Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Vang bóng nghề đóng tàu thuyền

Đóng ghe bầu rồi đóng tàu cá cỡ lớn - dấu xưa hưng thịnh làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) chỉ còn quá vãng...
ghe thuyen cam kim
Sửa chữa tàu cá ở làng nghề đóng tàu Kim Bồng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
 

      Từ chiếc ghe bầu xưa

      Nghề biển Quảng Nam phát triển từ lâu đời. Tự xa xưa ngư dân đã vươn khơi xa đến tận Hoàng Sa để đánh bắt hải sản. Một sản phẩm đặc sắc của nghề biển trên địa bàn tỉnh là tạo nên chiếc ghe bầu - độc đáo đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu hàng hải trong và ngoài nước ghi nhận với niềm thán phục.

      Ghe bầu hay thuyền buồm xứ Quảng có mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, xỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái nên có khả năng di chuyển nhanh, xa và chống chọi được sóng gió, giữ an toàn.

      Ghe bầu thường dùng loại buồm hình tứ giác bố trí ở 3 vị trí mũi, khoang và lái để “hút gió” vươn mạnh trên biển. Mắt ghe khắc hình khá dài, trước tròn, đuôi mắt dài nhọn... mang theo khát khao chinh phục biển cả mênh mông của ngư dân.

      Các công trình nghiên cứu ghi lại, vào những năm đầu của thế kỷ trước, các đoàn buôn bán của người dân Cẩm Nam, Thanh Hà, Sơn Phong, Cẩm Phô, Cẩm An (Hội An) hay Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) vẫn còn cưỡi sóng biển bằng ghe bầu để giao thương khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Với những chuyến hải trình dài đó, các “vạn” bán đồ gốm sứ, mây tre đan, đồ gỗ, thủy, hải sản, nông sản… và thường hay mua về gạo, các vật dụng thường nhật khác.

      Hội An xưa là thương cảng đô hội - nơi tập trung rất nhiều thuyền buồm đến từ khắp các vùng miền trong và ngoài nước. Phải chăng nhờ đó mà nghề đóng ghe bầu ở làng mộc Kim Bồng đã tiếp biến được nhiều giá trị độc đáo của châu Âu, Trung Quốc và Chămpa.

      Những chiếc ghe bầu xứ Quảng với “cột buồm xúm xít, chi chít dây thừng” như ngày xưa không còn nữa ở các bến sông hay cửa biển nhưng có thể tìm thấy qua 2 hình mẫu chiếc ghe bầu đang được bố trí… trên bờ. Phiên bản gốc của chiếc ghe bầu xưa đang được lưu giữ trong căn nhà nhỏ ở thôn Trung Hà (xã Cẩm Kim).

      Ông Nguyễn Đình Thận - con trai của nghệ nhân Nguyễn Sung vẫn kiên trì gìn giữ “bản chính” ghe bầu dù cho nhiều cá nhân, tổ chức đã nhiều lần dạm mua với giá rất cao.

      Ông nói: “Cha tôi hồi còn sống đã ngày đêm thu thập tài liệu, nghiên cứu để tạo tác được chiếc ghe bầu rất nhỏ nhắn nhưng biểu trưng được các giá trị cốt lõi của ghe bầu xưa di chuyển qua nhiều vùng biển lớn”.

      Chiêm ngưỡng “bản chính” ghe bầu đó có thể nhận thấy sự mềm dẻo trong kiến trúc sườn và vỏ với 2 đặc tính là nhẹ nhàng và chịu đựng tốt. Chất liệu tạo nên chiếc ghe bầu là gỗ mít - không quá đắt đỏ nhưng khá nhẹ và đến nay vẫn chưa bị mối mọt tàn phá.

      Nhìn kỹ mới phát hiện chiếc ghe bầu được xảm kỹ lưỡng bằng dầu rái nên đến nay dù qua chừng 30 năm vẫn rất mới. Một phiên bản khác là chiếc ghe bầu đang được trưng bày ở Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch (80 Trần Phú, Hội An). Chiếc ghe bầu này cũng được nghệ nhân Nguyễn Sung dày công tạo tác sau khi được nghệ nhân Huỳnh Ri mời.

      Mai một làng nghề

      Quãng những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, đóng tàu cá tiếp nối nghề đóng ghe bầu ở làng mộc Kim Bồng. Do truyền đời từ nhiều thế hệ nên các nghệ nhân của làng nghề không mất quá nhiều thời gian để từng bước phát triển và nâng lên tầm hưng thịnh.

 
ghe thuyen trung bay bao tang 80
Chiếc ghe bầu được trưng bày ở Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch (80 Trần Phú, Hội An).
 

      Những thập niên đó, các chủ tàu cá lớn của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa nghe tiếng lành đồn xa đã đến đặt cọc đóng tàu. Có thời làng nghề đóng tàu Kim Bồng kéo dài khắp các dải ven sông các thôn Đông Hà, Trung Hà. Nhiều chủ cơ sở đóng tàu cùng lúc khởi công 5-7 chiếc tàu cá lớn.

      Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thấn - chủ cơ sở đóng tàu cá ở thôn Đông Hà nhớ lại: “Quãng những năm 1980 tôi có đến 20 người thợ giỏi gắn bó. Vui nhất là khi bàn giao tàu cho ngư dân, họ rất phấn khởi cứ khen không ngơi”.

      Giai đoạn chạm đỉnh của nghề đóng tàu Kim Bồng rơi vào khoảng những năm đầu thế kỷ 21. Nghệ nhân Nguyễn Nhân - chủ cơ sở đóng tàu cá ở thôn Trung Hà chia sẻ: “Theo thời gian, hạn ngạch đóng tàu công suất lớn giảm dần. Rồi hồi đó, hồ sơ, thủ tục, bản vẽ, thiết kế chuyển từ Quảng Nam ra Hà Nội để phê duyệt rất nhiêu khê. Cả chủ đóng tàu lẫn chủ trại đều nản lòng. Thế rồi từ đó nghề mai một dần dù chất lượng, tiếng thơm vẫn duy trì đến tận hôm nay”.

      Nhiều người đã rất quyến luyến với nghề đóng tàu Kim Bồng khi hiện nay làng nghề vẫn duy trì hoạt động nhưng cầm chừng… thắc thỏm. Một số trại đóng tàu chuyển qua đóng các loại ghe nhỏ để bơi ven sông, không bõ công sức. Một số chủ khác thì chuyển sang “làm nước”, tức là sửa chữa cho các tàu thuyền sau thời gian hoạt động nhiều đã xuống cấp.

      Thời gian đã phủ lớp trầm lên làng đóng tàu Kim Bồng. Biết làm sao được, nhiều thế hệ lãnh đạo TP.Hội An và xã Cẩm Kim đã trợ sức, đặt bao kỳ vọng khôi phục trở lại quãng hoàng kim cho làng nghề; dẫu vậy, chỉ còn những dấu phai mờ của niềm hoài nhớ quá vãng.

Tác giả: VIỆT NGUYỄN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây