Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Trăm năm hành trình cảng thị

Trong hành trình 550 năm mở cõi, phát triển cùng “Danh xưng Quảng Nam”, Hội An luôn gắn liền và đi tiên phong trong nhiều hoạt động quảng giao với quốc tế của vùng đất này.
35904CC7 0406 4EFC A 01
Cảng thị Hội An trong quá khứ từng là nơi giao thương nhộn nhịp với thuyền buôn quốc tế. Ảnh: Q.T
 

Hôm qua 17.6, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức buổi tọa đàm “Hội An trong lịch sử 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021)”, gợi mở thêm nhiều câu chuyện, góc nhìn đặc sắc từ lịch sử đến hiện đại của thương cảng này.

Cảng thị hướng biển

Nằm ở vùng đất cửa sông - ven biển, Hội An là đầu mối giao thông đường thủy của hệ thống sông ngòi chằng chịt trên địa bàn Quảng Nam. Đáng chú ý, trong tiềm thức cư dân đã khát khao hướng biển. Từ lâu, người dân ở đây đã quen ăn cá biển, mắm cái, tiếp thu sáng tạo cách đóng tàu, thuyền sau khi di dân từ miền Bắc vào.

Do đó, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong đã kiến thiết nơi này trở thành một cảng thị chứ không phải là một đô thị với thành quách kiên cố”.

Trong chiến lược thương mại biển nói chung của chính quyền chúa Nguyễn, Quảng Nam đóng vai trò là một trung tâm kinh tế, và Hội An là hạt nhân của trung tâm kinh tế ấy với nhiều đặc quyền được tạo điều kiện để giao lưu với thương nhân nước ngoài.

Theo TS.Nguyễn Thị Vĩnh Linh (Trường Đại học Quảng Nam), có thể nói chính sự xuất hiện và sinh sống của các thương nhân ngoại quốc đã lôi kéo cảng thị Hội An vào mạng lưới thương điếm mang tính chất quốc tế đầu tiên của thời cận đại cùng với Goa (Ấn Độ), Malacca (Malaysia), Luzon (Philippines), Ma Cao, Hạ Môn (Trung Quốc), Deshima (Nhật Bản)…, tạo nên một tuyến hải thương nội Á vô cùng nhộn nhịp vào thế kỷ 17, 18.

Trong thời kỳ vàng son đó, Hội An là một điểm đến không thể thiếu trên hành trình của “con đường gốm sứ”, “con đường hương liệu” trên biển. Qua biến thiên của thời gian, dù không còn đóng vai trò động lực về kinh tế của quốc gia nhưng gần như tất cả các điểm đến nêu trên đều sở hữu hệ thống di sản đồ sộ về kiến trúc, văn hóa và trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch.

 Thay đổi tư duy “trọng nông - ức thương”

Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Nam, trong thư tịch, không tìm thấy danh xưng dinh trấn Thanh Chiêm, thành Thanh Chiêm mà chỉ có danh xưng dinh Chiêm, dinh Quảng Nam, trấn Quảng Nam, thành tỉnh Quảng Nam.

TNB 45658
Phố cổ Hội An. Ảnh: Q.T
 

Một số bản đồ cổ cho thấy, dinh Chiêm, phố Hội An, cửa Đại Chiêm và Cù Lao Chàm nằm trên cùng một trục thẳng và rất gần nhau. Ở đây ta thấy, các chúa Nguyễn dường như đã kế thừa quy hoạch mạng lưới buôn bán kết nối từ vùng núi, trung du, châu thổ ven sông và biển đảo có từ thời Chămpa với mô hình Núi Chúa - khu đền tháp tín ngưỡng - kinh đô - phố cảng - cửa biển - đảo ngoài biển.

Điều khác biệt ở đây là đô thị - thương cảng Hội An không ra đời từ nhu cầu phục vụ đời sống của quan lại, binh lính, dân chúng tại trấn dinh mà ra đời từ các nhu cầu về phát triển mậu dịch nội, ngoại thương.

“Không nên có cái nhìn tách bạch quá mức giữa phố cảng Hội An với dinh Chiêm, dinh Quảng Nam, nhất là trong tình trạng phân chia địa giới hành chính hiện nay. Hai địa điểm này thực ra có sự gắn kết rất chặt chẽ trong mô hình phát triển đô thị. Nhờ đó, Quảng Nam trở thành vùng đất đi đầu trong mở cửa giao lưu hội nhập quốc tế thời chúa Nguyễn và đi đầu trong canh tân đổi mới thời cận đại” - nhà nghiên cứu Trần Văn An chia sẻ.

Mối giao thương quốc tế diễn ra quanh thương cảng Hội An là cú hích quan trọng thay đổi đời sống cũng như tư duy “trọng nông - ức thương” trong nền sản xuất nông nghiệp truyền thống của cư dân vùng đất này.

Thông qua cảng thị Hội An, vùng nguyên liệu trù phú của xứ Quảng nói riêng cũng như Đàng Trong nói chung từ lâm thổ sản, thủy hải sản, hàng thủ công, đến kim loại có đầu ra ổn định tỏa đi hải ngoại. Những phiên chợ kéo dài giữa hai kỳ gió mùa mậu dịch hằng năm cũng sớm ra đời ở vùng đất này.

Theo ông Nguyễn Chí Trung (Chi hội Khoa học Lịch sử Hội An), ở thời điểm đó, để có hàng tốt, rẻ, đạt yêu cầu hàng năm thì thương nhân các nước đã biết sử dụng hình thức “mãi biện” để bao mua, bao tiêu; tổ chức quảng cáo giới thiệu mặt hàng dưới hình thức quà tặng hay bán rẻ.

Câu chuyện diễn ra vài trăm năm trước nhưng không cũ khi đến bây giờ, Hội An đã bước đầu thiết lập lại được một hệ thống chợ phiên đặc trưng và đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm OCOP cấp quốc gia để quảng bá đặc sản xứ Quảng.

18/06/2021 08:00 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây