Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Các nguồn hàng và thương phẩm của Đàng Trong

Trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVI-XVIII được coi là thời kỳ diễn ra nhiều biến chuyển sâu sắc. Sau 7 lần (1627-1672) giao tranh nhưng bất phân thắng bại, chính quyền Lê - Trịnh và chúa Nguyễn đã lấy sông Gianh làm giới tuyến . Từ đó hình thành thế cục chính trị Đàng Ngoài (Tonkin) - Đàng Trong (Cochinchina) kéo dài hơn 2 thế kỷ. Trước đây, một số nhà nghiên cứu thường cho rằng, sau thời kỳ phát triển huy hoàng của triều đại Lê sơ (1428-1527), chế độ quân chủ Việt Nam bắt đầu lâm vào giai đoạn suy thoái, khủng hoảng. Nhưng, trên cơ sở khai thác những nguồn tư liệu trong nước, quốc tế đồng thời nhìn nhận lịch sử theo quan điểm mới, có thể cho rằng dường như tương phản với những mâu thuẫn, xung đột về chính trị, trong vòng 3 thế kỷ, kinh tế - xã hội Việt Nam (cả Đàng Ngoài và Đàng Trong) đều có nhiều bước phát triển quan trọng. Trên bình diện bang giao quốc tế, cũng chưa có thời kỳ nào, Việt Nam lại có mối quan hệ đối ngoại rộng lớn, đa dạng như thời kỳ này .
           Với Đàng Trong, để phát triển kinh tế, củng cố quyền lực chính trị và để có thể đương đầu với sự uy hiếp của Đàng Ngoài cũng như nhiều cường quốc phương Tây, các chúa Nguyễn đã đồng thời thực thi nhiều chính sách tích cực. Các chính sách hợp thời và hợp lòng người đó đã đem lại sức mạnh thực tế, trội vượt cho chính quyền Đàng Trong. Trên cơ sở nhận thức rõ những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế thế giới cũng như sự phát triển của hệ thống hải thương châu Á, chính quyền Nguyễn đã thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của mình khi theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương hóa, chủ động và tích cực. Việc biết phát huy những lợi thế căn bản về vị trí địa lý, khai thác mọi tiềm năng kinh tế, các nguồn tài nguyên, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển... đã không chỉ tăng cường, củng cố sức mạnh chính trị, kinh tế mà còn tạo nên những điều kiện hết sức thiết yếu để chính quyền Đàng Trong mở rộng ảnh hưởng và khẳng định vị thế của mình trên vùng đất phương Nam.

            Dựa trên hai tiêu chí căn bản là Nguồn gốc hàng hóa (tiêu chí địa vực) và Tính chất hàng hóa (sản phẩm thủ công, bán thủ công hay nguyên sơ) bài viết muốn khảo cứu các nguồn hàng và thương phẩm của Đàng Trong để bước đầu làm rõ tiềm năng, cách thức huy động, tổ chức các nguồn hàng, mối liên hệ giữa các không gian kinh tế và giá trị của một số loại hàng hóa... Đây chính là những nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các hoạt động kinh tế, củng cố quyền lực, mở rộng bang giao quốc tế... của  chính quyền Thuận Hóa. 
 
              1. Vị trí, tiềm năng kinh tế của Đàng Trong
            Trong ghi chép của các tác giả đương đại, xứ Đàng Trong được coi là một vùng đất giàu có. Trước hết, do nằm ở trung điểm của một trong những tuyến chính của hệ thống giao thương châu Á nên các thương cảng như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn... đều có vị trí quan trọng. Theo Lê Quý Đôn thì: “Xứ Thuận Hóa, đường thủy đường bộ liên tiếp tới xứ Quảng Nam, phía hữu xứ Quảng Nam lại thông với các nước phiên, về đường biển thì cách tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông không đến 3 - 4 ngày, cho nên thuyền buôn từ trước đến tụ hội ở đấy”[1]. Đến Đàng Trong năm 1618-1621, giáo sĩ người Ý là Cristoforo Borri từng hết sức ngạc nhiên về vị trí tự nhiên của các thương cảng. Theo ông, ở vùng duyên hải Đàng Trong chỉ trong khoảng hơn 100 dặm nhưng có đến 60 hải cảng, “tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền... Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”[2]. Từ một cái nhìn hướng sâu vào lục địa, trong tác phẩm nổi tiếng Hành trình và truyền giáo, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng cho rằng: “Họ cũng rất giàu vì có đất đai phì nhiêu với 24 con sông cung cấp nước, cũng nhờ đó mà rất tiện việc đi lại bằng đường sông ngòi, tiện việc thông thương và hành trình”[3].
Khảo cứu tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chúng ta thấy, vào thế kỷ XVII-XVIII các cảng Đàng Trong luôn là điểm đến của các thuyền buôn từ Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam (Trung Quốc), Nhật Bản, Xiêm La, Lữ Tống (Luzon), Cựu Cảng (Philippines), Mã Cao (Bồ Đào Nha), Hà Lan[4]. Các tàu, thuyền buôn quốc tế không chỉ đến thu mua hàng hóa mà còn đem theo nhiều nguồn thương phẩm mà thị trường Đàng Trong và khu vực cần. Mặt khác, như là kết quả của sự phát triển tương hỗ, sự thịnh đạt của hệ thống thương cảng Đàng Trong đã có sức hấp dẫn lớn, lôi cuốn nhiều dòng thiên di và cư dân khu vực mang hàng hóa, chế phẩm đến các cảng thị để trao đổi, buôn bán[5]. Trên thực tế, hệ thống thương cảng Đàng Trong đã trở thành mạch nối giữa các không gian kinh tế: Châu thổ với Rừng núi, Biển với Lục địa. Nguồn hàng từ vùng núi cao mà giới học giả đương thời gọi là “nguồn” đã theo các triền sông cùng nhiều con đường khác nhau dồn tụ về các cảng cửa sông. Chính các nguồn hàng đó, từ trên núi xuống và biển về, đã bổ sung và là sản phẩm không thể thiếu cho hoạt động thương mại Đàng Trong trong nhiều thế kỷ[6].
Nhân tố thứ hai có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền thương mại Đàng Trong là xứ Quảng nói riêng và phương Nam nói chung là một vùng đất hết sức trù phú về tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nhiều nguồn tài nguyên còn chưa được khai phá. Bên cạnh đó, do chịu sự chi phối của Hệ sinh thái phổ tạp (General ecosystem) với hai đặc trưng cơ bản là khả năng tái sinh nhanh và chỉ số đa dạng về giống loài cao, Đàng Trong nổi lên như một vùng đất phồn thịnh, dung chứa nhiều sản vật đặc thù. Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) từng cho rằng: “Xứ Quảng là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc đoạn, lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, lúa gạo tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đây. Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo không kể xiết, khách buôn phương Bắc quen khen không bao giờ ngớt”[7]. Từng sống ở Hội An, xứ Quảng, C. Borri nhận thấy tiềm năng nông nghiệp của vùng này là rất lớn. Theo ông: “Nước lụt làm cho đất màu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có ba vụ lúa, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ, vất vả để sinh sống, ai cũng sung túc”[8]. Cũng theo A.de Rhodes thì: “Mỗi năm thường có lụt lội, vào tháng Một và tháng Chạp, thỉnh thoảng có tới ba mùa lụt thêm màu mỡ cho đồng ruộng. Vào thời điểm này, chỉ đi lại bằng thuyền. Nhà cửa thì làm trống về phía dưới để cho nước lưu thông và vì thế thường đặt trên những cột lớn”[9]. Theo Dương Văn An thì: “Bán mua đong đếm tùy nơi, thóc 3 đấu không quá 2 tiền; ăn uống không hề xa xỉ, của dẫu đầy kho chẳng ăn hết trong năm”[10]

            Các nguồn tư liệu trong nước và quốc tế cho thấy, các nguồn lợi có thể khai thác được từ vùng châu thổ, ven các triền sông, từ vùng rừng núi và biển cả là rất lớn. Các nguồn tài nguyên đó không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về chủng loại. Đó chính là cơ sở để phát triển kinh tế nội, ngoại thương mà minh chứng tiêu biểu là khả năng huy động nguồn hàng hóa về Hội chợ quốc tế hàng năm tại Hội An. Tác giả Phủ Biên tạp lục cho biết, vào thời cầm quyền của các chúa Nguyễn, chính quyền Đàng Trong đã cho lập ở Thuận Hóa 7 kho, ở Quảng Nam 12 kho để chứa thóc gạo và của cải. Cũng theo tác giả thì phủ Gia Định và Đồng Nai đất tốt vào bậc nhất. Đó là vựa lúa của cả xứ Đàng Trong. Thóc gạo đã sớm trở thành sản phẩm kinh tế hàng hóa, không chỉ cung cấp cho Thuận Hóa mà còn xuất sang Trung Quốc và nhiều quốc gia láng giềng khu vực[11].

            Về kinh tế ngoại thương, qua một thương nhân họ Trần (người Quảng Đông, Trung Quốc), học giả Lê Quý Đôn từng có những nhận xét mang tính so sánh về sự tương đối khan hiếm hàng hóa của một số vùng so với Quảng Nam. Ở đó, “không thứ gì là không có. Phàm hóa vật sản xuất ở Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An... Trước đây, hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”[12]. Bên cạnh đó: “Những sản vật quý phần nhiều sản xuất tự mền Nam. Xứ Thuận Hóa, châu Bắc Bố Chính.... sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong, sáp ong, sừng tê, ngà voi, sừng bò tót, diêm tiêu, giáng hương, trầm hương, tốc hương, song, mây, gỗ mun, gỗ lim, gỗ hoa hèo, gỗi hoa nu, gỗ kiền kiền...”[13]. Cùng chung quan điểm đó, C. Borri cũng cho rằng: “Những thương gia châu Âu buôn bán ở đây đều nói rằng của cải của Đàng Trong còn nhiều hơn cả Trung Hoa mà chúng tôi biết là Đàng Trong rất giàu có về mọi thứ”[14].

              Cùng với hai nhân tố nêu trên, sự thịnh đạt của kinh tế Đàng Trong còn là do các chúa Nguyễn đã thực thi chính sách khuyến thương mạnh mẽ. Các chúa như Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)... đã có nhiều ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân ngoại quốc đến buôn bán, thiết lập cơ sở thương mại. Theo Đại Nam thực lục tiền biên thì: “Bấy giờ, chúa ở trấn hơn mười năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn nước ngoài đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn”[15]. C. Borri cũng cho rằng: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”[16]. Bên cạnh đó, chính quyền Nguyễn còn thiết lập một hệ thống kiểm soát an ninh chặt chẽ nhằm bảo đảm cho các hoạt động kinh tế, đối ngoại được diễn ra thuận lợi, an toàn[17]. Nhờ có hoạt động giao thương quốc tế nên chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, nhiều ngành kinh tế sản xuất hàng hóa của Đàng Trong đã có những phát triển vượt bậc. Các thương cảng như Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam), Vũng Lấm (Phú Yên), Nước Mặn (Bình Định), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Gia Định (Sài Gòn - Chợ Lớn), Hà Tiên (Kiên Giang)... trở thành các trung tâm kinh tế trong nước, quốc tế. Trong mối liên hệ vùng và liên vùng, giữa các cảng thị với trung tâm sản xuất thủ công, giữa nơi tiêu thụ với các nguồn cung cấp hàng hóa, nguyên liệu; giữa các thương cảng trong nước với hệ thống giao thương quốc tế, các cảng như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn[18], Hà Tiên... đã trở thành của ngõ, trung tâm kinh tế đối ngoại quan trọng nhất của Đàng Trong.
 
            2. Các mặt hàng sản xuất thủ công
          Với Đàng Trong, việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa là nghề truyền thống và rất phát triển ở xứ Quảng. Từ năm 1553, trong Ô châu cận lục, tác giả Dương Văn An cho biết ở huyện Điện Bàn có xã “Lang Châu có nhiều lụa trắng”[19]. Theo một số nhà nghiên cứu, thời bấy giờ, các thợ thủ công, nghệ nhân dệt lụa Đàng Trong đã biết kết hợp giữa truyền thống dệt lụa của xứ Bắc với kỹ thuật dệt của người Chăm và Trung Hoa để sản xuất ra những sản phẩm dệt nổi tiếng như tơ lụa hảo hạng của Quảng Đông (Trung Quốc). Họ có thể dệt vóc, sa, đoạn, lãnh, gấm, trừu với hoa văn tinh xảo. Theo Lê Quý Đôn thì: “Tổ xa đời họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam, phủ Thăng Hoa học dệt ở người Bắc khách, đời truyền nghề cho nhau. Các hàng vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo. Ở Quảng Nam lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa, Điện Bàn. Đến như phủ Phú Yên thì có thợ dệt gọi là đội sa vóc... Phủ Điện Bàn huyện Phú Châu hàng năm nộp lụa thuế 2.350 tấm. Lụa Đoan Quận Công trước đây lấy để cống phú thì rộng 1 thước 7 tấc, dài 30 thước, dày như nắm sợi. Phủ Thăng Hoa, thuộc Hóa Châu hàng năm nộp lụa thuế 809 tấm, lụa lễ 11 tấm, thuế là để dâng lên (vua Lê), lễ là để biếu quan trấn”[20].

            Hiển nhiên, không chỉ là vật phẩm biếu tặng, tơ lụa còn là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Đàng Trong. Tận mắt chứng kiến những cánh đồng rộng lớn trồng dâu, nuôi tằm ở xứ Quảng, giáo sĩ C. Borri đã có những ghi chép chi tiết về nghề trồng dâu, dệt lụa. Theo ông thì nguồn cung cấp tơ lụa ở đây “rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong không những đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang vương quốc Lào để rồi từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Trung Quốc”[21]. Đến Đàng Trong thế kỷ XVII, A.de Rhodes từng nhận xét rằng ở Đàng Trong có “nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”[22]. C.Borri cũng cho biết thêm: “họ có rất nhiều lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế, đã hơn một lần tôi rất thích thú khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp và quý họ mặc khỏi rách hay bẩn”[23].

           Các loại tơ lụa của Đại Việt nói chúng và Đàng Trong nói riêng từ lâu đã được chia thành nhiều loại. Theo đó, trừu là loại thô và to sợi; lượt là loại lụa thô và trơn; sa là loại lụa mỏng và trơn; the là lụa nhẹ màu sáng; xuyến là lụa trơn dày hơn màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; chính là loại lụa dệt bằng tơ nõn với những đường nhỏ sọc đều nhau và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh những chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa hoa cao cấp. Các tàu, thuyền buôn nước ngoài thường đến cảng thị Hội An và một số thương cảng khác để mua các sản phẩm dệt. Thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan... mua nhiều các sản phẩm dệt, trong khi đó Hoa thương, Nhật thương thường mua tơ sống[24]

            Trong các cây trồng, mía và các chế phẩm từ mía đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Đàng Trong. Nhiều cơ sở chế biến đường của người Việt và người Hoa đã được xây dựng ở xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi... nhất là vùng dọc theo sông Thu Bồn và Vu Gia. Người ta sản xuất mật mía, đường bánh, đường phèn, đường phổi... các sản phẩm này được thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản rất ưa chuộng[25]. Theo thương gia Pháp Pierre Birre (đến Hội An năm 1744-1745) thì: “Mỗi mùa hội chợ ở Hội An có thể bán cho thương nhân nước ngoài từ 20 đến 60 tấn đường các loại. Đường ở đây rất nhiều và cần có 80 thuyền buôn mới chở hết được”[26].

           Vào thế kỷ XVI-XVIII, cũng như mặt hàng tơ lụa, sản phẩm của các lò gốm sứ như Dũng Cảm, Cảm Quyết, Mỹ Cương, Mỹ Xá, Thanh Hà, Gò Sành[27].... đã được xuất đến nhiều nước Đông Nam Á, vùng Viễn Đông và các các quốc gia châu Âu[28]. Theo chuyên gia nghiên cứu gốm sứ Nhật Bản Hasebe Gakuji thì: “Các tàu buôn (Nhật Bản) đến Việt Nam mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa đồng thời còn mua một khối lượng đồ gốm sứ Việt Nam. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn còn lưu giữ ở Nhật Bản”[29]. Vào thế kỷ XVII, nhiều gia đình thương gia giàu có và các phái trà đạo đã lưu giữ các đồ “gốm sứ An Nam”. Thời thuyền buôn Châu ấn, chúa Nguyễn đã tặng cho tướng quân Nhật Bản nhiều đồ sứ đẹp như chén uống trà “An Nam hồng” với men xanh lam điểm màu đỏ, vẽ cánh sen hay xanh lục rất lộng lẫy. Ngay cả trong thời kỳ tỏa quốc (sakoku, 1639-1853) đồ gốm sứ, sành Đại Việt vẫn được thuyền buôn Trung Hoa, Hà Lan đưa đến Nhật Bản. Các sản phẩm đó đã có ảnh hưởng đến nghề làm gốm sứ Nhật Bản. Những nghiên cứu thời gian qua ở Sakai, Osaka, Nagasaki và nhiều thành thị, cảng thị khác của Nhật Bản cho thấy gốm sứ Đại Việt, cả Đàng Ngoài và Đàng Trong, đã được xuất sang Nhật Bản. Hiện nay, với sự xuất hiện một số lượng lớn gốm sành Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự hiện diện của dòng gốm Việt không chỉ thuần túy là các vật đựng mà còn là các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Gốm, sành Việt đã được người Nhật hết sức ưa chuộng trong các sinh hoạt văn hóa như nghệ thuật cắm hoa (ekebana), trà đạo (chado)[30].

            Cùng với các mặt hàng thủ, mỹ nghệ nêu trên, Đàng Trong còn xuất ra nước ngoài đồ gỗ chạm khắc, mộc, giấy quyến... Trên thực tế, thật khó có thể hình dung có một thời đại thương mại thịnh đạt ở Đàng Trong mà không có vai trò tích cực của nghề đóng thuyền, làm mộc. Do có thể khai thác được một số loại gỗ quý đặc biệt là gỗ sao mà làng mộc Kim Bồng (Hội An) chuyên đóng ghe bàu trở nên nổi tiếng. Ghe bàu Kim Bồng cung cấp cho nhiều xứ Đàng Trong và như vậy nó cũng là một sản phẩm hàng hóa. Làng nghề này còn sản xuất nhiều sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ tinh xảo phục vụ cho các hoạt động giao thương. Ngoài ra, nhiều vùng còn nổi tiếng về nghề rèn, nghề đúc, làm mỹ nghệ, hàng thiếc, dệt chiếu, làm nón, làm giấy... Các mặt hàng này không chỉ buôn bán ở Đàng Trong mà còn xuất sang các nước trong đó có Trung Hoa, Nhật Bản[31].
 
            3. Các nguồn lâm thổ sản
            Là vùng đất rất phong phú về điều kiện tự nhiên, Đàng Trong là xứ sở cung cấp các nguồn dược liệu, gỗ quý và nhiều loại sản vật khai thác từ những cánh rừng nguyên sinh. Các sản vật này hết sức phong phú và được các thương nhân nước ngoài ưa chuộng.

            Trước hết, phải kể đến các loại gỗ quý như gỗ sao, gỗ lim, gỗ tử đàn ô mộc (gỗ mun), gỗ trắc mật (gỗ hoa lệ), gỗ thai bài, gỗ giáng hương keo, gỗ hồng (gỗ sơn).... Về các loại gỗ quý của Đàng Trong, Lê Quý Đôn nhận xét: “Hai xứ Thuận Quảng cho gỗ tốt nhất là gỗ hoa lệ, tục gọi là trắc mật, thớ nhỏ mịn, có mùi thơm như mía nướng, màu sắc trước đỏ sau đen, tính bền, không mọt, người ta phần nhiều dùng làm rương hòm, bàn ghế, đòn kiệu và các đồ dùng; có thứ tên là thai bài, sắc trắng như ngà voi, uốn không gãy, có thể làm cán giáo và làm côn dài rất tốt. Gỗ hồng tục gọi là gỗ sơn, sắc đỏ vàng như sơn dầu, bền chắc mềm mịn; gỗ giáng hương keo thì sắc tía vàng, tính rất bền, hoa văn xoáy tròn, có khi như xoáy trôn ốc, tiện đồ dùng, làm rương hòm đều tốt”[32]. Ngoài ra, các cánh rừng còn sản dầu rái, sơn sống... đây chính là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong xây dựng, kiến trúc, nghề mộc và đóng thuyền.

          Cùng với gỗ quý, Đàng Trong còn được coi là xứ sở của trầm hương. Các loại trầm (kỳ nam) trầm hương, khổ trầm, hắc đàn (loại gỗ thơm, còn gọi là chiên đàn?)... Trầm hương là sản vật nổi tiếng, nhiều thương nhân quốc tế đến Đàng Trong với mục tiêu trọng yếu là để tìm mua trầm. Các quốc gia theo Phật giáo, Hồi giáo đều rất ưa chuộng trầm vì những tác đụng đa năng của nó. Trầm hương sản ra từ cây gió trầm, có ở nhiều vùng nhưng theo Lê Quý Đôn thì trầm của Bình Thuận, Khánh Hòa là có chất lượng cao nhất. Tác giả Phủ biên tạp lục viết: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Hương ấy là do ruột cây gió kết thành. Gió có ba loại: gió lưỡi trâu thì thành khổ trầm, gió niệt thì thành trầm hương, gió bầu thì thành kỳ nam hương... Họ Nguyễn trước đặt đội am sơn, hàng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì trở về số được nhiều ít không nhất định... Kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng”[33].

            A.de Rhodes cũng đánh giá rất cao giá trị của các loại trầm. Trong nhận thức của ông thì: “Ở khắp thế giới chỉ có ở Đàng Trong là có thứ cây danh tiếng gọi là trầm hương, gỗ rất thơm, dùng làm thuốc. Có tất cả ba loại: loại quý nhất là “Camlamba” hương thơm tuyệt duyệu, dùng để bổ tim và chống hết các thứ nọc độc. Ở xứ này giá trầm như giá vàng. Hai loại khác là “aquila” và “calambouc” thông thường, không tốt bằng loại thứ nhất nhưng cũng có hiệu lực tốt”[34]. Trong ký sự của mình, C. Borri cũng cho rằng: “Tôi sẽ nói đôi điều về một loại gỗ mà người ta cho rằng đó là loại hàng quý báu nhất mà người ta có thể thấy ở Đàng Trong so với các vương quốc khác. Đó là trầm hương nổi tiếng Calamba, chúng giống nhau về cây nhưng khác nhau về sự ưa thích và khả năng chữa bệnh. Những cây đó cao và rất to, những ngọn núi của người Thượng có rất nhiều. Nếu gỗ lấy trên thân cây còn non nó trở thành trầm hương và loại này rất nhiều, người ta đốn lấy bao nhiêu nếu họ muốn. Nếu gỗ lấy trên thân cây già thì nó trở thành Calamba (tức kỳ nam). Thật khó có thể tìm thấy loại này...

          Mọi người có thể bán trầm hương tùy thích, nhưng kỳ nam là loại hàng chỉ thuộc riêng về chúa mà thôi... Kỳ nam bán tại chỗ là 5 đồng đu-ca (tiền Ý) một livre (nửa kilô), nhưng ở tại cảng Đàng Trong nơi người ta buôn bán nó, kỳ nam được bán đắt hơn nhiều, không dưới 16 đồng đu-ca một livre. Đến Nhật Bản kỳ nam có giá 200 đồng đu-ca, nhưng nếu nó là một miếng có thể dùng làm chiếc gối thì người Nhật trả với giá 300 hay 400 đồng đu-ca một livre. Chiếc gối bằng kỳ nam được coi là xứng đáng với một vị quốc vương hay vị chúa[35]...

           Một món lợi lớn nhất mà chúa có thể ban cho một thuyền trưởng Malaysia là cho phép một thuyền buôn trầm hương bởi vì những tín đồ đạo Bàlamôn và tín đồ giáo phái Banian của Ấn Độ, do phong tục hỏa táng người chết bằng gỗ thơm, đó là lý do người ta dùng trầm hương không ngừng với số lượng vô cùng lớn”[36]. Từ lâu, hắc đàn là một loại gỗ thơm mà các tín đồ theo Phật giáo mua về, chẻ nhỏ hoặc nghiền thành bột để sản xuất hương thắp trong các chùa thờ Phật hoặc để hỏa táng người quá cố.

           Cùng với trầm, quế là một dược liệu quý và được các quốc gia ôn đới ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản rất ưa chuộng. Vùng rừng nguyên sinh ở miền Tây huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa nay là huyện Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế, khiến quế có nhiều tinh dầu. Huyện Quế Sơn phủ Điện Bàn cũng có nhiều quế rừng. Ngoài ra, cây quế còn được trồng trong vườn nhà, gọi là quế vườn hay quế đơn, chất lượng không tốt bằng quế rừng. Các vùng có quế tốt hàng năm phải nộp thuế cho chúa Nguyễn theo lệ đặc biệt là loại dùng để làm thuốc chữa bệnh trong cung đình. Nguồn Thu Bồn (huyện Quế Sơn), nguồn Chiên Đàn (huyện Hà Đông) mỗi năm nộp ba thanh quế thượng thượng hạng.

           Thông thường, mỗi năm có hai mùa bóc quế là mùa tiên (tháng 2 - 4 âm lịch) và mùa hậu (tháng 8 - 9). Quế Quảng Nam nổi tiếng từ xa xưa về chất lượng. Người xưa quế quý như bảo vật và quế vùng Trà My là loại tốt nhất. Dưới thời các chúa Nguyễn, hàng năm cảng thị Hội An đã bán cho người nước ngoài 2.000 tấn quế các loại. Thương nhân người Hoa cho rằng nhục quế ở Đàng Trong rất tốt. Quế không chỉ được xem như một loại thần dược mà còn được sử dụng trong văn hóa ẩm thực. Quế xuất khẩu ở Hội An trước đây được đựng trong các thùng bằng gỗ do thợ mộc Kim Bồng đóng. Cho đến nay, quế Trà My của Việt Nam vẫn đuợc coi là loại quế tốt nhất trên thị trường quốc tế. Người Nhật Bản, Triều Tiên... đều rất chuộng dùng quế của miền Trung, Việt Nam.

             Cùng với quế, mía... cư dân Đàng Trong còn trồng nhiều cau. Cây cau thường được trồng trong vườn nhà hay trồng thành rừng do tập quán ăn trầu của người Việt. Cau cũng có thể dùng để chữa bệnh, trị giun sán. Lê Quý Đôn từng cho biết: “Cau ở Thuận Hóa bốn mùa đều có, mềm non mà ngọt, giá rất rẻ 10 quả chỉ 2 đồng. Tục ở Quảng Bình cứ dưới một cây cau thì trồng một cây trầu không, hay một cây hồ tiêu cho phụ vào, vườn rừng um tùm. Ở chân núi Ải Vân cùng các xứ phường Lạc, phường Giá, phường Rây thuộc Quảng Nam, cau mọc thàng rừng, quả già da sém, người địa phương lấy hạt chất cao như gò, tàu Bắc mua chở về Quảng Đông, bán uống thay chè”[37]. Tác giả cũng cho biết thêm: “Gia Định rất nhiều cau. Ngạn ngữ nói: “Gia Định nhất thóc nhì cau”, dân địa phương thường bỏ không thu, cau già lấy hạt bán cho người Hoa”[38]. Pierre Poirre cũng cho biết thuyền buôn Trung Hoa, Nhật Bản chở hàng đến Hội An để bán và mua nhiều mặt hàng của Đàng Trong trong đó có hạt cau.

           Dưới thời cầm quyền của chúa Nguyễn, hồ tiêu là một trong những sản phẩm xuất khẩu có giá trị. Ở xứ Quảng, cây tiêu được trồng trong vườn hay mọc tự nhiên trên rừng và được khai thác để bán cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Xiêm La... thường mua hồ tiêu ở Hội An, Thuận Hóa. Đàng Trong còn bán ra thuốc lá, bông và hạt sen. Thời bấy giờ, việc trồng thuốc lá ở các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa là nghề truyền thống và người ta đã trồng được những giống thuốc lá thơm ngon nổi tiếng.

            Bên cạnh đó, Đàng Trong còn có nguồn dược liệu có nguồn gốc thực vật như  hồi, sa nhân, thảo quả, đậu khấu, tô mộc, long não, trầm các loại. Ngoài ra còn có da hổ, ngà voi, sừng tê giác, xạ hương, sáp ong, gân nai, gân hươu. Các dược liệu có nguồn gốc động vật như mật gấu, hổ cốt, nhung hươu, mật ong, sừng tê giác... Theo các tài liệu y học cổ, xạ hương hay còn gọi là nguyên thốn hương hay nạp tử là một vị thuốc y học dân tộc phương Đông để dùng để trấn kinh, thông kinh lạc, hồi sinh, trừ trúng phong. Tương tự như vậy, sừng tê giác là vị thuốc quý, làm mát huyết, định kinh, giải độc, chữa sốt cao hóa điên, sốt vàng da, trị ung độc, hậu bối, nhức đầu, chảy máu cam. Sừng tê giác là nguồn hàng có nhiều của xứ Quảng, được bán với giá cao 500 quan một tạ[39].
 
            3. Các sản vật từ biển
            Đàng Trong có một vùng biển sâu, giàu có về tài nguyên. C. Borri từng cho rằng: “Là người đã đi khắp các biển và đã đi qua các nước hình như tôi không tìm thấy ở đâu nghề cá và cá có thể so sánh được với Đàng Trong... Người Đàng Trong thích ăn cá hơn ăn thịt vì vậy mà họ mải mê đánh cá”[40]. Mặt khác, cũng có thể thấy, do tác động của điều kiện sinh thái, lại kế thừa truyền thống hướng biển của người Chăm, cư dân duyên hải Đàng Trong đã giao hòa với biển cả, giỏi nghề đi biển, khai thác hải sản. Các sản vật từ biển như vây, bóng cá, tôm cá khô, muối... không chỉ được trao đổi ở các chợ miền xuôi mà còn được đưa đến vùng Thượng (Trường Sơn - Tây Nguyên) và xuất ra nước ngoài với số lượng lớn.

           Trên các đảo Đàng Trong, đặc biệt là vùng Hoàng Sa có nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, đuợc khai thác qua nhiều thế hệ. Đại Nam thực lục tiền biên ghi rõ: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là “Vạn Lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v.v...”[41]. Lê Quý Đôn từng cho biết: “Bên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn vạn... Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay... Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất... Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn đạn, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm hột ốc vân rất nhiều”[42]. Dưới thời Nguyễn Phúc Nguyên, thương gia người Nhật Araki Sataro đã giúp chúa hàng năm tổ chức đội thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để thu lượm hàng hóa, vũ khí của các tàu, thuyền bị đắm và hải vật[43]

            Trong các sản vật từ biển, tổ yến (yến sào) không chỉ là một loại thực phầm cao cấp, bổ dưỡng được chế biến các món ăn dùng trong cung đình và các gia đình quyền quý mà còn là sản phẩm xuất khẩu có giá trị. Vào thế kỷ XVIII, giá yến là 200 quan một tạ, so với ngà voi là 40 quan và sừng tê là 500 quan. Ở phủ Thăng Hoa trong các hang Khô, Tai, Cả, Tò Vò... vùng Cù Lao Chàm có nhiều tổ yến. Ở phủ Quy Nhơn, trên các các đảo ở cửa biển Tân Quan, Thời Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn, đều có đảo có nhiều yến sào. Ngoài biển phủ Bình Thuận thì có núi Côn Lôn, rộng mấy nghìn dặm, cũng có nhiều yến sào. Đó là những vùng có các hang đá rất phù hợp cho sự sinh trưởng của chim yến (còn gọi là du ba điểu, huyền điểu, hải yến). Chim yến thường làm tổ mỗi năm 2 lần vào tháng Ba và tháng Tám. Tác giả Phủ Biên tạp lục cho biết: “Xã Thanh Châu, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam có nghề lấy yến sào... lập đội Thanh Châu để lấy yến”[44]. Căn cứ vào màu sắc, kích thước, khối lượng người ta phân yến thành các loại: huyết, hồng, quan, thiên, bài, địa, vụn[45]. Trong đó, yến huyết là có giá trị cao nhất, được coi là một thần dược.

            Là một sản vật quý nên chính quyền Đàng Trong đã thực thi chế độ kiểm soát rất chặt chẽ từ việc khai thác, chế biến đến sử dụng tổ yến. Người dân sở tại thu lượm hay khai thác được tổ yến đều nộp cho quan sở tại để chuyển dâng lên chúa thì được miễm thuế thân. Từ Thanh Châu, nhiều người chuyên nghề lấy yến đã tìm đến các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định để khai thác yến. “Hàng năm cứ đến tháng 2 phải nộp 120 tổ yến non... mỗi người khai thác yến hạng tráng nộp 2 cân yến sào hoặc bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và hạng đinh mỗi người nộp 1 cân, cả xã nộp lễ thường tân, đinh đán 1.500 tổ. Năm mậu tý thuế yến sào nộp bằng tiền là 773 quan 1 tiền 30 đồng”[46]. Giáo sĩ A.de Rhodes cho rằng: “Cũng chỉ ở Đàng Trong mới có tổ yến, người ta thường cho vào cháo và thịt. Có một hương vị đặc biệt thường là món ăn cao cấp của ông hoàng, bà chúa. Nó trắng như tuyết. Người ta tìm thấy trong mấy núi đá ven biển, đối diện với đất liền có trầm hương, ngoài ra không đâu có. Tôi nghĩ chim yến đã hút nhựa cây trầm và từ nhựa đó trộn với bọt biển, vì thế tổ yến vừa trắng vừa có vị ngon. Người ta không ăn riêng mà nấu chung với cá hay thịt”[47]. Như vậy, nhìn chung chỉ có chúa và giới quan lại, quý tộc mới có thể sử dụng yến sào cùng các loại hoàng hóa hiếm quý khác. Thương gia nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản muốn có đuợc những sản vật quý đó thường phải dùng bạc nén.

             Trên các vụng biển Cù Lao Chàm cũng có nhiều đồi mồi. Đối với các nước phương Đông đồi mồi được dùng làm thuốc. Nhưng thương nhân phương Tây lại thường mua để trang trí. Theo tài liệu y học cổ thì đồi mồi hay còn gọi là đại mạo là vị thuốc y học dân tộc dùng chống kinh giản, mê sảng, chữa ung nhọt, sưng tấy và nốt đậu mùa bị đen. Bên cạnh đó, xà cừ là sản vật được khai thác nhiều nhất ở Đàng Trong từ Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà đến Hoàng Sa. Lê Quý Đôn cho viết: “Xà cừ sản ở Quảng Nam, trước không có thuế thường. Có dùng để trang sức thì quan Đồ gia hạ lệnh cho quan công đường xứ ấy truyền cho các xã thôn, phường tìm mua đệ nộp hoặc 4.500 cái hoặc vài ngàn cái. Người xứ Thuận Hóa hay dùng để trang sức khay vuông, hộp tròn, hòm mũ, chuôi kiếm. Ở Chiêm Thành và Cao Miên, khay họp trang sức bằng xà cừ thì khảm lẫn các thủy tinh nhỏ, xanh biếc rực rỡ”[48]

            Hiển nhiên, do sở hữu một vùng biển sâu, có nắng quanh năm nên cư dân diêm điền Đàng Trong cũng sản xuất nhiều muối. Chắc hẳn muối đã được cung cấp cho làm mắm và cung cấp cho cư dân các vùng núi cao. Chính quyền không chỉ đánh thuế muối mà còn đánh thuế mắm, thuế dầu cá, thuế rong biển, thuế câu, thuế lưới v.v... Ở phường Đông An, phủ Bình Thuận, Quảng Nam hàng năm có 75 người nộp 75 vò dầu cá thay cho sưu lính.
 
              4. Các nguồn khoáng sản
            Theo các nhà địa chất, vùng Quảng Nam nói riêng và Đàng Trong nói chung nằm trọn trong vùng chuyển tiếp giữa hai khối kiến tạo địa chất lớn: địa khối Kon Tum và địa khối cuốn nếp Trường Sơn. Sự vận động của hai địa khối đó đã tạo ra trong lòng đất xứ Quảng – Đàng Trong nhiều loại mỏ khoáng sản phong phú và đa dạng.

            Dưới thời Nguyễn, nguồn hàng xuất khẩu gồm có hoạt thạch, thiết phấn, hổ phách, đá quý, trân châu và đặc biệt là vàng. A.de Rhodes đã viết rằng: “Có nhiều mỏ vàng ở Đàng Trong, nhiều hồ tiêu mà người Trung Hoa tới mua”[49]. Theo Lê Quý Đôn thì ở xứ Quảng Nam có nhiều núi sản xuất vàng. Đạo Trà Tế ở núi nhiều vàng. Đạo Trà Nô ở sông có nhiều vàng... Họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ gọi là thuộc Kim hộ... Số Kim hộ và những người làm nghề khai thác, buôn bán vàng ở Quảng Nam, Quy Nhơn, Phú Yên lên tới hàng chục nghìn người. Có những người như Giang Thuyền đã mua riêng một quả núi, tự khai thác lấy đem bán khắp nơi, “đem đến phố Hội An bán cho các nhà buôn khách hàng năm không dưới trên một ngàn hốt”[50].

            Nhiều người nước ngoài đến xứ Quảng thời chúa Nguyễn đều nói về sự giàu có của vàng sa khoáng ở đây. C.Borri đã viết: “Đàng Trong có rất nhiều mỏ kim loại quý, nhất là mỏ vàng”[51]. Giáo sĩ Pháp Bénigme Vachet đã sống gần 15 năm ở Hội An đã ghi lại: “Người ta thấy ở Đàng trong rất nhiều vàng cám... Loại vàng này thường được bòn đãi tại các suối nước từ núi đổ xuống. Tôi đã được nhìn thấy những thỏi vàng ròng bằng những hạt nhẫn cỡ vừa phải. Những người buôn bán trong xứ thì có một ít, riêng chúa thì có rất nhiều. Những người nước ngoài đến buôn bán ở Đàng Trong đã mang về theo một số vàng khá nhiều”[52]. Thương gia Pháp Pierre Poivre đã dành một mục nói về vàng của xứ Quảng: “Các mỏ vàng có tiếng thuộc Dinh Chiêm (tức Dinh trấn Quảng Nam) ở một địa điểm gọi là Phunrac cách Hội An gần tám dặm (?)... Tại nơi tôi trực tiếp quan sát, thỉnh thoảng người ta nhặt được những cục vàng ròng nặng khoảng 2 ao-xơ (0,28g = 1 ao-xơ). Vàng được thu gom dưới dạng vàng cám hoặc từng cục nhỏ rồi nấu thành thỏi, mang ra chợ bán như mọi thứ hàng hóa khác”. Và ông kết luận: “Đàng Trong là xứ sở của vàng, vàng ở đây tốt, đẹp và tinh khiết nhất thế giới”[53]. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông đã cho lập các công trường khai thác vàng sa khoáng với số lượng hàng ngàn nhân công và lập Ty Kim Tương gồm nhiều thợ dát vàng để thếp vàng các đồ dùng trong cung đình. Dưới thời Nguyễn, ở Đàng Trong các kim hộ (hộ khai thác vàng) ở các công truờng khai thác vàng hàng năm phỉ nộp thuế: nguồn Lỗ Đông 70 lạng, nguồn Thu Bồn 38 lạng 3 đồng 1 phân. Vàng ở xứ Quảng mua vào thời gian không có hội chợ quốc tế thì rẻ, đem về Quảng Đông bán có thể lời 100%.

            Cùng với vàng, Đàng Trong cũng có nhiều mỏ sắt. Các tác phẩm như Ô châu cận lục hay Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí... đều có những trình bày, khảo cứu cụ thể về sự phân bố của hệ thống mỏ, trữ lượng và cách thức khai thác, sử dụng sắt của cư dân, chính quyền Đàng Trong.
 
            5. Những nguồn hàng ngoại nhập
           Do phải đương đầu với thế lực của Đàng Ngoài và để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Đàng Trong đã phải nhập về nhiều loại vũ khí trong đó chủ yếu nhập đao, kiếm của Nhật Bản, đại bác của Đồ Đào Nha. Nhiều nguồn tư liệu cho thấy, cùng với sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và các sản phẩm thủ công, nguồn hàng của xứ Quảng nói riêng và Đàng Trong nói chung còn được nhân lên bởi những mặt hàng mà thương nhân nước ngoài đưa đến. Nhờ đó, Đàng Trong có thể phát triển Hội chợ quốc tế. Theo C. Borri thì: “Người Hoa và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong tại một chợ phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài tới chừng bốn tháng. Người Nhật chở trên thuyền của họ lượng hàng giá trị bằng bốn hay năm triệu bạc còn người Hoa chở trên loại thuyền “somes” (thuyền mành) rất nhiều thứ lụa mịn và nhiều thứ hàng hóa khác của xứ họ. Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu ngài đặt ra và cả nước đều kiếm được nhiều mối lợi không thể tính hết”[54]. Vào thế kỷ XVII-XVIII, Đàng Trong thường xuất sang Nhật Bản tơ sống, các mặt hàng tơ lụa, nhựa long não, kỳ nam, đường phèn, da cá, hạt cau khô, sơn sống, đồ sành sứ. Trong khi đó, thương nhân Bồ Đào Nha mua các mặt hàng tơ sống, hồ tiêu, trầm hương, các hàng dệt bằng tơ, hắc đàn, đường, xạ hương, quế tốt, gạo nếp... còn giới doanh thương Hà Lan lại nhập các mặt hàng tơ lụa, đường, trầm hương, lúa gạo, xạ hương, ngà voi, vàng. Thương nhân Trung Hoa mua các mặt hàng hồ tiêu, sơn sống, kỳ nam, ngà voi, tơ sống, trầm hương, đường, gỗ. Các loại hàng khác của Đàng Trong như hổ phách, trân châu, đá quý cũng được thương nhân nhiều nước ưa chuộng[55].

           Điều đáng chú ý là, tuy có nhiều mỏ vàng và sắt nhưng “Hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa không có mỏ đồng, nước Nhật Bản xuất đồng đỏ, mỗi năm thuyền họ đến thì khiến thu mua, mỗi 100 cân giá tiền 45 quan. Còn như các tàu Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông có chở đồng đỏ sang thì cũng phải khai báo để theo giá mà mua, sau khi nhà nước mua mới cho các tàu mua bán”[56]. Do thiếu đồng nên một mặt chính quyền Đàng Trong phải nhập đồng mặt khác phải tận thu đồng trong dân gian, thậm chí phải phá các vũ khí đã cũ, hỏng để đúc tiền. Cũng do thiếu đồng, người ta phải pha kẽm với tỷ lệ cao vào đồng khi đúc tiền.

            Có thể thấy, do vừa là thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng vừa là trung tâm luân chuyển hàng hóa mang tính khu vực, sức tiêu thụ của thị trường Đàng Trong là rất lớn. Theo Phủ biên tạp lục thì: “Phố Hội An xứ Quảng Nam, nồi đồng, mâm đồng do tàu Tây phương chở đến bán, bình thời kể có đến hàng nghìn, hàng vạn, người Bắc khách lại buôn về phố Thanh Hà, thường được lời gấp đôi”[57]. Dựa vào lời kể thương nhân họ Trần (Quảng Đông) tác giả cùng cho biết ở Đàng Trong hàng hóa: “Bán đi chạy lắm, hàng bán nhiều lời, không có ế đọng. Hàng mang đến thì sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các vị thuốc, giấy, vàng, bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm, y phục, giầy tốt, nhung, đơ ra, kính, pha lê, quạt giấy, bút, mực, kim, cúc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sành; đồ ăn uống thì các loại như lá chè, cam, chanh, lê, táo, hồng, bánh, miến, bột mì, trám muối, đầu thái (một loại bắp cải Trung Quốc - ND), trứng muối, tương gừng, tương ngọt, đậu phụ, rau kim châm (hoa hiên), mộc nhĩ, nấm hương, kẻ có người không cùng nhau đổi chác, không ai là không thỏa được sở thích”[58].

           Đến Đàng Trong năm 1695, thương nhân người Anh Thomas Bowyear đã viết: “Các thuyền mua (đem đến Đàng Trong) từ Quảng Đông: tiền đúc được lãi rất nhiều, cũng như những hàng tơ lụa hoa các kiểu, lĩnh, lụa, đồ gốm Trung Quốc, chè, kẽm, thuỷ ngân, nhân sâm, long não và các vị thuốc khác; từ Xiêm: lá trầu không, gỗ đỏ (dùng để nhuộm), sơn, xà cừ, ngà voi, thiếc, chì, gạo; từ Campuchia: thư hoàng (dùng làm thuốc vẽ), cánh kiến trắng, sa nhân, sáp, sơn, xà cừ, gỗ đỏ, nhựa thông, da trâu, da và gân hươu, ngà voi, sừng tê v.v...; từ Batavia: bạc, bạch đàn, trầu không, vải cát bá đỏ và trắng, thuốc màu đỏ; từ Manila: bạc, diêm sinh, gỗ đỏ, vỏ sò, thuốc hút, sáp, gân hươu. Còn “Đàng Trong bán ra: vàng, sắt, tơ và hàng tơ dệt như lĩnh, lụa... kỳ nam, trầm hương, đường, đường phèn,... yến sào, hạt tiêu, bông...”[59].

         Đàng Trong còn nhập ngọc, thủy tinh, pha lê, đồng hồ, hàng da, ống nhòm, la bàn... của phương Tây. Theo C.Borri thì “các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong để đem hàng hóa của xứ này về”[60].
 
          Kết luận
          Như vậy, vào thế kỷ XVI-XVIII, xứ Quảng nói riêng và Đàng Trong nói chung là một vùng đất giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Các nguồn hàng nông, lâm, thổ, hải sản, các sản phẩm thủ công... đều phong phú. Nguồn hàng đó đã đem lại sự phồn thịnh cho Đàng Trong và là cơ sở kinh tế căn bản để các chúa Nguyễn mở rộng quan hệ giao thương với thế giới bên ngoài.

         Cùng với các tầng lớp cư dân, chính quyền Đàng Trong đã tổ chức khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng châu thổ sông Thu Bồn, sông Côn... huy động nguồn hàng từ trên núi xuống và từ biển về. Tất cả đều trở thành sản phẩm hàng hóa và được định giá trên thương trường. Cùng với nguồn hàng sản xuất trong nước, Đàng Trong còn nhập về nhiều sản phẩm từ thị trường khu vực, quốc tế để giao lưu và tái xuất sang các thị trường khu vực. Trong ý nghĩa đó, một số thương cảng Đàng Trong mà tiêu biểu nhất là trường hợp Hội An, đã thực sự trở thành nơi điều phối, trung chuyển hàng hóa của hệ thống giao thương khu vực Đông Á. Trong ý nghĩa đó, Hội An trở thành nơi biểu đạt rõ rệt nhất tiềm năng, sức mạnh kinh tế, bản lĩnh chính trị của chính quyền[61]. Như vậy, “Ngoại thương cùng nền chính trị trong nước đã kết hợp để tạo nên sức mạnh cho một thương cảng ở vùng biên viễn mà người Việt mới đến định cư đồng thời tạo nên thế ổn định cho vương quốc vừa được thiết lập ở vùng “biên giới” phương Nam”[62].

           Nhờ có quan hệ ngoại thương và chính sách kinh tế - xã hội tích cực nên chỉ sau một thời gian tương đối ngắn, cuộc sống của nhiều tầng lớp cư dân đặc biệt là giới quan liêu, doanh thương... trở nên hết sức giàu có. Trong những không gian và thời gian nhất định, một số cộng đồng thương nhân quốc tế đã nhận được đặc quyền trong việc tổ chức xã hội và tiến hành các hoạt động giao thương[63]. Trên thực tế, Đàng Trong đã trở thành một Thể chế biển (Maritime polity) mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự hưng thịnh chung của hệ thống hải thương châu Á[64]. Sức mạnh đó không chỉ giúp cho chính quyền Nguyễn đủ sức chống chọi với các cuộc tấn công từ phía Bắc mà còn giữ được quyền chủ động về ngoại giao, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền và nền độc lập dân tộc trong hơn 2 thế kỷ.     

        Qua các hoạt động giao thương quốc tế, nền kinh tế Đàng Trong đã thể hiện rõ những thế mạnh căn bản nhưng đồng thời cũng bộc lộ một số hạn chế mà điều đáng chú ý là, hoạt động kinh tế đối ngoại chưa thể thực sự dựa vào nền kinh tế sản xuất phát triển. Ngoại thương Đàng Trong nhìn chung còn lệ thuộc khá nhiều vào việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên.
 
 

[1] Lê Quý Đôn toàn tập: Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977, tr.231.
[2] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr.91.  
[3] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Tủ sách Đại kết, Ủy ban đoàn kết Công giáo, Tp. HCM. 1994, tr.49.   
[4] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.231-232. Có thể tham khảo thêm Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Nxb. Thuận Hóa - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1996; Nguyễn Văn Kim: Formation on the “Oceanic Network” in the East Asia before the Opening of Ports and Subsequent Development: Focusing on Hoi An, The Journal of Korean Studies, Inha University, 2009, p.49-78.
[5] Trong tác phẩm An Nam cung dịch kỷ sự (Ký sự đến Việt Nam năm 1657), Chu Thuấn Thủy luôn nhắc đến khái niệm “người ba nước” (Việt - Hoa - Nhật Bản) cùng nhau sinh sống, buôn bán ở Đàng Trong. Đó là sự thể hiện chính sách đối ngoại khoan dung, rộng mở của chúa Nguyễn trong thời đại hưng thịnh của hệ thống hải thương châu Á. Mặt khác, chúa Nguyễn cũng đã sử dụng tài tình, hiệu quả khả năng, quan hệ, kinh nghiệm và vốn của thương nhân quốc tế để duy trì, phát triển quan hệ đối ngoại. Xem Chu Thuấn Thủy: An Nam cung dịch kỷ sự, (Vĩnh Sính dịch và chú thích), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H., 1999. 
[6] Về tài nguyên của Đàng Trong, Dương Văn An nhận xét: “Đồng bằng làm ruộng nuôi tằm, ven biển thì phơi muối làm mắm. Thổ sản rất nhiều, thức nhắm tuyệt ngon. Sơn hào hải vị có thừa, của lắm vật nhiều phong phú. Cá tôm bắt ở hồ, ở biển, chẳng chốn nào không, tre gỗ chặt trên rừng, trên núi, đủ dùng tùy thích”, Dương Văn An: Ô châu cận lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997, tr.44. Có thể tham khảo Andrew Hardy: “Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong. Khảo cứu tư liệu đến thế kỷ XIX tác giả cho rằng: “Nguồn” có ba chức năng chính. Đây trước hết là một cái chợ, nối bằng đường sông xuống đồng bằng và bằng đường mòn lên miền núi. Thứ hai, là địa điểm đánh thuế hàng hóa, nơi đây có sự hiện diện của quân đội. Cuối cùng, đây là một đơn vị hành chính, gần tương đương với một tổng ở đồng bằng”. Xem kỷ yếu Hội thảo: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế Giới, tr.61.
[7] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.337.
[8] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.19.  
[9] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr.49.   
[10] Dương Văn An: Ô châu cận lục, Sđd, tr.45.
[11] Nola Cooke and Li Tana: Water Frontier – Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880, Singapore University, 2004.
[12] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.234. 
[13] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.318. 
[14] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.36.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb. Giáo dục, H., 2002, tr.31. 
[16] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.92.
[17] Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr.154.
[18] Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Nxb. Thuận Hóa - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H., 1996.
[19] Dương Văn An: Ô châu cận lục, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997, tr.49.
[20] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.332-333. 
[21] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.32.
[22] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr.31.   
[23] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.32.
[24] Trong thời kỳ người Nhật còn sinh sống, buôn bán ở cảng thị Hội An, thuyền buôn của Nhật Bản đã mua nhiều tơ lụa, vải của xứ Quảng. Đến nay, ở thị trấn Matsuzakada, thuộc tỉnh Mie ở phía Nam Tokyo, người ta vẫn truyền nhau dệt loại vải Liễu điều bố tương truyền có nguồn gốc từ Việt Nam.
[25] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr.49.   
[26] Nguyễn Phước Tương: Nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn, Kỷ yếu Hội thảo: Phát triển khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam, 2001, tr.75.
[27] Kikuchi Seiichi: Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử, Nxb. Thế Giới, H., 245-278.
[28] Dương Văn An từng viết: “Đồ gốm làm ở Dũng Cảm và Cảm Quyết huyện Kim Trà, là nguồn lợi không nhỏ. Bát của phương Bắc bán ở các chợ Thế Lại và Lại Ân huyện Tư Vinh giá rất đắt. Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng rất nhiều, thật không kể xiết”, Xem Ô châu cận lục, Sđd, tr.31.
[29] Hasebe Gakuji: Tìm hiểu mối quan hệ Nhật - Việt qua đồ gốm, sứ; trong Ủy ban Quốc gia Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Thế Giới, H., 1991, tr.81.
[30] Hiromu Honda and Noriki Shimazu: Vietnamese and Chinese Ceramics Used in the Japanese Tea Ceremony, Oxford University Press, 1993, p.5-138. Tham khảo thêm Kikuchi Seiichi - Yoshida Yasuko: Về những di vật gốm hoa lam Việt Nam phát hiện được tại Nhật Bản từ thời Trung thế đến thời Cận thế; trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, H., 2007, tr.679-687.
[31] Trung tâm quản lý, bảo tồn di tích Hội An: Nghề truyền thống Hội An, Hội An, 2008.                
[32] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.321.
[33] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.331.
[34] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr.50.   
[35] Theo Cheng Chin Ho thì người Nhật gọi trầm hương là Gia-la-mộc (Kyaraboku). Xem: Giáo sư Naojiro Sugimoto và học thuyết mới trong cuốn sách của tiên sinh Nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đại học, Huế, 1957, tr.110-111.
[36] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.34.
[37] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.323.
[38] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.346.
[39] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.234. 
[40] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.28.
[41] Đại Nam thực lục tiền biên, Sđd, tr.164.  
[42] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.119-120.
[43] Dẫn theo Nguyễn Phước Tương: Nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn, Sđd, tr.83.
[44] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.230
[45] Nguyễn Chí Trung - Trần Ánh: Nghề yến Thanh Châu; trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1991, tr.293.
[46] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.230.
[47] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr.50.   
[48] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.330.
[49] Alexandre de Rhodes: Hành trình và truyền giáo, Sđd, tr.50.   
[50] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.227.
[51] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.36.
[52] Nguyễn Phước Tương: Nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn, Sđd, tr.87.
[53] Pierre Poivre là nhà du hành, thương gia người Pháp đã đến Đàng Trong 2 lần năm 1744 và 1749-1750 dưới thời Nguyễn Phúc Khoát. Ông đã đến Hội An và Thanh Hà và đã ghi lại trong hồi ký công bố lần đầu tiên năm 1797. Xem Mémoirestouchant la Cochinchine, 1744 trong H.Cordier: Revue d’ Extrême Orient (REO), 1884, p.324-337.
[54] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.90.  
[55] Thương nhân Quảng Đông họ Trần đến buôn bán ở Đàng Trong đã cho biết giá cả các mặt hàng ở hội chợ quốc tế Hội An thế kỷ XVII như sau: “Tục ở Quảng Nam gọi 100 cân là 1 tạ, cau khô thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu 12 quan, tô mộc 6 quan, ô mộc 6 quan, đậu khấu 5 quan, gân hươu 15 quan, vây cá 4 quan, tôm khô 6 quan, gỗ sơn 1 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, sa nhân 12 quan, gỗ trắc 1 quan, giải ba ba 12 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan, hoạt thạch, thiết phân, hải sâm cùng các loại cây làm thuốc rất nhiều. Còn kỳ nam mỗi cân giá phải đến 120 quan, vàng mỗi thỏi 180 lòi, giấy quyến mỗi cây 3 quan 5 tiền, trầm hương tốt, quế nạc, giá cao thấp không chừng... có cả gỗ tử đàn. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.234-235.
[56] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.221.
[57] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.326.
[58] Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.235.
[59] Thomas Bowyear: Voyage to Cochinchina, Oriental Reportory, London, 1808, bản dịch tiếng Pháp trong BAVH, 4-1920. Tham khảo thêm Thành Thế Vỹ: Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX, Nxb. Sử học, H., 1961, tr.227.
[60] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.89.  
[61] Nguyễn Văn Kim: Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (362), 2006, tr.19-35.
[62] Charles Wheeler: One Region, Two Histories - Cham Precedents in the History of the Hội An Region; in: Nhung Tuyet Tran and Anthony J.S. Reid: Việt Nam Boderless Histories, The University of Wisconsin Press, 2006, pp.169. 
[63] Tham khảo các chuyên khảo trong Đô thị cổ Hội An, Sđd, 1991; và những ghi chép giàu thông tin, rất có giá trị về sử liệu của C. Borri về chính sách của chính quyền Đàng Trong. Xem Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.88-94.  
[64] Anthony Reid: Southeast Asia in the Age of Commerce (1450-1680), Vol.II, Yale University, New Haven and London, 1988.
 
(Trích Tạp chí nghiên cứu Lịch sử số 4(420), 2011, trang 3-17)

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Kim

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây