Tháng ba, nhớ kiến trúc sư Kazik
- Thứ ba - 16/03/2021 22:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Kazik nguyên là một kiến trúc sư người Ba Lan. Ông đến Việt Nam trong một chương trình được ký kết bởi hai Chính phủ Việt Nam và Ba Lan nhằm giúp Việt Nam tái thiết và phục chế các di tích cổ, mà công trình cụ thể vào thời điểm đó là di tích Mỹ Sơn.
Ban đầu Kazik được bố trí ở tại Đà Nẵng, hằng ngày có xe đưa đón lên làm việc tại Mỹ Sơn. Tháp Chàm Mỹ Sơn vốn tọa lạc trong một thung lũng kín gió nên vào mùa hè thời tiết cực kỳ oi ả, nóng bức. Một hôm Kazik ngỏ ý với các cộng sự người Việt rằng chiều đó muốn về Đà Nẵng sớm để đi tắm biển. Một người trong đoàn gợi ý về biển Hội An thay vì biển Đà Nẵng. Ngay lập tức, một cuộc điện thoại từ Mỹ Sơn được nối với Văn phòng UBND thị xã Hội An để sắp đặt trước cuộc gặp gỡ.
Một sự ngỡ ngàng không tưởng đến với Kazik khi ông lần đầu tiên đặt chân đến Hội An. Với ánh mắt của một chuyên gia nhà nghề, Kazik thoạt tiên đã nhận ra ngay giá trị tiềm ẩn vô giá mà Hội An đang mang giữ.
Ông Nguyễn Đức Minh - người tham gia trong đoàn đón tiếp Kazik nhớ lại: “Lúc đó, vì tôi đã đọc nhiều và nghiên cứu về Hội An nên có thể trả lời phần lớn câu hỏi của Kazik về Hội An. Sau một tiếng đồng hồ, Kazik rất quan tâm tới các ngôi nhà cổ. Khi nhìn thấy một căn nhà cổ nào đó, ông lập tức bước vào trong ghi chép và vẽ lại những phần chính của căn nhà, hỏi các thành viên trong gia đình về mọi thứ. Mãi rất lâu sau đó tôi mới nhận thấy, những căn nhà mà Kazik ghé thăm là nhà có giá trị lịch sử - văn hóa rất lớn”.
Không lâu sau đó, Kazik đề nghị chuyển về trú ngụ tại Hội An, bởi ông muốn có thời gian nghiên cứu về Hội An kỹ lưỡng hơn. Lần đầu tiên được đón một vị khách nước ngoài đến tá túc kể từ sau năm 1975 là một niềm vui lớn của người Hội An. Hội An thời bao cấp còn nhỏ và nghèo nên không hề có một khách sạn hay nhà hàng. Không biết sắp xếp cho Kazik tạm trú ở chỗ nào, bàn đi tính lại mãi cuối cùng sắp cho ông ở tạm tại căn phòng nhỏ thường dành cho Chủ tịch UBND thị xã.
Tài sản trong phòng chỉ vỏn vẹn một chiếc giường đơn yếu ớt và cái mùng vải, một chiếc bàn uống nước bằng gỗ, bộ tách trà sứ nhỏ xíu, cái phích nước nóng hiệu Rạng Đông. Nhưng so với điều kiện chung lúc đó như vậy là nhất rồi, mà chắc cũng chỉ có Kazik mới được Hội An đón tiếp đến vậy.
2. Ủy ban sắp xếp Trương Thị Xuân - một nhân viên lễ tân lo chuyện ăn uống hằng ngày cho Kazik. Xuân hồi đó là một cô gái trẻ đẹp, nói được ít tiếng Pháp và nấu được vài món Tây nên giao cho nhiệm vụ này. Lần hồi Xuân tập cho Kazik ăn được những món ăn Việt Nam, thậm chí ăn được cả nước mắm. Đặc biệt món súp được Kazik đặt tên “súp của Xuân” là món ông thích nhất.
Những lúc rảnh rỗi, Kazik thường bày Xuân nói tiếng Ba Lan. Hai người xem nhau như anh em trong một nhà. Mãi đến sau này khi có dịp ghé về Hội An thì việc đầu tiên của Kazik là tìm đến thăm Xuân với những món quà tặng nho nhỏ, lúc cái mũ, lúc cây dù, khi thì hộp thuốc bổ.
Với lối sống giản dị, thân thiện và nụ cười hiền lành luôn thường trực đã giúp Kazik nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng cư dân Hội An để tìm hiểu. Người dân Hội An với lòng hiếu khách cũng giúp ông trao đổi những thông tin ông cần biết. Họ nhanh chóng xem nhau là bạn bè sau vài lần cùng ngồi uống cà phê ở quán cà phê Chanh.
Kể từ đó, ông thường xuyên trở thành khách mời trong những bữa cơm gia đình của người dân phố cổ, cho dù thời bao cấp đó lương thực luôn là nỗi ám ảnh của từng gia đình.
Trở về nước, Kazik nỗ lực kết nối với các chính phủ, tổ chức văn hóa, công ty du lịch nước ngoài, giới thiệu và dần dần đưa du khách đến thăm Hội An. Quan trọng nhất, ông đã góp phần không nhỏ nếu không muốn nói là có công đầu trong việc đưa các di sản như Huế, Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Tháng 3.2007, nhân dịp tưởng niệm ngày mất của Kazik (19.3), người Hội An dựng một bức phù điêu chân dung ông ở địa điểm trang trọng nhất giữa phố, nơi có rất nhiều du khách qua lại, được người dân gọi tên là “Công viên Kazik” để tưởng nhớ và tri ân ông. Và cũng kể từ đó, dịp này hằng năm, bà Trương Thị Xuân vẫn luôn ghé công viên thắp hương tưởng nhớ một người bạn, người anh thân thiết một thời.