Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Xây dựng đô thị di sản thông minh

Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, bảo tồn phát huy di sản; quản lý du lịch, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền… là những mục tiêu mà Hội An đang hướng đến với dự án xây dựng đô thị di sản thông minh.
TNB 42448 03
Xây dựng đô thị di sản thông minh sẽ giúp Hội An quản lý tốt các hoạt động xã hội, nhất là hoạt động du lịch và bảo tồn di sản. Ảnh: V.LỘC
 

Xúc tiến dự án

Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, việc xây dựng đô thị di sản thông minh sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu cho Hội An, nhất là công tác bảo tồn di sản và quản lý xã hội.

“Với đô thị thông minh, hàng loạt cảm biến sẽ được xây dựng dọc các ngôi nhà cổ để theo dõi độ ẩm, mối mọt, mức độ nguy hiểm, xuống cấp công trình. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera an ninh, chúng ta có thể giám sát các hoạt động xã hội, du lịch, kể cả các thủ tục cải cách hành chính… Tuy nhiên, đây là một dự án phức tạp cần trình độ kỹ thuật và nguồn kinh phí lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban, ngành, đơn vị…” - ông Ngọc nói.

Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An được UBND TP.Hội An giao kết nối với tổ chức JICA (Nhật Bản) và các bên liên quan. Dự kiến, nguồn kinh phí triển khai xây dựng đô thị di sản thông minh TP.Hội An khoảng 10 triệu USD.

Trong buổi làm việc với ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An đề xuất JICA hỗ trợ Hội An về tài chính hoặc kỹ thuật để xây dựng thành phố thông minh, bởi đây là xu hướng của tương lai.

Theo ông Sơn, sở dĩ thành phố mong muốn JICA hỗ trợ mà không phải một tổ chức nào khác vì Hội An có mối quan hệ lâu dài với các địa phương của Nhật Bản. Ông Shimizu Akira thống nhất về mặt thủ tục, đồng thời cho rằng, xây dựng thành phố di sản thông minh là vấn đề quan trọng nên cần có thời gian để 2 bên thảo luận chi tiết hơn.

Dù vậy, trước mắt Hội An cũng nên chủ động xây dựng những cơ sở dữ liệu thông tin liên quan về các công trình di tích, di sản, kể cả phương thức quản lý dữ liệu, bởi phát triển nền tảng dữ liệu sẽ giúp xây dựng dịch vụ, quản lý quy hoạch đô thị phức hợp tiện lợi, nhất là bảo tồn di sản, quản lý du lịch, môi trường, giao thông tốt hơn...

Nhiều tiện ích

Thực tế, đô thi di sản thông minh về cơ bản chính là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, qua đó giúp nâng cao đời sống người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên…

Theo ông Phạm Phú Ngọc, nếu so sánh đô thị thông minh như một cơ thể người thì trí tuệ nhân tạo sẽ là bộ não, các hệ thống cảm biến là các giác quan và mạng viễn thông sẽ là hệ dây thần kinh. Vì vậy, bên cạnh xây dựng cơ sở dữ liệu, Hội An sẽ thiết lập các dịch vụ, du lịch thí điểm đô thị di sản thông minh tại một số xã, phường như thiết bị camera quan sát quản lý giao thông; wifi công cộng; xây dựng thông tin dữ liệu về cơ sở y tế, trường học; thông tin các điểm tham quan, di tích, mua sắm, ăn uống, giải trí; xây dựng dịch vụ quản lý và giám sát an ninh trật tự trong phố; quan trắc cảnh báo tình trạng ô nhiễm sông Hoài, kênh mương Chùa Cầu…

Để điều hành hoạt động, một mạng lưới cảm biến và thiết bị kiểm soát sẽ cung cấp những thông số liên quan cho các nhà quản lý, giúp cải thiện khả năng chẩn đoán và ra quyết định. Đặc biệt, phát triển ứng dụng du lịch thông minh hỗ trợ du khách. Du khách có thể tải các dữ liệu thông qua mã QR để tiếp cận những thông tin về điểm tham quan, các khu vui chơi, giải trí, mua sắm… xung quanh vị trí mình đứng.

Mặc dù hiện vẫn chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về cách thức triển khai đô thị thông minh, nhưng một yêu cầu quan trọng của đô thị di sản thông minh là hệ thống hạ tầng phải được khớp nối đồng bộ. Đặc biệt, chú trọng đến yếu tố tăng trưởng xanh thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, nhất là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận, hành trình xây dựng mô hình đô thị di sản thông minh được thành phố xem là con đường dài, nhưng cũng là mục tiêu phải hướng đến. Do đó, thành phố sẽ bố trí ngân sách thường xuyên, tập trung vào các vấn đề cấp thiết của Hội An như quản lý di sản, quản lý du lịch và quản trị hành chính, cùng với đó sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hội An trở thành đô thị di sản thông minh trong tương lai.

Tác giả: VĨNH LỘC

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây