Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Bảo tồn Di sản Văn hoa gắn với phát triển kinh tế bền vững trong năm 2016

Ngay trong những ngày đầu năm 2016, Hội An dẫn đầu top thành phố là điểm đến hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ bình chọn là 98.5% do tạp chí du lịch Wanderlust - Anh tổ chức. Đến tháng 7, Hội An được ghi nhận ở vị trí thứ 6 hạng mục những thành phố tuyệt nhất Châu Á trong giải World’s Best Awards của tạp chí Travel & Leisure. Hội An còn đạt được sự công nhận danh hiệu, chứng nhận, xếp hạng ở cấp quốc gia, cấp tỉnh liên quan đến di sản văn hóa. Đó là những nhận xét khách quan, xác thực dành cho những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa mà thành phố chúng ta cùng chung tay, đồng lòng thực hiện.
           Trước hết, trong công tác nghiên cứu, quản lý, tu bổ di sản văn hóa luôn được gắn với mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững.

          - Năm 2016, Nghệ nhân nghề mộc Kim Bồng Huỳnh Ri được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân Nhân dân. Nghề mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến Thanh Châu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di tích Lăng Thành Hoàng (Cẩm An), Lăng Cô Hồn (Tân Hiệp) được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Những nghệ nhân, di sản này đều ở những vùng trọng điểm du lịch của Hội An, việc phát huy các di tích, di sản này đối với phát  triển du lịch là rất thuận lợi và cần phải thực hiện hiệu quả trong giai đoạn đến.

          - Trong chỉ đạo sắp xếp hoạt động buôn bán hàng rong, vỉa hè ở khu phố cổ, Ủy ban Nhân dân thành phố đặt ưu tiên cho công tác khảo sát thực tế, đề xuất sắp xếp lại buôn bán hàng rong theo tinh thần bảo tồn và biến văn hóa buôn bán hàng rong, vỉa hè thành một sản phẩm du lịch riêng có của Hội An.

         - Các hoạt động nghiên cứu, tọa đàm về văn hóa, di sản liên quan đến phát triển du lịch bền vững được diễn ra khá sôi động. Đề tài nghiên cứu quan trọng về lĩnh vực văn hóa Hội An là nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An vẫn được duy trì. Hội thảo khoa học quốc tế về giải pháp tu bổ chùa Cầu thu hút được các học giả đầu ngành trong nước và các chuyên gia tu bổ của Nhật Bản tham gia đã tạo nên sự quan tâm của các nhà quản lý, của các nhà nghiên cứu, dư luận trên đường tìm ra một giải pháp hiệu quả, thống nhất để tu bổ di tích có giá trị đặc biệt này. Các cuộc tọa đàm về Vai trò của doanh nghiệp đối với hoạt động phát triển du lịch bền vững ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Tọa đàm về Vấn đề quy hoạch, xây dựng dự án ở cồn bãi tại Hội An nhằm mục đích phát triển bền vững tại địa phương… Hoạt động khảo sát, nghiên cứu tạo ra sản phẩm ẩm thực phục vụ du lịch từ đặc sản nước lá Lao Cù Lao Chàm, nâng cấp Nhà trưng bày Về Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm được thực hiện một cách khoa học, chuyên nghiệp với sự giúp đỡ của tổ chức JICA – Nhật Bản. Tham gia có hiệu quả trong các đợt hội thảo quốc gia, quốc tế để quảng bá về sự hình thành chữ quốc ngữ, di sản Hán – Nôm ở Hội An được diễn ra ở Đài Loan, ở Điện Bàn – Quảng Nam. Hoạt động thu thập ký ức về di sản văn hóa Khu phố cổ Hội An được tiến hành có hiệu quả thông qua 8 buổi tham vấn những người sống lâu năm và am hiểu về các lĩnh vực văn hóa trong Khu phố cổ.

          - Đã có sự phối hợp tốt giữa các Ban quản lý dự án trong việc thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích như trường hợp giải quyết bảo tồn giếng cổ, mộ cổ ở Tiểu khu Công nghiệp – Thủ công nghiệp Thanh Hà.

         - Các di tích trong và ngoài Khu phố cổ được quản lý tốt, tình trạng xuống cấp nặng không còn phổ biến. Ở Khu phố cố đã có 242 trường hợp là di tích tư nhân, tập thể được cấp phép tu bổ, khu vực ngoài Khu phố cổ có 126/251 di tích vùng ven có tình trạng kỹ thuật tốt (50,2%). Các di tích còn lại nằm trong tình trạng ẩm thấm, hư hỏng cục bộ, nhẹ. Trong công tác tu bổ, các công trình tồn tại thuộc chương trình tu bổ khẩn cấp các di tích ở Khu phố cổ đã được hoàn thành với 10 di tích, ở vùng ven có 3 di tích được tu bổ, trong đó có chùa Vạn Đức là di tích được tu bổ từ nguồn vốn xã hội hóa. Các di tích trong và ngoài Khu phố cổ được bảo tồn tốt góp phần duy trì lâu dài giá trị các di sản đồng thời góp phần gìn giữ sự ổn định trong sự phát triển kinh tế du lịch ở Hội An.

          Thứ hai là công tác phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục là động lực để phục vụ phát triển du lịch bền vững.

         - Trong năm qua, đã có ít nhất 8 đợt trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Hội An ở Hội An, Huế, Thanh Hóa và tham gia tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia như bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp.

          - Công tác phát huy di sản ở các bảo tàng năm nay đảm bảo an toàn, đạt được kết quả cao. Tính đến cuối tháng 11 đã có 1.544.998 lượt khách tham, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với đó là hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” được mở rộng cho các đối tượng ngoài trường học tham gia như tuổi trẻ hướng đạo sinh, tuổi trẻ của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh… Đặc biệt trong cuối năm nay, Phòng trưng bày Hội An – Một thời gian khó đi lên sẽ được khai trương cung cấp người xem những tư liệu, hiện vật về giai đoạn Hội An những năm đầu sau giải phóng. Chiều nay 2/12, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh Hội An được khánh thành nâng cấp và đưa vào hoạt động trở lại.

          - Công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di sản thông qua ấn phẩm Thông tin nghiên cứu bảo tồn Di sản xuất bản hàng quý, website hoianheritage.net, Chuyên mục phát thanh bảo tồn di sản hàng tuần… được duy trì đều đặn và trở nên gần gũi hơn với công chúng, góp phần cung cấp những thông tin chất lượng phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát triển du lịch. Đã hoàn thành công tác chọn slogan cho hoạt động du lịch ở Cù Lao Chàm là: Cù Lao Chàm – Đảo xanh huyền thoại và đang tuyên truyền vận động các đơn vị tham gia dự thi sáng tác Logo Cù Lao Chàm.

          - Các chương trình lễ hội, sự kiện văn hóa năm 2016, hoạt động kích cầu du lịch đều dựa trên cơ sở lấy bảo tồn di sản văn hóa làm nền tảng để phục phát triển du lịch, trong đó tập trung mở rộng các địa điểm du lịch văn hóa sinh thái ở vùng ven. Như việc tiếp tục duy trì các lễ hội bắp nếp Cẩm Nam, Ngày hội quật Cẩm Hà, khôi phục tuyến du lịch làng quê – làng nghề mộc Kim Bồng, khai trương điểm tham quan hội quán Hải Nam, xây dựng đề án phát triển du lịch ở Cẩm Nam, Cẩm An, làng rau Trà Quế, phương án phát huy di tích lăng Bà – Cẩm Thanh.

           Mặc dầu đã đạt được nhiều những kết quả trong năm qua, nhưng trong quá trình quản lý, bảo tồn, phát huy di sản vẫn có những vấn đề tồn tại, vướng mắc cần nghiên cứu, điều chỉnh cho công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa Hội An trong năm 2017 tiếp tục đạt được những kết quả trọn vẹn hơn. Cụ thể là:

          - Từ những vụ cháy nhà trong các năm gần đây và trong năm nay, cháy nổ trong Khu di sản đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm và cần sự tham gia có hiệu quả của các nhà quản lý và người dân.

           - Việc tham gia các phong trào khôi phục các hoạt động văn hóa truyền thống như phục dựng cây nêu ngày Tết, mâm cổ Trung thu, các hoạt động tế lễ ở các di tích chưa được đồng đều ở các địa phương.

          - Cảnh quan của một số di tích chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích và sự phát huy phục vụ phát triển du lịch.

           - Nhiều di tích xuống cấp nhẹ, cục bộ nhưng chưa được các chủ di tích, địa phương quan tâm xã hội hóa trong công tác tu bổ kịp thời để đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng và phát triển hoạt động tham quan di tích.

           - Vấn đề môi trường và biến đổi môi trường theo hướng tiêu cực do hoạt động của con người chưa được chú ý quản lý và chưa có biện pháp khắc phục kịp thời.

         - Nền nếp văn hóa kinh doanh buôn bán, nếp sống văn hóa truyền thống có biểu hiện suy giảm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu, danh hiệu Hội An.
 
 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây