Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Nghề mành chiếc ở Cù Lao Chàm - Hội An

Nghề mành chiếc ở Cù Lao Chàm - Hội An
Theo những hộ làm nghề mành hiện nay cho biết, nghề mành đã có từ lâu ở Cù Lao Chàm nhưng không biết chính xác thời gian ra đời. Có ý kiến cho rằng đây là nghề truyền thống của ngư dân Kim Bồng, xã Cẩm Kim, sau này Cù Lao Chàm mới phát triển nghề này.
           Đa số quê gốc của những hộ làm nghề mành hiện nay ở Cù Lao Chàm là từ trong đất liền, cha mẹ của họ đã ra Cù Lao Chàm sinh sống vào khoảng từ năm 1960. Thời điểm đó ở Cù Lao Chàm có khoảng 32 hộ làm nghề mành và có 6 ghe mành. Đến khoảng năm 1980 nghề mành phát triển mạnh nhất, có gần 30 ghe mành hoạt động.
 
          Trước tiên, ở Cù Lao Chàm làm nghề mành gai, sau đó chuyển qua mành chà (mành chốt), rồi đến mành đèn, đến khoảng năm 1978, mành điện xuất hiện. Mành điện có nhiều loại, tên gọi liên quan tới từng loại cá đánh bắt, như mành cơm (đánh cá cơm), mành mực (đánh mực), mành bò (đánh cá bò). Nghề mành có phân biệt mành đôi và mành chiếc phụ thuộc vào số lượng ghe cùng hoạt động, mành đôi là có hai chiếc ghe mành cùng hoạt động, mành chiếc là có một chiếc ghe mành hoạt động. Từ khi mành điện xuất hiện, nghề mành ở Cù Lao Chàm đánh bắt rất có hiệu quả, tuy nhiên khoảng 10 năm sau sản lượng đánh bắt của nghề mành ít lại và đến khoảng năm 1999, mành đôi không còn hoạt động nữa và chỉ còn mành chiếc, cho đến hiện nay ở Cù Lao Chàm chỉ còn khoảng 3, 4 ghe mành chiếc còn hoạt động, tuy nhiên mức độ hoạt động không thường xuyên.

          Quy trình hoạt động của nghề mành trải qua nhiều công việc tương đối vất vả, người làm nghề phải có kinh nghiệm, có sức khỏe. Đối với mành chiếc, thời gian hoạt động từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Bắt đầu từ tháng 10, ngư dân làm nghề lo sửa soạn điện, lưới mành, ghe mành… Quy trình hoạt động của mành chiếc là chạy ghe ra địa điểm đánh bắt, neo ghe, thả bè điện xuống nước và nổ máy điện cho sáng, để khoảng 3 giờ đồng hồ thì thả giàn mành, đưa bè điện vào giàn mành và kéo mành lên, lấy vợt xúc cá. Sau đó, quy trình này lặp lại ở một vị trí khác hoặc vị trí cũ nếu như nhận thấy chỗ đó vẫn còn mực, cá. Một đêm đánh khoảng 2 à 3 mẻ như vậy, nếu nhiều thì đánh 4 mẻ lưới.

           Để hoạt động, nghề mành chiếc cần những công cụ, phương tiện sau: 01 ghe, 01 máy điện (15CV), 02 thúng chai, bè điện loại tiếp 1,2m, đèn báo hiệu, giàn mành, 02 vợt, 15 - 20 rổ đựng cá, ghim, nhợ (dùng để vá lưới), máy tầm ngư, radio, bộ đàm…

Nghề mành là một trong những nghề đánh bắt hải sản đòi hỏi nhiều nhân lực, không thể làm riêng lẻ hộ gia đình. Thời gian làm nghề mành điện hiện nay vào khoảng từ 5h chiều đến 6h sáng hôm sau. Nghề mành điện đánh bắt được nhiều loại cá: cá cơm (nhiều nhất), cá nục, cá kình, cá đỏ lằn, cá ngân, cá má, cá sòng, cá trích, cá trác, cá chim đen, cá chim trắng, cá hố, cá rựa, cá xước, cá ngừ; Đối với mành mực thì đánh bắt mực là chủ yếu; Mành bò thì bắt cá bò, cá sòng… chủ yếu là cá lớn, đánh bắt ở khu vực xa.

           Trước đây, khi nghề mành phát triển thì nghề này đã hình thành vạn nghề mành, hàng năm cúng vạn vào ngày 4/4 và 2/8.al tại lăng Ông Ngư - Bãi Làng. Vạn mành gồm có 3 tổ (mỗi tổ khoảng 10 ghe), mỗi năm mỗi tổ thay phiên nhau để lo cúng vạn. Trong vạn có bầu chánh vạn, 02 phó chánh vạn, thư ký và thủ quỹ. Cùng với sự suy giảm của nghề mành, từ năm 2005 vạn nghề đã không còn hoạt động nữa.

          Hiện ở Cù Lao Chàm còn 03 hộ làm nghề mành điện. Các hộ này chủ yếu làm mành mực và mành bò. Nhìn chung, so với trước đây, nghề mành ở Cù Lao Chàm đã giảm đi đáng kể. Những hộ còn đang hoạt động thì không thường xuyên như trước vì ngoài làm nghề mành còn làm nghề lưới, nghề câu… Theo những hộ làm nghề, mức thu nhập của nghề mành hiện nay thấp hơn so với trước và không ổn định, chi phí cao nhưng sản lượng đánh bắt không nhiều. Hơn nữa, nghề mành cần nhiều người làm nhưng hiện ở Cù Lao Chàm thiếu nhân lực để làm, những hộ có điều kiện đều sắm ghe nhỏ để làm nghề riêng lẻ khác hoặc chuyển đổi nghề…

          Cù Lao Chàm với vị thế là vùng đảo, cùng với nguồn tài nguyên rừng và biển phong phú nên từ thời Tiền Sơ sử đã có con người sinh sống. Tại đây, bên cạnh nông nghiệp, lâm nghiệp thì ngư nghiệp là sinh kế chính của người dân địa phương. Vì thế, đánh bắt thủy hải sản là nghề có truyền thống lâu đời, gắn liền với đời sống của cư dân xã đảo từ bao đời nay, trong đó nghề mành là một trong những nghề đã góp phần làm phong phú, đa dạng nhóm nghề đánh bắt hải sản ở Cù Lao Chàm. Với những phương thức đánh bắt, kinh nghiệm, cùng với những tục lệ, tín ngưỡng trong hoạt động của nghề mành đã góp phần làm nên một đặc trưng văn hóa biển đảo của Cù Lao Chàm. 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây