Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Tri thức dân gian ở phố

Các đô thị thường là nơi khởi phát các tri thức khoa học hiện đại. Nhưng với Đô thị cổ Hội An, các tri thức dân gian mới là hồn cốt tạo nên thương hiệu cho thành phố này.
Images1534682 TNB 76
Đèn lồng Hội An chỉ nên thiết kế bằng một số màu sắc chủ đạo thay vì quá lòe loẹt, sặc sỡ. Ảnh: Q.T

“Hái ra tiền” từ tri thức dân gian

Khái niệm tri thức dân gian được hiểu theo nghĩa rộng đó là các truyền thống lâu đời, kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Với bề dày của một đô thị trải qua hơn 400 năm thăng trầm, cư dân của thành phố bên sông Hoài đã tích lũy và duy trì được kho tàng tri thức dân gian quý giá mà càng về sau này thì các tri thức dân gian này càng chứng tỏ được giá trị của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà (Bảo tàng Quảng Nam) việc làng gốm Thanh Hà đến nay vẫn tồn tại và bảo lưu những kỹ thuật sản xuất truyền thống là điều không phải làng gốm nào cũng duy trì được trước sức ép của khoa học công nghệ. Do đó đối với lịch sử nghề gốm Việt Nam, hiện tượng làng gốm Thanh Hà trở thành nguồn tư liệu quý để tìm hiểu kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á. Theo thống kê, chỉ trong quý 1.2019, lượt khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà) đạt tới hơn 217 nghìn lượt (tăng 137% so với cùng kỳ). Từ một làng gốm hiu hắt vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, những nghệ nhân và người làm gốm ở Thanh Hà hiện nay đã có thể sống được và có của ăn, của để từ các sản phẩm mình tạo ra.

Từ sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ lúc Hội An còn là một thương cảng sầm uất thuộc Đàng Trong, nền ẩm thực của phố Hội càng trở nên đặc sắc, đa dạng hơn qua các tri thức dân gian được tích lũy và đúc kết vào món ăn. Cao lầu đến bây giờ vẫn được xem là biểu trưng cho ẩm thực của đô thị cổ này. Liên hoan ẩm thực quốc tế có tên “Thách thức cao lầu” được tổ chức vài năm gần đây chứng minh các tri thức dân gian gìn giữ được qua các thời kỳ ngày càng lan tỏa và mang giá trị toàn cầu. Bây giờ, không ít người “sành nấu ăn” ở phố cổ đang chọn hướng quay lại khởi nghiệp với cao lầu. Chị Võ Thị Thu Thủy - chủ quán cao lầu Bá Lễ chia sẻ: “Mình chưa từng học qua ai, chỉ theo các cô, các dì phụ nấu cao lầu từ thuở nhỏ rồi dần dà thạo luôn cách nấu sao cho đúng vị, và bây giờ mở quán phục vụ du khách gần xa”.

Mai một và lạm dụng

Theo ông Trương Hoàng Vinh - Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đơn vị này tìm hiểu được tri thức dân gian của 7 quy trình chế tác của 8 nhóm sản phẩm thuộc gốm, gạch, ngói và tượng ông táo. Trong đó, việc làm tượng ông táo được cho là có nguồn gốm từ làng Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) du nhập vào Hội An khoảng cuối thế kỷ 20 (?). Số liệu thống kê cho thấy, ở làng gốm Thanh Hà chỉ còn hơn chục nghệ nhân cao tuổi nắm vững các kỹ thuật chuốt gốm, làm đất và làm ngói âm dương. Nghệ nhân Nguyễn Lành cho biết: “Hiện nay các hộ trong làng không còn sản xuất các sản phẩm như hũ để ngâm vải sợi, ngâm rượu, muối mắm, đựng dầu nữa, chỉ thỉnh thoảng nếu có sự kiện, lễ hội thì đem trưng bày, biểu diễn mà thôi”. Hiện nay nghề làm vôi vữa trong làng cũng đã mai một, các lò vôi của ông Lưu, bà Bửu, bà Ba đã đóng cửa từ cuối thế kỷ trước do không có người truyền nghề.
 

Images1534683 TNB 76
Những nghệ nhân lành nghề ở làng gốm Thanh Hà phần lớn đều đã cao tuổi.
 
Du lịch đem đến cơ hội hồi sinh, lan tỏa nhiều tri thức dân gian nhưng thị hiếu của du khách cũng làm biến tướng các giá trị quý báu này. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và truyền thanh - truyền hình Hội An cho biết: “Thời gian gần đây, màu sắc đèn lồng tại Hội An có dấu hiệu biến tướng theo kiểu sặc sỡ, lòe loẹt vì phục vụ thị hiếu du khách thay vì chỉ có một số màu sắc đặc trưng chủ đạo như trước, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp hài hòa đã thành thương hiệu của đèn lồng phố Hội”. Ngoài ra, các ghe thuyền phục vụ chở khách tham quan trên sông Hoài cũng lạm dụng việc trang trí đèn lồng quá bắt mắt. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Ánh sáng quá sặc sỡ của đèn trên các ghe thuyền tham quan tạo sự lạ lẫm với cảnh quan khu phố cổ. Địa phương phải điều chỉnh để mỗi thuyền chỉ treo 4 đèn lồng là phù hợp”.

08/06/2019 07:30 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây