Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.quangnam.gov.vn


Theo bức họa đồ, tìm phố

Từ chuyện tìm bản đồ quy hoạch bị “thất lạc” cho khu phố lớn ở phía Nam, sực nhớ giới chuyên môn từng lần theo một họa đồ cũ để truy tìm dấu vết một khu phố. Đó là phố Nhật ở Hội An.
images1434607 7A1
Phía tây Chùa Cầu là khu vực dự đoán có khu phố Nhật. Ảnh: H.X.H
 

Giờ đây, khi cấu trúc không gian của phố cổ Hội An đã được xác lập, nhiều người dễ dàng hình dung lịch sử và bước chuyển của các khối phố ở đô thị cổ Hội An tính từ thế kỷ 17 đến nay. Nhưng trong giai đoạn đầu nghiên cứu (đầu thế kỷ 20), các chuyên gia phải lần dò từng bước một, thậm chí dự đoán địa điểm của khu phố Nhật sai lệch hàng chục cây số, ra tận ngoài… Đà Nẵng.

1. Lược sử nghiên cứu về khu phố Nhật được GS. Kikuchi Seiichi trình bày mạch lạc trong công trình “Nghiên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm khảo cổ học lịch sử” (NXB Thế giới, 2010). Trong đó, có đề cập thông tin thú vị về nhà nghiên cứu khởi sự đi tìm lại phố cũ từ một bức họa đồ. Đó chính là bức “Chaya tâm lục Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” lưu giữ tại chùa Jomyo (TP.Nagoya, Nhật Bản) mà lâu nay được nhắc dưới tên gọi ngắn gọn hơn: Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ. Bức họa của thương gia Chaya Shinroku, miêu tả hải trình vượt biển của một thương thuyền Nhật Bản đi từ Nagasaki cập bến Hội An đến dinh Chiêm (Thanh Chiêm) dâng lễ vật yết kiến chúa Nguyễn. Cảnh khu phố Nhật vào quãng thế kỷ 17 là một trong 4 cảnh quan của bức họa đặc biệt này.

Theo GS. Kikuchi Seiichi, một số nhà nghiên cứu đã lần tìm vị trí khu phố từ bức vẽ này. Như trường hợp ông Tsuji Yoshinosuke, khi nghiên cứu về phố Nhật Bản ở vùng Nam Dương, đã so sánh hình ảnh khu phố Nhật Bản vẽ trong bức họa này với địa hình Đà Nẵng và cho rằng đó là khu phố Nhật Bản ở Tourane (hiện là Đà Nẵng). Ngay ông Kojima Masanori, người được cho là nhà nghiên cứu Nhật Bản đầu tiên tiến hành điều tra hiện trường khu phố Nhật tại Hội An, cũng từng đặt vấn đề liệu có tồn tại hay không một khu phố Nhật Bản tương tự tại Đà Nẵng. Ông Kojima Masanori thăm Hội An và điều tra về cầu, mộ người Nhật khi du lịch tới Việt Nam từ năm 1909.

Nhà nghiên cứu người Pháp Noel Péri, thành viên của Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO), cũng đề cập khu phố Nhật Bản tại Hội An và Đà Nẵng trong công trình nghiên cứu về phố Nhật Bản từ năm 1916. Các nhà nghiên cứu Kuroita Katsumi, Iwao Seichi khi điều tra về các tư liệu lịch sử có liên quan tới Nhật Bản còn sót lại tại Đông Nam Á từ năm 1927 cũng xem vị trí khu phố Nhật Bản tại Hội An là chủ đề lớn. Như vậy, ít nhất có thêm 2 người (Iwao Seiichi, Noel Péri) cũng đồng ý kiến với ông Tsuji Yoshinosuke về “nghi vấn” phố Nhật nằm ở Đà Nẵng, sau khi so sánh hình ảnh trên bức họa.

2. Cuối cùng, với các hội nghị chuyên đề và điều tra khai quật tại khu phố cổ Hội An kể từ sau năm 1980, các nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất khu phố Nhật nằm ở Hội An. Đến nay, thông qua những dấu vết kiến trúc, hiện vật gốm sứ, tiền cổ…, các nhà nghiên cứu xác định phạm vi khu vực “có dân cư sinh sống hồi thế kỷ 17”: từ phố Nguyễn Thị Minh Khai tới xung quanh Chùa Cầu (phía tây), phía bắc phố Trần Phú, phía nam phố Phan Châu Trinh, khu vực lân cận hội quán Triều Châu (phía đông).
 

images1434608 7A2
Một phần của bức “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ”.
 

Điều thú vị là phạm vi “khoanh vùng” này được bảo chứng bởi những trang ghi chép của một giáo sĩ người Ý từ đầu thế kỷ 17. Trong chương 8 “Về thương mại và các hải cảng ở xứ Đàng Trong”, giáo sĩ Cristophoro Borri viết: “Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán”. “Phố người Tàu”, “phố người Nhật” được nhắc đến một cách chi tiết, có khu vực và quan cai trị riêng, sống theo tập tục riêng.

Trong nghiên cứu của mình, GS. Kikuchi Seiichi sau khi dẫn ghi chép của giáo sĩ C.Borri đã bình luận thêm: Đây là một vùng đất mới và là nơi sinh sống của người nước ngoài; do vậy, có thể thấy rằng phố Nhật Bản phải nằm trong phạm vi khu vực xác định ở trên. Không phải ngẫu nhiên mà dịp khai trương Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản hồi tháng 11.2017 với sự hiện diện của Thủ tướng 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, địa điểm tổ chức được chọn ở khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai gần Chùa Cầu. Các nhà quản lý ở TP.Hội An và chuyên gia Nhật Bản đã thống nhất chọn, bởi họ tin rằng khu vực này từng hiện diện khu phố Nhật trong quá khứ.

3. Nhưng “truy tìm” chính xác địa điểm khu phố Nhật (hay Tàu) để làm gì, sau nhiều thế kỷ biến động và thay đổi?

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhìn nhận đúng là vết tích phố xưa không còn, nhất là kiến trúc (nhà cửa), chỉ hình dung qua các hiện vật khai quật. Theo ông Trung, ngay di tích Chùa Cầu mà cũng phải đào sâu 1,4 mét mới có thể “bắt gặp” vết tích kiến trúc của cầu Nhật Bản. Theo sát diễn tiến mở rộng, phát triển phố cổ Hội An, chúng ta nhận ra có sự “dịch chuyển” mạnh về phía nam. Trục không gian phố hồi thế kỷ 17 nằm ở phía bắc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, kéo xuống đường Trần Phú bây giờ. Sang thế kỷ 18, phố tiếp tục mở rộng sang đường Nguyễn Thái Học. Thế kỷ 19 - 20, phố trên đường Bạch Đằng hình thành và về cơ bản các công trình kiến trúc của phố cổ hiện hữu được xây dựng trong quãng thời gian này.

Việc truy tìm dấu vết, địa điểm cả một khu phố lớn dựa trên phác họa của một bức vẽ nổi tiếng, là chi tiết hấp dẫn đối với nhà nghiên cứu. Giờ đây, không phải do các nhà nghiên cứu đã khoanh vùng được phạm vi, mà bởi nhu cầu tiếp biến còn quan trọng hơn nhiều ở mảnh đất “hội thủy, hội nhân, hội văn” như Hội An. Sau mấy trăm năm, các phố “có khu vực riêng, sống theo tập tục riêng” như nhận định của giáo sĩ C.Borri dường như không thể kiểm chứng trên thực tế. Tất cả đã hòa làm một, hóa thân vào nhân tình thuần hậu và góp phần làm nên phố Hội.

12/05/2018 08:58 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: HỨA XUYÊN HUỲNH

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây