Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Một vài suy nghĩ về công tác bảo tồn khu phố cổ Hội An

I/ Tính chất và ý nghĩa của “Khu phố cổ Hội An” trong di sản văn hóa của dân tộc: Dân tộc nào cũng có khát vọng khôi phục lại một cách đầy đủ, trọn vẹn, sinh động và chính xác bộ mặt lịch sử quá khứ của đất nước trước hết là nhằm mở rộng giới hạn ý thức dân tộc - cái quyết định sự tồn vong của mọi cộng đồng dân tộc trên thế giới. Trong từng con người cũng chẳng bao giờ tắt nghĩ ý thức muốn tìm hiểu xem cha ông, tổ tiên mình đã từng sống như thế nào, chính việc so sánh đối chiếu cái quá khứ và hiện tại là phương tiện nhằm nhận thức các qui luật của các quá trình phát triển lịch sử, để tư duy về sự tồn tại của xã hội. Mà cũng từ đó mà xác định chính xác xu thế phát triển trong tương lai. Trong lĩnh vực nghệ thuật sự so sánh như thế lại làm nảy sinh ra tình cảm trân trọng đối với truyền thống dân tộc, nét độc đáo trong sự sáng tạo của cha ông, từ đó tạo cho chúng ta sức mạnh tìm tòi, phát hiện và sáng tạo nghệ thuật, góp phần tạo ra những giá trị văn hóa mới cao đẹp hơn. Trong lĩnh vực này các di tích kiến trúc có giá trị rất to lớn về mặt nhận thức. Bởi vì kiến trúc đã từng là người bạn đồng hành không tách rời của con người suốt trong bề dày của lịch sử xã hội loài người. Kiến trúc xuất hiện khởi thủy là do nhu cầu tự bảo vệ, kế tục, duy trì nòi giống của con người. Mãi về sau này trình độ phát triển của xã hội loài người đã đạt tới nhất định thì kiến trúc mới biến thành hình thức lao động nghệ thuật. Như thế rõ ràng là giá trị thực dụng của một công trình kiến trúc tồn tại rất sớm so với giá trị thẩm mỹ của nó. Trước khi là một bộ môn nghệ thuật kiến trúc đã từng là một ngành sản xuất. Nó gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất vật chất của xã hội, gắn với những nhân tố kỹ thuật mới là cái đáp ứng những nhu cầu phát triển của mọi thời đại.
           Hơn bất cứ một nền nghệ thuật nào khác, kiến trúc gần gũi với con người liên tục hàng ngày với tư cách là môi trường nhân tạo để ăn ở, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí về mặt văn hóa. Về mặt này tác động thẩm mỹ của kiến trúc là liên tục và lâu dài hơn so với các bộ môn nghệ thuật khác. Thực tại đó tạo ra ưu việc lớn của kiến trúc với tư cách là phương tiện giáo dục thẩm mỹ trực tiếp thường xuyên lên tục.
 
         Trong lĩnh vực kiến trúc thì một đô thị với không gian kiến trúc rộng lớn bao gồm nhiều công trình kiến trúc đơn chiếc cho nên giá trị nhận thức và tác động thẩm mỹ của nó ngày càng lớn hơn.

          Đô thị là một môi trường có tổ chức do con người tạo ra để phục vụ nhiều mặt hoạt động đa dạng của mình. Ở đó con người không chỉ sống, làm, nghỉ ngơi mà còn sử dụng nó như là môi trường để hình thành thế giới quan, các tiêu chuẩn đạo đức, các nguyên tắc thẩm mỹ, nơi tạo ra những điều kiện cần thiết cho hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học nghệ thuật và các hoạt động sáng tạo khác. Có thể nói các đô thị là một tiểu xã hội trong một xã hội rộng lớn. Đô thị là hình thức hoạt động kiến trúc và xây dựng cao cấp và phức tạp nhất, nó là kết quả của quá trình hợp tác lao động của con người thuộc nhiều ngành chuyên môn khác nhau được thống nhất lại bởi một ý đồ xây dựng kiến trúc chung nhất tức là theo ý đồ quy hoạch ban đầu.

          Rất tiếc rằng trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam các di tích kiến trúc đô thị còn lại chẳng là bao. Cũng do tính chất quí hiếm như vậy cho nên việc bảo vệ loại di tích như thế càng trở nên cấp bách và không thể trì hoãn. Khu phố cổ Hội An đối tượng thảo luận của hội nghị của chúng ta cũng rơi vào tình trạng cụ thể nói trên.

          Các địa điểm cư dân mang tính chất đô thị của Việt Nam thời Trung cổ không những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau, nhưng đặc điểm chung là các ông trình kiến trúc, thành quách, cung điện và cả cơ cấu mặt bằng đô thị chỉ còn tồn tại phố tỉnh kiến trúc. Thậm chí mất hết dấu vết và chỉ còn được nhắc lại trong một vài thư tịch cổ - nghĩa là chỉ còn trên địa danh mà thôi. Cổ Loa lưu giữ 3 vòng đất không nguyên vẹn và một số địa điểm khảo cổ học, kinh đô Hoa Lư còn một vài đoạn thành đất nối liền các dãy núi tự nhiên. Thăng Long - vòng thành đất phía ngoài này đã là đường giao thông. Hai vòng Hoàng thành và tử cấm thành vẫn còn tồn tại trong giả thiết của các nhà khoa học dựa chủ yếu vào các bản đồ cổ còn lưu giữ (phần lớn khó xác định vì không được vẽ trên cơ sở một tỷ lệ nhất định) và một số dấu vết khảo cổ học đã được phát hiện. Như vậy khó có thể khôi phục lại chính xác bộ mặt của cố đô lớn nhất của cả nước. Triển vọng chỉ còn khả năng ghi dấu lại từng khu vực lẻ tẻ qua các cột mốc - là các di tích mang tính chất tư liệu lịch sử thành Tây Đô Thanh Hóa cũng chỉ là tòa thành sừng sững kiên cố bằng đá xanh, song trong nội thành thì hoàn toàn trống rỗng và hiện đang được sử dụng làm đất canh tác.

            Riêng Cố đô Huế còn nguyên vẹn nhưng chủ yếu là dạng kiến trúc cung đình - nơi sinh hoạt và thiết triều của tầng lớp quý tộc phong kiến cao cấp chứ không phải là thị dân.

           Phố Hiến là một thương cảng lớn ở Đàng Ngoài thời phong kiến nhưng từ lâu đời đi vào dĩ vãng. Tại Hà Nội còn có ngõ Phất Lộc chứa đựng kiến trúc nhà ở dân dụng của tầng lớp thị dân nơi kinh kỳ nhưng không thể cho một khái niệm hoàn chỉnh về một đô thị cổ.

           Chỉ còn có Hội An là nơi duy nhất còn giữ lại khu phố cổ - một bộ phận quan trọng của đô thị Hội An xưa với qui mô khá lớn bao gồm các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quý Cáp, Lê Lợi, phố Hai Bà Trưng, đường Bạch Đằng chạy dài ven sông.

          Ở đây ta thấy không chỉ đơn thuần từng ngôi nhà riêng rẻ, một quần thể kiến trúc hay riêng một đường phố mà là một cơ cấu mặt bằng gồm nhiều đường phố hợp lại với các loại kiến trúc mang những chức năng thực dụng khác nhau. Đó là:

           1- Nhà ở của tầng lớp thương nhân
           2- Nhà thờ tộc
           3- Đình
           4- Chùa
           5- Hội quán
           6- Miếu
           7- Cầu

          Mỗi một loại công trình như thế lại chiếm những vị trí khác nhau trong bố cục mặt bằng của khu phố cổ. Rõ ràng ở đây là có một bộ phận cơ cấu đô thị rõ nét - và đó là giá trị lớn nhất của khu phố cổ Hội An, giá trị đó đặt khu di tích này vào vị trí xứng đáng trong di sản văn hóa của dân tộc ta.

        Một khía cạnh khác cũng cần được lưu ý là khu phố cổ Hội An còn lưu giữ trong lòng nó một khối lượng rất lớn những công trình kiến trúc dân gian là nhà ở của tầng lớp thương nhân.

        Do sự phát triển tách biệt và phát triển chậm của các công xã nông thôn và các thành phố trước cách mạng tháng tám, trong các công trình kiến trúc dân dụng và trong một số hình thức sáng tạo, dân gian khác còn lưu giữ rất nhiều những gì được tạo dựng trong quá khứ xa xưa. Tất cả các giá trị văn hóa còn được lưu giữ đến ngày nay đã tách khỏi sự hạn chế xuất xứ của chúng từ trong lòng chế độ phong kiến để trở thành nguồn gốc của nền văn hóa cổ của dân tộc.

         Trong số gần 200 di tích lịch sử và văn hóa do Bộ Văn hóa công nhận vẫn chưa một lần có danh sách một ngôi nhà ở dân dụng ở nông thôn cũng như thành thị. Như thế quả thật chúng ta còn thiếu sự công bằng trong việc đánh giá toàn diện di sản văn hóa do cha ông để lại. Bởi vì kiến trúc đô thị cổ và kiến trúc dân dụng nhà ở là một bộ phận quan trọng trong kho tàng kiến trúc dân gian của Việt Nam cho nên bảo vệ giữ gìn mảng kiến trúc dân dụng nhà ở trong đô thị cổ như Hội An chính là góp phần làm phong phú đa dạng cho di sản văn hóa dân tộc trong tương lai.

        Kiến trúc dân gian thường không gắn với quá trình sáng tạo của một kiến trúc sư hay một nhóm kiến trúc sư cụ thể nào đó. Kiến trúc dân gian không phải là kết quả lao động của một phòng thiết kế cụ thể, không phải là thành quả của sự nghiên cứu tuân thủ theo những qui định, định mức của một trường phái kiến trúc mà người ta vẫn thường giảng dạy ở các trường đại học.

        Kiến trúc dân gian là thành tựu của những truyền thống cổ xưa và tài năng sáng tạo của những nghệ sĩ dân giả - tự học. Họ thường sáng tạo kiến trúc theo nguyên tắc tự làm lấy. Hơn thế nữa trong kiến trúc dân gian bao giờ ta cũng thấy có sự biểu hiện cụ thể đặc trưng của chế độ chính trị và phương thức sống của một xã hội nhất định ở loại kiến trúc này có loại vật liệu xây dựng có tính chất địa phương được sử dụng một cách có hiệu quả, còn các điều kiện khí hậu bao giờ cũng được lưu ý một cách thích đáng.

          Con người và kiến trúc chấp nhận và tuân phục theo thiên nhiên (một mặt trí thức và điều kiện kỹ thuật lúc đó chưa cho con người chinh phục thiên nhiên một cách tuyệt đối, mặt khác chính con người cũng có xu hướng muốn hòa nhập vào thiên nhiên). Địa hình khu vực xây dựng và phong cảnh thiên nhiên không phải là sự cản trở cho kiến trúc, ngược lại chúng trở thành điểm tựa cho kiến trúc mọc lên. Khu đất không bị sửa đổi theo kiến trúc, mà chính kiến trúc của đô thị, của quần thể và từng ngôi nhà phải tuân theo hình dáng của đất.

          Nếu trong kiến trúc chính thống tình hình học là cơ sở là mục đích, nó quyết định cơ cấu mặt bằng của đô thị, thì ở kiến trúc dân gian có tính chất phi hình học lại không phải là mục đích mà là kết quả sáng tạo. Nghĩa là khi xuất phát từ địa hình tự nhiên, từ các công trình sẵn có người nghệ sỹ dân gian bao giờ cũng tạo ra một cái mới hài hòa với những cái đã có và rồi tự nó sẽ tạo yếu tố hình học.

          Tỷ lệ con người là cái được vận dụng triệt để vào hệ thống kiến trúc dân gian. Nó có tác dụng rõ nét tới cả khu cư dân trong các quần thể kiến trúc, một mức độ nào đó ở cả những điểm nhấn theo chiều thẳng đứng các đường phố, các quảng trường. Đi trong phố cổ Hội An ta có cảm giác ấm cúng gần gũi và sự hòa nhập chứ không có sự choáng ngợp. Ở đó tính hoàn chỉnh trong kiến trúc đạt được nhờ mối tương quan rất tuyệt vời giữa những yếu tố không gian giống nhau, trong đó có những hình khối, những mảng không gian chủ đạo đồng thời lại có những hình khối đóng vai trò thứ yếu. Song tất cả hai loại đó lại hài hòa thành cái toàn thể chứ không đối chọi nhau. Mảng không gian và hình khối chủ đạo là các công trình công cộng (đình, chùa, nhà thờ họ, hội quán, đền, miếu...) tuy có được vị trí chủ đạo trong bố cục mặt bằng nhưng chúng lại rất ít về mặt số lượng. Mảng không gian hình khối phụ là các khối nhà ở, chúng chiếm một số lượng rất lớn nhưng phụ thuộc vào mảng khối chính về qui mô và chiều cao. Các mảng khối phụ dù có đóng vai trò thứ yếu nhưng xét về mặt tạo dáng thì chúng lại có những nét riêng biệt của mình.

          Trong cấu trúc của khu phố cổ Hội An không có điểm nhấn mạnh theo chiều thẳng đứng. Rất ít có những ngôi nhà giống hệt nhau, hay trong một ngôi nhà các chi tiết điêu khắc kiến trúc cũng không hoàn toàn giống nhau.

         Tính hữu ích, bền vững và cái đẹp là ba mặt biểu hiện của nguyên tắc cơ bản trong kiến trúc đó là sự thống nhất giữa hai mặt thực dụng và nghệ thuật. Một công trình kiến trúc không thể coi là hoàn mỹ dù rằng nó hữu ích nhưng thời gian sử dụng cái hữu ích lại ngắn ngủi ngược lại nó có thể bền vững nhưng chức năng thực dụng của nó không phục vụ được nhu cầu thực tiễn, hoặc công trình đã có đủ hai cái hữu ích, bền vững nhưng lại không có nét duyên dáng, hấp dẫn.

         Tính bền vững là điều kiện tối cần thiết cho mỗi công trình. Tạo một công trình đòi hỏi một tổn phí rất lớn về vật chất, do đó thời hạn sử dụng chúng càng lâu dài thì hiệu quả kinh tế càng cao. Sự hiện diện của các công trình kiến trúc dân dụng trong khu phố cổ Hội An ngày nay sau mấy thế kỷ tồn tại là bằng chứng hùng hồn về tính chất bền vững của chúng cả về mặt vật liệu xây dựng cũng như kết qủa công trình (theo số lượng thống kê của Xưởng Bảo quản và tu sửa di tích TW, trong khu phố cổ Hội An những công trình kiến trúc cổ vẫn còn giữ nguyên giá trị chiếm tới 52% tổng số các công trình còn lại).

        Tính hữu ích và cái đẹp là hai khái niệm có quan hệ mật thiết. Cái đẹp phải nảy sinh trên cái hữu ích. Lịch sử cho thấy kiến trúc bao giờ cũng mang tính chất hữu ích, nhưng là tính hữu ích hợp lý - nghĩa là nó phải gắn với một mục đích cụ thể. Tính hữu ích luôn có hai mặt biểu hiện: hữu ích vật chất và hữu ích tinh thần. Tính hữu ích bao giờ cũng gắn với một thời đại lịch sử nhất định với hoàn cảnh cụ thể, những con người cụ thể.

           Hình thành trên cơ sở phát triển thương mại của Đàng Trong nhất là ngoại thương khoảng đến thế kỷ XVII, Hội An đóng vai trò của một đô thị thương cảng, mà thường các thành phố phát triển trên cơ sở các khu cư dân thương mại và thủ công thì địa điểm bao giờ cũng ở những nơi giao cắt của các trục đường giao thông thủy, bộ... Hội An cũng là một trong những điểm đáp ứng nhu cầu nói trên, nó còn hội tụ cả hai mặt ưu việt vừa là cảng sông vừa là cảng biển. Chính vì thế nó hữu ích cho việc phát triển nội và ngoại thương của Đàng Trong đầu thế kỷ XVII.

            Là một thương cảng nằm trên bờ sông tất yếu bố cục mặt bằng của nó phải bố trí theo tuyến chạy dọc bờ sông. Dòng sông đã qui định cơ sở hình học ban đầu cũng như qui hoạch tổng thể của đô thị trong tương lai.

           Là loại kiến trúc dân dụng phục vụ chủ yếu cho tầng lớp thương nhân cho nên các ngôi nhà ở Hội An xây dựng theo kiểu mặt bằng hình ống, ăn thông ra hai mặt phố, hoặc một mặt quay ra phía bờ sông. Các trục đường chính chạy dọc theo bờ sông, còn trục của các ngôi nhà lại nằm theo hướng Bắc - Nam. Phần sát mặt phố phía Bắc là cửa hiệu buôn bán, phần trong để ở, phần cuối thông sang phố khác là nơi chứa hàng. Nhiều nếp nhà nối tiếp nhau bởi nhà cầu và sân trời là cho không gian cửa mở rồi đóng và cuối cùng lại mở về hướng ngược chiều.

           Đó là kiểu bố cục mặt bằng tiêu biểu trong tất cả các loại kiến trúc dân gian Việt Nam. Một kiểu bố cục cân đối, khép kín mà bên trong các công trình kéo dài theo chiều sâu, hết lớp này đến lớp khác, các không gian nhỏ lần lượt được mở ra và do đó các khoảng không gian đó luôn luôn mới.

           Trong khuôn khổ một bản báo cáo khó có thể kiến giải hoàn toàn tính chất và giá trị của khu phố cổ Hội An. Qua những điều trình bày ở trên chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là việc giữ gìn và bảo vệ một khu di tích có giá trị như thế đã trở thành vấn đề cấp thiết của ngành bảo tồn bảo tàng chúng ta. Bởi vậy khu phố cổ này vẫn còn giữ được một bộ phận cơ cấu chủ yếu của một đô thị cổ kiểu thương cảng mà phần cơ bản là kiến trúc nhà ở dân dụng của tầng lớp thương nhân. Đó là những di tích quí hiếm trong di sản văn hóa dân tộc.
 
            II/ Xác định chức năng xã hội mới phù hợp với từng loại di tích là biện pháp bảo vệ tích cực nhất đối với một đơn vị di tích tiêu biểu như Khu phố cổ Hội An:
           
           Khả năng thực tế để bảo vệ di sản kiến trúc dân gian trong đó có các ngôi nhà ở của cư dân nông thôn cũng như thành thị, mâu thuẫn với nhu cầu phát triển kinh tế và văn hóa của xã hội chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa cái cũ đang mất đi còn cái mới đang nảy sinh là tất yếu và hoàn toàn phù hợp với qui luật phát triển lịch sử. Những mâu thuẫ n như thế đã, đang và sẽ còn xuất hiện trong cả quá trình phát triển kinh tế, xã hội và chính trị ở nước ta.

           Quá trình công nghiệp hóa trên qui mô toàn quốc, những tiến bộ mới trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, trình độ văn hóa và đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao, việc từng bước xóa bỏ ranh giới, khác biệt giữa nông thôn và đô thị, giữa lao động chân tay và trí óc cũng như nhiều hiện tượng khác đã tạo ra những điều kiện cơ bản thúc đẩy nhanh chóng quá trình hiện đại hóa ngành kiến trúc xây dựng. Tất cả các hiện tượng nói trên tác động qua lại với nhau dưới hình thức này hay hình thức khác đều thể hiện qua nhiều mặt khác nhau trong bộ mặt kiến trúc ở nông thôn và thành thị.
 
            Thứ nhất là người ta muốn áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của ngành kiến trúc xây dựng để cải tạo mở rộng các thị trấn, thị xã và các thành phố cũ. Đặc trưng cơ bản là cơ cấu phân bố mặt bằng của các khu dân cư đó bị biến đổi cơ bản. Nó sẽ bị chia ra thành những khu vực có chức năng hoàn toàn riêng biệt khu dân cư, khu công nghiệp, khu hành chính công cộng, khu trung tâm văn hóa và dịch vụ. Hơn thế nữa việc sử dụng rộng rãi các loại nguyên vật liệu xây dựng hiện đại, các biện pháp kết cấu mới cho phép các kiến trúc sư tạo ra nhiều hình khối kiến trúc mới to lớn hơn, đồ sộ hơn, hiện đại hơn. Và những cái mới đó sẽ đối lập, tương phản thậm chí phá vỡ sự cân đối hài hòa của các công trình kiến trúc cổ và không khí riêng của một khu phố cổ.

           Xu hướng thứ hai là thể hiện ngay trong nhu cầu mới của cuộc sống hiện đại. Đó là nguyện vọng của một số người muốn dứt bỏ cái gọi là “tàn tích cũ”. Mà theo quan điểm thực dụng thời cổ, như ở Hội An là không đủ tiện nghi để phục vụ nhu cầu hiện đại và đơn giản hơn là không còn cần thiết nữa. Và dù có duy trì lại thì họ lại tùy tiện sửa chữa cả nội ngoại thất của công trình, miễn sao chúng thích nghi với hoàn cảnh mới là được. Như vậy trong nội thất từng ngôi nhà sẽ có những biến đổi rất lớn. Ví dụ: Tổ chức lại mặt bằng từ khu vực dùng để ăn, ngủ, tiếp khách và khu vực phụ. Đặc biệt là người ta đã thay đổi trang thiết bị nội thất bằng những đồ đạc mới như tủ, giá sách, ghế sa-lông là mặt hàng được sản xuất hàng loạt tại nhà máy. Ngoài ra còn phải kể đến đèn điện, máy khâu, máy thu hình, tủ lạnh là những vật dụng hoàn toàn xa lạ với căn nhà nội thất thời xưa.

             Thật vậy xét về mặt thực dụng thì ngôi nhà gỗ kiểu cổ một khi được hiện đại hóa sẽ có nhiều ưu điểm mới. Nhưng nếu nhìn nhận chúng với tư cách là một di tích kiến trúc dân dụng hoặc xét chung dưới góc độ sử học và dân tộc học thì các ngôi nhà như thế đã bị tước bỏ mất những đặt điểm và sắc thái riêng của mình. Đó là những di tích mang giá trị văn hóa rất quí, một khi đã bị mất sẽ không phục hồi lại được nữa. Một đặc điểm nữa cũng cần được lưu ý là phần lớn những công trình nhà ở dân dụng của các tầng lớp thị dân Hội An đều thuộc quyền sở hữu tư nhân. Bởi vậy hiện tại cơ quan bảo vệ di tích không có quyền hạn và không đủ khả năng tài trợ kinh phí để trùng tu các di tích và do đó cũng không làm cách gì buộc chủ nhân của chúng sửa chữa ngôi nhà của mình vào đúng lúc cần thiết, theo đúng nguyên tắc khoa học. Nguy hại hơn nữa các cơ quan bảo vệ di tích không có quyền ngăn cản hoặc cấm không cho chủ nhân tự sửa chữa hay xây dựng thêm các công trình mới theo nhu cầu riêng của từng gia đình.

           Nếu ngay bây giờ chúng ta không tìm được biện pháp thích hợp để duy trì bảo vệ thì từng bước các di tích quí hiếm ở Hội An sẽ bị tước bỏ các yếu tố nguyên gốc của mình và do đó sẽ kéo theo sự thay đổi diện mạo của khu phố cổ - bộ phận quan trọng của đô thị cổ Hội An xưa.

            Thực tế ở các nước có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ di tích lịch sử và văn hóa cho thấy rằng dù có được bảo đảm về mặt luật pháp cũng như tài chính, một di tích sau khi được trùng tu cũng chỉ tồn tại được trong một giới hạn thời gian nhất định. Nếu không tìm được vị trí thích hợp trong xã hội hiện đại, bị coi là vật không cần thiết thì nhất định sớm hay muộn cũng bị xóa bỏ.

           Cho nên muốn cho một di tích đơn chiếc, quần thể kiến trúc, hoặc là một cơ cấu đô thị tồn tại lâu dài nhất thiết chúng phải cải tạo làm thích nghi với những nhu cầu của xã hội hiện đại, phải sống với nhịp thở của thời đại.

          Đó là lý do vì sao những năm gần đây người ta chú ý nhiều đến việc nghiên cứu xây dựng các trung tâm cổ của thành phố, các thị trấn cổ hoặc các bộ phận đô thị cổ thành các bảo tàng phục vụ cho nhu cầu tham quan du lịch. Có nghĩa là cả khu phố cổ Hội An phải được coi là một di tích cần được bảo vệ. Trước hết chúng ta phải bảo vệ và trùng tu nhằm giữ lại bố cục không gian kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ đó. Sau đó trên cơ sở nghiên cứu xác định rõ hướng phát triển của nó trong tương lai với tư cách là một một bảo tàng khu cấm - đối tượng tham quan du lịch, nghỉ ngơi giải trí đông đảo quần chúng.

         Vấn đề Hội An còn phức tạp hơn nhiều bởi vì nó là cơ cấu đô thị cổ mà hiện tại không còn gánh chức năng vốn được xác định cho nó ngay từ lúc mới hình thành. Hội An đã mất đi chức năng của một thương cảng, một địa điểm buôn bán giao dịch sầm uất thời trung cổ. Thị dân Hội An ngày nay chủ yếu sống vào nghề thủ công và buôn bán nhỏ.

         Vậy trong tương lai khi nó trở thành một bảo tàng khu cấm thì việc tổ chức đời sống thị dân là vấn đề cần giải quyết dịch vụ du lịch có đủ sức duy trì sự tồn tại của tầng lớp thị dân đó hay không là phải có ngành nghề kinh tế nào khác. Như nghề thủ công (như dệt, đan lát,...) hiện tồn tại ở Hội An có hướng phát triển trong tương lai hay không, dân số của nó sẽ phát triển như thế nào, đến mức nào thích hợp. Hiện tại đó vẫn là những ẩn số cần tìm hiểu.

           Nếu chấp nhận sự cải tạo thích nghi thì chức năng xã hội nào phù hợp với các di tích kiến trúc dân dụng nhà ở của thị dân.

          Tất cả các vấn đề nói trên chỉ được giải quyết trong bản kế hoạch bảo vệ, trùng tu và tôn tạo khu phố cổ Hội An thành một bảo tàng khu cấm, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Bản kế hoạch đó phải được xây dựng trên cơ sở công tác nghiên cứu của nhiều ngành khoa học mà trước hết là nhiệm vụ của các kiến trúc sư làm nhiệm vụ bảo tồn di tích. Mặt khác chúng ta cũng phải xuất phát từ qui hoạch tổng thể phát triển thị xã Hội An về mặt kiến trúc đô thị, kinh tế, văn hóa mà đề xuất ra nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ Hội An cho phù hợp.

          Chúng tôi không có tham vọng và không có đủ khả năng vạch ra cụ thể từng loại chức năng xã hội mới cho phù hợp cho từng loại hình di tích có mặt ở khu phố cổ Hội An. Mà chỉ có một số kiến nghị cụ thể như sau:

          - Cần có sự bảo vệ chặt chẽ về mặt pháp chế và sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước cho việc bảo vệ và cải tạo thích nghi di tích kiến trúc “Khu phố cổ Hội An” phục vụ cho những nhu cầu hiện đại của xã hội.

         - Để bảo vệ được khu phố cổ Hội An nhất thiết phải tìm cho nó và cụ thể là từng di tích đơn chiếc trong cơ cấu đô thị cổ những chức năng hữu ích mà chúng ta thực hiện được. Mặt khác phải cải tạo thích nghi các di tích đơn chiếc với những chức năng mới nhưng không được gây tổn hại tới mặt giá trị thẩm mỹ nghệ thuật của chúng.

        - Để đạt được mục đích trên cần có sự kiểm tra đối với việc phát triển của thị xã Hội An trong tương lai. Thực chất là vấn đề bảo vệ khu phố cổ phải trở thành một bộ phận của qui hoạch tổng thể, phát triển kiến trúc đô thị của Hội An.
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)
 
 
 

Tác giả: PTS: Đặng Văn Bài

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây