Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Trương Đình Quang: Độc hành trong âm xưa

Trương Đình Quang, khởi đầu là một người độc hành. Và về sau, vẫn mãi là kẻ độc hành. Nẻo đường nghệ thuật người nhạc sĩ già đã và đang bước đi ấy, lắm những gập ghềnh. Bạn đồng hành, đã theo tháng năm rời bỏ ông…
        “TÔI vẫn hẹn hò một bài hát cũ”. Không hiểu sao, khi ngồi cùng ông trong gian phòng lao xao tiếng người đang tìm cách vinh danh “dân ca bài chòi”, với cái vóc người đã quắt queo, nhìn ông lại nhớ nhạc Văn Cao. Bởi những hẹn hò với ngày cũ, với số mệnh, với chính mình bằng những âm xưa, như hiện dồn lên gương mặt già nua. Có thể, ông đang rót đầy im lặng lòng mình bằng những tiếng trống chiến trống chầu, những điệu xàng xê, cổ bản, những lối diễn xướng dân gian miết mòn từng ngày.

         Người “chép” nhạc dân tộc

       Những người lỡ vận con đường nghệ thuật vào mình, thường hay sợ già. “Đa thọ, đa nhục”. Bởi tuổi già thường bị gán cho những chậm chạp, cũ kỹ, những nỗi mệt khó tránh. Nhưng Trương Đình Quang, như cái cách giới văn nghệ Quảng – Đà hay nhắc về ông, là một người “yêu bền bỉ, yêu đến độ quên cả tuổi tác, yêu thực sự “cầm tay qua ngày đến tối” rồi có thể mất ngủ vì một nốt nhạc, một chữ, một câu…” (Phùng Tấn Đông). Yêu như vậy, bảo sao cả cuộc đời mình, ông không dành trọn cho vốn quý văn hóa xứ Quảng, từ men rượu Hồng Đào ngây ngất đến tiếng trống giục trong những đêm hội hè. Kiểu người như Trương Đình Quang, ông nói, “con mắt còn tinh, bước chân còn vững thì vẫn phải động não để suy nghĩ”.

         Con người này, chừng như sinh ra đã dành cho văn nghệ. Từ những ngày còn thanh niên, ông đã tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ quân đội tại vùng kháng chiến khu V, với những bạn cùng thời Vũ Hân, Nguyên Ngọc, Lê Văn Đích, Phan Huỳnh Điểu… Trước đó, những ngày cùng gia đình ở Hội An, Trương Đình Quang đã “chơi” nhạc trong nhóm tài hoa “Minh Hương kiệt hiệt” với những tên tuổi như Vương Gia Khang, Dương Minh Ninh, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Tú Mỹ… Rồi lại hoạt động báo chí, khi là Tổ trưởng văn nghệ, Báo chí Trung đoàn 84 Mtrang Long, Nam Tây Nguyên (1949 – 1953). Sau 1953, ở cương vị Thư ký chi đoàn Nhạc sĩ, thuộc Chi hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu V, Trương Đình Quang bắt đầu viết. Lúc này, tài hoa ở lĩnh vực khí nhạc, sáng tác mới phát lộ. Những ca khúc về thanh thiếu niên, bộ đội Cụ Hồ, bà con dân tộc Tây Nguyên… vang vọng trong bom đạn tơi bời. Những người nhạc sĩ kháng chiến như ông, vẫn thường bảo rằng, những bài hát thời kháng chiến chống Pháp, khi người ông người bà như nhạc sĩ Trương Đình Quang bây giờ là những chàng trai, cô gái với tuổi đời đẹp nhất. Họ nói, thời ấy, nhạc ở chiến khu trở thành một góc tâm hồn, “cứ hát đúng như lòng mình muốn, chân thật đến cùng trong mọi cung bậc tình cảm, hào hùng và lãng mạn, lạc quan và bi quan, vui tếu và buồn đau...” (Dương Tường). “Đàn chim trắng”, “Đi gây cơ sở”, “Tiến lên Lạc”… là những sáng tác lưu tên Trương Đình Quang vào những đóng góp cho hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến thời ấy.
 

 
Nhạc sĩ Trương Đình Quang
 
         Nhưng chừng như cái “nghiệp” của người nhạc sĩ khả kính này lại nghiêng phần nhiều hơn về mảng nghiên cứu âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ truyền. Duyên này khởi từ buổi tập kết ra Bắc vào đầu năm 1955. Từ 1956 – 1959, ông đi học lớp sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam, rồi lại theo dõi mảng dân ca Nam Trung Bộ. Sau đó, nhạc sĩ Trương Đình Quang về công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc, chuyên mảng sách lý luận, sáng tác. Năm 1969, khi là Trưởng ban Nghiên cứu, sáng tác và đào tạo Đoàn Ca kịch bài chòi Liên khu V, ông biên soạn tập sách “Thuật ngữ âm nhạc đối chiếu” -là một tài liệu quý cho người sáng tác cũng như sử dụng nhạc cụ, trên nền nghiên cứu các hòa thanh, phức điệu trong ca nhạc, kịch hát bài chòi, hát bội…

         Say men rượu Hồng Đào
 
Tính đến thời điểm này, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Trương Đình Quang đã có 15 công trình tác phẩm được xuất bản về nhạc cổ, dân ca, kịch hát bài chòi, tuồng hát bộ, hát bả trạo… Từ năm 1997 đến nay, ông liên tục nhận giải thưởng hằng năm của Hội Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian âm nhạc Việt Nam, Bộ VH-TT&DL, Hội Văn nghệ dân gian âm nhạc Việt Nam, UBND TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, ông còn nhận các Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, văn nghệ Việt Nam; sân khấu, văn nghệ dân gian… và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba.
        Trương Đình Quang là một người đa mang. Nếu nhạc của ông là sự tràn bờ âm thanh hào hùng, tươi mới, thì những mảng miếng tinh tế trong nghiên cứu âm nhạc dân gian lại là một “thăng hoa” khác. Trong cuốn “Hội An - Đất và Người”, nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt và Thy hảo Trương Duy Hy viết về ông “là một trong những nhạc sĩ có công điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép văn hóa văn nghệ dân gian từ Quảng Nam vào đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa”. Trương Đình Quang còn là một người thầy của sinh viên các trường nghệ thuật, khi giúp họ vỡ ra thứ hồn vía “tinh túy, sâu sắc” của hò khoan, vè Quảng, bài chòi, của trống chiến trống chầu… Người nhạc sĩ cả đời mê mẩn âm nhạc dân gian này còn có những đóng góp lớn cho âm nhạc sân khấu bài chòi. Ông là đồng tác giả âm nhạc sân khấu của vở “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Vượt Chư Lây”, “Quê hương dậy sóng”… từng gây tiếng vang trong nền sân khấu Việt Nam.

        Dù ở chiều kích nào, cốt cách người xứ Quảng vẫn luôn chi phối mọi nẻo đường ông đi. Người đàn ông này từng viết: “Người Quảng Nam có một lối sống chân thật, rất ngay thẳng, có thể chút ít vụng về, thích tìm chân lý (Quảng Nam hay cãi). Trời đất và tâm hồn người xoắn xuýt vào nhau, do đó, các thể loại văn chương, nghệ thuật có một trường phát triển, muôn màu muôn vẻ” (Men rượu Hồng Đào - Trương Đình Quang). Có lẽ vậy nên những công trình nghiên cứu đã trình làng của ông, luôn thấu đáo, tỉ mỉ với những luận giải khoa học. Từng điệu hò, lời hát, lời hô… ông tỉ mẩn ghi chép, bằng văn phong của một nghệ sĩ, ông khảo tả cho người đọc. “Bài chòi xuân nữ tha thiết, trữ tình, kết hợp với lối tự sự giãi bày tâm trạng, lối đan ghép chất liệu đem lại giọng điệu mới, tạo nên sự điều hòa tính chất u buồn, mềm mại bên cạnh tính chất rắn rỏi, tươi mát; bài chòi nam xuân trong sáng khỏe khoắn, với cách pha trộn tiết tấu, kết hợp ngữ khí có thể diễn tả tính chất đểu giả, kệch cỡm; bài chòi xàng xê buồn bã, bi thảm; khi dựng lên, tính chất khẳng khái đấu tranh; bài chòi hồ quảng tươi tắn phấn khởi”, lối khảo tả như vậy, chỉ có thể đến từ người yêu mê đắm và hiểu đến tận cùng vốn văn hóa quê hương.

        Hãy nghe ông nói về cái chất rượu Hồng Đào: “Hồng đào chỉ cái tên thôi - Chẳng qua là lụy... cái người hồng nhan”. Cũng như ông, “lụy” với cái tình xứ Quảng. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà ông được vinh danh vào năm 2012, ở cái tuổi hoàng hôn buông tuồng, là một tưởng thưởng cho những cống hiến không mệt mỏi của ông. Không có học hàm, học vị, nhưng nói như nhà nghiên cứu xứ Quảng thế hệ sau này - Phùng Tấn Đông, thì vị nhạc sĩ này, làm “bận lòng” những học giả đầy mình học hàm, học vị bởi cái “nước cờ” nghiên cứu của ông. Có lẽ giờ này người đàn ông tròn 85 năm cuộc đời này vẫn đang mải mê độc hành trong lối đi của mình – con đường mà nếu không yêu đến bền bỉ quê hương, ông sẽ không kiên trì như vậy!

Tác giả: SONG ANH

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây