Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Tri thức sử dụng cây lá lao của cư dân Cù Lao Chàm

Đối với cư dân Cù Lao Chàm, bên cạnh ngư nghiệp, nông nghiệp thì một số nghề liên quan đến rừng núi cũng là một trong những lợi thế của xã đảo như nghề đốn củi, bứt mây, hái cây lá rừng để dùng làm nước uống, để ăn…
Ông Nguyễn Vinh ở Cù Lao Chàm đang băm lá bồ đề núi
           Từ xa xưa, qua quá trình thích nghi để tồn tại, người dân nơi đây đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn những loại cây lá để ăn, để nấu nước uống nhằm chữa bệnh hoặc để phòng ngừa một số bệnh nhằm đảm bảo tốt cho sức khỏe con người … Theo ý kiến của người dân sống ở Cù Lao Chàm, từ lâu người dân địa phương đã đốn cây lá trên rừng về nấu uống và chữa một số bệnh thông thường như đau bụng, ho, cảm, sốt…

          Theo ông Nguyễn Từ, năm nay 72 tuổi, ở Bãi Làng cho biết từ đời ông nội ông đã đốn lá về nấu uống. Như vậy, việc đốn cây lá trên rừng về nấu nước uống đã có muộn nhất từ khoảng thế kỷ XIX. Tuy nhiên, trước đây người ta chỉ đốn vào dịp Tết Đoan Ngọ và để sử dụng trong cả năm. Nhưng từ khoảng những năm 2000 trở lại gần đây thì những kinh nghiệm, tri thức trong việc khai thác và sử dụng cây lá Lao ở Cù Lao Chàm đã được phát triển và trở thành một nghề, đó là nghề đốn lá Lao.

          Trong quá trình khai thác và sử dụng cây lá Lao, người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn địa hình, thời điểm để khai thác, trong việc chế biến, bảo quản... Qua đợt khảo sát, thống kê bước đầu, năm 2014, về số lượng cây lá Lao mà hiện nay người dân nơi đây thường đốn về để sử dụng có trên 70 loại. Trong đó, dùng để nấu nước lá uống hàng ngày khoảng từ 10 loại đến khoảng 20 loại cây. Các loại cây lá còn lại dùng để chữa bệnh hoặc dùng để uống trong những trường hợp khác, chẳng hạn như có loại uống dành cho người sinh nở, uống để đen tóc, đẹp da…

          Trong quá trình thực hành việc đốn lá về để nấu uống và sử dụng trong các phương thức chữa bệnh dân gian, người dân địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác và sử dụng cây lá Lao, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chữa một số bệnh thông thường hoặc cấp cứu kịp thời nhằm thích nghi với môi trường, điều kiện của một xã đảo và đặc biệt cho ra một sản phẩm nước lá Lao với công dụng tốt cho sức khỏe được nhiều người ưa chuộng và những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả. Hiện nay những bài thuốc, những tri thức dân gian trong việc chữa trị những bệnh thông thường từ cây lá ở Cù Lao Chàm vẫn được sử dụng. Cũng qua đợt khảo sát năm 2014, có khoảng gần 30 bài thuốc đã được người dân tích lũy và hiện nay vẫn được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

          Hiện tại ở Cù Lao Chàm, đa số người dân địa phương đều uống nước lá Lao. Tại các hàng quán ở Cù Lao Chàm đều sử dụng nước lá Lao để phục vụ du khách và đây là nét đặc trưng góp phần tạo nên thương hiệu cho nước lá Lao ở Tân Hiệp.

          Như vậy, từ trong lao động, sáng tạo, cư dân Cù Lao Chàm đã hình thành nên tập quán thu hái, sử dụng cây lá Lao và dần dần hình thành nên một nghề đặc trưng của địa phương, tạo nên công ăn việc làm cho không ít người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và sự phát triển bền vững tại địa phương. Những kinh nghiệm, những bài thuốc phòng, chữa bệnh trong việc sử dụng cây lá Lao ở xã đảo, tạo nên điều kiện thích ứng với tự nhiên của con người xứ đảo. Bên cạnh giá trị về chữa bệnh và gắn liền với giá trị kinh tế thì những tri thức trong việc khai thác và sử dụng cây lá ở Cù Lao Chàm đã tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng không thể thiếu khi du khách đến với hòn đảo quyến rũ này. Đồng thời, góp phần làm đa dạng, phong phú di sản văn hoá phi vật thể của Hội An nói chung, của xã đảo Tân Hiệp nói riêng.

          Để những kinh nghiệm, những tri thức dân gian của người dân xã đảo ngày càng đi sâu vào thực tiễn của đời sống người dân và gắn liền với du lịch biển đảo thì cần có những nghiên cứu chuyên sâu về dược tính của từng loại cây lá để qua đó có sự kết hợp những loại cây lá có dược tính phù hợp, nhằm cho ra một sản phẩm nước lá Lao đảm bảo và tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đối với một số loại cây đang có nguy cơ khan hiếm, cần có biện pháp để nhân giống và trồng tại gia đình hoặc tại những rẫy, đồi triền núi và phải có nghiên cứu về sự tái sinh của các loại lá Lao để giúp người dân có nhìn nhận về sự phát triển, sinh trưởng của từng loại cây, qua đó giúp việc khai thác một cách hợp lý, không bị cạn kiệt về nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, phải mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng này góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của địa phương.
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây