Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Bảo tồn Vững Chắc và phát huy bền vững di sản văn hóa thế giới Hội An

Vào ngày 01/12/1999, khi vừa mới nghe tin Hội An đã được Hội đồng Di sản Thế giới chấp thuận ghi vào danh mục Di sản Thế giới, cả Hội An vui mừng như vỡ òa ra, từng đoàn người, xe với cờ hoa, biểu ngữ đã đổ ra đường chào mừng, mặc dù lúc bấy giờ đang mưa to, gió lớn, nước ngập lụt một số tuyến đường trong Khu phố cổ. Rồi ngày 4/12/1999 là ngày UNESCO chính thức vinh danh Khu phố cổ Hội An trên danh mục Di sản văn hóa thế giới. Hôm nay, nhìn lại chặng đường 16 năm bảo tồn và phát huy giá trị, mặc dù còn có những điểm chưa thật hoàn hảo, chưa thật sự hài lòng nhưng mỗi chúng ta đều có quyền tự hào và phấn khởi bởi những nỗ lực phấn đấu, những thành quả đạt được đã đưa quê hương Hội An có nhiều thay đổi to lớn và rất rõ nét. Theo chiều hướng tích cực, đảm bảo nguyên tắc về bảo tồn di sản, vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
          Điều vui mừng, phấn khởi đáng ghi nhận đầu tiên đó là nhận thức của cả cộng đồng được nâng cao. Hầu như ở Hội An hôm nay, từ một cán bộ, công chức, viên chức đến từng người dân Hội An, cả hệ thống chính trị đến các ngành, các cấp chính quyền, mặt trận, hội - đoàn thể, đều nhận rõ về trách nhiệm, ý thức phải giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, di sản thiên nhiên để làm kinh tế du lịch, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Và cũng đều hiểu rằng, sự mất còn của di sản chính là sự mất được về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Hội An không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau. Mọi người đều tích cực ủng hộ tham gia các hoạt động: Đêm phố cổ, Phố đi bộ, hay Phố không có tiếng động cơ xe máy; đăng ký các điểm kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn; tham gia gìn giữ  môi trường, cảnh quan thành phố Xanh - sạch - đẹp; xây dựng nếp sống, ứng xử văn minh, gia đình, tộc họ văn hóa. Từng chủ di tích gia đình đều có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về sửa chữa, tu bổ các ngôi nhà, di tích. Nhiều chủ nhà, chủ kinh doanh đã biết lựa chọn cách làm đẹp ngôi nhà, cơ sở kinh doanh của mình theo xu hướng kiến trúc, môi trường cảnh quan truyền thống, sinh thái - văn hóa.

         Điều thứ hai cùng vui mừng là, từ năm 1999 đến nay, cảnh quan từ đô thị đến nông thôn Hội An ngày càng có nhiều thay đổi khang trang, sạch đẹp hơn. Đặc biệt, Khu phố cổ, di tích, làng quê, làng nghề ngày càng được thay đổi trở lại với nguyên gốc, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn, vững chãi hơn, cổ kính hơn. Có được sự thay đổi này chính là nhờ vào ý thức, quan tâm đầu tư của từng nhà, từng cộng đồng, từng cấp chính quyền. Nhất là sự thường xuyên quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, nông thôn, di tích từ nhiều nguồn (vốn ngân sách nhà nước, trong nhân dân và tài trợ của các tổ chức quốc tế), với tổng kinh phí là: Hơn 109 tỉ đồng (Trung bình mỗi năm khoảng 7 tỉ đồng) cho  tổng số hơn 200 lượt di tích nhà nước và hơn 200 trường hợp di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể (hỗ trợ tu bổ di tích tập thể - tư nhân là 16 tỉ đồng). Chưa kể số kinh phí các chủ di tích - nhà ở, các cơ sở tôn giáo được cấp giấy phép tự đầu tư tu bổ hàng năm (theo số liệu bình quân mỗi năm có gần 200 lượt được cấp giấy phép sửa chữa, tu bổ). Ở đây đã có sự gắn kết hiệu quả các chương trình đầu tư bảo tồn, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế vùng biển đảo... đều hướng đến cùng mục tiêu giữ gìn di sản văn hóa, thiên nhiên, phát triển kinh tế du lịch theo nghị quyết của Đảng bộ, HĐND thành phố là xây dựng thành phố Hội An, thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

          Đặc biệt, việc thực hiện dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ” từ năm 2005 đến nay cho gần 100 di tích - nhà ở từ nguồn vốn ngân sách 40% của tỉnh, 60% của thành phố, cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, và tham gia đóng góp của các chủ nhà ở, di tích, quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích và liên quan đến tính mạng con người. Hơn nữa, nói đến bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch ở Hội An, chúng ta không thể không nói đến thành quả to lớn trong việc nghiên cứu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Những năm qua, ngân sách thành phố đã chi hàng tỉ đồng cho việc nghiên cứu, xuất bản hơn 30 đầu sách về lịch sử, khảo cổ, về văn hóa ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghề truyền thống; hàng chục đơn vị băng, đĩa phim, nhạc... trên cơ sở đó đã tạo ra được hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo: đêm phố cổ, phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ xe máy, gắn với nhiều lễ lệ, lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống và với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa; những tuyến tham quan sông nước, làng quê, làng nghề truyền thống, biển - đảo... cùng với nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với nhiều địa phương trong nước, và ở các nước: Hồng Kông - Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm cho hình ảnh Hội An ngày càng lan tỏa khắp nơi trên thế giới, thêm hấp dẫn, độc đáo thu hút đông đảo du khách tham quan, hưởng thụ. Đặc biệt, Hội An có 6 bảo tàng, nhà lưu niệm, trưng bày, lưu giữ gần 10 ngàn hiện vật (đây là trường hợp duy nhất ở Việt Nam, cấp huyện có được), hàng năm tại đây đã đón gần 1 triệu lượt khách tham quan, nghiên cứu.

          Điều thứ ba đáng phấn khởi là tốc độ phát triển kinh tế du lịch tăng nhanh ngoạn mục, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân Hội An được thay đổi, nâng cao rõ rệt. Đến nay Di sản Văn hóa thế giới Hội An đã trở thành thương hiệu khá hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước. Hội An bây giờ như một cái tên quen thuộc chỉ cần vào mục tìm kiếm trong Google đã có hơn 13,2 triệu kết quả. Đồng thời Hội An cũng đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức quốc tế bầu chọn về bảo tồn và phát huy Di sản, về du lịch, sinh thái. Chính vì thế, lượng du khách đến Hội An ngày một tăng nhanh. Trong năm 1999 chỉ có 160 ngàn lượt khách tham quan thì đến năm 2014 con số này đã lên đến hơn 1,5 triệu lượt khách và cũng theo Niên giám thống kê thành phố Hội An năm 1999 mới chỉ có 22 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, đến nay đã có gần 200 cơ sở lưu trú. Có thể nói ở Hội An hiện nay, người người, nhà nhà từ vùng trung tâm - phố cổ đến thôn quê đều biết tham gia làm kinh tế trên nhiều lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, đưa hoạt động du lịch ở Hội An trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉ trọng GDP của nhóm ngành Dịch vụ - Du lịch - Thương mại chiếm khoảng hơn 68%. Đời sống kinh tế của người Hội An được phát triển và đi theo là mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội của cả cộng đồng được thay đổi, nâng cao vượt bậc (thu nhập bình quân đầu người từ 417 USD năm 2000 đã tăng lên hơn 1.500 USD/người/năm). Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang: xanh, sạch, đẹp theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

          Có thể nói rằng, Di sản Văn hóa Hội An (bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể) đã trở thành “thương hiệu du lịch ” điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước và thật sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân - chủ di tích, đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích. Nhờ vậy, Hội An đã bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của tổ tiên, Di sản văn hoá đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Hội An vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội. Tại nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế các nhà khoa học đều thống nhất nhận xét: “Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Lý do của thành công này là ở chỗ Hội An có một hệ thống các chính sách liên kết chặt chẽ quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch”. Hay, Ông Richard Engelhardt - nguyên cố vấn văn hóa Khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Thời kỳ phục hưng của Hội An có thể được coi là sự thành công trong công tác bảo tồn di sản địa phương, trong việc sử dụng truyền thống văn hóa, kỹ năng và những sản phẩm địa phương như là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Hôm nay UNESCO chúc mừng những người dân Hội An - và tất cả những người đã ủng hộ họ về tầm nhìn đã mang quá khứ vào tương lai, và về cam kết những tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất của công tác bảo tồn di sản. Kết quả này là cả sự tuyệt vời và mẫu mực và chắc chắn rằng Di sản văn hóa và cộng đồng dân cư của phố cổ xinh đẹp này sẽ không bao giờ mất đi...

          Từ những thành quả đạt được trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Hội An trong những năm qua, có thể rút ra những bài học quý báu đó là:

          -  Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt một Di sản Văn hóa, đòi hỏi phải có sự thống nhất điều hành của một cấp quản lý hành chính Nhà nước nhất định, toàn diện và trực tiếp (ở đây đó là UBND thành phố Hội An) đủ sức làm “nhạc trưởng” với sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, tập hợp cả một hệ thống chính trị, các cấp, ngành vì mục tiêu bảo tồn di sản và phát huy du lịch và làm tốt vai trò gắn kết được giữa: Nhà quản lý: Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; Nhà khoa học: các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; Nhà dân: các chủ di tích, chủ doanh nghiệp - kinh doanh. Mối gắn kết này được đặt trong những nguyên tắc, quan hệ lôgích - biện chứng giữa bảo tồn di sản văn hoá (cả vật thể và phi vật thể) với phát huy, phát triển kinh tế, có giao lưu hội nhập; Hơn nữa, mọi chủ trương, chính sách, định hướng phát triển phải làm rõ được trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, đồng thời phải gắn chặt với ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng, từng người dân, các tổ chức chính trị - xã hội. Đặt lợi ích của cả cộng đồng lên trên hết nhưng đồng thời cũng phải luôn chú ý đến quyền, lợi ích thỏa đáng của nhóm, cá nhân trong cộng đồng. Đặc biệt, mọi vấn đề phải được thể hiện một cách cụ thể, công khai, dân chủ, công bằng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, được từng đối tượng trong cộng đồng tham gia, cam kết thực hiện, xem đây như là một quy ước cộng đồng. Muốn vậy, mọi việc phải được nghiên cứu một cách đây đủ, thận trọng, khoa học và phải thường xuyên chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức hiểu biết về di sản - nhất là cho thế hệ trẻ. Phải xây dựng được một mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên bảo tồn di sản - phát huy du lịch xuống từng người dân, chủ di tích, chủ doanh nghiệp.

          - Để bảo tồn di sản vững chắc, phát huy du lịch bền vững, điều cốt yếu đáng quan tâm trước hết phải xuất phát từ vấn đề: mỗi di tích - di sản ở mỗi địa phương ngoài cái chung, đều có những giá trị, nét đặc thù và sự hấp dẫn riêng - Cho nên trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy cần lưu ý xác định và giữ cho được những giá trị - nét đặc thù riêng của mình, kể cả phải có cách tổ chức quản lý, bước đi thích ứng, quy định phù hợp - Nghĩa là không được làm biến đổi - đánh mất những giá trị - nét đặc thù riêng có của di tích - di sản ở nơi địa phương mình. Bởi như chúng ta đã biết, sự sai lầm, mất mát về kinh tế, chúng ta có thể làm lại, bù đắp, mua lại được nhưng về di sản văn hóa - thiên nhiên thì khó có thể làm lại được, thậm chí có bao nhiêu tiền cũng không mua được. Trong hoạt động văn hóa, du lịch phải biết dựa vào các yếu tố truyền thống, lợi thế vốn có về di sản văn hóa mà  sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách.

          - Cần có sự gắn kết giữa các chương trình đầu tư, quy hoạch, các chương trình xây dưng kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế... để hướng đến một mục tiêu chung về bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa, thiên nhiên, gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, gắn với lợi ích của cả cộng đồng.

          - Muốn quản lý, bảo tồn, phát huy tốt di sản cần phải tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ, học tập kinh nghiệm về mọi mặt: chuyên viên, đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, tập huấn, hội thảo, giao lưu sự kiện văn hóa... và cũng không thể thiếu các thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng, đó là công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người.

          Những thành quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An những năm qua là vô cùng to lớn, với nhiều bài học thiết thực, đáng quý. Nhưng Hội An hôm nay bước vào một giai đoạn mới vẫn còn đó nhiều nguy cơ mất còn vốn có, đồng thời cũng nhiều nguy cơ, thách thức mới xuất hiện, tựu trung lại đó là: nguy cơ do biến đổi khí hậu toàn cầu mà khu vực Hội An cũng là trọng điểm ở miền Trung, Việt Nam, đáng quan tâm là bão, lụt đi theo là sóng và nước biển dâng, là sói lở bờ sông, bờ biển, là tình trạng bồi cạn, ngập úng, và cả hệ lụy bởi xả lũ, vỡ đập thủy điện ở đầu nguồn; rồi nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải bởi các hoạt động dịch vụ của con người trong Khu phố cổ; những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị, nhất là trong Khu phố cổ và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình, tộc họ.... Cho nên, trong việc quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị luôn đặt ra thách thức cần phải giải quyết về các mối quan hệ đó là: Bảo tồn và phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đến các giềng mối trong quan hệ xã hội, cộng đồng, trong tộc họ, gia đình;  mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể. Rất may là những hạn chế bất cập nêu trên đã được Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, các cấp chính quyền, nhân dân thành phố Hội An sớm nhận thức một cách sâu sắc, nghiêm túc và đầy trách nhiệm đối với di sản của tiền nhân để lại cho mục tiêu phát triển bền vững vì thế hệ mai sau nên nhiều vấn đề đang được từng bước tháo gỡ, khắc phục. Và tất yếu, những vấn đề đặt ra không thể một sớm, một chiều có thể giải quyết ngay được, nhưng trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ nhân của Di sản - về Đảng bộ Chính quyền và nhân dân Hội An, đồng thời cũng cần phải có sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, của các cấp, các ngành Trung ương, địa phương và những người yêu mến Di sản này.

          Hôm nay, mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng mọi người Hội An với tất cả niềm tự hào và ý thức trách nhiệm cao về di sản của cha ông để lại và được thiên nhiên ưu ái ban tặng; với những thành tựu đã đạt được, cùng với những bài học, kinh nghiệm quý báu; và cùng với sự quan tâm, ưu ái của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của các tổ chức quốc tế và bạn bè trong, ngoài nước... chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng rằng công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, thiên nhiên và phát huy, phát triển du lịch, phát triển kinh tế của nhân dân Hội An sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công lớn trong việc Bảo tồn vững chắc và phát triển bền vững.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây