Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


“Con đường tơ lụa” và tơ lụa xứ Quảng

Trong lịch sử chúng ta nghe nói nhiều về con đường tơ lụa. Và ở Đàng Trong, ngay từ thời kỳ các chúa Nguyễn, kế thừa từ một thương cảng của người Champa, Faifo – Hội An đã là một cảng thị nổi tiếng trong hệ thống con đường tơ lụa trên biển ở châu Á. Thương nhân các nước biết đến vùng đất này như là một xứ sở của sự giàu có về sản vật và hương liệu, trong đó hàng nông lâm thổ sản ở cả xứ Quảng – Đàng Trong hội về là mặt hàng then chốt, nhất là mặt hàng tơ lụa. Sự gia nhập vào luồng hải thương của khu vực và mậu dịch quốc tế vừa góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, phát triển nội thương; vừa kích thích phát triển ngoại thương.
          Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, thực ra nói đến con đường tơ lụa, là nói đến một hệ thống của con đường buôn bán hàng hóa nói chung, nổi tiếng xuyên lục địa đã có từ hàng nghìn năm lịch sử, gắn với nhiều huyền thoại, kỳ bí nối thông châu Á với châu Âu. Nhưng người ta gọi là con đường tơ lụa, bởi vì mặt hàng buôn bán chính và đầu tiên trên con đường này là tơ lụa, nó được hình thành từ thế kỷ II trước Công Nguyên bởi người Trung Quốc. Họ cũng là cư dân đã tìm ra cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa sớm nhất trên thế giới. Tơ lụa lúc đầu chỉ dành riêng cho vua chúa, hàng quý tộc ở Trung Quốc. Kể từ khi có con đường tơ lụa, các thương gia Trung Quốc đã đem sản phẩm này tới phương Tây, những bậc đế vương, quý tộc La Mã rất thích mặt hàng này. Sau một thời gian, số lượng hàng hóa trên con đường tơ lụa ngày một đa dạng: từ đá quý, các loại gia vị, khoáng sản, thuốc… hay cả các loài động vật, nô lệ cũng bị buôn bán dọc theo con đường này. Từ thế kỷ thứ VII, con đường tơ lụa trên biển ra đời bởi các thương gia Ả Rập. Sau đó, các quốc gia ở phương Tây đã tích cực tham gia, bởi họ đã thấy sự lợi ích, an toàn cao của con đường này trên biển. Và cũng có thể nói, nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực.
 

Hoạt cảnh về một đêm du ngoạn về vùng đất Mã Châu của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan và cô hái dâu Đoàn Thị Ngọc
 
          Ở xứ Quảng, miền Trung nói chung, do địa hình có độ dốc cao, lượng mưa tập trung lớn nên các cơn mưa lũ đã bào mòn các sườn núi, cuốn theo các vật thể vô cơ, hữu cơ để tạo thành phù sa bồi đắp nên châu thổ vùng cửa sông. Nhìn chung với ba tầng gồm: thềm phù sa cổ trên dải đất cao; khu vực phù sa mới ven thung lũng; và vùng châu thổ cửa sông. Nhờ gió và sóng biển, các trảng cát vun lên hệ cồn và doi cát (sandune) ven biển. Các doi cát này hiển hiện như con đê chắn sóng. Trong nhiều trường hợp, các doi cát đó có thể tạo thành các cồn bàu, đầm phá lưu giữ một phần phù sa mà các đợt mưa lũ đưa về. Những điều kiện tự nhiên nêu trên là vô cùng thuận lợi cho xứ Quảng hình thành nên nhiều nơi có thể phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Riêng vùng châu thổ Quảng Nam có diện tích lên đến 1.000 km2. Từ lâu, cùng với nghề canh tác lúa, cư dân xứ Quảng đã sớm phát triển kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, trồng bông, mía và các loại nông sản khác. Các sản phẩm như tơ lụa và vật phẩm chế từ mía… từng được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng. Như vậy, khí hậu, đất đai ở xứ Quảng, Đàng Trong rất thuận lợi cho phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Một thông tin tư liệu đầu thế kỷ XVII do một người phương Tây cho biết: “có những cây dâu cao lớn người ta hái lá để nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng lớn như cây gai ở bên ta và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ một trong ít tháng là tằm được đưa ra ngoài khí trời và được nhả tơ, làm thành những cái kén nhỏ và số lượng rất nhiều” (Cristophoro Borri, 1998, xứ Đàng Trong năm 1621, bản dịch của Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị, Nxb TP. Hồ Chí Minh, Tr 32).
 

Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ xứ Quảng

          Nói đến nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Quảng Nam không thể không nhắc đến giai thoại lịch sử về bà Đoàn Quý Phi. Tương truyền, chúa Nguyễn Phúc Lan (1601 – 1648) trong một lần du ngoạn về vùng đất Mã Châu, xứ Quảng đã tình cờ gặp và bén duyên với một người con gái hái dâu, chăn tằm có tên là Đoàn Thị Ngọc – tức là Đoàn Quý Phi. Sau này lễ hội “Bà chúa Tằm Tang” thường được chính quyền địa phương tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm ở xứ Quảng. Giai thoại, cùng với lễ hội này có ý nghĩa to lớn khi nói đến vai trò của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải ở xứ Quảng và cả Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Tơ lụa là một trong những mặt hàng nổi bật ở xứ Quảng thu hút thương nhân nước ngoài. Ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… nơi cung cấp nhiều sản phẩm tơ lụa cho Đàng Trong. Người dân ở đây xưa kia đã biết kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống của xứ Bắc và người Chăm, Trung Hoa để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng không hề thua kém tơ lụa Trung Hoa. Ở đây có những mặt hàng tơ lụa, vải hết sức phong phú, nổi tiếng như: tơ mộc trắng, tơ mộc vàng, vải nhỏ, vải trắng, vải hoa, vải quý, vải sợi khăn, vải sợi đôi, vải sợi ba, lụa trắng, lụa vàng, the, lĩnh, nhiễu huyền, lượt,… Theo nhà bác học Lê Quý Đôn: “Tổ xa đời của họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam, phủ Thăng Hoa, học dệt ở người Bắc khách, đời truyền cho nhau. Các hàng vóc, sa, lĩnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo” (Lê Quý Đôn, 1977, Phủ biên tạp lục, Nxb khoa học xã hội, Tr 332). Người Đàng Trong sản xuất ra tơ lụa rất nhiều, những người ngoại quốc khi đến đây, nhiều người đã ngỡ ngàng và thán phục bởi tài năng và sức sản xuất vải lụa của cư dân nơi đây. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, hàng dệt đã hết sức phong phú đem lại sự sang trọng cho trang phục của cư dân Đàng Trong, giáo sĩ C. Borri cho biết: “Còn về tất cả những gì thuộc đời sống hàng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất là áo mặc, họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày” ( Sđd, Tr 31).  Với chất lượng tốt cùng số lượng lớn, tơ lụa xứ Quảng dư thừa đến nỗi “người Đàng Trong không những đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang vương quốc Lào để rồi từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng. Thứ lụa mà tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Trung Quốc” (Cristophoro Borri; 1998; Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, Tr 89). Đối với thương nhân Nhật Bản, tơ lụa được xem là thương phẩm chính yếu trong hoạt động thương mại ở thương cảng Faifo – Hội An. So với thương nhân các nước họ có lợi thế hơn trong việc thu mua tơ lụa. Những người Nhật sinh sống ở Hội An đã đứng ra thu gom tơ sống trước khi tàu của Nhật Bản đến. Hoạt động này quan trọng đến nỗi giá tơ lụa địa phương vào thời điểm này lên xuống tùy theo nhịp độ của Châu Ấn thuyền đến cảng Hội An. Cũng như Hoa thương, Nhật thương chủ yếu mua tơ sống. Trong khi đó, các thương nhân phương Tây tập trung các sản phẩm dệt.

          Vào thời kỳ Pháp thuộc, trong cuốn “kinh tế nông nghiệp Đông Dương” (của tác giả Yved Henry – Teconomic agricole de L’ Indochina – Hà Nội , 1932, Tr 397 và 429) cho biết: “vùng thứ hai ở Trung kỳ, nơi thích hợp về dâu tằm là Quảng Nam, hình thành một nhóm quan trọng khá liền nhau, ở dọc châu thổ (sa bồi) trên sông Vu Gia cho đến gần cửa khẩu ở Faifo” và “ở Faifo (Quảng Nam) một hội của người bản xứ gọi là Hội Tơ lụa Đông Dương, có từ 5 đến 6 chậu kéo sợi đương tiến hành và 5 đến 6 công xưởng người bản xứ. Họ mua kén và tơ sống và bán ra hàng dệt, lụa gọi là tơ ươm sợi. Và loại tơ gốc gọi là đũi hay thao để xuất khẩu qua Pháp. Hàng dệt chính ở đây là shantrung (?), nhiễu (xuyến) và lãnh (để may quần phụ nữ) những hàng này bán trong vùng và khắp Đông Dương”. Vào thời kỳ này, một số nhân tố mới đã xuất hiện như việc cải tiến khung cửi dệt và hình thành các công ty dệt. Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tiếp tục phát triển ở nhiều nơi song song với nghề dệt vải bằng sợi bông. Những làng dệt vải hình thành với hàng ngàn khung cửi ở Bảo An, La Thọ, Thanh Quýt, Bàn Lãnh, Phú Bông, Xuân Đài… Đặc biệt, nghề ươm tơ, dệt hàng lụa lĩnh rất phát đạt ở vùng Gò Nổi – Điện Bàn và một số xã bên bờ Nam sông Thu Bồn như Đông Yên, Lang Châu, Mã Châu của huyện Duy Xuyên. Nơi đây được xem là trung tâm tơ lụa của Quảng Nam trong đầu thế kỷ XX. Vì thế, Công ty tơ tằm Delignon đặt nhà máy ươm tơ, hấp kén tại Giao Thủy nằm giữa vùng trồng dâu, nuôi tằm Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, sử dụng trên 300 lao động. Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), mặc dù phải tập trung kháng chiến, nhưng chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Nhằm giải quyết vấn đề mặc, toàn liên khu V phát động phong trào trồng bông, kéo sợi, dệt vải, khuyến khích những nơi có điều kiện trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Phong trào mỗi nhà trồng 10 cây bông vải, hay 10 cây dâu tằm để cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt – một nghề có truyền thống lâu đời, nổi tiếng của xứ Quảng. Mặc dù hoàn cảnh chiến tranh, nhưng vải của Quảng Nam dệt ra không những thỏa mãn nhu cầu của người dân, mà còn cung cấp cho quân đội may quân trang, bán ra thị trường. Lúc bấy giờ vải xita của Quảng Nam được nhiều người ưa chuộng. Trong thời kỳ 1954 – 1975, do chiến tranh ác liệt, người dân các làng nghề dệt đã phải bỏ nghề phiêu tán khắp nơi. Các làng Thi Lai, Hà Mật, Mã Châu, Trà Kiệu… (thuộc huyện Duy Xuyên) hay Bảo An, Tư Phú, Bàn Lãnh, Phú Bông, Đông Bàn… (thuộc huyện Điện Bàn) đã phải bỏ nghề hoặc nhiều người bỏ quê, vào Sài Gòn làm ăn, lập nghiệp ở khu Bảy Hiền (Tân Bình), Cây Gõ (Bình Tiên), Bàn Cờ (quận 3), Xóm Mới (Gò Vấp)… Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, một số làng dệt ở Quảng Nam đã được phục hồi. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, cả yếu tố chủ quan mà nghề tơ tằm xứ Quảng đã không còn.

          Gần đây, đi cùng với du lịch đã mở ra cho làng nghề dệt có cơ may phục hồi trở lại theo một hướng mới – một số sản phẩm cho du khách tham quan và mua sản phẩm của nghề tơ tằm truyền thống, nhưng ở đây cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy để hy vọng nghề tằm tang xứ Quảng thực sự sống trong định hướng phát triển kinh tế du lịch của địa phương.

Tác giả: ThS. Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: vanhoaquangnamonline.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây