Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2015)

Vững vàng trên mặt trận tư tưởng - Tháng 1.1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV diễn ra tại thôn Adhur (A Duân) thuộc huyện Bến Hiên (nay là huyện Đông Giang). Đối với công tác tư tưởng, Đại hội nhấn mạnh: “Ở đồng bằng vừa tuyên truyền vừa móc nối xây dựng lại cơ sở đảng, rút thanh niên xây dựng lực lượng vũ trang. Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian đến”. Từ đây, bộ máy Ban Tuyên huấn được thành lập lại, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về mặt tổ chức, mở ra thời kỳ hoạt động và đóng góp mới của ngành đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Cuối năm 1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cũng được tách thành hai. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam do đồng chí Trần Minh Mẫn làm Trưởng ban. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà do đồng chí Hà Kỳ Ngộ làm Trưởng ban. Mặc dù tách làm hai nhưng công tác tuyên huấn ở hai tỉnh vẫn luôn có mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ được cấp ủy và nhân dân giao phó.
In tài liệu phục vụ tuyên truyền ở vùng giải phóng năm 1966 (ảnh tư liệu).
      Xua tan tư tưởng ngại Mỹ
     Sang năm 1963, nhất là sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, công tác tuyên huấn của Đảng tập trung vào việc tuyên truyền đường lối, phương châm, chiến lược của cách mạng miền Nam; nhấn mạnh vào phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công” trên cả ba vùng chiến lược; khắc phục tư tưởng hữu khuynh, thiếu niềm tin vào quần chúng nhân dân vùng địch kiểm soát. Từ đó xác định rõ phương hướng, mục tiêu và đối tượng tấn công để phát động nhân dân nổi dậy liên tục phá ấp chiến lược, phá kèm kẹp và làm chủ phần lớn nông thôn, đồng bằng.

     “Chiến tranh đặc biệt” thất bại thảm hại, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân viễn chinh và quân chư hầu trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, mở đầu cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Khi đế quốc Mỹ đổ bộ vào Chu Lai (7.5.1965) và một số địa phương khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xuất hiện tư tưởng ngại Mỹ, không dám đánh Mỹ. Trước tình hình đó, công tác tuyên huấn đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta và khẳng định chiến thắng cuối cùng tất yếu thuộc về ta; vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân học thư Đảng, toàn dân hiến kế đánh giặc Mỹ” với tinh thần “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”.

     Để phục vụ đấu tranh trực diện với lính Mỹ khi chúng đi càn và cho công tác binh vận, ta tổ chức cán bộ, đảng viên có trình độ tú tài học tiếng Anh. Sau khóa học, học viên tỏa về địa phương mở các lớp học tiếng Anh tại chỗ. Lớp học tiếng Anh đầu tiên ở Quảng Đà được mở ở Xuyên Hòa và Xuyên Khương (nay là xã Duy Hòa, Duy Xuyên), sau đó mở rộng và liên tục ra toàn tỉnh. Ở Quảng Nam, lớp tiếng Anh đầu tiên do nhà văn Phan Tứ mở ở xã Kỳ Sanh (nay là xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành). Chiến thắng Núi Thành (26.5.1965) đã khẳng định chúng ta có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Công tác tư tưởng giai đoạn này đã góp phần quan trọng thúc đẩy cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực kháng chiến làm thất bại âm mưu của địch trong việc mở rộng chiến tranh ra cả nước.

      Sát cánh cùng nhân dân
      Bước vào năm 1971, để đối phó với âm mưu tách dân ra khỏi cách mạng, ta chủ trương xây dựng lực lượng “nhiều tầng, nhiều tuyến, ngăn cách, bí mật, chủ động”. Đồng thời ngành tuyên huấn tăng cường phát động cán bộ, đảng viên móc nối bà con của mình về vùng giải phóng trụ bám làm ăn và tham gia công tác cách mạng. Cán bộ, đảng viên vùng tranh chấp, vùng ven thực hiện nguyên tắc “4 bám” (cán bộ bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới) để xây dựng và phát triển phong trào. Trong công tác giành dân, ta khéo léo vận động quần chúng thấy được nỗi khổ nhục khi vào sống trong các trại tập trung, khu dồn của địch. Nhiều bài ca dao, vè được sáng tác để vận động nhân dân trở về làng cũ. Chẳng hạn câu ca vận động chống xúc tát, dồn dân: “ Đói lòng ăn nửa trái sung/ Còn hơn vào trại tập trung An Hòa/ Ta về ta ở vườn ta/ Ôm cây cột cháy cũng là thơm danh”.
Biến đau thương thành sức mạnh
Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt thì ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đây là tổn thất vô cùng to lớn đối với dân tộc ta; cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà vô cùng đau xót. Ngành tuyên huấn đã tuyên truyền, vận động đồng bào, chiến sĩ ở vùng giải phóng cũng như vùng địch tạm chiếm tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác Hồ. Nhiều hình thức để tang và truy điệu được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tổ chức, kể cả dưới hầm bí mật. Không ít gia đình trong vùng địch kiểm soát đã lập bàn thờ để tưởng niệm Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Giải phóng. Trong các khu dồn, nhà tù của địch, cán bộ, chiến sĩ tìm mọi cách làm lễ truy điệu Bác… Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức phát động phong trào đăng ký “Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ”; Ban Tuyên huấn Quảng Nam phát động cuộc vận động “Biến đau thương thành hành động cách mạng”, “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và được nhân dân hưởng ứng tích cực, đồng thời ra được tập sáng tác thơ văn “Đời đời ơn Bác”.
     Đối với bà con bị địch bắt vào sống trong khu dồn An Hòa (Xuyên Hòa, Duy Xuyên), đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Đặc khu ủy đã viết cho các cụ phụ lão Xuyên Hòa một bức tâm thư và dặn cán bộ tuyên huấn dựa vào đó mà phát động quần chúng phá khu dồn, giành dân. Trong thư, đồng chí Hồ Nghinh dẫn một câu chữ Nho: “Lung kê hữu thực than oa cận; Dã hạc vô lương thiên địa khoang” (nghĩa là: “Con gà ở trong lồng có thức ăn đó nhưng nồi nước sôi ở gần; Con hạc kia không có chi ăn nhưng bầu trời rộng mênh mông”. Thư đến tay, các cụ phụ lão bàn nhau thà làm con hạc tung bay trên bầu trời còn hơn như con gà chờ ngày bị cắt tiết, nên vận động bà con trở về làng cũ.

     Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27.1.1973), công tác tuyên huấn tập trung hướng dẫn và liên tục mở những đợt học tập nghị quyết, chỉnh huấn, sinh hoạt chính trị, mở hội nghị chuyên đề chống “bình định”, chống chiến tranh tâm lý của địch. Nhờ đó, đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ bản chất hiếu chiến, ngoan cố và âm mưu thủ đoạn của địch, tạo ra cục diện mới chống lấn đất, giành dân... Khi thời cơ cách mạng xuất hiện, đội ngũ công tác tuyên huấn đã đến những nơi gian khổ, ác liệt để làm công tác tư tưởng nhằm động viên nhân dân hưởng ứng các phong trào cách mạng, nổi dậy đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Tác giả: BẢO NGỌC

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây