Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Mối tương quan giữa Hội An và Đà Nẵng trong lịch sử (thế kỷ XVII, XVIII, XIX, XX)

          Ngày nay, Hội An và Đà Nẵng dễ gợi ra trong trí mọi người như là hai biểu tượng của quá khứ và hiện tại. Người ta hãnh diện về tuổi tác của Hội An như một ông lão tự hào về năm tháng từng trải: thành phố cổ nửa nghìn năm! Ngược lại ta tưởng chừng như Đà Nẵng trẻ trung mới được ông Tây khai sanh với tên Tourane “dưới sông tàu chạy, trên đường hỏa xa(1).

         Thực ra, ý tưởng đó không đúng. Trong thịnh thời của Hội An, Đà Nẵng đã hiện diện và đóng góp một phần công sức. Và chỉ mới đầu thế kỷ XX này, Hội An còn là “một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất(2) đã tích cực gây dựng cho Đà Nẵng tiến dần lên địa vị một thương cảng quan trọng của miền Trung.

          Trong dòng thời gian mối tương quan Hội An - Đà Nẵng khá chặt chẽ trong quá khứ sẽ còn củng cố và phát triển trong tương lai. 

          Không ai nghi ngờ gì về thời kỳ vàng son của Hội An dưới thời các chúa Nguyễn, lần đầu tiên ở Đàng Trong, một thành phố cảng có màu sắc Quốc tế đã hình thành. Nhiều ngoại kiều đã đến mở các cửa hàng buôn bán, thương thuyền tứ xứ lui tới hàng năm để trao đổi hàng hóa, sản vật. Cảnh tượng sầm uất, bán buôn thịnh vượng của Hội An thời đó khiến cho những ai đã một lần đặt chân đến không thể nào quên !

          Christoforo Borri, đến Đà Nẵng năm 1618 ở lại Đàng Trong đến năm 1623, từng cư trú ở Hội An, đã ghi lại trong hồi ký:

          “Thành phố rộng rãi nên có thể nhận ra hai khu vực, một của người Trung Hoa ở và khu vực kia của người Nhật... người Trung Quốc và người Nhật là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên này, năm nào cũng mở và kéo dài trong 4 tháng. Người Nhật thường đem lại bốn, năm vạn nén bạc... Người Trung Quốc bằng thuyền buồm, chở đến nhiều tơ luạ tốt và sản vật đặc biệt...(3).

          Sự thịnh vượng của Hội An vào cuối thế kỷ XVII, còn được một nhà sư Trung Quốc, Thích Đại Sán ghi nhận:

          “Vì Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước, thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm, gọi là Đại Đường nhai, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt... cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố, cách bờ bên kia tức Trà Nhiêu nơi đình bạc của tàu ngoại quốc. Nhân dân đông đúc, tôm cá rau quả tập hợp mua bán suốt ngày. Thuốc bắc hay các hàng khác tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây(4). Vào thời kỳ vàng son ấy của Hội An, bộ mặt của Đà Nẵng ra sao ?

          Christoforo Borri cho chúng ta biết Đà Nẵng và Hội An thuở đó thông với nhau bằng một con sông. Người ta có thể đến Hội An bằng hai cửa: cửa Touron và cửa Pullu Ciampello (cửa Đại).

          “Hai cửa này cách xa nhau ba hay bốn dặm, tiếp tục đi vào bằng hai con sông khác nhau. Hai con sông này cuối cùng gặp nhau ở một nơi ở đó (tức Hội An) người ta thấy tàu biển vào bằng cửa này hoặc cửa kia(5).

          Con đường sông nối liền Đà Nẵng và Hội An mà Borri miêu tả ở trên đã được sư Đại Sán sử dụng. Đại Sán đến Phú Xuân vào năm 1695, sau một thời gian làm thượng khách của chúa Nguyễn Phúc Chu, ngày 7 tháng 8 năm 1695, sư được chúa Nguyễn sai một đoàn tám chiếc Hồng thuyền đưa vào Hội An để từ đó đáp thuyền buồm về nước.

          Sáng sớm ngày mồng tám, đoàn thuyền vào vịnh Đà Nẵng, rồi khởi hành vào Hội An, bằng cách ngược sông Hàn. Cùng đi vào Hội An sáng đó, có một đoàn thuyền chở lương của chúa Nguyễn mà “cột buồm xúm xít như rừng”. Hết sông Hàn đến ngang núi Tam Thai (Non Nước) sư cho neo thuyền để lên bộ ngoạn cảnh. Non nước hữu tình đã hấp dẫn nhà sư ngoại quốc. Đại Sán muốn vãn cảnh Ngũ Hành Sơn lâu hơn nhưng viên giám quan sợ trễ hẹn kỳ đã giục hòa thượng lên đường. Đại Sán đã ghi lại trong hải ngoại ký sự:

          “Ta tiếc sơn thủy thắng du, tạo vật ghét ghen gì bấy. Kế lên thuyền, mở neo chưa được bao lâu, mặt trời đã về tối. Thuyền do sông nhánh đi đường tắt, nước ròng cạn, bị thuyền lương ngáng đường, quân nhân nhảy xuống bùn lầy, kéo đẩy không nhúc nhích. Nổi giận đánh lung tung, quân nhân nổ lực vác thuyền đẩy đi. Qua canh hai đến bờ Hội An(6).

          Con sông nào đã nối sông Hàn với Hội An ngang qua Ngũ Hành Sơn? Nhờ Đại Nam Nhất Thống Chí và nhiều tài liệu dẫn sau, ta biết đó là sông Cổ Cò - Lộ Cảnh Giang.

          “Lộ Cảnh Giang (sông Cổ Cò) ở cuối hai huyện Diên Phước, Hòa Vang: sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía bắc đến phía tây núi Tam Thai, nhập với sông Cẩm Lệ, nay nước sông cạn, ghe thuyền không đi được(7).

          Sự kiện ấy hẳn là trước năm 1906, niên đại chậm nhất của Đại Nam Nhất Thống Chí ghi được.

          Xã Thanh Châu ở bên tả ngạn sông Hội An, phía hạ lưu. Vậy con sông mà thuyền lương của chúa Nguyễn với cột buồm xúm xít như rừng và 8 chiếc Hồng thuyền của phái bộ Thích Đại Sán sử dụng chính là sông Cổ Cò, đã bị bồi lấp và đầu thế kỷ XX, nước cạn, thuyền ghe không đi được.

          Bản đồ vẽ năm 1787 của Le Floch de la Carriere(8) bản đồ của đại Nam nhất thống chí đều có vẽ sông này. Nó còn được John White, một người Hoa Kỳ, đến Đà Nẵng vào năm 1819 xác nhận:

          “Một nhánh sông nhỏ đi lại được với các loại thuyền bè, chảy từ hướng Đông Nam của vịnh Đà Nẵng, cho phép giao thông với thành phố Hội An(9).

          “Sông kia rày đã nên đồng...” Con sông Cổ Cò bị bồi lấp từ đầu thế kỷ nay chỉ còn lại một đoạn ngắn về phía Hội An, đó là sông Đế Võng. Tuy nhiên, quan sát từ máy bay hay khảo sát địa hình từ phía Nam Ngũ Hành Sơn, ta vẫn còn nhận ra dấu vết con sông Cổ Cò tấp nập thuyền bè ngày nào.

          Chính do con sông này mà người Châu Âu lui tới Đàng trong vào thời đó đã xem Đà Nẵng và Hội An như là một hải cảng duy nhất với hai ngõ vào và trên bản đồ họ ghi bằng một tên chung: Port de Cacciam, Port de Kean (kẻ Chiêm, kẻ Hàn).

          Đến đây, chắc hẳn một vài câu hỏi cần được đặt ra: Tại sao Hội An với cửa Đại còn cần đến Đà Nẵng ?

          Từ Đà Nẵng vào Hội An có thể dùng đường biển vậy sông Cổ Cò có lợi ích gì ?

          Tài liệu hàng hải của Bồ Đào Nha về bờ biển Việt Nam đã trả lời cho chúng ta.

          “Các tàu có trọng tải lớn không thể vào sông Hội An nên phải xuống hàng ở Đà Nẵng(10).

          Le Floch de la Carriẻre đã cẩn thận ghi chú ở dưới bản đồ năm 1787 đã nói ở trên.

         “Con sông Hội An cũng có những bất tiện y như con sông ở kinh đô (sông Hương), một dải cát ngầm trải ngang trên sông làm cho sông cạn, chỉ cho phép tàu nhỏ vào được mà thôi. Nhưng vịnh Đà Nẵng lại có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và hải cảng rất thuận lợi”.

          Xem như thế, quan hệ Đà Nẵng- Hội An đã quá rõ. Thuyền buôn đến Hội An vì dòng sông Hội An bị dải cát bồi chắn ngang nên sử dụng ngõ Đà Nẵng là tiện lợi nhất. Thuyền có trọng tải lớn sẽ neo ở vịnh Đà Nẵng lên hàng và xuống hàng sẽ thực hiện ở đó. Thuyền nhỏ sẽ theo sông Cổ Cò trao đổi hàng với Hội An. Thuyền có trọng tải nhỏ hơn sẽ ngược sông Hàn, theo sông Cổ Cò đến cập bến để đổ hàng và lấy hàng ở Hội An. Nhờ sông Cổ Cò, thuyền khỏi đi vòng bán đảo Tiên Sa, rút ngắn được lộ trình và được an toàn hơn.

          Đà Nẵng với lợi thế hàng hải (vịnh sâu, kín gió và với sông Hàn, sông Cổ Cò liên lạc được với Hội An) đã đóng một vai trò liền cảng (avant-port) cho Hội An từ thế kỷ XVI...

          Đến thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn qui định mọi tàu buôn Tây phương chỉ được phép đến buôn bán tại Cửa Hàn mà thôi(11) Đà Nẵng trở thành nơi tàu cập bến, thông qua các thủ tục an ninh và quan thuế, thực hiện việc bốc dỡ hàng... nhưng việc thu mua, tích trữ hàng hóa, bán buôn và phân phối hàng hóa là những hoạt động quan trọng của Hội An.

          Hoạt động này vào năm 1819, còn nhộn nhịp như thuyền trưởng Rey của tàu Henry nhận xét :

          “Hội An như cách gọi ở Ấn Độ là một cửa hàng bách hoá lớn(Bazar), thành phố chỉ có một con đường khá dài, các nhà phố đều xây bằng gạch và chỉ có một tầng, tất cả đều được bố trí để buôn bán. Mặt trước là nơi bày các loại hàng hóa, phía sau là những kho hàng kín đáo. Người ta nói rằng thành phố có đến 6 vạn dân mà một phần ba là người Trung Hoa... Các thuyền buôn Trung Quốc trọng tải đến 600 tấn, hàng năm đến ngay trước thành phố(12).

          So với ghi nhận của Borri và Đại Sán ở đầu và cuối thế kỷ 17, người ta thấy Hội An đầu thế kỷ XIX không thay đổi gì mấy. Cho đến lúc Đà Nẵng trở thành nhượng địa (1888) và được mở rộng (1901) Hội An vẫn còn giữ vị trí thương mại quan trọng của nó.

          Báo cáo của Phòng thương mại Đà Nẵng cho biết khoảng 1891, các xà lúp thương mại (chaloupe de commerca) có thể đi lại dễ dàng trên con sông nối liền Đà Nẵng và Hội An. Nhưng rồi con sông Cổ Cò sau đó bị bồi lấp và đến 10 năm sau, năm 1902, những thuyền tam bản đáy sâu cỡ 30cm cũng bắt buộc chờ thủy triều lên cao mới đi được từ Đà Nẵng đến Hội An, một trong những trung tâm thương mại quan trọng”(13).

          Trước tình trạng cần báo động đó, Phòng thương mại đề nghị chọn 1 trong 2 biện pháp:

          - Vét sông Cổ Cò và các sông khác.

          - Thực hiện một con đường sắt Đà Nẵng - Hội An. Giải pháp thứ nhất không thực hiện nổi. Người ta chọn giải pháp thứ 2  vì thế năm 1904 đường sắt Đà Nẵng - Hội An được hoàn thành và đưa vào sử dụng vận tải hàng hóa. Đường sắt khởi từ phía tây bán đảo Tiên Sa chạy men theo hữu ngạn sông Hàn, ngang qua Ngũ Hành Sơn và vào đến Hội An.

          Ngày 9/10/1905 đường sắt Decauville Tourano- Faifo (hay Tramway de Lllot de LObservatoire à Faifo) mở ra cho hành khách sử dụng.

          Con đường này được duy trì cho đến ngày 27/10/1916 khi một cơn bão lớn thổi bay mấy đoạn đường rầy. Và năm sau, 1917, nhà nước phát mãi luôn một đầu máy, các toa tàu và con đường sắt đứt khúc.

          Thời gian hoạt động của đường sắt Decauville chính là: thời gian Đà Nẵng còn cần dựa vào Hội An để phát triển. Có người muốn ví con sông Cổ Cò và sau đó đường sắt Decauville như là cuống nhau nối bà mẹ Hội An và thai nhi Đà Nẵng. Nhưng 30 năm (1888 - 1917) là thời gian quá đủ cho Đà Nẵng trưởng thành: Thu hút thương nhân Pháp, Hoa, Việt đến kinh doanh và kiện toàn các cơ sở cùng phương tiện kinh doanh.

          Sông Cổ Cò bị bồi lấp. Đường sắt được thiết lập rồi hủy bỏ. Những sự kiện ấy đánh dấu một giai đoạn trong quá trình phát triển của Đà Nẵng, đồng thời cũng báo hiệu chấm dứt thời kỳ thịnh đạt của Hội An.  

          Đà Nẵng với lợi thế hàng hải đã tạo điều kiện cho Hội An trở thành một trung tâm thương mại phồn thịnh sầm uất trong mấy trăm năm. Đến lượt nó, Đà Nẵng đã dựa vào Hội An trên bước đường trưởng thành để trở nên một thương cảng bậc nhất của miền Trung.

          Mối quan hệ gắn bó lâu đời và máu thịt giữa hai thành phố đất Quảng này, ngày nay càng có cơ sở phát triển mà chẳng cần đến một con sông Cổ Cò hay con đường sắt Tourane - Faifo.

          Sự hợp nhất tất yếu giữa hai thành phố chỉ cách nhau hơn 300km này trong tương lai chỉ là vấn đề thời gian. Lúc bấy giờ Đà Nẵng và Hội An sẽ được nối với nhau bằng các nhà máy, các cột điện cao thế “xúm xít như rừng” và vẻ hữu tình của Non Nước, nét đẹp cổ kính của kiến trúc Phố Hội, chùa Cầu vẫn là những gì hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước hằng ngày đến viếng thăm vùng đất Quảng phồn thịnh và thân yêu.
 

(1) Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn. Dưới sông tàu chạy, trên dàng hỏa xa (vè Đà Nẵng). 
(2) Báo cáo của phòng Thương mại Đà Nẵng tháng 11-1902.
(3) Les Buropéen quiont vu le vieux Ilue: Christoforo  Borri: BAVH, số 3 và 4 (1931).
(4) Thích Đại Sán - Hải ngoại ký sự Đại học Huế xuất bản, Huế 1963, tr. 154. 
(5) Dẫn bởi Phan Khoang, Việt sử ký Đàng Trong, Khai trí Sài Gòn, 1961, tr. 530.
(6)  Thích Đại Sán, Hải Ngoại Kỷ Sự
(7)   Quốc sử quán - Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Quảng Nam bàn dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Bộ giáo dục (Sài Gòn) xuất bản 1964, tr. 41.   
(8) In l¹i trong s¸ch Iconographie Histouque de L’Indo chine cña Bordet vµ Masson Paris, 1931 phô b¶n XVI.
(9) Manguin Les Portugais sur les côtes du VietNam et du Cam.
(10) pa, Ecole D’Extr.
(11) Quốc sử quán - Quốc triều chánh biên, Huế, 1925, tr. 205.   
(12) Relation du 2 voyage du Henry à la Cochinchine BSEI tập VII (1932) tr. 70 - 71.
(13) Procès Verbaux của Phòng thương mại Đà Nẵng, tập I.
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)

Tác giả: Trần Viết Ngạc

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây