm qua một số tư liệu.
Năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền sư Thích Đại Sán đến Đàng Trong và có thời gian lưu trú ở Cù Lao Chàm. Con người và cảnh vật Cù Lao Chàm được thiền sư mô tả trong cuốn Hải ngoại ký sự như sau: “…Nay xem gió xuôi hướng nào, xuôi Hội An thì vào Hội An, xuôi Thuận Hoá thì vào Thuận Hoá, không càn phải lựa chọn chi hết… Ăn cơm sáng xong, ta hỏi nay gió vào Hội An thuận hoặc vào Thuận Hoá thuận chăng? Đều giả lời vào Thuận Hoá thuận. Ta cười bảo nếu vậy cứ vào Thuận Hoá.Người coi lái biết không thể cã, nhìn nhau rồi quyết định. Buông gió một chặp vào đến vùng núi ấy là Tiêm Bích La (tức Chiêm Bất Lao, Cù Lao Chàm)…

… Dưới chân núi, một bãi cát bằng phẳng hình bán nguyệt. Có rãi rác chừng non trăm chiếc nhà tranh. Trừ những người già và trẻ con, có chừng 300 tráng đinh, dân nội tịch, sanh nhai bằng hai nghề đánh cá và hái củi. Cá mắm bay mùi hôi, nhà nào cũng vậy. Núi toàn đá, cây cối rậm rạp, hoa quả khắp núi, làm đồ ăn cho chim chuột và mục đồng. Ngôi miếu cũng khá rộng, thần rất thiêng. Thuyền bè qua lại đều lên cầu cúng. Ta khiến Cai xã mở khóa cửa, người theo hầu thắp hương; xem thần tượng, đọc phong hàm mới biết miếu thờ Hán Phục Ba Tướng quân, người trong nước tôn xưng thụy hiệu làm Bản đầu Công vậy. Kéo màn xem thần tượng, thấy rất nho nhã phong lưu...”

Lê Quý Đôn trong tác phẩm Phủ biên tạp lục biên soạn vào năm 1766 đã ghi chép về Cù Lao Chàm: “... Phủ Thăng Hoa ở ngoài cửa biển Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư, ruộng nương, có các thứ cam, quít, đỗ lạc, trên có suối nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan, ra biển hai canh thì đến…”.

Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 của tác giả J. Barrow đã ghi chép về Cù Lao Chàm vào thời gian năm 1792 như sau: “... Một hòn đảo nhỏ có tên là Callao (còn có tên là Pulo Champello, tức Cù Lao Chàm), nằm cách phía nam vịnh Turon chừng 30 dặm… Hòn đảo này hoàn toàn kiểm soát lối ra vào của nhánh chính con sông mà Faifo-trước đây là nơi buôn bán chính của nền ngoại thương - nằm trên đó, hai bên sườn đảo hầu như hoàn toàn không thể tiếp cận được nhưng nó lại nằm đối diện với cửa con sông này”.

Trong Bản quốc hải trình hợp thái của Phan Huy Chú ghi chép về Cù Lao Chàm vào năm 1833 rằng: “Đảo Đại Chiêm, tục gọi là Cù Lao Chiêm thuộc Quảng Nam là núi cọc tiêu thứ nhất của hải trình từ cửa biển đi thuyền đến đó chừng hơn một canh giờ. Trên đảo có phường Tân Hiệp, dân cư đông đúc, núi nhiều tổ yến, triều trước giao cho đội Hoàng Sa thu lượm…”.

Trong tác phẩm Hải Nam tạp trứ, Thái Đình Lan đã ghi lại sự việc ông cùng thủy thủ đoàn gặp nạn trôi dạt vào Cù Lao Chàm vào năm 1835 và được người ở đây cứu sống như sau: “… Hòn đảo nhỏ nơi các ông dạt vào là đảo Chiêm Bất La (Cù Lao Chàm). Hai phía đông tây đảo dòng chảy rất xiết, giữa có một luồng vào cảng rất hẹp, nhưng nếu thuyền không nhân theo hải triều thì không thể vào được, húc đá là chìm ngay! Theo hướng tây rồi chuyển về hướng nam thì vào được trong cảng”.

Trong tác phẩm Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn in năm 1909, có đoạn chép về Cù Lao Chàm như sau: “Ở cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưởng giữa biển, gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm. Dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi, ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi, nước. Có ba ngôi đền: đền Phục ba tướng quân, đề Tứ Dương hầu, đền Bích Tiên (có thuyết nói là đền Cao Các đại vương, đền Phục Ba tướng quân, đền Bô Bô đại vương). Về phía Tây chừng 3 dặm, có hòn Lồi, về phía Nam chừng 7 dặm có hòn Tai, về phía Bắc chừng 10 dặm có hòn La, về phía Tây Bắc chừng 17 dặm có hòn Khô lớn, hòn Khô nhỏ, hòn Dài, hòn Mậu. Phía nam hòn Tai có hang đá, chim yến tụ tập, gọi là hòn Yến, chim yến thường ở hai bên động nhả nước dãi để làm tổ, yến hộ lấy nộp…

Theo địa bạ xã Tân Hiệp được sao chép lại vào Bảo Đại năm thứ 2 (năm 1926) cho biết: “… xã Tân Hiệp thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vinh, phủ Điện Bàn. Địa phận của xã: Đông giáp biển và núi; Tây giáp núi; Nam giáp biển và núi; Bắc giáp biển.
Các xứ điền thổ gồm 29 mẫu 9 sào 1 thước 9 tấc. Ruộng 24 mẫu 6 sào 4 thước 1 tấc (có đồng canh tư điền 5 mẫu 7 thước 5 tấc, trong đó tư điền 19 mẫu 5 sào 11 thước 6 tấc)”.

Trong bản khai folkore về làng Tân Hiệp do Viện Viễn Đông Bác cổ thực hiện năm 1941-1943 chép rằng: “… Làng Tân Hiệp có 20 đạo sắc thần. Làng còn 3 tờ phô của 3 đời Chánh Hòa, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng. Trong 3 tờ ấy cũng giống với nhau, là bắt dân ở trên hòn Cù Lao này phải tuần phòng đêm ngày lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó..

Về việc đám cưới, thì hồi trước nếu dân khác làng muốn lấy vợ làng này thì phải dùng cau trầu rượu với một quan tiền trình làng để làng biết. Nhưng đến nay thì không có thể lệ như thế nữa. Ở đây muốn lấy vợ phải có 2 lễ gồm 1 lễ sơ vấn, xong đến làm rể nhà vợ. Thể lệ bắt buộc là đàn ông phải chịu nộp lễ cho đàn bà một đôi bông tai (vàng hay đồng xứng). Còn các lễ vật khác thì tùy theo nghèo giàu và 2 là lễ cưới.

Về việc tang chế tử táng, nếu dân làng chết phải đến trình làng (dùng cau trầu rượu) làng sẽ cho đất chôn. Nếu dân làng khác muốn xin đất làng chôn (Tân Hiệp xã, một cù lao khá rộng ngoài biển) thì ai đem xác chết đến chôn ngoài này làm gì. Nhưng các thương thuyền hay ngư thuyền nếu có người chết đến xin đất chôn, làng sẽ cho, không lấy tiền gì; nghi lễ đám ma và việc tang chế cũng giống như các làng trong đất liền.

Việc chánh trị kiện cáo, có Ban thường trực thì bao giờ làng cũng lấy sự hòa nhã mà xử cho dân chúng, chứ làng không phạt ai cả, làng chỉ la rầy và phạt cau trầu rượu thôi, nếu quá đáng sẽ giải quan nghĩ trị.
Về vấn đề học hành, ở đây vì đường giao thông chưa tiện lợi nên còn kém lắm, chưa được phổ thông. Trình độ học thức con em đang còn kém quá.

 Làng có 20 mẫu ruộng một vụ, có rừng, dân số được 300 nhân mạng. Thổ sản của làng này đặc biệt là gỗ, cây, củi, mây, lá tơi cùng nhiều nhất là yến, đồi mồi, xà cừ. Làng có ruộng nên dân làng chuyên về nghề nông một ít. Nghề đánh cá cũng thịnh hành. Nghề làm củi trong những tháng mà không làm ruộng và không đánh cá. Trong ba nghề này trừ ra, hầu hết dân làng không làm nghề gì khác. Nhưng về thương mãi bằng ghe buồm với các chỗ khác cũng đơn sơ thôi…
 
* Tài liệu trích dẫn:

1. J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, Nxb Thế Giới, 2011, tr.102.

2. Phan Huy Chú, Bản quốc hải trình hợp thái 1833, Viện nghiên cứu Hán Nôm VHv2017-VHv2556, Ngô Đức Chí dịch nghĩa.

3. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.116.

4. Thái Đình Lan (2006), Hải Nam tạp trứ, Trần Ích Nguyên giới thiệu, Nxb Lao động, tr.168-169.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, tái bản lần thứ 2, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.418-419.
 
6. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Uỷ ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Sài Gòn xuất bản, tr.30, 31, 162.

7. Địa bạ xã Tân Hiệp, Bản sao hiện lưu trữ tại Trung tâm QLBT Di sảnVăn hóa Hội An.

8. Tập điều tra về làng xã Quảng Nam do Viễn Đông Bác cổ học viện thực hiện năm 1941-1943, Bản sao hiện lưu trữ tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây