Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Cải tiến sản xuất ở làng gốm Thanh Hà

Nhiều nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (Hội An) đã chủ động đưa công nghệ ở một vài khâu trong chuỗi sản xuất nhằm rút ngắn thời gian, tiết giảm nhân công, tăng sức cạnh tranh.
Nhờ cải tiến sản xuất, hiệu suất cơ sở của nghệ nhân Lê Văn Xê tăng lên rõ rệt. Ảnh: TRIÊU NHAN

          Nhiều năm qua, cùng với việc hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng làng nghề, từ nguồn khuyến công, TP.Hội An đã hỗ trợ một số nghệ nhân làng gốm xây dựng 7 lò nung truyền thống, trong đó có 4 lò nung truyền thống công suất 7m3 và 3 lò nung công suất 2,5m3 phục vụ sản xuất và trình diễn phục vụ tham quan, du lịch. Từ một dự án khoa học công nghệ (KH-CN) nhỏ do Sở KH-CN thực hiện, một số hộ dân làng nghề cũng đã được đào tạo, chuyển giao công nghệ nung gốm bằng lò đốt gas, 2 hộ dân làng nghề còn được hỗ trợ nâng cấp 2 lò đốt thủ công thành 2 lò đốt cải tiến công suất lớn (17m3) theo cơ chế hỗ trợ 50% nguồn hỗ trợ Nhà nước và 50% vốn đối ứng của nghệ nhân. Lò đốt cải tiến này được dựa trên thông số kỹ thuật của ngành gốm, sứ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm gốm, sứ mỹ nghệ. Lò đốt cải tiến chuyền dòng ống khói lên trời không gây ảnh hưởng tới khu dân cư. Tuy nhiên, do tính chất đặc trưng của làng nghề truyền thống, người dân phần lớn còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa đủ khả năng để ứng dụng công nghệ này nên tới nay, cả làng nghề chỉ còn 1 hộ dân còn duy trì lò đốt cải tiến. Lò nung bằng gas về mặt lý thuyết giúp giảm thiểu ô nhiễm, tạo ra dòng sản phẩm có giá trị và chất lượng cao, song cho tới nay vẫn chưa ai đứng ra đầu tư công nghệ này vì chi phí đối ứng quá cao so với năng lực sản xuất của người dân.

          Theo ông Nguyễn Hào - Cán bộ phụ trách kinh tế phường Thanh Hà, năm 2014, giá trị bình quân, tổng doanh thu sản phẩm tại làng gốm Thanh Hà là 1,8 tỷ đồng, tương đương 70.000 sản phẩm. Để tăng sức cạnh tranh, nhu cầu nâng tầm giá trị sản phẩm, cải tiến sản xuất là bức thiết, song Nhà nước chỉ hỗ trợ cần câu, chủ lực vẫn là người dân. Trong năm 2015, địa phương sẽ hỗ trợ bà con đầu tư một số máy chế biến đất nhằm giảm sức lao động, giảm thời gian người dân bỏ ra trong quá trình làm đất theo cơ chế 50/50 (tức 50% hỗ trợ Nhà nước và 50% vốn đối ứng). “Cùng với nhu cầu cải tiến sản xuất, vấn đề xử lý môi trường đang bức thiết, xử lý chất thải rắn (tro bụi) và nước thải yêu cầu đầu tư công nghệ rất tốn kém, hơn nữa làng gốm lại nằm trong khu dân cư, nhà cửa sít sát nên rất khó khăn trong thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm. Chúng tôi đang lập đề án, trình cấp trên thẩm định, hỗ trợ kinh phí” - ông Nguyễn Hào nói. Từ nguồn khuyến công, địa phương đã tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho thanh niên trẻ tại địa phương, đã tổ chức đưa nghệ nhân làng nghề đi tham quan, học tập tinh hoa, công nghệ từ các nơi khác để học tập, ứng dụng linh hoạt vào sản xuất. Công ty Nhà Việt thời gian qua cũng đã thu hút được đông đảo đội ngũ trẻ đào tạo mẫu, kêu gọi nghệ nhân làng nghề sáng tác mẫu mới vừa biểu diễn cho khách xem, vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của khách hàng trên thị trường.

          Nhiều năm nay, lò nung gốm truyền thống cải tiến của gia đình ông Lê Văn Xê vẫn duy trì hoạt động, lò có thể nung nhiều dòng sản phẩm khác nhau với số lượng sản phẩm lên tới 2.200 cái, mỗi mẻ nung kéo dài 20-25 ngày trong khi đó, lò truyền thống trước kia chỉ nung trong 5 ngày, nhưng tối đa chỉ 700 - 800 sản phẩm. So với nhiều hộ dân làng nghề, cơ sở của ông Lê Văn Xê cơ bản giữ độ ổn định và lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, nguồn nguyên liệu, nhân công để lò nung cải tiến hoạt động. Ông Lê Văn Xê chia sẻ: “Muốn phát triển phải có đầu tư, nếu rặt thủ công, vừa chậm vừa không đáp ứng đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Gia đình tôi chủ động ứng dụng công nghệ ở khâu làm đất là chính như sắm máy gọt đất (khâu làm nguội), máy đùn phục vụ nhồi nhuyễn đất và làm chín đất, nhờ đó giúp tiết kiệm đáng kể nhân công, thời gian sản xuất, sản lượng ra cũng nhanh hơn, đẹp hơn”. Ước tính, chỉ với 1m3 đất, nếu làm rặt thủ công, sẽ tốn 2 nhân công và thời gian là 2 ngày, nhưng nhờ có máy đùn, máy gọt đất, có thể tiết kiệm 1 nhân công và chỉ tiêu tốn khoảng 3 tiếng đồng hồ để cho ra đất chín. Một vấn đề quan trọng nữa là làm đất theo kiểu thủ công phải đòi hỏi có người biết làm nghề mới làm được, trong khi máy đùn chỉ cần lao động bình thường vẫn có thể làm được. “Nếu làm rặt thủ công, công sức bỏ ra quá nặng nề, khó kham nổi nếu sản xuất với số lượng lớn. Nhờ áp dụng máy móc, tốn một lần nhưng hiệu quả tăng, nhờ đó gia đình tôi cũng giải quyết công ăn việc làm cho 7 lao động tại địa phương” - ông Xê nói.

          Ở làng gốm Thanh Hà, một số nghệ nhân đã đẩy mạnh dòng gốm mỹ nghệ cao cấp như nghệ nhân Ngụy Trung, Lê Quốc Tuấn. Đối với dòng gốm này, bên cạnh kỹ thuật thủ công truyền thống, các nghệ nhân đã áp dụng kỹ thuật rót (đúc khuôn), kỹ thuật tạo hoa văn với tính nghệ thuật cao… đáp ứng thiết kế, mẫu mã yêu cầu của khách. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ chỉ ở một vài công đoạn nhỏ nhưng đã giúp tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả lao động tăng lên rõ rệt.

 
 

Tác giả: TRIÊU NHAN

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây