Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An được xếp hạng cấp Tỉnh

Dù nằm trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh, nhưng gần 15 năm sau ngày giải phóng, Hội An vẫn là vùng trắng trên bản đồ khảo cổ nói chung, về Văn hóa Sa Huỳnh nói riêng. Tuy vậy, dựa vào thành tựu 10 năm nghiên cứu khảo cổ về Tiền - Sơ sử Xứ Quảng từ sau ngày giải phóng, với sự mẫn cảm khoa học, các nhà nghiên cứu đã nhận định khả năng tiềm tàng về di tích Văn hóa Sa Huỳnh trong lòng đất Hội An. Mùa điền dã khảo cổ năm 1989 của các cán bộ Trung tâm Văn hóa Việt Nam thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội) và Ban Quản lý Di tích Hội An đã chứng minh nhận định này qua 03 di tích được phát hiện. Từ năm 1993 - 1995, với sự tài trợ của TOYOTA FOUNDATION, dự án nghiên cứu “Khai quật khảo cổ học về di tích Văn hóa mộ chum Sa Huỳnh ở thị xã Hội An” được thực hiện. Qua thực hiện dự án này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An. Đồng thời kết luận Hội An là nơi có mật độ phân bố di tích Văn hóa Sa Huỳnh khá dày đặc và có giá trị cao về mặt khảo cổ học.
         
            Trong thời gian qua, ngoài việc nghiên cứu, công tác bảo tồn và phát huy di tích, di vật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An được chú trọng thường xuyên. Một bảo tàng chuyên đề trưng bày các hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh được thiết lập tại khu phố cổ Hội An đã thu hút đông đảo du khách tham quan; đã xếp hạng cấp tỉnh 03 di tích, chiếm 42,6% trong tổng số di tích khảo cổ ở Hội An được xếp hạng các cấp. 03 di tích này là:  

         - Di tích mộ táng An Bang được xếp hạng cấp tỉnh năm 2005, có phạm vi khoanh vùng bảo vệ là 2500m2. Di tích có tọa độ 1505303.5’’ vĩ Bắc, 10801816.2’’ kinh Đông, nằm trên cồn cát chạy dọc phía bắc con sông cổ thuộc khối An Bang, phường Thanh Hà, được phát hiện và đào thám sát năm 1989, khai quật năm 1995. Tại di tích đã phát hiện 17 chum mộ gồm 14 chum hình trụ không có vai, 02 chum hình trụ có vai và 01 chum hình nồi. Nắp chum hình nồi và hình nón cụt. Bên dưới một số mộ chum có lót lớp đá màu vàng - nâu sẫm dày từ 20-40cm, hoặc dấu vết đốt than tro. Đồ tùy táng phân bố bên trong và ngoài chum với số lượng lớn, phong phú về loại hình gồm đồ gốm gia dụng, đồ gốm minh khí, đồ trang sức như hạt chuỗi, khuyên tai bằng đá, thủy tinh màu xanh, đỏ, nâu, vàng, tím,… Đặc biệt, tại đây có phát hiện 01 hạt chuỗi bằng kim loại màu vàng. Qua đặc điểm di tích và di vật có thể thấy táng tục, táng thức của cư dân Sa Huỳnh ở di tích mộ táng An Bang tương đồng với di tích Hậu Xá II. Niên đại C14 của di tích là 2260±90BP.

          - Di tích Hậu Xá I bao gồm khu mộ táng và khu cư trú, được xếp hạng cấp tỉnh năm 2008 với phạm vi khoanh vùng bảo vệ là 7500m2. Di tích có tọa độ 1505305.8’’ vĩ Bắc, 10801901.3’’kinh Đông, nằm trên cồn cát chạy dọc phía bắc con sông cổ thuộc khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, được phát hiện và đào thám sát năm 1989, 1990 và 1993, khai quật năm 1994, 1995.


          Khu cư trú có hai tầng văn hóa, hiện vật phân bố theo diễn biến niên đại từ sớm đến muộn. Tầng văn hóa I có niên đại thế kỷ III, IV – IX. Hiện vật gồm nhiều đồ gốm Chăm thô và mịn màu hồng, màu đỏ gạch trang trí văn khắc vạch, văn chải và văn thừng mịn giống loại gốm Chăm phát hiện ở di chỉ Trà Kiệu, Đồng Nà, Trảng Sỏi; đồ gốm Islam, gốm sứ Trung Quốc,… và một số đồ trang sức. Tầng văn hóa II có niên đại thế kỷ I - III, IV. Hiện vật tìm thấy chủ yếu là đồ gốm Sa Huỳnh, đồ gốm Sa Huỳnh - Chăm,… như bình củ tỏi, nồi nhỏ, hiện vật hình chuông, hũ gốm văn in ô vuông,…; đồ trang sức như hạt chuỗi, hạt cườm bằng thủy tinh, đá hình tròn, hình trụ, hình hạt lựu,… Ngoài ra còn phát hiện hiện vật đồng hình lá đề có liên quan đến tín ngưỡng.

          Tại khu mộ táng phát hiện 20 chum mộ gồm 4 chum hình trứng, 15 chum hình trụ có vai, 1 chum hình nồi. Nắp chum hình nón cụt và hình nồi. Đồ tùy táng chủ yếu là đồ gốm gia dụng như bình, vò, nồi, bát bồng bị đập vỡ đặt trong lòng chum ở sát đáy hoặc quanh thành chum, ít đồ sắt và đồ thủy tinh. Tương tự như di tích mộ táng An Bang và Hậu Xá II, bộ sưu tập hiện vật ở đây gồm đồ gốm gia dụng như nồi, bát bồng, bình, cốc, đèn Sa Huỳnh, nồi minh khí; đồ trang sức gồm khuyên tai, hạt chuỗi và vòng tay bằng đá, thủy tinh; đồ sắt có đục, dao rựa, dao giáo,… Niên đại của di tích khoảng 2000 năm cách ngày nay.

          - Di tích mộ táng Hậu Xá II được xếp hạng cấp tỉnh năm 2008, có phạm vi khoanh vùng bảo vệ là 9125m2. Di tích có tọa độ 1505275’’ vĩ Bắc, 10801899’’ kinh Đông, nằm trên cồn cát nối liền di tích mộ táng An Bang với di tích Hậu Xá I, thuộc khối Bàu Đưng, phường Thanh Hà, được phát hiện và đào thám sát năm 1993, khai quật năm 1994. Di tích có mật độ phân bố mộ chum dày, nhiều kiểu dáng. Tại di tích đã phát hiện 11 chum mộ hình trụ không có vai, 02 chum hình nồi. Nắp chum chủ yếu là hình nón cụt. Đặc biệt, tại đây đã phát hiện nhiều xương động vật, răng trẻ em và dạng táng bằng chum lồng. Bộ sưu tập hiện vật đa dạng về chủng loại và kiểu dáng gồm hạt chuỗi, hạt cườm bằng đá màu, bằng thủy tinh màu, ngoài ra còn có một hạt bằng kim loại màu vàng được chế tác tinh xảo; đồ gốm có xương thô, hoa văn trang trí đa dạng gồm văn thừng, văn chải, khắc vạch, tô màu đen ánh chì và thổ hoàng với các loại hình nồi, bát, bình, cốc, dọi xe chỉ,… và đèn Sa Huỳnh; đồ sắt có đục, rìu lưỡi xéo, thuổng, dao rựa, dao găm, giáo, qua,… Ngoài ra tìm thấy tiền Ngũ Thù, Vương Mãng thời Hán - Trung Quốc. Qua đặc điểm di tích và di vật nhận thấy cư dân Sa Huỳnh ở Hậu Xá II có nhiều táng tục đặc biệt, giao lưu thương mại rộng và ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cùng thời. Niên đại C14 của di tích là 2040±60BP.
 
 

           Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An được xếp hạng cấp tỉnh là những di tích có giá trị cao về mặt khoa học, lịch sử và văn hóa, phản ánh vai trò và vị thế quan trọng của mảnh đất Hội An trong thời kỳ Tiền - Sơ sử./. 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây