Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Trọn đời cho di sản

Hành trình kể từ ngày mang danh phận Di sản văn hóa (DSVH) thế giới của Hội An và Mỹ Sơn đã tròn 20 năm (1999 - 2019).
TNB 10160 01
Hội An đang đi sâu vào những giá trị văn hóa trong ứng xử, sinh hoạt để phát triển đô thị cổ theo hướng bền sâu hơn. Ảnh: Lê Trọng Khang

Đã từng tìm gặp những người đi gõ cửa các đại sứ quán để tìm cách định phận DSVH thế giới cho Mỹ Sơn và Hội An, nay, chúng tôi lại có cơ duyên gặp thêm những lớp người tiếp nối - mở sâu thêm các cánh cửa bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà KTS. Kazik, hay cụ Nguyễn Bội Liên... đã bước đến.

Lắng nghe từ đền tháp

Một buổi chiều muộn, theo chân họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ len lỏi vài con đường nhánh để tìm gặp những thảo mộc mà theo lời ông, Mỹ Sơn không chỉ có đền tháp. Với ông, Mỹ Sơn không còn là chốn dừng chân, mà là nơi để ông tự do vẽ, tự do tự tại với thiên nhiên. Ông nấu một nồi canh đãi khách, nào củ cải trắng rồi rau tập tàng, vài khúc xương heo mua từ người đàn bà đạp xe vòng quanh làng bán dạo, vậy mà ngon không tưởng. Tôi nói với ông Hỷ, hình như vì ngồi ăn giữa bao quanh là cỏ cây tưởng như hoang dại này - vì thực ra cần chăm chút kỹ mới có dáng của hoang dại như vậy, mà nhấm thứ gì vào cũng nghe ra vị ngon. Chuyện đã nhiều năm, nhưng mỗi lần nhắc, lại nghe ông Hỷ nói bao la những điều lạ lùng khác ở Mỹ Sơn, ở vùng đệm của khu đất di sản. Và nói hay. Đến nỗi người Mỹ, người Ý, người Ấn... khi muốn tìm một hướng dẫn viên theo kiểu chuyên sâu về kiến trúc đền tháp, giá trị văn hóa ẩn trong lòng di sản này, lại được dẫn đến Nguyễn Thượng Hỷ. Trong dòng tư liệu về những người của 20 năm hành trình di sản, bắt đầu từ 1999, nếu không có tên của Nguyễn Thượng Hỷ, hẳn là một thiếu sót lớn. Những gì ông làm với địa danh này, đâu thể nói khô rốc bằng những con số, hay thành tựu trùng tu...
 

images1501732 DSC09885 PT1
Mỹ Sơn càng ngày càng thu hút khách du lịch vì những giá trị văn hóa dày dặn của mình. Ảnh: Phương Thảo
 
Không lãng du như Nguyễn Thượng Hỷ, nhưng cũng là người giúp đỡ khá đắc lực cho kiến trúc sư người Ba Lan Kazik, Lê Văn Minh - hiện là Trưởng phòng Bảo tồn của Ban Quản lý DSVH Mỹ Sơn, đến giờ vẫn chưa thôi say mê với những viên gạch, kiến trúc, hiện vật tìm thấy được sau mỗi lần khai quật, trùng tu. Ông cũng là người đến thời điểm hiện tại ở Mỹ Sơn có dịp tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia nước ngoài nhiều nhất. Từ năm 1988, Lê Văn Minh đã vào làm việc tại Mỹ Sơn với vai trò người phụ trợ cho KTS. Kazik, khi Mỹ Sơn đúng kiểu là một “lò gạch đổ” hoang phế. Với những kiến thức học được từ KTS. Kazik, sau này, khi nhóm chuyên gia Ý tiếp tục thực hiện trùng tu nhóm tháp G, Lê Văn Minh vẫn là người được chọn làm cộng sự đắc lực của họ. Không dừng lại ở đó, Lê Văn Minh nói, chính môi trường làm việc ở Mỹ Sơn khiến ông không thể để mình dừng sự học hỏi: học từ kỹ thuật, kiến trúc trùng tu đến ngoại ngữ, tìm hiểu cặn kẽ về giá trị văn hóa của từng khu tháp. Năm 2013, Lê Văn Minh là người đã phát hiện ra bảo vật quốc gia “Mukhalinga” (Linga có gắn đầu tượng thần) ngay lúc ông đi kiểm tra hiện trạng tháp E1 sau một cơn mưa hè tại Mỹ Sơn. Lê Văn Minh nói, khi ấy cảm xúc không thể nào diễn tả được, dù chưa biết hiện vật này có giá trị như thế nào, bởi với một người gắn bó cùng Mỹ Sơn đã hơn 30 năm như ông, đây như một cơ duyên. Mỗi ngày, bước chân mình còn được đặt lên khu đất đền tháp, thì như còn nghe thấy được về một thế giới huyền ảo. Đó là điều khiến Lê Văn Minh lúc nào cũng say sưa với Mỹ Sơn...
Nghĩ cho tương lai
Đã xuất hiện lớp người nghiên cứu mới ở Hội An, sau những công trình sưu tầm, nghiên cứu đồ sộ của KTS. Kazik, cụ Nguyễn Bội Liên hay những người yêu phố cổ từ mọi quốc gia, đã chắt chiu những vốn liếng từ các lĩnh vực của đời sống vùng đất này. Ở đó, người ta chứng kiến sự ra đời của rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về bia ký, kiến trúc nhà cổ, các tầng vỉa văn hóa từ nhiều thế kỷ. Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn DSVH Hội An Nguyễn Chí Trung chia sẻ, ghi nhặt những diễn biến của di sản hiện tại cũng như khơi mở lại các giá trị văn hóa có từ lâu đời sẽ góp phần định hình cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Hội An. Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An, Trần Ánh... chính những nhà nghiên cứu gắn bó với Hội An từ trước khi nơi này được công nhận là DSVH thế giới. Họ như tấm bản lề nối quá khứ và hiện tại bằng những luận cứ khoa học cũng như xác nhận thực tế để việc nghiên cứu Hội An đi một con đường dài củng cố tri thức nền về lịch sử văn hóa.
Ngoái nhìn lại quãng thời gian 20 năm, Hội An đã thay nhiều lớp áo để tiệm cận hơn với một khu di sản biết cách phát triển dựa trên vốn liếng sẵn có. Và hẳn đã “làm sang” cho đất cũ, theo một góc nhìn tích cực. Ở đó, có các sự kiện văn hóa, hội lễ thường niên làm nên điểm nhấn cho Hội An. Và người ta lại nhớ ngay về người đàn ông của những hội lễ, những cuộc giao lưu văn hóa làm nên câu chuyện của đất di sản, là Võ Phùng. Hẳn ông đã đủ trọn đời mình cống hiến cho sự phát triển theo cách của một vùng đất văn hóa du lịch văn minh.
Và bây giờ, người ta lại hoan hỉ để cùng nhìn nhận đường hướng phát triển cho một giai đoạn mới của phố Hội, rằng đã đến lúc, những bước đi nên chắc chắn, và vững bền hơn. Không phải đi nhanh, mà là đi chậm. Chậm rãi để vững chắc. Làm được điều này, cần người sống cùng phố Hội, ở bên trong đời sống của di sản mà nhìn nhận, chứ không phải đứng ngoài lề, hay đứng ở phía bên trên sự vận động. Ông già Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn DSVH Hội An, người chấp bút đề án “Hội An nhân tình thuần hậu” đã chọn lựa cho mình cách gắn bó di sản như vậy. Nhìn thấy những điều khác lạ trong đời sống của cư dân phố cổ, mang nó đối sánh với các giá trị, nếp sống tốt đẹp đã định danh Hội An, để chọn lọc, đưa ra bộ quy chuẩn và tìm cách để chính quyền công nhận, đưa vào cuộc sống người dân...
Ở phố Hội, vẫn còn những nhà nghiên cứu chọn mình những chỗ đứng khác biệt, nhưng đều chung một điểm: nghĩ và nhìn cho tương lai di sản.

 02/03/2019 21:21 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: LÊ QUÂN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây