Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Phố cảng Hội An thời gian và không gian lịch sử

Tên làng Hội An được tìm thấy đầu tiên, với một niên đại sớm nhất trong các tài liệu cổ còn để lại là chữ khắc trên tấm bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung” ở động Hoa Nghiêm, trong lòng khối đá Ngũ Hành Sơn, bia được lập vào năm Canh Thìn - 1640. Chúng tôi đã khám phá nhiều bí ẩn ở trên bia, trong đó tên Hội An đã được ba lần nhắc đến cùng tên bốn người ở làng này là Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Thị Đức, Nguyễn Thị Ngưỡng, Châu Thị Tân, mỗi người cúng 10 quan tiền để dựng chùa.
          Được sự chỉ dẫn của anh Nguyễn Sinh Duy, ngày 11 tháng 4 năm 1985, tôi và các cộng sự viên là Lưu Trang, La Gia Khánh đã đến khảo sát, khai thác nội dung tấm bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung”. Trước cửa động Hoa Nghiêm có tâm biển giới thiệu khách tham quan với dòng đầu “trong động có một cổ bi khắc ba chữ Phổ Đà Sơn, niên đại Canh Thìn (1700)”. Căn cứ vào nội dung tấm bia, theo chúng tôi xác định năm Canh Thìn ở đây chính là năm 1640 vì một số lý do chính sau đây: Nếu Canh Thìn - 1580, thời điểm này người Nhật chưa lập phố buôn bán ở Hội An và nếu Canh Thìn - 1700, Nhật kiều ở Hội An mai một không còn. Trong lúc đó tấm bia có ghi hai địa điểm rất đáng lưu ý là dinh Nhật Bổn và dinh Tùng Bổn với tên của  nhiều người Nhật góp tiền xây dựng. Tấm bia còn có người cúng tiền mang tên Nguyễn Phúc Trăn (người xã Bá Giang cúng 50 quan tiền) do lệ húy phạm tên của chúa nên tấm bia không dựng sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn lên ngôi (1687 - 1681)
 
          Như vậy, trong thời điểm trước và sau năm 1640, thời kỳ trung tâm thương nghiệp Faifo phát triển phồn thịnh thì đã có tên làng Hội An của người Việt được xuất hiện sau một quá trình hình thành lâu dài.

          Nhưng lúc đó hoạt động chính của trung tâm thương nghiệp Faifo có phải trên đất làng Hội An không? Phố Nhật và phố khách đúng như chỉ danh của hai thị tứ đó đóng ở đâu? Trước khi phố Nhật và phố khách ra đời đã có thương nhân nước ngoài nào khám phá ra trung tâm buôn bán này chưa? Hội An có tiền thân của nó không? Tuổi của các dãy nhà phố cổ ở Hội An hiện đang lôi cuốn nhiều khách tham quan, được nhà nước và các tổ chức quốc tế đầu tư trùng tu, xây dựng để phát huy tác dụng một khu phố cổ có sức sống một cách diệu kỳ so với cùng loại hình thành thị thương nghiệp này ở trong nước và trên thế giới, nhưng đến nay đã được mấy trăm năm?

         Những vấn đề đó nếu không được công phu nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ sẽ không thể giải được những ẩn số trong lịch sử và cũng đã từng làm nhiều người ngộ nhận, băn khoăn trước một vấn đề lớn của khoa học lịch sử đang đặt ra cho công tác nghiên cứu, bảo quản, trùng tu, xây dựng khu phố cổ Hội An hiện nay.

          Từ năm 1980, liên tục trong nhiều năm, tôi và các cộng sự đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, sưu tầm tài liệu về lịch sử phố cảng Hội An. Bài viết này là kết quả của một chủ đề chủ yếu điều tra bằng thực địa. Nhân đây chúng tôi xin chân thành biết ơn sự giúp đỡ quí báu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hội An

          Kể từ năm 1307, trên danh nghĩa đất Châu Hóa kéo dài đến phía bắc sông Thu Bồn, Hội An trở thành một bộ phận trong toàn bộ lãnh thổ của nước Đại Việt, Triều đình cử Đoàn Nhữ Hài “đến vỗ yên nhân dân(1). Nhưng trên thực tế,  mảnh đất này bị dằng co liên miên cho đến cuối thế kỷ XIV, với những cuộc chiến tranh ở biên giới phía Nam của Đại Việt. Do tình hình lãnh thổ chính trị - xã hội chưa ổn định nên suốt cả thế kỷ XIV, cư dân Việt chưa đủ điều kiện tiếp cư vùng đất cực Nam này của tổ quốc. Những cuộc điều tra lịch sử - dân tộc học làng xã ở vùng Điện Bàn, Hội An của chúng tôi trong mấy năm qua đã chứng tỏ điều đó. Mà phải đợi đến sau năm 1403, sau khi nhà Hồ mở thêm đất Thăng Hoa Tư Nghĩa, Hồ Hán Thương đưa dân đến chiếm cứ lập nghiệp(2). Kể từ đó, đất Quảng Nam mới trở thành vùng đất sống của cư dân Việt. Trên địa bàn thị xã Hội An ngày nay dần dần hình thành các làng Cẩm Phô, Hoài Phô(3), Thanh Hà(4), Hội An, ông tổ tộc Trần ở Cẩm Thanh cũng lập làng chài Võng Nhi từ năm 1470(5), ông tổ tộc Nguyễn Viết... lập làng Đế Võng trước thời Thịnh Đức (1653)(6).

          Tiếp cư một vùng đất mới, vốn là kinh đô cũ của vương quốc Champa, có nhiều vàng và các lâm sản quí cũng là nơi phát sinh ra nhiều nghề thủ công truyền thống, nên đất Quảng Nam sớm trở thành vùng trù phú có sức hấp dẫn lạ kỳ, lôi cuốn đông đảo lực lượng lao động và thương khách nhiều nơi đến khai thác, mở rộng doanh thương. Con người mới, kỹ thuật mới - đất Quảng có thêm nhân tố mới để tiếp cận văn minh. Từ đầu thế kỷ XVI, nghề dệt lụa xã Lang Châu đã nổi tiếng(7), rồi phát triển rộng ra cả đất Điện Bàn, Thăng Hoa trong những thế kỷ sau, khéo đẹp không kém gì lụa Quảng Đông(8).

          Đội thuyền chài đánh bắt hải sản Võng Nhi rồi Đế Võng xuất hiện trên sông Thu Bồn từ các thế kỷ XV, XVI, sau phát triển thành nghề lái ghe bầu truyền thống của xứ Quảng Nam đưa hàng đi khắp các bến cảng của đất nước. Chợ Thanh Hà từ đó cũng được ra đời nhằm góp phần giao lưu hàng hóa ở địa phương.

          Sự phong phú các mặt hàng và thị trường nội địa của đất Quảng hồi đó đã đánh tiếng ra biển khơi để rồi những đoàn thuyền buôn Bồ Đào Nha trên con đường giao thương Macao - Malacca đã phải dừng chân trao đổi hàng hóa trên một bến cảng mà thuở đó quen gọi là Baie de Cochinchine muộn nhất là từ những năm 1525 - 1530, đó là một điều chắc chắn(9.

           Một sự tình cờ mà thương nhân Trung Quốc là Trần Tân Tùng có lẽ là Hoa thương đầu tiên biết đến khu thương nghiệp này vào năm 1577(10). Nhưng Trần Tân Tùng không phải là người mở đầu cho trào lưu Hoa thương ào ạt đưa thuyền xuống buôn bán ở Hội An. Mà phải nói thời điểm Hội An sớm trở thành khu thương mại thịnh vượng mang tính chất quốc tế sau sự kiện nước Nhật ban hành hộ chiếu hàng hải Gosyuin-je cho các tiểu vương và đại thương gia Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á để trao đổi  hàng hóa vào năm 1592, cũng năm đó hai cha con Kekeyo(11) và đại thương gia Araki Sotaro(12) mang các hàng xa xỉ phẩm và các mặt hàng quân nhu để đổi lấy các đặc sản địa phương mở đầu cho thời kỳ phồn thịnh của thương trường quốc tế Hội An, Hội An sau một thời kỳ phát triển nội thương lâu dài giờ trở thành điểm tới cho nhiều luồng thuyền buôn Đông - Tây của thế giới đương thời.

            Để đáp ứng yêu cầu thương khách và nhu cầu tiêu dùng của nhà nước và nhân dân, chúa Nguyễn cho Nhật kiều và Hoa kiều chọn nơi thích hợp để lập hai khu phố - phố Nhật và phố Khách để lập cư lâu dài và buôn bán. Từ năm 1618, giáo sĩ Cristoforo Borri đã có nhận xét “vì nơi đó rộng rãi, nên có thể nhận ra hai phố: phố Khách và phố Nhật. Các phố đặt riêng thủ lãnh, giữ nguyên phong tục và tập quán của mỗi nước để sinh sống(13).

            Đến “mùa mậu dịch” liên tiếp trong sáu tháng đầu năm, cả khu vực từ Thanh Hà, Cẩm Phô, Hội An, Hoài Phô, hiện nay thuộc các xã Cẩm Hà, phường Cẩm Phô, Minh An, Sơn Phong và xã Cẩm Châu kể cả khu vực Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên) là nơi ghe thuyền tấp nập dọc theo các cảng sông. Thương nhân trong và ngoài nước có mặt trên bãi sông này để trao đổi hàng hóa trong những mùa “hội chợ” (foire) lịch sử đó, mà trung tâm thương vụ của các phiên chợ trong thời kỳ phát triển này là chợ cũ Hội An(14). Cả khu vực thương nghiệp rộng lớn này, thương nhân phương Tây đặt cho nó tên gọi Faifo.
Tên gọi Faifo hiện nay có nhiều kiến giải khác nhau, có người cho rằng có nguồn gốc từ chữ Hải Phố, Hai Phố, Phải Phố, Hội An phố, gần đây có người cho rằng do tên của vị vua Chàm từ thế kỷ thứ IV. Theo chúng tôi, tên Faifo có khả năng biến âm của người phương Tây khi gọi tên làng Hoài Phô, nơi có phố Nhật, mà con sông Thu Bồn có thời gọi sông Hoài, làng Hoài Phô qua thế kỷ XVIII - XIX đổi tên Hoa Phô (Ba Phô), thương nhân Trung Quốc gọi là Phai phào(15). Tên đó, xuất phát từ tên của một làng Việt, tên của con sông Việt đi qua Hội An thuở đó. Ở làng Hoài Phô ngày xưa, người Nhật đã xin chúa Nguyễn lập phố để sinh sống và buôn bán, đến năm 1640, còn bắt gặp dinh Nhật Bổn, dinh Tùng Bổn mà thuyền buôn các nước khi đi vào ngã Non Nước dọc theo sông Cổ Cò lên đậu ở Cồn Tàu (hiện là sân vận động xã Cẩm Châu), một quảng cách không xa đối với khu phố Nhật và có khả năng đó cũng chính là dinh Nhật Bổn.

          Ở trước mặt Ủy ban nhân dân xã Cẩm Châu, hiện nay còn có một khu vườn rất rộng, trước là mồ mả, gọi là Vườn Chùa, truyền thuyết ngày xưa người Nhật dựng chùa Tùng Bổn ở đó(16). Trong vườn chùa Nam Tôn, vườn nhà ông Lưu Kỷ,... Hiện nay lúc đào xuống gặp những viên gạch lớn nhưng rất mỏng, có độ nung cao, 29cm x 12,5cm x 3cm là loại gạch hiếm thấy ở Hội An. Sau chùa Nam Tôn hiện nay còn một giếng cổ loại gạch và kỹ thuật xây ít thấy trong các kiến trúc giếng xây ở Hội An mấy trăm năm trở lại đây. Ở trong khu vực này mấy chục năm trước đây thỉnh thoảng đào được một số tượng Phật bằng hợp kim pha có màu lam ngọc rất lạ, cách đây 15 năm ông Huỳnh Tài và Lê Phán cũng đào được một tượng Phật Di Lặc, chôn cách mặt đất 1m theo thế ngồi tự nhiên, tượng này hiện được thờ tại tịnh xá Ngọc Châu (xã Cẩm Châu).

          Có lẽ từ năm 1596, lẻ tẻ một số thương gia Nhật xin lập phố dựng chùa ở Hội An, đó là trường hợp thương gia Sumyo Shichirobei(17). Đến đầu thế kỷ XVII, Hội An tràn ngập thương khách Nhật Bản, chính một số thương nhân phương Tây thuở đó gọi Hội An là thương cảng của Nhật, mà địa cư của phố Nhật ở làng Hoài Phô, nên tên gọi Faifo có lẽ cũng ra đời từ đó. Hàng năm có từ 3 đến 4 đoàn giáo dân Nhật bị nhà cầm quyền Nhật Bản ngược đãi, họ lấy cớ sang Hội An buôn bán để tị nạn(18). Họ làm nhiều nghề khác nhau nhưng “Đô thị Nhật Bản”chạy dọc theo một con đường nằm bên một hải cảng có nhiều tàu thuyền đang cập bến(19). Một số thị trưởng cai quản Nhật kiều mà sử liệu cũ của Luật còn để lại cho biết như Furamoto Yashishiro (nhà buôn kiêm chủ tàu) Simonosera(20). Cho đến năm 1640, thời điểm xây dựng “Phổ Đà Sơn Linh Trung”, thế lực người Nhật ở Hội An vẫn còn lớn. Chính năm này, giáo sĩ Alexandre Rhodes trong thời gian bị bài đạo trốn ở Hội An được một thị trưởng Nhật che chở và trực tiếp can thiệp với chúa Nguyễn xin chúa ban đặc ân cho A.Rhodes(21).

         Dù rằng từ năm 1635, nước Nhật ra lệnh cấm các thuyền buôn xuất bến số người Nhật đã sang Hội An phải vĩnh viễn ở lại đây, họ tạp hôn với các cư dân ngoại chủng như người Việt, người Hoa, số Nhật kiều lai hóa ngày càng trở thành thiểu số đến năm 1693, lúc Thomas Bowyer viết bản ký sự về Hội An thì chỉ còn 4-->5 gia đình người Nhật thuần chủng. Cũng năm đó Thích Đại Sán đến Hội An chỉ nhắc đến chiếc cầu Nhật Bản chứ không nói đến Nhật kiều(22).
Ngày nay đến Hội An, vào các trục lộ trung tâm của thị xã như đường Trần Phú, đường Nguyễn Thái Học, chúng ta thấy đầy dãy hội quán, đền miếu, nhà cửa do người Trung Hoa xây cất theo kiểu Trung Quốc. Nên trước đây nhiều tác giả nhầm tưởng rằng Hội An do người Hoa lập ra và chủ nhân của thành phố này.

          Từ nhận thức phổ biến đó đã dẫn đến một kết luận thiếu cơ sở khoa học của Chen Ching Ho, khi tác giả cho rằng “thoạt tiên chỉ có tên phố khách đã thành lập từ cuối thế kỷ XVI, có thể niên đại gần với sự mở hải cấm của Minh Mục Tông vào năm 1567”. Rồi từ đầu thế kỷ XVII với sự hiện diện của thương thuyền Nhật Bản tại Hội An các thương khách Nhật mới xây thêm phố riêng của họ(23). Đó là một sự tiên đoán thiên lệch, thiếu cơ sở vì cả tôi lẫn Cheng Ching Ho chưa tìm được một tài liệu văn bản hoặc dấu vết trên thực địa để chỉ rõ điều đó.

          Theo tôi, việc thành lập phố khách ở Hội An không thể sớm hơn phố Nhật và thương nhân Nhật Bản lưu ngụ ở đây. Nhưng không loại trừ việc Hoa thương đến giao dịch ở khu vực Hội An sớm hơn, đó là trường hợp Trần Tân Tùng mà tôi đã dẫn.

            Từ cuối thế kỷ XVI, có thể có người Hoa đến sinh sống trên đất Quảng Nam để làm môi giới bắt rễ giữa hai kỳ thương vụ trong năm trên đất Hội An. Theo cuộc điều tra của Nguyễn Thiệu Lâu năm 1941 và hiện nay ở Hội An vẫn còn truyền thuyết cho rằng - người Hoa có mặt sớm nhất ở Quảng Nam là tại khu vực chợ Được, huyện Thăng Bình cách Hội An hơn 15km về phía Tây - Nam(24) . Giả thuyết này chúng tôi đã kiểm tra lại trong đợt khảo sát thực địa vào tháng 4 năm 1985, sẽ không còn đứng vững nữa. Vì chợ Được, được thành lập vào cuối thế kỷ XVIII, dưới thời Tây Sơn. Các tộc đến sớm ở làng Phước Ấm (chợ Được) như tộc Nguyễn, tộc Văn cũng chỉ từ 8 đến 9 đời tương đương với thế kỷ chợ Được thành lập. Các tộc Truơng, La, Ông, Mã,... ở chợ Được, Hà Lam của người gốc Hoa cũng chỉ có từ 5 đến 8 đời và phần lớn từ Hội An lên(25).

        Cũng có người cho rằng, điểm cư trú đầu tiên của Hoa kiều là ở Hải Phố, tiền thân của Hội An ở thôn 9 xã Duy Nghĩa, gần cửa khe Trung Phường(26). Nhưng qua đợt khảo sát thực địa vào tháng 4 năm 1985, chúng tôi thấy rằng kết luận này còn thiếu cơ sở khoa học.

           Sau khi trải qua thời kỳ thăm dò, người Hoa đã đến Trà Nhiêu trước khi đến lập phố ở Thanh Hà - Hội An vào đầu thế kỷ XVII(27).Giả thuyết này cũng không thể đứng vững được vì các ngôi mộ cổ của người Hoa ở Trà Nhiêu tìm được vào những năm cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, trong khi đó, muộn nhất là vào năm 1626, phố khách đã được lập ở môi giới làng Thanh Hà và Cẩm Phô, ở đây Hoa thương đã lập một tổ đình là Cẩm Hà cung(28). Bức Hoành ở tiền điện Lâm Bổn đường hiện ở số 120 đường Trần Phú, có niên hiệu Thiên Khải, Tân Dậu niên, tức vào năm 1621 và ông tổ của họ Lâm là Lâm Quốc Sách đến....đến nay được 13 đời, cũng tương đương với phố Khách thành lập.

          Chiếc cầu Nhật Bản nguyên trước chỉ là một cột mốc làm ranh giới giữa hai khu phố Nhật - Hoa, do con nước hàng năm xói lở nên cư dân Hội An (Nhật, Hoa, Việt) đã góp công sức để xây dựng chiếc cầu bắc qua con hói, vừa định ranh giới vừa tiện việc đi lại dễ dàng.

          Lượng Hoa thương ngày càng nhiều, sức kinh doanh ngày càng lớn, trong lúc bến Thanh Hà ngày càng bị cát bồi , tàu thuyền khó đi lại (Phố khách dần dần bị giải thể, thương khách lấn dần về phía Đông nam, qua một số mẫu đất của làng Cẩm Phô, Hội An, Cổ Trai làm địa cư cho phố mới tiếp tục kinh doanh. Mảnh đất ban đầu của khu phố cổ Hội An nằm trên đường Trần Phú hiện nay kéo dài từ cầu Nhật Bản (chùa cầu) đến Quan Công miếu (chùa Ông), khu phố này có lẽ đã được hình thành giữa thế kỷ XVIII, thời điểm xây dựng Quan Công miếu mà chúng ta từng thấy niên hiệu được ghi trên tấm biển thờ ở chính điện Khánh Đức Quý tỵ niên tức vào năm 1653. Một lưỡi đất hẹp từ đình làng Hội An ra đến bờ sông mới được bồi, dân làng Hội An thỏa thuận nhượng cho Hoa thương lập phố, mà trong các văn khế nhà đất tìm được ở các gia đình sống lâu đời trên đường Trần Phú từ thế kỷ XVIII, đều ghi Lâm sa thổ phố. Một số người giàu có mua đất nhà của người sở tại để lập phố kinh doanh nên thỉnh thoảng chúng ta thấy có sự xen cư của Hoa thương trong các làng Việt ở Hội An. Đó là trường hợp Ngô Văn Nương mua một mảnh đất ba sào ở sứ Hồ Bài (Bì) của Trình Hồng Quang giá 60 luợng bạc(29).

         Từ nửa sau thế kỷ XVII, trên đường Trần Phú hiện nay đã xuất hiện các đền, miếu, hội quán, và khu nhà phố dân dụng của họ Hoa thương mà vào năm 1695, Bowyaer đã mô tả “Hải cảng này chỉ có một đường phố lớn trên bờ sông, hai bên có hai dãy nhà chừng một trăm nóc, toàn là người Trung Hoa ở(30). Cũng vào năm đó Thích Đại Sán đến Hội An không còn lưu ý đến phố Nhật ngày xưa mà chỉ thấy “thẳng bờ sông một con đường dài 3-4 dặm gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường là phố ở liền khít rịt, chủ phố thảy là người Phúc Kiến, vẫn còn ăn mặc theo lối tiền triều(31).

          Nhưng phải qua đầu thế kỷ XVIII, dãy nhà phố hai bên đường Trần Phú mới xây dựng theo lối kiên cố, như một số đơn khai nhà đất, văn khế thời Cảnh Hưng, Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh mà chúng tôi đã tìm được trong khi tiếp xúc với một số chủ hộ các ngôi nhà cổ ở Hội An đều ghi có tường gạch, lợp ngói, bắc giáp đại lộ, nam cận đại giang.

          Đất mua, đất cúng, đất bồi, làm địa vực cư trú của Hoa thương ở Hội An ngày càng phát triển cùng chiều với thế lực doanh thương của họ, nhất là sau ngày nhà Thanh chiếm lục địa Trung Quốc (1644).

          Địa lộ Gia Long năm 13 (1815) toàn thể đất Minh Hương là 17 mẫu 7 sào 10 thước, năm 1841, đất ở bờ sông bồi thêm 1 mẫu 3 sào 9 thước, lập thêm một phố mới gọi là Quảng Đông tức đường Nguyễn Thái Học hiện nay. Đến năm 1878, bờ sông lại bồi thêm 1 mẫu 1 sào 14 thước để đến năm 1886 mở thêm đường Bạch Đằng.

          Năm 1883, theo đề nghị của Lý trưởng làng Cổ Trai là Lý Hải Hưng sát nhập đất của làng này khoảng 5 mẫu vào Minh Hương làm khu phố mở về phía đông đến Huỳnh Phủ Hải Nam(32).

          Một số thương nhân người Việt giàu có phần nhiều là người làng Hội An, họ buôn bán hàng trữ, cho thuê nhà, buôn ghe bầu, để tiện việc doanh thương họ trở lại mua đất của người Hoa trên đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học (trường hợp họ Phạm, họ Lê,...).

          Hiện tượng giao hôn giữa người Việt và người Hoa rất phổ biến, có sớm trong lịch sử Hội An cũng là lý do dẫn đến hiện tượng xen cư, dung sinh dung hóa, Việt hóa thành một thể đồng nhất trong mô hình kinh tế - xã hội Hội An.

          Thương cảng Hội An phát triển trên cơ sở một cảng sông thuận lợi, từ thế kỷ mới thành lập, hàng hóa hai miền Tây - Nam sau khi đi qua vô số các chợ dọc theo sông Thu đổ về Hội An như một mạng lưới vệ tinh thương nghiệp làm phố Hội có điều kiện phát triển bậc nhất trong thị trường nội địa và trở thành trung tâm xuất khẩu quan trọng nhất của xứ Đàng Trong. Thương thuyền ngoại quốc vào Hội An bằng hai cửa khẩu, từ Cửa Đại ngược lên 4 km, còn các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc, Macao thường vào vũng Hàn, đến Non Nước, theo ngã sông Cổ Cò để vào phía Đông của phố cảng Hội An mà thuở đó Cồn Tàu (hiện thuộc xã Cẩm Châu) là điểm tựa của hàng trăm thương thuyền của nhiều nước bị hấp lực bởi khối lượng hàng hóa phong phú của thị trường Hội An.

          Từ Cồn Tàu (Cẩm Châu) kéo dài qua mặt tiền của các làng Đế Võng, Hoài Phô (sau đổi Hoa Phô - Ba Phô - Sơn Phô) lạch sông chạy thẳng lên ngõ giữa, tiếp cận phía Nam đường Trần Phú, lên Cẩm Phô, Thanh Hà, cách bờ sông hiện nay chừng 200 - 300m, kéo dài hơn 3 km, trước kia là bờ sông cũ, nơi ghe thuyền tới lui buôn bán tấp nập. Thương nhân mang hàng lên trao đổi ở phố, ở chợ, ở thương điếm và cũng có thể trao đổi trực tiếp ngay trên các khoang thuyền ở giữa sông.

          Hiện nay còn dấu vết sông Đò (thuộc địa phận hai xã Cẩm Thanh và Cẩm Châu), con sông này vốn là cửa sau của thương cảng Hội An, ở xã Cẩm Châu hiện nay còn để lại con hói chỉ rộng chừng 20 m chạy dài, kẹp giữa làng Sơn Phô và xóm Cồn Chài. Xóm Cồn Chài nguyên trước là lòng sông được tạo lập từ hơn thế kỷ nay, qua quá trình bồi tụ nâng lòng dòng sông trong một thời gian dài trước đó, nên làm mất hẳn ưu thế một phần của cảng sông về phía Đông, Cồn tàu ở Cẩm Châu mất hết ý nghĩa tích cực của nó trong việc luôn chuyển hàng hóa và phố Nhật có thêm một lý do nữa nên sớm tàn lụi theo.

          Hơn hai mươi năm trước đây, lúc sản xuất nhân dân có tìm gặp một đôi trụ buồm dài gần 20m, dấu tích của một chiếc thuyền buôn bị nạn ở chỗ cơ khí Tây Hồ (ngày xưa gọi là Bến Tàu) hiện còn dấu vết vùng trũng, chứng tỏ trước là lạch sông cũ đã bị lấp. Gần đây, nhân dân xã Cẩm An có đào được gần cầu Phước Trạch một neo tàu bằng gỗ lim rất dài, chứng minh rằng con đường thủy đạo nội địa Cổ Cò một thời tích cực đưa thuyền đi lại buôn bán ở thương cảng Hội An.

           Ở phường Minh An hiện nay, vào mạn phía Nam đường Trần Phú, lúc đào giếng, làm móng nhà... nhân dân thỉnh thoảng đào được neo tàu, dây chằng, cọc cừ sông, gỗ lim, mảnh vỡ của hàng hóa. Trước mặt hội quán Hải Nam, cạnh trường Nguyễn Duy Hiệu có một chiếc thuyền buôn phương Tây bị đắm từ các thế kỷ trước, sau một thời gian dài bồi đắp lòng sông được nâng dần, cách đây khoảng 150 năm, người ta đã tìm thấy xác của chiếc thuyền buôn bị nạn đó.

          Nhưng so với hai khu vực, phía Đông là Hoài Phố, phía Tây  là Thanh Hà, là nơi lòng sông bồi tụ diễn ra có phần chậm chạp hơn. Sự biến đổi của tự nhiên đó không đến nổi làm đảo lộn địa.... sinh tồn của con người ở đây. Nên cảng sông ở khu vực này còn kéo dài vai trò của nó trong lịch sử. Bến Dương Thương hội quán vào đầu thế kỷ XVIII đến bến Robert đầu thế kỷ XX trên một đường thẳng ra sông với một quảng cách không xa trên thực địa. Điều mà năm 1695, Thomas Bowyear ghi lại “Hải cảng chỉ có một phố lớn trên bờ sông ” đến năm 1744, Pierre Poivre đến Hội An đã mô tả “Thành phố như một cái kho chung của tất cả hàng hóa và là nơi trú ngụ của thương nhân người Hoa với những bến đậu dọc theo bờ một con sông vướng đầy ghe thuyền(33). Trước đó 25 năm, nhân một chuyến tuần du vào Quảng Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đến Hội An và cũng cảm xúc trước cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập của thương cảng Hội An nên đã đặt tên cầu Nhật Bản là Lai Viễn Kiều, khi nhận thấy “phía Tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp(34). Tuy nhiên, không được sầm uất như đầu thế kỷ XVII, nhưng sự phồn thịnh của thương cảng Hội An còn duy trì trong suốt thế kỷ XVIII và những năm đầu của thế kỷ XIX, như một bản truyền thư của dinh trấn Quảng Nam gởi cho các Bang trưởng Hoa kiều và các làng ở tại Hội An vào ngày 02 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) có nội dung như sau “xưa nay thuyền nhà Thanh đến thông thương với Hội An phố và cắm neo tại địa phận 6 xã Minh Hương, Hội An, Cổ Trai, Đông An (sau đổi thành An Hội), Diêm Hộ (sau đổi thành Phong Niên) và Hoa Phố” như vậy trong thế kỷ này, thương cảng Hội An vẫn còn kéo dài gần 2km dọc theo bờ sông, từ cầu Nhật Bản đến bến cơ khí Tây Hồ hiện nay mà cảng chính ở Dương Thương hội quán.

          Từ thế kỷ XIX trở đi, cảng Hội An bị bồi, lòng sông cạn dần, Cửa Đại ngày càng thu hẹp. Những yếu tố đó không đảm bảo cho phương tiện vận tải cơ khí bằng đường biển cập bến. Thương cảng Hội An mất dần vai trò của một cảng khẩu quan trọng nhất Đàng Trong. Nhưng còn phố Hội An ngày càng mở rộng dần theo hướng trục của sống lưng con đường Trần Phú hiện nay phố Hội An phát triển tuy chậm chạp nhưng không đứt đoạn mà còn có một đặc điểm vì nó là sản phẩm vật chất của một loại hình kinh tế - xã hội phong kiến và sơ kỳ tư bản thương nghiệp kéo quá dài trong nhiều thế kỷ nên nó không bị bốp chát đến nổi làm nó vụn các kiến trúc, nhất là các kiến trúc dân dụng của loại hình nhà phố thương nghiệp của thời kỳ tư bản đang lên, cạnh tranh độc quyền, phủ định. Nếp cổ đã được định hình lâu đời, ý thức Phố cổ, cổ vật, cổ tích ở Hội An có điều kiện khách quan, chủ quan để bảo tồn một loại hình thành thị thương nghiệp sống động trong thời Trung đại ở nước ta, một nền văn minh đô thị của nhân loại, mà loài người đã trải qua không dễ dàng tìm thấy trên thực địa của trái đất này.
 

(1) Ngô Sĩ Liêm, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, KHXH, Hà Nội năm 1971, Tr.103.
(2) Ngô Sĩ Liên, sđd, tr.233-235
(3) Dương Văn An, Ô Châu Cận Lục, Bùi Lương dịch, Sài Gòn, 1961, tr.41.
(4) Các tộc Nguyễn Viết, Võ văn được 16 đời.
(5) Bia mộ của ông tổ tộc Trần Cẩm Thanh do Trần Văn Lý soạn 1498.
(6) Bia mộ Đế Giang Nguyễn Viết, làng Đế Võng.
(7) Dương Văn An, sđd, tr.46.
(8) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, bản dịch, KH, HN.1964, tr.371.
(9 Pierre Yves Manguin, Les Portugais sur les cotes du Việt Nam et du Campa, EFEO, Paris, 1972, Vol? LXXXI, tr.184.
(10) Trần Kinh Hòa, Phố khách và việc buôn bán ở Hội An vào thế kỷ XVII - XVIII, Tân á học báo, q.3, kỳ I.I.8.1957, bản Trung văn, tr. 279, tài liệu dịch của Nguyễn Bội Liên.
(11) Seiichi Iwao, Nanyo Nihonjin Machino Kenkyn, Tokyo, 1940, tr.20.
(12) Shujiru, Sekai ni okeru Nihonjin Tokyo, 1893, 1897, qI, tr. 239.
(13) Cristoforo, Relation de la nouvelle mission des Perres de le compagnie des Jesus au Royame de la Cochinchine, Lille, 1631, tr.98.
(14) Hiện là đình làng Hội An, chợ cũ Hội An kéo dài đến năm 1848 mới chuyển xuống khu chợ mới hiện nay.
(15) Hoa Phô, trong “Phủ biên tạp lục”, sđd, tr.82 (thế kỷ XVIII). Địa bộ Gia Long năm 1812 của làng Hội An và Cẩm Phô có ghi tiếp cận ra Ba Phô. Gia phả họ Châu có ghi ở Ba Phô trước đây người Nhật tập trung buôn bán (tr.7).
(16) Châu Phi, “Hội An sự tích”, tài liệu bản thảo chép tay.
(17)Watanabe, Shyis,sđd, tr.239.
(18) H. Peeyssonneaux, Carnet  d’un collectioners... PAVH? 1933, tr.256.
(19) Noel Peri, Essai sur les relation du Japon et del Indochine aux XVI et XVII siecle, BEFEO, 1923, tr.23.
(20) Seiichi Iwao, sđd, tr.46-47.
(21) Phan Phát Huôn, “Việt Nam giáo sử”, q.I, Khai trí, SG,1965, tr.58.
(22) Thích Đại Sán, “Hải ngoại ký sự” sách dịch của Viện Đại học Huế, 1963,tr.154.
(23) Cheng Ching Ho, “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An”, tập san khảo cổ số 1, Sài Gòn, 1960, tr.13.
(24) Nguyễn Thiệu Lâu, La formation et Leyolution du vilage de Minh Hương Faifo, BAVH, 1941, tr.359.
(25) Kết quả khảo sát của Đỗ Bang, Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Lưu Trang, La Gia Khánh.
(26) Nguyễn Bội Liên, “Hải Phố tiền thân của Hội An ngày nay”, t/s NCLS Quảng Nam - Đà Nẵng, số 3, 1983, tr.22-29.
(27) Cheng Ching Ho, tlđđ, tr.19.
(28) Theo bia “Cẩm Hà cung”, ranh giới hai làng Thanh Hà - Cẩm Phô được xác định từ cột mốc ở bến xe Hội An đến cột mốc ở miếu ông Mốc (đã bị ập) cách tịnh xã Ngọc Cẩm 300m về phía Bắc. Cẩm Hà Cung, Chùa Khách, Phố Khách tạm xác định ở khu vực Trại Nông, gần chùa Viên Giác hiện nay.
(29) - Văn khế bán đất ngày 12 tháng 9 năm Chính Hòa thứ 13 (1692) vị trí cạnh đường Lê Lợi hiện nay.
(30) Cadiere, Les Europeens qui ont vu le vieux Huế Thomas Bowyear (1695 - 1696). BAVH, 1920, tr.183 - 240.
(31) Thích Đại Sán, sđd, tr.154.
(32) Nguyễn Thiệu Lâu, bđd, tr.365.
(33) Theo Louis Malleret, Pierre Poivre. TCVĐ, 1887.T.3.
(34) Đại Nam thực lục tiền biên, q.8, bản dịch Viện sử học, 1963. T.186.
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)

Tác giả: Đỗ Bang

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây