Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Nghề đánh bắt bằng lưới ở Cù Lao Chàm

Vào cuối thế kỷ XVII, trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự, nhà sư Thích Đại Sán đã mô tả: Cù Lao Chàm còn có tên là Cú Lũ, là nơi cung cấp nguồn củi, nước dự trữ cho tàu thuyền qua lại trên vùng biển Đông và cũng là nơi tránh bão của các tàu thuyền lớn lưu hành trên biển Đông. Lúc bấy giờ, cư dân của Cù Lao Chàm có khoảng 300 tráng đinh, chưa kể người già và trẻ con, người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, lấy củi, trồng rau. Trong nhiều tư liệu thư tịch cổ khác cũng mô tả ở Cù Lao Chàm có nghề đánh bắt thuỷ hải nhưng không nói rõ cụ thể là nghề gì.
Ông Tập - Bãi Làng, một trong hai người còn đánh cá bằng lưới rùng ở Cù Lao Chàm
        Qua phỏng vấn hồi cố thì trước năm 1960, lúc chưa có những đợt di dân đến Cù Lao Chàm vì lý do chiến tranh thì tại đây có những nghề đánh bắt thủy hải sản lâu đời, bản địa là nghề lưới rùng, lưới quát, nghề câu tay, nghề lưới bén gần bờ… Các loại lưới được làm bằng sợi của cây gai, nhuộm bằng huyết trâu. Gai có thể tự khai thác ở Cù Lao Chàm về ngâm, đập, chắp bả, quay sợi hoặc mua sợi gai ở Hội An, Duy Xuyên về se sợi, đan thành tay lưới. Đa số các nghề này hoạt động sát bờ (cách bờ vài chục mét đến vài km) vì lúc bấy giờ ở Cù Lao Chàm chỉ đánh cá bằng ghe buồm, chèo tay, không thể đánh xa bờ. Thời gian đánh bắt của các nghề này chủ yếu diễn ra vào mùa biển động, khoảng từ tháng 8 đến tháng Giêng âm lịch. Theo kinh nghiệm của người dân thì lúc này biển thường có sóng lớn hay còn gọi là có nhóc, cá ở ngoài khơi bị xốn mắt do nước đục phải áp vào bờ, việc thả lưới gần bờ thu hoạch được hiệu quả cao. Loại cá đánh bắt được của các nghề này cũng khá đa dạng. Riêng với nghề lưới rùng đã đánh được ít nhất 9 loại cá là cá cơm, liệt, đỏ mắt, nhồng, ngân, kình, dìa, lác, suốt, hố…

        Trong số các nghề lưới bản địa ở Cù Lao Chàm thì nghề lưới rùng có tính đặc thù. Lưới có hai đầu tay lưới dài hàng chục mét, ở giữa có đùng bao để hướng đường, hứng cá và cuối cùng là đụt để đựng cá. Tổng chu vi dàn lưới dài 150m. Khi thả, một đầu tay lưới được giữ trên bờ và được ghe kéo thả xuống nước theo hình vòng cung để tay lưới còn lại trở lại lên bờ. Sau đó, mỗi bên tay lưới có chục người cầm tay kéo dân lên bờ. Trước 1968, ở Cù Lao Chàm, làm nghề lưới rùng có ông Đẹp, ông Trần Tân, Trần Hồ, ông Ty; lưới trũ có ông Trần Cần…
       
        Hiện nay, do một số bãi biển ở Cù Lao Chàm được sử dụng khai thác du lịch và nguồn cá suy giảm do bị đánh bắt ở ngoài khơi bằng các phương tiện hiện đại nên nghề đánh cá bằng lưới rùng bị suy giảm mạnh, chỉ còn 2 hộ đánh bắt.

        Các nghề đánh lưới khác như nghề lưới sưa, lưới 2, lưới chuồn, lưới trích, lưới thanh ba... đều được du nhập ở đất liền vào Cù Lao Chàm từ sau đợt di dân lớn kể từ năm 1964 – 1968 về sau. Đây là những loại lưới cước, nhợ được ngư dân mua sợi về đan hoặc mua từng mành lưới về ghép lại thành giàn lưới.  Vào cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 thế kỷ XX, ghe máy đã xuất hiện tại đây và tạo điều kiện cho một nghề đánh bắt qui mô hơn, xa bờ hơn được phát triển.  Năm 1968, ông Trần Chát từ Duy Nghĩa ra Cù Lao đã đem theo nghề lưới 2, lưới sưa ở quê nhà ra đánh bắt đầu tiên ở Cù Lao Chàm và sau đó nghề lưới hai trở nên phát triển mạnh. Nghề lưới chuồn cũng xuất hiện ở Cù Lao Chàm vào cuối thập kỷ 60 và đến những năm 1978, 1979 đã có 20 - 30 hộ làm làm nghề này. Nghề lưới thanh ba thì xuất hiện ở Cù Lao Chàm muộn hơn, vào thời kỳ sau giải phóng. Ngoài ra còn có các loại lưới bi, lưới rê, lưới ghẹ cũng lần lượt xuất hiện ở Cù Lao Chàm.

        Cùng với sự đa dạng của các loại lưới đánh bắt thì mùa vụ đánh bắt cũng được kéo dài hơn, thậm chí quanh năm. Ngư dân Cù Lao Chàm không còn thụ động chờ biển động để đánh bắt nữa mà đã thực hiện theo phương châm mùa nào, lưới đó. Từ tháng 3 - tháng 9, đánh lưới 2 thu về cá ngân, cá má, sòng, hố, xước, ngừ, thu…; mùa từ tháng 5 đến tháng 11 thì đánh lưới trích thu về cá trích, má, sòng; mùa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau đánh lưới sưa thu về cá thu, thu tù hủ, trảm, cá xác, măng…; mùa tháng 3 – 6 ngư dân lại đánh lưới cá chuồn; cả năm có thể dùng lưới thanh ba để bắt các loại cá liệt, cá trích, cá ngân tôn, cua, mực ghẹ nhỏ…

        Về cự ly đanh bắt, từ chỗ chỉ đánh quanh bờ, cách bờ xa nhất nhất chưa đầy 1km trong thời kỳ trước khi có ghe máy (trước 1960) thì nghề lưới Cù Lao Chàm đã có nghề đánh bắt ở cự ly cách đảo Cù Lao Chàm trên 15 hải lý (nghề lưới vây rút chì), trên 10 hải lý (nghề lưới chuồn)… Nghề lưới sưa ở Cù Lao Chàm có khi đánh bắt ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan (Bình Định), Hòn Nghê, Hòn Chộ (Đà Nẵng). Tính về độ sâu, có nghề đánh cá ở độ sâu 50, 60m (nghề lưới sưa)

        Về cách phân chia, cách 30 - 40 năm, lái (chủ phương tiện, lưới) được hưởng 5 phần/10 phần, 5 phần còn lại chia ra làm năm, lái được hưởng công 1,  còn 4 phần bạn được hưởng. Hiện nay, lái (chủ phương tiện, lưới) được hưởng 5 phần/10 phần, 5 phần còn lại chia đều cho bạn. Mỗi chuyến đi đánh bắt ít nnhất là 4 ngày, lực lượng có ít nhất 5 người, 1 lái, 4 bạn (1 chèo mũi, 2 hoặc 3 người kéo lưỡi, gỡ cá).

         Liên quan tới nghề lưới còn có nhiều kinh nghiệm dân gian rất lý thú để đánh bắt cho hiệu quả. Trong đó, phải kể đến việc nhận biết biểu hiện của thuỷ triều đối với từng thời gian cụ thể trong tháng để tiến hành đánh bắt. Đối với các nghề đánh cá chuồn phải biết cách đón đường đi nổi của cá chuồn và phải lưới nổi theo hình vòng cung sao lưới không bị rối, mắc vào ghe.  Đánh lưới 2 thì phải kinh nghiệm thăm dò rạn tốt để thả lưới. Với nghề lưới sưa thì phải nhận biết được lúc nào dòng nước ngưng chảy sau khi thuỷ triều lên xuống vì lúc này cá sẽ di chuyển thành từng đàn.

         Nghề đánh cá bằng lưới ở Cù Lao Chàm đã có một thời thịnh vượng và lưu giữ nhiều tri thức, kinh nghiệm dân gian về thời tiết, kỹ thuật đánh bắt, chế tác lưới... Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Tân Hiệp, hiện chỉ còn 70 nhân công làm nghề lưới, trong đó có nghề lưới chuồn có 1 hộ, nghề lưới rùng có 2 hộ, nghề lưới sưa có 2 hộ, nghề lưới 2 có 8 hộ, còn lại là lưới trích, lưới ghẹ, lưới thanh ba.

         Việc suy giảm của nghề lưới được các ngư dân ở Cù Lao Chàm cho rằng: Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Cù Lao Chàm chưa đảm bảo do điều kiện xa đất liền và chưa được đầu tư cao khiến cho chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt tăng cao hơn so với những hộ đánh bắt tại đất liền. Phài đầu tư chi phí cao lại gặp phải tình trạng suy kiệt nguồn cá do các phương tiện đánh bắt hiện đại ở xa bờ đã ra quét một cách triệt để nguồn cá. Đồng thời việc thả lưới đánh bắt hiện nay cũng gặp khó khăn do nhiều ngư dân ở nơi khác đến phá hoại làm hư hại giàn lưới, giảm năng suất đánh bắt. Có một điều quan trọng nữa là bối cảnh du lịch phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động trong thời gian hiện nay và tâm lý ngại vươn ra đánh bắt xa bờ của ngư dân.

         Nghề lưới ở Cù Lao Chàm là một nghề thủ công truyền thống, có vai trò bám biển, gìn giữ lãnh hải trong bối cảnh hiện nay. Thiết nghĩ cần phải đẩy mạnh đầu tư khôi phục một nghề đánh bắt hải sản đặc trưng này của địa phương, đồng thời tập trung phát triển một số nghề khơi trong thời gian tới để tích cực hội nhập quốc tế trong quản lý và khai thác biển đảo./.
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây