Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Các di tích kiến trúc nghệ thuật có ảnh hưởng kiến trúc Pháp trên tuyến đường Phan Bội Châu (Thuộc khu vực I Khu phố cổ Hội An)

Khi đến Đông Dương để đặt ách cai trị, nhiều người Pháp đã đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam và mang theo nền văn hóa kiến trúc đến đây. Kể từ đó, người Pháp bắt đầu xây dựng nhiều công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc địa phương Pháp như biệt thự, trường học, công sở… để phục vụ cho nhu cầu của chính họ và các công chức làm việc cho Pháp. Tuy nhiên, họ không bê nguyên si, áp đặt hình thức kiến trúc ở quê nhà sang mà đã có sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian và cấu tạo kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan và vật liệu xây dựng ở từng địa phương cũng như truyền thống văn hoá bản địa. Những hình thức và chi tiết kiến trúc cùng các họa tiết trang trí truyền thống bản địa được sử dụng kết hợp với phong cách kiến trúc Pháp tạo nên những công trình kiến trúc đẹp, tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao, nhiều công trình vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Người Pháp cũng làm điều tương tự khi họ đặt chân đến miền Trung nói chung và Hội An nói riêng. Nhiều công trình kiến trúc đã được xây dựng. Trong số các di sản kiến trúc mà người Pháp để lại ở Hội An, ngoài những công thự và nhà vườn như nhà số 02, số 149 Phan Chu Trinh, số 02 đường Nguyễn Huệ, số 10 Trần Hưng Đạo là tòa Công sứ thời Pháp... còn có các ngôi nhà phố, loại này chiếm số lượng nhiều nhất. Có thể nói rằng, tương tự như các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội hay Sài Gòn, các công trình kiến trúc Pháp ở Hội An mang đậm dấu ấn phương Tây nhưng lại có một số khác biệt về hình thức kiến trúc và mang những nét độc đáo rất riêng.
 


Một góc đường Phan Bội Châu - Ảnh: Hoàng Phúc
 
Nhà phố có ảnh hưởng hình thức kiến trúc Pháp (gọi tắt: nhà phố Pháp) được xây dựng đơn lẻ, phân bố rộng khắp trong khu phố cổ, trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Thị Minh Khai… một số khác nằm ở vùng ven. Tuy nhiên trong số đó, nhà phố Pháp được xây dựng tập trung, san sát nhau tạo thành “tuyến phố Pháp” ở đường Phan Bội Châu, phường Sơn Phong. Theo Danh mục Di tích – Danh thắng Hội An, trên trục chính đường Phan Bội Châu (không kể kiệt, hẻm) thuộc khu vực I Khu phố cổ có tổng cộng 51 di tích, trong đó có đến 40 di tích có hình thức kiến trúc ảnh hưởng kiến trúc Pháp. Nhà phố Pháp trên tuyến đường này có bề dày lịch sử khoảng 100 năm, góp phần tạo sự đa dạng về thể loại di tích kiến trúc ở Hội An, tăng tính đặc sắc cho cảnh quan đô thị cổ.

Nhà phố Pháp trên tuyến đường Phan Bội Châu đa số là nhà một tầng (chỉ xét theo số tầng ở nếp nhà mặt tiền, nếp nhà sau có thể là nhà 2 tầng). Chiều ngang nhà phổ biến là từ 5,0m đến 6,0m, trong đó nhà có bề ngang rộng nhất là 6,25m (nhà số 25), cá biệt nhà có bề ngang khá hẹp, chỉ rộng 2,6m (nhà số 65). Đặc điểm nhận diện nhà phố Pháp là các chi tiết kiến trúc trang trí ở mặt tiền và hệ cửa pano lá sách gỗ đặc trưng. Với nhà có tường biên thoáng (không áp sát tường nhà lân cận), ta còn có thể nhìn thấy gờ chỉ trang trí ở ô văng đầu cửa, ô thông gió dưới đỉnh nóc. Và điểm đặc trưng nhất của nhà phố kiểu Pháp ở Hội An so với các địa phương khác là mái lợp ngói âm dương, bờ hồi luôn thẳng, có hệ chịu lực chia hiên làm ba gian.

Hình thức kiến trúc (nếp nhà mặt tiền) nhà phố Pháp trên tuyến đường Phan Bội Châu khá đa dạng, tuy nhiên có thể phân thành 2 loại chính:

- Nhà có 4 cột hiên, chia mặt tiền thành 3 gian, tạo phân vị dọc cho mặt đứng nhà, chia mặt đứng nhà thành ba khoảng cân đối, khoảng ở chính giữa thông thường rộng hơn hai khoảng hai bên một chút. Các cột hiên đều có gờ chỉ trang trí ở đầu, chân cột; thân cột có thể để trơn hoặc đắp nổi các ô hình chữ nhật theo phân vị ngang. Liên kết giữa hai đầu cột là phần tường gạch xây cuốn vòm, nếu đà dưới xây thẳng thì được vát cong nhẹ ở các góc tiếp giáp đầu cột để tạo sự mềm mại, uyển chuyển. Mặt ngoài phần tường này cũng được đắp nhiều gờ chỉ, pano trang trí. Đặc biệt, với loại nhà này, một số nhà xây thêm tường chắn mái ở mặt tiền (mảng tường nhỏ phía trên mái) rất đẹp. Mảng tường này cũng có 4 trụ (phần kéo dài của cột hiên) chia thành 3 khoảng. Đầu, chân trụ đắp gờ chỉ, thân trụ đắp pano hoặc hoa văn trang trí, đầu trụ gắn quả bí hoặc búp sen. Giữa 2 trụ là phần tường chắn xây bằng con tiện xi măng đúc sẵn, nhìn tương tự như lan can ở ban công tầng 2 nhà phố Pháp. Mảng tường ở chính giữa xây đặc, đắp nổi các họa tiết trang trí, hoặc xây bằng con tiện tương tự tường hai bên nhưng chi tiết trang trí có chút khác biệt để tạo điểm nhấn.
 
Nha 42, 44

Nhà số 42 và 44 đường Phan Bội Châu - Ảnh: Hoàng Phúc
 
- Nhà chỉ có 2 cột hiên ở phía tường biên. Cột hiên đơn giản với gờ chỉ ở đầu, chân cột; không xây tường chắn mái. Với nhà có sê nô thu nước, tường sê nô đắp pano hình chữ nhật, hình tròn hoặc hình thoi trang trí. Nhìn chung, hình thức kiến trúc mặt tiền loại nhà này đơn giản hơn nhiều so với loại kể trên.
 
Nha 32 PBC
 
Nhà số 32 đường Phan Bội Châu - Ảnh: Hoàng Phúc
 
Qua việc đối chiếu bề rộng nhà và hình thức kiến trúc mặt tiền hai loại nhà nêu trên, có thể nói rằng, việc xây thêm hai cột hiên ở gian giữa nhằm mục đích trang trí nhiều hơn là giúp tăng cường khả năng chịu lực cho hệ khung nhà (cụ thề là dầm hiên). Trên thực tế, nhà có bề ngang trên 5,50m, không có 2 cột hiên ở giữa thì việc chịu lực vẫn đảm bảo. Bên cạnh đó, nhiều nhà có bề ngang khoảng 4,8m thôi cũng có đến 4 cột hiên. Như vậy, chỉ cần thêm 2 cột hiên ở gian giữa, việc trang trí sẽ dễ dàng hơn, mặt tiền nhà cũng sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Một đặc điểm nổi bật của nhà phố Pháp trên tuyến đường này là tính liên tục. Những căn nhà giống hoặc tương tự nhau về hình thức kiến trúc được xây nối tiếp thành từng dãy, như dãy nhà số 25 – 27 – 29 – 31, nhà số 28 – 30 – 32, hoặc 2 nhà liền kề xây giống hệt nhau tạo nhịp điệu trong kiến trúc. Đặc điểm này tạo nên vẻ đẹp cho cảnh quan tuyến phố, thể hiện sự trật tự và thống nhất (khi các mặt đứng nhà giống nhau) đồng thời cũng tạo sự sinh động (khi mặt đứng nhà khác biệt nằm đan xen).

Ở cả 2 loại nhà, mặt tiền đối xứng hoàn toàn, hệ cửa phổ biến là 01 bộ cửa đi pano lá sách ở chính giữa, hai bộ cửa sổ lá sách ở hai bên. Các chi tiết trang trí là gờ chỉ phẳng một vạch lớn, các vạch nhỏ đan vào nhau kiểu đường diềm tạo phân vị ngang cho mặt đứng, cầu kỳ hơn là các chi tiết vữa đắp nổi hình kỷ hà, pano bánh ú, phức tạp hơn nữa là các họa tiết trang trí truyền thống của Việt Nam như hồi văn, hoa văn mang ý nghĩa cát tường, phúc thọ như ý, các loại hoa, dây leo, đầu trụ trên tường chắn mái gắn con giống hình quả bí, búp sen… Với nhà có giọt nước mái rơi tự do (không có sê nô), dưới diềm mái còn được đắp gờ chỉ tạo thêm nét duyên dáng, tao nhã cho ngôi nhà.

Màu sắc (mặt tiền) ngôi nhà rất hài hòa với các gam màu chủ yếu là màu vàng và trắng (cũng là màu đặc trưng của kiến trúc khu phố cổ Hội An), bên cạnh đó, hệ cửa được sơn nhiều màu khác nhau tạo sự sinh động như: xanh dương, xanh lá (sẫm), đà, xám. Các chi tiết trang trí như gờ chỉ, hoa văn… được đắp vữa nổi, quét màu trắng để tạo sự nổi bật trên nền vàng; mảng trang trí ở một số nhà được quét màu đỏ tạo điểm nhấn. 

Nhà phố Pháp vừa mang đặc trưng kiến trúc phương Tây vừa mang nét kiến trúc của nhà cửa hiệu truyền thống Hội An, kế thừa một số đặc điểm kiến trúc truyền thống địa phương. Cụ thể:

- Nhìn chung, mặt bằng, mặt cắt, hệ khung gỗ chịu lực của nhà phố Pháp cũng tương tự như ở các nhà cửa hiệu khác trong khu phố cổ, đều có dạng hình ống, kiến trúc nhà 3 gian rất rõ nét. Việc phân chia các không gian chức năng cũng tương tự như nhà cửa hiệu. Đặc biệt, gian thờ ở một số hộ gia đình trang trí bằng hoành phi, liễn đối chữ Hán, có rèm che như trong nhà Việt truyền thống.

- Bộ vì kèo kẻ chuyền, cột trốn kẻ chuyền, kèo suốt được sử dụng phổ biến trong những ngôi nhà này. Điểm khác biệt là các cấu kiện gỗ có hình thức đơn giản, ít chi tiết, gờ chỉ trang trí. Tường xây rất dày, vừa để chống nóng vào mùa hè, vừa để chống lạnh vào mùa đông. Bề mặt tường được tô trát bằng vữa vôi để tránh ẩm mốc do nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao.

- Các vật liệu địa phương được sử dụng như gỗ, gạch, vữa vôi, vôi quét tường với các màu đặc trưng của Hội An như màu vàng, trắng, đỏ, bông gió tráng men đúc sẵn, đặc biệt là mái lợp ngói âm dương. Một số đồ án trang trí dân gian mang ý nghĩa cát tường (thuần Việt) được sử dụng để trang trí mặt tiền. Và có thể những ngôi nhà này được thi công bởi thợ địa phương nên các chi tiết trang trí, phào chỉ đã được giản lược đi rất nhiều, không quá cầu kỳ như kiến trúc Pháp nguyên mẫu, đồng thời tạo sự gần gũi, thân thuộc về mặt cảm quan.

Khu nhà phố có hình thức kiến trúc Pháp trên tuyến đường Phan Bội Châu là một trong những loại hình di sản kiến trúc ở Hội An, có những giá trị rất riêng. Hiện nay, nhiều ngôi nhà trên tuyến đường này được giữ gìn khá tốt, nhiều chi tiết kiến trúc trang trí mặt tiền vẫn còn nguyên vẹn. Với những giá trị nổi bật về kiến trúc và lịch sử, UBND tỉnh Quảng Nam đã xếp hạng Khu phố mang dấu ấn kiến trúc Pháp trên tuyến đường Phan Bội Châu là di tích cấp Tỉnh theo Quyết định số 1693/QĐ-UBND ngày 10/6/2019.

* Tài liệu tham khảo:

1. Bảo tồn nhà phố Pháp có giá trị tại Hà Nội - Tạp chí Kiến trúc số 08-2016 - TS. KTS Nguyễn Quang Minh, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng.

2. Những phong cách chủ đạo trong kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc - ThS. KTS Trần Quốc Bảo, Giảng viên Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, ĐH Xây dựng/ Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận đại (GRAH). Bài đăng trên website: http://ashui.com vào tháng 8/2009.

3. Phong cách kiến trúc Đông Dương - Những tìm tòi đầu tiên theo hướng hiện đại và dân tộc - ThS. KTS Trần Quốc Bảo, Giảng viên Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, ĐH Xây dựng/ Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận đại (GRAH). Bài đăng trên website: http://ashui.com vào tháng 8/2009.

4. Những giá trị lịch sử - văn hóa và định hướng bảo tồn di sản kiến trúc nhà gỗ trong khu phố cổ Hội An - Trần Ánh, Luận văn Thạc Sĩ Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội 2002. 

5. Một số dấu ấn văn hóa phương Tây ở Hội An đầu thế kỷ XX - Trương Hoàng Vinh, Trung tâm QLBTDSVH Hội An - Bản tin Số 04/2008. 

6. Kiến trúc Pháp ở Hội An – 2012 - Võ Duy Trung, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây