Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Cảnh quan khu dân cư - một loại hình cảnh quan sinh thái - nhân văn đặc trưng ở Cẩm Kim

Xem xét dưới góc độ cảnh quan sinh thái - nhân văn ở Cẩm Kim hiện nay cho thấy đây là địa phương có cảnh quan sinh thái - nhân văn tương đối phong phú về loại hình và mang những nét riêng do sự kếp hợp giữa các yếu tố vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và đặc điểm dân cư nơi đây.
          Hiện toàn xã Cẩm Kim có 5 khu dân cư tương ứng với 5 thôn, bao gồm thôn Phước Thắng, thôn Trung Châu, thôn Trung Hà, thôn Đông Hà và thôn Đông Vĩnh, trong đó khu dân cư thôn Đông Hà và Đông Vĩnh tương đối tập trung, khu dân cư các thôn Trung Hà, Trung Châu và Phước Thắng phân chia thành các cụm dân cư nhỏ do bị xen kẽ bởi những cánh đồng. Đa số cánh đồng ở Cẩm Kim có đặc điểm nhỏ, hẹp, nối tiếp nhau, chạy theo trục đông tây theo ba tuyến chính, và vì thế các khu dân cư cũng bị chi phối theo đặc điểm địa hình này.

         Ở các khu dân cư, hầu hết các hộ gia đình đều có khuôn viên sân, vườn; trong đó có khoảng 50 hộ có diện tích vườn từ 500m2 trở lên[1]. Nhà ở chủ yếu là nhà 1 và 2 tầng, hình thức kiến trúc tương đối giống nhau, kết cấu chủ yếu là tường gạch, khung bê tông. Tùy theo diện tích đất lớn, nhỏ mà bố trí vườn ở trước, sau hay bên hông nhà. Nhiều nhà ở thôn Phước Thắng còn bố trí khoảng không gian làm chuồng gia súc, bên cạnh là cây rơm trong vườn. Cây trồng trong vườn là loại cây mang lại giá trị kinh tế hoặc bóng mát như cau, chuối, đu đủ, xoài, mận, mít,… Sân nhà bài trí các chậu cây cảnh: mai, sanh, bông giấy,… Một số gia đình còn tạo lối đi từ cổng vào nhà bằng hàng cau thẳng tắp. Khuôn viên mỗi gia đình đều có rào phía trước và bên hông, phía sau thường là các cánh đồng nên không rào mà thay vào đó là hàng tre, chuối ... Nếu mặt sau là vườn của 2 nhà thì hàng rào đơn giản bằng nệp tre. Hàng rào mặt tiền phổ biến là hàng cây xanh: trúc, cau, tra, … trong đó chủ yếu là cây chè tàu hoặc chè tàu xen kẽ cau. Hàng rào chè tàu có thể xem là kiểu thức hàng rào đặc trưng ở Cẩm Kim. Cách thức trồng chè tàu cũng khác nhau ở nhiều gia đình. Có gia đình trồng chè tàu trực tiếp dưới mặt đất, có gia đình trồng trên bồn xây gạch. Hàng chè tàu được gia đình chăm sóc, cắt tỉa trông rất đẹp mắt. Hàng chè tàu không chỉ tạo nên màu xanh của làng quê nông thôn, điều tiết khí hậu mà còn có tác dụng cản dòng nước, rác vào vườn trong những đợt lũ.

         Gắn với cảnh quan khu dân cư không thể không kể đến các con đường. Hầu hết các đường ở khu dân cư là đường thôn, xóm có chiều rộng từ 2 - 4m, đa số đã được bê tông hóa. Đường ở đây có đặc điểm là nhỏ, ngắn, chạy cong uốn lượn trong các khu dân cư. Hai bên đường là hàng cây xanh kết nối nhau tạo khoảng không mát rượi. Nhiều con đường chạy men theo cánh đồng với hàng cây xanh là tre, thầu đâu, dương liễu… phía đối diện là quang cảnh nhà thôn quê rộng rãi, thoáng mát. Một số tuyến đường còn có điểm nhấn riêng tạo nét đặc trưng như: đường chạy theo bờ phía bắc đồng chùa ở thôn Trung Hà ngang qua nhiều công trình tín ngưỡng như lăng Bà, chùa Hội Nguyên, nhà thờ tộc Võ, nhà thờ tộc Lữ, cụm 3 nhà thờ tộc Trần Văn, tộc Phạm Xuân, Phạm Phú; hay đường ngang qua một số cánh đồng trong khu dân cư và di tích tiêu biểu của xã Cẩm Kim ở thôn Phước Thắng từ chùa Kim Bửu qua đình Tiền hiền, đồng Liêu, cụm nhà cổ của ông Trần Xu, bà Huỳnh Thị Liên, ông Trương Được, nhà thờ tộc Phan Xuân, giếng tứ Tộc, nhà ông Trương Quang Toàn, nhà ông Huỳnh Cường, lăng Ông, lăng Bà trong khoảng bán kính chưa đầy 1km.

          Trong số các khu dân cư hiện nay, khu dân cư ở thôn Đông Hà cần được quan tâm nhất bởi quy mô lớn hơn và có nét đặc trưng riêng. Khu dân cư được chính quyền Sài Gòn quy hoạch làm khu trù mật từ năm 1955. Trải qua thời gian với nhiều thay đổi, phạm vi hiện nay còn giữ lại được nhỏ hơn và có thể giới hạn: phía bắc là bờ sông Thu Bồn, phía đông tiếp giáp với thôn Đông Vĩnh, phía nam tiếp giáp cánh đồng chùa, phía tây là đường sang xã Duy Vinh và đồng ông Đản. Trong khu dân cư có 5 đường chính chạy theo trục đông tây, được nối nhau bằng các đường ngang nhỏ hiện đã được bê tông hóa.. Các đường làm thẳng tắp chia thành các phân khu nhỏ vuông vức như ô bàn cờ. Mỗi phân khu nhỏ bố trí hai dãy nhà đều hướng ra đường lớn, hai mặt hậu tiếp giáp nhau. Hầu hết nhà ở đây có không gian thoáng rộng với sân, vườn trồng nhiều cây xanh. Hàng rào chè tàu, được cắt tỉa công phu, đẹp mắt. Dọc bờ chè tàu còn trồng một số loại cây như cau, thầu đâu, mít, ô ma, keo, .... lấy bóng mát. Những gia đình làm hàng rào cây xanh thường làm trụ cổng xây tiết diện vuông, có hoặc không có cửa cổng. Một số gia đình cắt tỉa chè tàu thành trụ cổng hoặc trồng cây xanh hai bên trụ, sau đó làm giàn kết nối và cắt tỉa theo sở thích. Ở đường dọc bờ sông, một số hộ gia đình làm rào bằng cây tra. Cây này có thể cắt tỉa tạo hàng rào ở phần dưới, phía trên cành vươn cao đến 6, 7m, tán cây rộng và kín. Việc trồng cây này ở bờ sông là thích hợp vì vừa tạo nên hàng rào cây xanh đẹp mắt, vừa lấy bóng mát và ngăn nước, cản gió vào mùa mưa.

          Nhìn chung, cảnh quan khu dân cư ở xã Cẩm Kim tương đối yên bình, mật độ cây xanh cao không chỉ trong nhà dân mà tại các tuyến đường, khu đất trống. Cây xanh được trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương. Các khu dân cư không có sự tách biệt với cảnh quan thiên nhiên, bên trong còn có nhiều công trình kiến trúc văn hóa; những nét sinh hoạt, tập quán, lối sống của vùng quê nông thôn còn được bảo tồn nguyên vẹn.
 
 

[1] Theo thuyết minh tổng hợp quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và quy hoạch sử dụng đất xã Cẩm Kim, thành phố Hội An do UBND xã Cẩm Kim làm chủ đầu tư, tr 32.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây