Di tích đình Hội An được xếp hạng di tích cấp tỉnh
- Thứ hai - 03/01/2022 20:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 15/12/2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3674/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh cho 04 di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó thành phố Hội An có 01 di tích là đình Hội An ở địa chỉ số 27 đường Lê Lợi, phường Minh An, dân gian thường gọi là đình làng Hội, đình Ông Voi.
Đình Hội An (Đình Ông Voi) - Ảnh: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
Đình Hội An được xây dựng vào thế kỷ XVIII và đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đình có bố cục mặt bằng, kết cấu, kiến trúc đặc sắc so với các đình làng người Việt ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng; vừa mang tính truyền thống vừa thể hiện được sắc thái mới do sự chi phối của hoạt động thương nghiệp – ngoại thương tại Đô thị thương cảng quốc tế Hội An trong lịch sử. Hệ thống thờ tự tại đình cũng vô cùng đặc sắc, ngoài vị chủ thần Đại Càn còn có một số vị thần bảo hộ mang yếu tố văn hóa truyền thống đa ngành nghề, vùng miền.
Ngôi đình không chỉ cung cấp tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của làng/xã Hội An mà còn minh chứng cho vai trò của làng/xã Hội An đối với sự phát triển chung của Đô thị thương cảng Hội An suốt nhiều thế kỷ, nhất là về hoạt động thương nghiệp – ngoại thương, trong cơ cấu hành chính và sinh hoạt văn hóa của phố Hội An xưa. Đặc biệt, danh xưng “Hội An” gắn với di tích, với làng mang ý nghĩa nơi hội tụ an lành dần trở thành danh xưng của một vùng đất chỉ về một Đô thị thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đàng Trong trong lịch sử, về đô thị tỉnh lỵ của Quảng Nam qua nhiều thời kỳ, về một đơn vị hành chính cấp thành phố hiện nay, gắn với hai di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là Khu phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh về lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Sau thời gian thi công tu bổ từ nguồn ngân sách của thành phố, ngôi đình đã được trả lại các giá trị nguyên bản cả về vật thể và phi vật thể vốn có. Hiện nay, nhân dân và du khách có thể đến di tích để chiêm bái và tham quan công trình đặc sắc này ngay giữa lòng phố Hội.
Ngôi đình không chỉ cung cấp tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của làng/xã Hội An mà còn minh chứng cho vai trò của làng/xã Hội An đối với sự phát triển chung của Đô thị thương cảng Hội An suốt nhiều thế kỷ, nhất là về hoạt động thương nghiệp – ngoại thương, trong cơ cấu hành chính và sinh hoạt văn hóa của phố Hội An xưa. Đặc biệt, danh xưng “Hội An” gắn với di tích, với làng mang ý nghĩa nơi hội tụ an lành dần trở thành danh xưng của một vùng đất chỉ về một Đô thị thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đàng Trong trong lịch sử, về đô thị tỉnh lỵ của Quảng Nam qua nhiều thời kỳ, về một đơn vị hành chính cấp thành phố hiện nay, gắn với hai di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là Khu phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh về lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Sau thời gian thi công tu bổ từ nguồn ngân sách của thành phố, ngôi đình đã được trả lại các giá trị nguyên bản cả về vật thể và phi vật thể vốn có. Hiện nay, nhân dân và du khách có thể đến di tích để chiêm bái và tham quan công trình đặc sắc này ngay giữa lòng phố Hội.