Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Nghề mộc sản xuất đồ gia dụng ở Kim Bồng

Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, xã hội đã tạo lập nên một Kim Bồng với sắc diện riêng so với nhiều làng quê khác ở Xứ Quảng nói chung, đất Hội An nói riêng. Câu thành ngữ “đàn bà làm nông, đàn ông làm thợ” mà người dân ở đây vẫn quen gọi phần nào thể hiện sự khác biệt đó. Dường như điều kiện tự nhiên, lịch sử đã tạo nên làng Kim Bồng là nơi tụ hội, phát nghiệp của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi bật là nghề mộc mà sau đó đi vào ca dao tục ngữ như muốn diễn bày niềm tự hào của bao thế hệ người dân.
Phú Bông dệt lụa dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
 
          Nghề mộc ở Kim Bồng được hình thành rất sớm, gắn với quá trình di dân khai hoang lập làng xóm của các lớp cư dân vào thế kỷ XVI - XVII. Trải qua quá trình phát triển, nghề mộc Kim Bồng phân hóa thành bốn nhánh chính là mộc đóng ghe thuyền, mộc xây dựng, mộc sản xuất đồ gia dụng và mộc mỹ nghệ. Nghề mộc sản xuất đồ gia dụng chủ yếu sản xuất những vật dụng trong gia đình. Cùng với những biến thiên của lịch sử, nghề mộc sản xuất đồ gia dụng cũng có những thăng trầm nhất định. Trong những năm gần đầy, nghề mộc sản xuất đồ gia dụng đã tìm lại được vị thế trên thị trường và đang có những bước phát triển mới.

          Cũng như nhiều ngành nghề thủ công khác, yếu tố địa - lịch sử, địa - xã hội tác động không nhỏ đến qui mô, địa vực, tính chuyên nghiệp trong sản xuất của nghề mộc gia dụng ở Kim Bồng. Nếu như vùng Trung Châu, Phước Thắng chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ hay ở Đông Hà, Ngọc Thành thiên về nghề mộc đóng ghe thuyền thì mảnh đất Trung Hà, Vĩnh Thành lại là nơi phát triển của nghề mộc sản xuất đồ gia dụng.

           Tổ chức hoạt động sản xuất của nghề mộc gia dụng thường tiến hành theo hai phương thức là hành nghề riêng lẻ hoặc tổ chức trại sản xuất. Những thợ mộc hành nghề riêng lẻ thường chỉ sửa chữa hay sản xuất đơn lẻ những sản phẩm thường. Trong khi đó những trại mộc có nhiều thợ là những người trong gia đình hay bà con, hoặc làm thuê ăn công. Chủ trại là thường là người thợ cả, quản lý vấn đề tài chính, giao dịch, nhận thầu và trả lương cho thợ. Trong trại sản xuất, chủ trại, thợ cả, thợ phụ phối hợp với nhau để sản xuất sản phẩm. Chủ trại nhận học trò để truyền thụ nghề. Thợ cả là người thợ có khả năng thiết kế sản phẩm, tay nghề cao, kinh nghiệm nhiều và thực hiện thành thạo các công đoạn sản xuất, thường sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, kỹ thuật tinh xảo, được giao nhiệm vụ quản lý sản xuất và được trả công cao nhất. Tay nghề của thợ phụ thấp hơn thợ cả, có thể hoàn tất các công đoạn sản xuất nhưng không hoàn thục như thợ cả. Học trò là người phụ việc cho thợ trong các công đoạn sản xuất và được người thợ hướng dẫn bày vẽ các thao tác, cách thức, trình tự sản xuất như giũa lưỡi cưa, mài lưỡi đục, tra lưỡi bào, ra cây, lấy mực, tạo mộng.

          Do những đặc điểm nghề nghiệp, công việc nặng nhọc như cưa, đục, bào nên lực lượng lao động của nghề này chỉ có nam giới. Những người tham gia sản xuất chính thường ở độ tuổi mười tám, hai mươi đến năm lăm, sáu mươi. Xưa kia những bé trai trong làng mới mười lăm, mười sáu tuổi đã được cha mẹ gửi học nghề ở các trại mộc. Có nhiều người đã theo đuổi nghề từ khi còn là những thiếu niên tuổi mười sáu đôi mươi đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

          Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và nhu cầu xã hội mà mùa vụ sản xuất của nghề mộc gia dụng có những thay đổi nhất định. Hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm bắt đầu từ ngày 7 tháng Giêng đến ngày 19 tháng Chạp. Tuy vậy, thường tập trung vào những tháng mùa nắng và tháng giáp tết. Vào những tháng giáp tết nhu cầu sơn sửa, trang trí, đóng mới đồ dùng trong gia đình tăng lên đáng kể nên hoạt động sản xuất diễn ra sôi nổi. Trong những ngày này, âm thanh của tiếng bào, tiếng đục, khoan cưa như bản nhạc hợp xướng hòa cùng mùi hương của gỗ phảng phất, lan tỏa khắp xóm cùng quê.

         Nguyên liệu chính để sản xuất của nghề mộc gia dụng là gỗ. Gỗ có nhiều loại được phân thành nhiều nhóm. Tùy theo đặc điểm, tính chất của từng nhóm mà người thợ sử dụng để sản xuất các loại sản phẩm khác nhau. Làng Kim Bồng nằm trong vùng địa lý Quảng Nam, nơi có nhiều loại gỗ quí, tốt. Nếu như gỗ lim, kiền kiền, chò, quỷnh được sử dụng chủ yếu để đóng ghe, làm nhà thì người thợ mộc sản xuất đồ gia dụng chọn loại gỗ gõ, mít, giỗi, hương, cẩm lai, xoan đào, xà cừ, mun, trắc mật... làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng. Ngoài gỗ, trong qúa trình sản xuất, người thợ còn dùng một số phụ liệu khác như tre, sơn, dầu rái, mực xạ,... Tre dùng làm chốt đóng khóa mộng, các mối liên kết giữa các bộ phận. Dầu rái, sơn để sơn phết, trang trí, chống mối mọt.

         Qui trình sản xuất của nghề mộc gia dụng trải qua nhiều công đoạn phức tạp do vậy công cụ chế tác truyền thống rất đa dạng. Công cụ chế tác gồm nhiều bộ khác nhau gồm bộ cưa, đục,  khoan, bào..., mỗi bộ lại chia thành  nhiều kiểu, kích cỡ. Để hoàn thành một sản phẩm, người thợ phải tiến hành trình tự qua các khâu và mỗi khâu chỉ sử dụng một số dụng cụ nhất định. Cách thức sản xuất của từng sản phẩm mộc gia dụng có những nét khác nhau, nhưng nhìn chung thường tiến hành theo trình tự gồm vẽ mẫu - ra cây - dọn cây - lấy mực - tạo mộng - nhập - trau. Sản phẩm mộc gia dụng rất đa dạng, phong phú về loại hình, kiểu dáng. Nhìn chung nó được chia thành hai loại gồm đồ mớp và đồ kép. Đồ mớp là những vật dụng đóng bằng loại gỗ thường, không được tráng trí cầu kỳ. Đồ kép cũng là đồ gia dụng như có kiểu dáng, mẩu mã đa dạng, làm từ loại gỗ tốt, được trang trí, chạm trổ, cẩn khảm ở một vài bộ phận của sản phẩm. Nhiều sản phẩm mộc gia dụng không chỉ có giá trị sử dụng mà còn bao hàm giá trị văn hóa, nghệ thuật cao, trầm tích nhiều lớp văn hóa, thể hiện tính giao lưu văn hóa nhiều chiều. Những giá trị đó biểu hiện qua các đường nét, đồ án trang trí mềm mại, tinh tế, linh hoạt. Một số sản phẩm được trang trí những đồ án truyền thống như Bát bửu, Tứ thời, Tam đa, Ngũ phúc, Tứ hữu... bằng nghệ thuật chạm khắc, cẩn khảm, tiện chuốt... Sản phẩm chính của nghề mộc sản xuất đồ gia dụng bao gồm bàn, ghế, tủ, giường, phản... Mỗi loại chia thành nhiều kiểu khác nhau. Tủ có kiểu tủ thờ, tủ áo quần, buýp phê, tủ đựng đồ ăn... Bàn có bàn tròn, bàn chữ “U”, chữ “H”, chữ “V”… Ghế có ghế dựa, ghế đẩu, trường kỷ,… Giường có giường thường, giường chân tiện, giường hộp.

         Trong quá trình hành nghề, nhiều thợ mộc sản xuất đồ gia dụng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm mộc chắc, bền, đẹp như khi cưa phải dùng nước thấm vào lưỡi cưa, gỗ và phải chọn thế đứng hoặc ngồi vững chải, giữ cho lưỡi cưa thăng bằng… Khi phơi ván phải đóng cọc dựng đứng tấm ván để khỏi bị cong vênh hoặc nứt. Cũng như các phân nhánh khác của nghề mộc Kim Bồng, nghề mộc sản xuất đồ gia dụng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, để lại những dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân, góp phần hình thành sắc thái độc đáo của văn hóa Hội An.
 
 
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây