Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Cây Di sản tại Miếu tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm

Ngày 26/5/2009, Cù Lao Chàm - Hội An vinh dự trở thành Khu dự trữ sinh quyển Thế giới. Hiện nay, Cù Lao Chàm là một địa danh du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Đến với Cù Lao Chàm, một địa chỉ tham quan thú vị gắn liền với nghề khai thác yến sào nổi tiếng ở Hội An đó là miếu Tổ nghề Yến. Với những giá trị nổi bật về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa và khoa học, ngôi miếu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006. Riêng, vào năm 2014, cây Kén và cây Nánh cổ thụ ở sân miếu đã được công nhận là cây di sản cùng với cây đa và 03 cây ngô đồng đỏ khác ở Cù Lao Chàm.
Cây Di sản tại Miếu tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm
          Miếu tổ nghề yến là công trình kiến trúc độc đáo tọa lạc tại Bãi Hương, Hòn Lao, Cù Lao Chàm. Văn bia lưu giữ tại miếu cho biết ngôi miếu được xây dựng quy mô vào năm Tự Đức nguyên niên, tức vào năm 1848 bởi ông Hồ Văn Hòa và một số chức dịch làng Thanh Châu. Ngôi miếu được xây dựng trên một gò cát cách bờ biển không xa, mặt tiền xoay ra biển, hướng Tây - Tây Bắc. Mặt bằng tổng thể ngôi miếu gồm phía trước là tam quan lớn đề miếu - Yến nghệ Tổ miếu, tức miếu Tổ nghề yến và cặp câu đối Hán tự. Tiếp theo là sân miếu lát gạch lục giác với chính giữa là bình phong hình cuốn thư trang trí hình con hổ ở mặt ngoài và phong cảnh biển đảo có đàn chim yến đang bay lượn ở mặt trong. Kế đến là công trình chính gồm hai nếp liên tiếp, có hệ khung bằng gỗ với các chi tiết trang trí chạm trổ và bào soi chỉ, tường bao xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương với bờ nóc và bờ chảy trang trí dao lá, đề tài “lưỡng long tranh châu” bằng thủ pháp đắp và cẩn mảnh sứ. Không gian nội thất ngôi miếu thiết trí các bàn thờ thờ những bậc tiền bối khai sáng nghề yến sào và chư thần liên quan đến sông nước. Các khám thờ lớn tại các bàn thờ được chạm lộng, chạm nổi nhiều đề tài, đồ án bát bửu, câu chữ Hán tự và được son son thếp vàng rực rỡ, linh thiêng. Vào ngày 10/3âl, lễ tế tổ nghề Yến được tổ chức long trọng tại ngôi miếu theo nghi thưc truyền thống nhằm cầu cho quốc thái dân an, nghề yến được ngày ngày phát triển.

          Hai cây Nánh và cây Kén di sản nằm ở bên phải và trái khu vực sân giữa tam quan và bình phong, có tuổi gần 200 năm, tỏa bóng che mát cả sân miếu.
          Cây Kén nằm ở bên phải sân miếu, có tên gọi khác là Kên, Nuốt cò ke, tên khoa học là Casearia grewiaefolia Vent.var. deglabrata Koord &Val, thuộc họ Mùng quân. Cây cao chừng 18m, chu vi cây ở vị trí 1,3m là 2,89m, tương đương với đường kính là 0,92m. Cây phân cành thấp thành 2 nhánh ở độ cao 2,2m, cành và lá non nhẵn không lông, lá đơn nguyên, mọc cách, hoa nhỏ màu xanh vàng.

          Cây Nánh nằm ở bên trái sân miếu, có tên gọi khác là Mát đen, Thàn mát rủ, Thàn mát nước, tên khoa học là Millettia nigrescens Gagnep, thuộc họ Đậu Cánh bướm. Cây cao chừng 16m, chu vi cây ở vị trí 1,3m là 1,94m, tương đương với đường kính là 0,62m. Lá kép lông chim, mọc cánh, màu xanh tươi khi còn non, gân có lông ở hai mặt. Hoa ở nách lá đầu cành, dài đến hơn 15cm, màu tím nhạt.

          Cây Nánh và cây Kén di sản ở sân miếu góp phần tăng thêm dáng vẻ cổ kính và uy nghiêm của ngôi miếu, đồng thời tạo nên một không gian văn hóa riêng cho cộng đồng vào những ngày hè oi bức với những hoạt động gắn liền với đời sống của ngư dân như đan vá lưới, trao đổi kết quả về những chuyến đánh bắt hay vừa hóng mát vừa kể nhau nghe những chuyện xưa về đảo với những địa danh, con người và cuộc sống “cơm gắm mắm cà” của một thời khó khăn. Vào mùa hoa, những chùm hoa tim tím trổ dày trên từng cành lá cây Nánh di sản gợi một cảm giác quyến rũ, ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi có dịp được thưởng ngoạn.
 

 
 


Hình ảnh cây di sản ở miếu Tổ nghề Yến - Ảnh: Hồng Việt
 
 
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây