Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Ca dao, dân ca về thời Pháp thuộc ở Hội An

Năm 1885, ách đô hộ của thực dân Pháp làm biến động lịch sử Việt Nam, mở ra một giai đoạn đầy thăng trầm cho đất nước. Hội An cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những ưu thế về mặt địa lý, cơ sở hạ tầng, kinh tế giúp Hội An tiếp nhận làn gió Pháp thuộc một cách nhẹ nhàng hơn. "Tỉnh thành đóng tại La Qua - Hội An tòa sứ vốn là việc quan". Được chọn làm trụ sở Công sứ tỉnh Quảng Nam và nhiều cơ quan then chốt của chính quyền thực dân, Hội An có điều kiện giao lưu, tiếp biến nhiều luồng văn hóa tiến bộ của phương Tây nói chung và Pháp nói riêng. Điều này thể hiện rõ nét qua kiến trúc, lối sống, kinh tế, ngôn ngữ, tôn giáo… Đến nay, một bộ phận ca dao, dân ca phản ánh về thời kỳ này được lưu truyền rộng rãi trong người dân Hội An.
1. Bức tranh toàn cảnh Hội An thời Pháp thuộc
         
Bên cạnh những con phố của người Hoa, người Nhật, có một Hội An xưa với bức tranh toàn cảnh mang đậm nét văn hóa Pháp:

Đất mô vui bằng đất Faifo
Dưới sông ghe đậu trên bờ bán buôn
Nói ra phải nói cho luôn
Ngó xuống dưới chợ bán buôn những là
Kho dầu quanh lại ba-ta
Nhà thương đồn lính tùng đinh, kho bạc kề
Ngó qua nhà ông Phó sứ ngó về chợ bông
Nói ra phải nói cho có vần
Trường lăng trường học lại gần Ô-sác tây
Nói ra cho biết cảnh này
Ngó qua tòa ông Sứ ngó xoay ông Cò
Ngó dò Sở công chánh thậm to
Ngó xuống sở cai đách trước mặt nhà bà Nghè Thanh
Ngó lên xe tô-lết xe xanh
Xe Tam Kỳ, xe Đại Lộc loanh quanh cảnh này
 
Người phương Tây trước đây gọi Hội An là Faifo. Trong từ điển Việt – Bồ La của Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651, chữ "Hoài Phố" được định nghĩa là một làng trong xứ Cochinchine mà người Nhật ở và còn gọi là Faifo. Về sau, trên bản đồ chính thức của chính quyền Đông Dương, người Pháp sử dụng tên Faifo để chỉ Hội An. Trong bức tranh Hội An thời Pháp thuộc còn có những địa điểm mang đậm dấu ấn riêng của thời đại. Ba-ta (Abattoir) là lò sát sinh, nơi người dân làm nghề mổ heo, mổ bò để cung cấp thịt cho thị trường, nay thuộc phường Sơn Phong. Ô-sác (Au Cercle) là câu lạc bộ do người Pháp lập ra để dân Pháp cư trú tại Hội An có nơi sinh hoạt thể thao, nay thuộc phường Minh An. Ông Cò là tên gọi cảnh sát trưởng thời Pháp thuộc, còn gọi là "cẩm". Sở Cò là nơi cảnh sát trưởng và nhân viên làm việc, nay là vị trí trường Hướng nghiệp, đang sửa chữa thành trường Măng Non - Minh An. Sở Cai-đách (Cadastre) là Sở đạc điền thời Pháp thuộc, sau lưng trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hội An hiện nay. Xe tô-lết, xe xanh là xe của công ty Satarif, một đơn vị vận tải thời Pháp thuộc, được sơn màu xanh.
 
Hội An và Đà Nẵng là hai cảng thị sầm uất được chọn làm nơi giao thương buôn bán thời bấy giờ. Con đường vận chuyển thuận tiện nhất giữa hai địa phương là sông Cổ Cò. Tuy nhiên, những trận lụt lớn khiến dòng sông tắc nghẽn gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến người Pháp phải tìm một con đường khác để lưu thông hàng hóa. Ngày 9-10-1905, tuyến đường sắt Đà Nẵng – Hội An chính thức mở ra được người Pháp gọi là Tramway de l’Ilôt de l’Observatoire à Faifoo, vì con đường này xuất phát từ đảo Cô (l’Ilôt de l’Observatoire) ở bán đảo Sơn Trà, chạy men theo hữu ngạn sông Hàn, băng qua vùng đất cát ở khu vực Ngũ Hành Sơn để vào đến Hội An. Trong ca dao Hội An ngày nay, hình ảnh con đường này vẫn còn hiện hữu:

Thiếp gặp chàng bên đàng xe lửa
Chàng mà gặp thiếp tại cửa ông Rô-be
 
Bước lên xe lửa ành ành,
Anh không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ anh
 
Đến năm 1916, nhu cầu sử dụng tuyến xe lửa này ngày càng giảm cùng với trận bão lịch sử gây hư hại nặng nề khiến người Pháp dẹp bỏ và đem ra phát mãi. Đến năm 1917, tuyến đường sắt Đà Nẵng – Hội An chấm dứt hoàn toàn, những dấu ấn lịch sử còn sót lại được lưu giữ qua những câu ca dao mà người cao tuổi Hội An đến nay vẫn còn người nhớ [1].

Chủ nghĩa tư bản, công xưởng, công nhân… là sản phẩm của nền kinh tế phương Tây được người Pháp du nhập vào Việt Nam. Hình ảnh những công xưởng làm chè, ép dầu, dệt vải, làm đay, làm giấy… đâu đó vẫn còn lưu giữ trong những câu ca về Hội An:

Chiều chiều xuống phố Hội An
Ngó lên trên xưởng thấy một đoàn lao xao…
Năm ni thế tất mình cũng có tiền
Năm ni chí ít cũng được vài siêng bánh dầu
 
Thiếp nói thì chàng phải nghe
Thức khuya dậy sớm làm chè một ngày 12 xu
 
Tai nghe Triệu Hưng nọ làm đay
Chị em mình xóm làm giấy vui đà quá vui
 
Không chỉ phản ánh bối cảnh lịch sử vào văn học, một số địa điểm nổi tiếng thời Pháp thuộc tại Hội An còn là chất thơ cho tình yêu đôi lứa. Ở gần bờ sông Hội An có một hệ thống kè rất vững chắc được người Pháp xây dựng. Trên bờ kè này có một bến tàu để ghe thuyền vào bốc hàng, được gọi là cầu Rô be, nam nữ thường hẹn nhau ở đó:

Thương nhau chớ quá e dè
         Hẹn nhau gặp lại bến tàu Rô Be
 
2. Bối cảnh văn hóa – xã hội thời Pháp thuộc
 
Đầu thế kỷ XX, văn hóa ăn mặc phương Tây được nhiều tầng lớp người Hội An tiếp thu. Thông qua các tư liệu hình ảnh, hồi ký, dễ nhận thấy giới công chức, thanh thiếu niên là thành phần rất nhạy bén với lối sống đậm chất Pháp với cách ăn mặc gọn gàng, áo sơ-mi, đeo cà-vạt, quần tây dài hoặc quần soọc, thắt nịt, đầu đội mũ phớt, mũ cối, chân đi san-đanh, giày da, đầu vuốt dầu bóng [7]… Dưới đây là một chân dung điển hình về lối sống và cách ăn mặc đậm dấu ấn Pháp lúc bấy giờ, thể hiện rõ nét qua ca dao:
 
Anh ra đi kẻ bẩm anh bằng thầy kêu em bằng cô
Bạc ngàn đủ vạn khéo đổ vô hai đứa mình
Sáng mai cử bộ băng trình
Ra chùi xe máy một mình anh đi
Quạt bàn ủi ủi cái áo sơ-mi
Kéo nón đánh phấn rô-li con người
 
Nếu thời trước, hình ảnh áo the, đầu đội khăn đóng, chân đi guốc mộc được xem là thanh lịch bậc nhất thì nay, lối ăn mặc kể trên được xem là "rô-li" con người. 

Súng trường là súng đánh tây
Súng lục là súng bao vây đầu phồng
 
Đầu phồng là một mốt tóc của phụ nữ thời Pháp thuộc, chải dầu brillantine bằng sáp như mỡ cho tóc bóng mượt. Ở đây, đầu phồng là hình ảnh ẩn dụ những phụ nữ theo Tây, thường dùng loại sáp trên. Về sau, câu ca dao ra đời, nói bao vây đầu phồng nghĩa là cách ly không cho họ theo bọn lính Tây.

Ảnh hưởng Pháp không chỉ thể hiện qua hình thức bên ngoài mà còn đi sâu vào ngôn ngữ đời sống người dân. Không hiếm những câu ca dao có sử dụng từ vay mượn tiếng Pháp còn lưu truyền đến ngày nay:
 
Hội An có Hạ-uy-di
Chùa Cầu, Âm Bổn, cao lầu Năm Cơ
 
Hạ-uy-di là tên thường gọi Pháp thuộc của khu vực phía đông chùa Cầu, có nguồn gốc từ "Hawaii" - tiểu bang hải đảo thứ 50 của Hoa Kỳ.

Nói ra phải nói cho có vần
Trường lăng trường học lại gần Ô-sác tây
         
Ô-sác nghĩa là câu lạc bộ có nguồn gốc từ "au cercle" trong tiếng Pháp.
 
Chín giờ, kèn thổi cu-sê
Chào em ở lại anh về lập binh
Trước đây, khu vực cây da ở đường Trần Cao Vân ngày nay, lính Pháp thường tập trung thổi kèn tại đó. Trong câu hát tạm biệt người thương, có chen từ tiếng Pháp phiên âm "cu-sê" (corne soufflée) nghĩa là thổi kèn. Đây cũng là lí do vì sao người dân thường gọi khu vực này là "chỗ cây da kèn".
Ngày nay phin ú chẳng trông
Em muốn có chồng bền sức đấu tranh
         
Phin ú là từ chỉ các loại vải thời Pháp thuộc.
Tua-ran tàu lớn ra vào
Phai-phô là phố người Tàu bán buôn
 
Tua-ran là phiên âm tiếng Pháp của từ "Tourane" - tên gọi của Đà Nẵng, Phai-phô là phiên âm tiếng Pháp của từ "Faifo" - tên gọi của Hội An thời Pháp thuộc.

Bước lên tàu thổi xúp-lê
Khoác khăn xéo lại em về nuôi con
         
Xúp-lê là cái còi được phiên âm từ tiếng Pháp là "sifflet".

Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền kí cược đi làm sơ-vơ

 
Sơ-vơ là người soát vé tàu, phiên âm từ tiếng Pháp là "superviseur" (người giám thị).

Đến đất nước này thằng Tây có bè có lũ
Cả Y-pha-nho hùng hổ xông vào
Trước sau nổi dậy hô hào
 
Y-pha-nho chỉ lính đánh thuê người Tây Ban Nha, được phiên âm từ tiếng Pháp là "Espagne".

Bây giờ tiền bạc nó không đưa
Để cu-li nhịn đói thảm chưa bớ trời
 
Cu-li là người đi làm thuê, thân phận nghèo hèn, được phiên âm từ tiếng Pháp là "coolie".

Khuyên ai giữ chí về sau
Đừng còn tập tễnh Tây Tàu mà mo

Mo là âm đọc của từ "mort" trong tiếng Pháp nghĩa là chết chóc.
 
3. Hình ảnh con người thời Pháp thuộc
3.1. Thân phận nô lệ mất nước

Bên cạnh ánh sáng văn minh tiến bộ mà người Pháp mang đến, lịch sử không thể quên được những tội ác mà ách thống trị của chế độ thực dân đã đè lên nhân dân. Chiếc lồng đèn với ánh sáng lung linh tạo nên nét thơ mộng cho phố cổ Hội An ngày nay đã có thời trở thành cái cớ để thực dân Pháp bắt bớ, bóc lột người dân:
 
Đi ra không có lồng đèn
Tuần đinh nó đánh không tiền nộp quan
 
Đắp đê, đắp mương, làm đường sắt tuy nâng cao cơ sở hạ tầng nhưng tựu chung lại là để phục vụ mục đích giao thương, buôn bán, mang nguồn lợi về cho mẫu quốc còn người dân Việt Nam chỉ được hưởng đồng lương ít ỏi từ những công việc lao động hết sức nặng nhọc và hèn mọn:
Kể từ ngày Tây lại, sứ sang
Làm mương Thủy Tú, đắp đàng hỏa xa
Cu li vô số hằng hà
Thảy đều làm mướn ai mà cười ai

 
Vì ai nghèo cực ra đi
Thân anh phải chịu cảnh cu li tù đày
 
Hình ảnh lính đánh thuê người Việt Nam theo tàu Pháp ra đi viễn xứ, chia lìa gia đình, vợ con phản ánh một giai đoạn lịch sử tăm tối và những tội ác khó chối bỏ của đế quốc thực dân Pháp.

Tàu Tây ống khói đen sì
Trách than ông Sứ đem chồng tôi đi
   
3.2. Những kẻ bán nước theo Pháp cầu vin
 
Từ những lầm than và bóc lột, không riêng gì người dân Hội An mà toàn bộ đồng bào Việt Nam vô cùng phẫn uất đối với hành động bán nước của bè lũ tay sai. Nhiều lời ca, câu nói được lưu truyền trong dân gian phản ánh rõ điều này:
 
Hôm qua giặt áo bên cầu
Chị em họ cứ bấm nhau họ cười
Họ chào em là bà cai
Anh ơi, thẹn chết cả người em đi


Bước lên trường án, vỗ ván cái rầm
Sen đầm còn ngủ, lính thú còn canh

Dứt tình phu phụ ra đi
Kẻ thì khố đỏ, người thì khố xanh
 
"Bà cai, sen đầm, lính thú…" là từ ngữ chỉ những kẻ tay sai làm việc cho chính quyền thực dân Pháp. Khố đỏ, khố xanh là hai loại lính mộ do Pháp mộ từ thanh niên Việt Nam. Pháp từng đưa lính đánh thuê người Việt sang đánh trận ở Đức và đưa lính đánh thuê Bắc Phi sang tham chiến tại Việt Nam.

Ca dao là tiếng nói tâm tình của con người bình dân. Những lời khuyên can hết sức giản dị, chân chất nhưng cũng vô cùng thẳng thắn khi bài trừ tư tưởng bán nước cầu vinh:
Chớ tham đồng bạc con cò
Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa
 
Văn minh gặp buổi Lang Sa
Tri âm thì ít trăng hoa thì nhiều
Khuyên ai giữ chí về sau
Đừng còn tập tễnh Tây Tàu mà mo
 
3.3. Thực dân Pháp
 
Con người Hội An "nhân tình thuần hậu", hiền hòa, hiếu khách, từng ngôi nhà Hội An luôn dang tay đón chào những người bạn phương xa đến thăm quê hương mình. Tuy nhiên, với cái ác, cái xấu, họ phân định hết sức rạch ròi. Hình ảnh thực dân Pháp được các tác giả dân gian đưa vào ca dao hết sức chân thực và có phần châm biếm, đả kích, mỉa mai:

Cha đời lính Tẩy, lính Tây
Hễ trông thấy gái giở ngay xì xồ
 
Cắc bụp! Cắc bụp! Xòa!
Ba thằng giặc Pháp bắt gà, bắt heo
Cắc bụp! Cắc bụp! Xèo!
Ba thằng giặc Pháp bắt heo bắt gà

 
Mấy ông tuần sát tuần tra
Hay đi rình gái góa cũng không tha chai dầu
Tây qua bảo hộ đã lâu
Kém cơm kém gạo kém dầu thế ni
 
Cha thằng công sứ Sác-lơ
Miệng hùm nọc rắn đánh lừa chúng dân
 
3.4. Người dân Hội An kiên cường đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp
         
Khi ngọn cờ kháng chiến chống Pháp giương cao, người dân Hội An hòa cùng không khí cả nước cùng vùng lên chiến đấu giành lại độc lập hòa bình cho quê hương. Ngữ văn dân gian trở thành bức tranh kí họa chân thực tinh thần quật khởi của nhân dân:

Một lòng theo ngọn cờ đào
Thề cùng bạch quỷ có tao không có mày
 
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương Pháp nhớ Đê thì đừng
 
Hễ ai dám chống Lang Sa
Của tiền ủng hộ hết nhà cũng vui
 
Mặc dù cuộc trường kì kháng chiến diễn ra không cân sức giữa quân đội Pháp hùng mạnh và vũ khí tối tân với quân dân Việt Nam vốn đã kiệt quệ vì ách đô hộ bóc lột, người dân Hội An vẫn vững tin về một ngày mai chiến thắng:

Mẹ ơi mẹ chớ có buồn
Hôm qua bộ đội hốt đồn Cẩm Phô
Tiếng vang lên đến cụ Hồ
Quảng Nam là đất chồn mồ thực dân
 
Mời anh về đại đội hai
Mà xem gái giỏi, trai tài Hội An
Thạo đánh điểm, giỏi chống càn
Xuất quân là thắng vẻ vang trở về
 
Trên trời có phản lực cơ
Dưới đất cũng có E-rờ 20
 
Gặp em giữa trận chống càn
Mới biết cô gái Hội An anh hùng
Xem khấu đội pháo tấn công
Ba cô đứng đó địch không dám vào
         
Ngày nay, bên cạnh những di sản vật thể và phi vật thể mà người Hoa, người Nhật để lại, một bộ phận di sản liên quan đến người Pháp vẫn còn tồn tại đan xen ở Hội An. Dấu ấn thời Pháp thuộc trong ca dao, dân ca cho thấy những yếu tố văn hóa Phương Tây đã được tiếp nhận và đi sâu vào đời sống người dân. Tuy nhiên, việc thể hiện một cách có chọn lọc, chấm phá nhưng đầy tiêu biểu cho thấy được tinh thần chung của đất và người Hội An – chủ động giao lưu, học hỏi, tiếp biến nhưng vẫn giữ vững nét tự tôn về bản sắc văn hóa, dân tộc. Ngữ văn dân gian Hội An nói chung còn là nguồn tư liệu quý để chúng ta hiểu hơn về bối cảnh kinh tế, xã hội của một giai đoạn lịch sử đầy biến động khi thực dân Pháp đến Việt Nam.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Vũ Hoài An, (2018), "Tuyến đường sắt Đà Nẵng – Hội An trong lịch sử", Tạp chí Văn hóa Quảng Nam.
http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/tuyen-duong-sat-da-nang-hoi-an-trong-lich-su.html

2. Trần Văn An (2005), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An.

3. Ngô Văn Ban (2017), Những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng.

4. Nguyễn Văn Bổn (2001), Văn học dân gian Quảng Nam, Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam.

5. Nguyễn Chí Trung (2010), Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng chủ biên (2010), Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian ca dao, dân ca Quảng Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Trương Hoàng Vinh, (2018), "Tiếp biến văn hóa phương Tây ở Hội An trong đầu thế kỷ XX", Tạp chí Văn hóa Quảng Nam.
http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/tiep-bien-van-hoa-phuong-tay-o-hoi-an-trong-dau-the-ky-xx.html
 
 

Tác giả: CN.Mẫn Vy

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây