Tết trong lòng phố cổ Hội An
- Thứ hai - 11/01/2021 21:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội An được biết đến là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Chút bình lặng của dòng sông càng làm tôn nên vẻ đẹp cổ kính của phố cổ. Những mái ngói rêu phong đượm màu thời gian, những con đường nhỏ, không gian yên tĩnh, cuộc sống chậm rãi… là những nét thu hút rất riêng của nơi đây.
Nếu ngày thường Hội An như một bức tranh tĩnh mặc, nên thơ thì ngày Tết nơi đây lại khoác lên một chiếc áo mới, người ta thấy một Hội An rực rỡ, vui tươi và tràn đầy sức sống.
Tết ở Hội An, trong không gian mùi hương trầm quyện trong từng hơi thở ấy, những mầm rêu mới trở mình xanh nõn trong làn mưa xuân phơi phới bay, thay màu áo mới cho vạn mái ngói âm dương của những đình, chùa, nhà cổ đã đếm từng nhịp xuân – hạ – thu – đông – rồi lại xuân hàng bao thế kỷ qua. Những cây nêu phất phơ dải lụa đỏ báo hiệu Tết đã về trước những sân chùa, sân đình. Và những hiên nhà phố cũng tươi thắm sắc xuân với những cặp chậu hoa mai vàng, hay hoa thược dược, hoa mãn đình hồng, hoa cúc đại đóa… đặt ngay ngắn hai bên thềm dẫn lối vào nhà. Tết đã gõ cửa từng nhà dân phố Hội.
Đặc biệt, Ngoài việc trang hoàng nhà cửa, mọi vật, mọi việc đều ngời sáng, tươi mới, sắm sửa lễ vật thờ cúng tổ tiên, ông bà. Người Hội An rất chuộng chưng mai, loài hoa báo hiệu mùa xuân tươi đẹp.
Tết rộn ràng trong những nếp nhà phố Hội. Phút giao thừa, tất cả các ngôi chùa, hội quán tại Hội An đều gióng hồi chuông đón giao thừa, thời khắc thiêng liêng của cái vô biên chạm vào những điều gần gũi, pháo hoa bừng sáng ở Quảng trường sông Hoài và lung linh trong vạn đáy mắt đang ngước nhìn những sắc màu rộn rã trên không đầy niềm vui và hy vọng, thì trong những nếp nhà phố, gia chủ áo quần chỉnh chu, kính cẩn đứng trước bàn thờ gia tiên, rồi ra bàn thờ đặt ngay thềm nhà, lầm rầm nguyện cầu những điều tốt đẹp cho năm mới vừa tới.
Ngay khi cúng giao thừa xong, hay sáng sớm đầu năm mới, theo từng thứ bậc trong nhà, người nhà chúc Tết, lì xì mừng tuổi và mời nhau miếng bánh, ly trà nóng. Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in là bốn thứ bánh Tết hầu như không thiếu trong nhà người Hội An, và cũng là phong tục xứ Quảng xưa nay. Đã có lời lý giải rằng bánh tét, bánh tổ gói trong đó tấm lòng nhớ về nguồn cội; bánh nổ, bánh in gói trong đó hy vọng một năm mới mọi sự như ý, giòn giã, vẹn tròn.
Đối với người dân Hội An, họ coi bánh tổ là lễ vật không thể thiếu để thờ cúng tổ tiên. Đây như một thứ để gợi nhớ về cội nguồn.
Bánh tổ được làm từ đường và nếp, bọc lại bằng lá chuối. Bánh có vị vừa dai vừa dẻo của nếp, hương vị đậm đà, lạ miệng được nhiều người yêu thích.
Bánh tổ theo năm tháng dần trở thành món bánh đặc sản của phố cổ, nên mới có câu: “Nem chả Hòa Vang – Bánh tổ Hội An – Khoai lang Trà Kiệu – Thơm rượu Tam Kỳ”.
Về gốc tích món bánh này, nhiều người cao tuổi trú tại khối phố Hậu Xá (Hội An) cũng có nhiều các lí giải khác nhau.
Có người kể, trong truyền thuyết, bánh tổ do tổ mẫu Âu Cơ làm ra để dành làm lương khô cho trăm con lên núi, xuống biển. Bánh tổ gắn liền với tổ mẫu Âu Cơ và cái tên “tổ” ra đời từ đó.
Trong khi đó, một số thợ làm bánh khác lại cho rằng, loại bánh chỉ xuất hiện vào dịp Tết lại thường dùng để dâng cúng tiên tổ gia đình nên mới có tên như thế.
Bất luận lý giải thế nào thì bánh tổ cũng là một thứ bánh thiêng liêng gắn với mỗi gia đình, với bàn thờ ấm cúng trong ngày Tết.
Riêng cộng đồng người Hoa cũng có nhiều món ăn khác lạ như Phậc- xồi, cơm Dương Châu, bún xào Phúc Kiến, khoai nhục, chè trôi nước, cá hấp, thịt quay… thể hiện những ý nghĩa cát tường. Món cơm Dương Châu được đặt tên là “Kim ngọc mãn đường”, cầu chúc một năm mới dư đủ, thịnh vượng, cuộc sống sung túc, hạnh phúc lâu bền.
Trong suốt những ngày Tết, mọi người chỉ nói với nhau những lời hay, ý đẹp; gặp nhau bất kể ở đâu đều chúc mừng và hy vọng. Bao nhiêu điều không vui, không bằng lòng của năm cũ đều gạt sang một bên. Người Hội An kiêng quét nhà trong ngày Tết vì sợ của cải, thần tài theo rác mà đi; kiêng đánh đập con cái, làm vỡ chén bát hay la lộn với nhau vì sợ xui xẻo cả năm.
Điều kiêng kỵ nhất là việc cho lửa và xin lửa trong ba ngày Tết vì sợ cái đỏ, cái hên chuyển sang tay người khác. Đặc biệt, phải chờ tục xông đất đầu năm vào sáng ngày mồng Một xong, mọi người mới đi thăm nhà nhau để chúc Tết, mừng tuổi cho người lớn, lì xì cho trẻ con theo một trình tự “mùng một ở nhà cha, một hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy”. Điều đó đủ nhắc nhở mọi người sống trọn nghĩa với ông bà, nội ngoại, cha mẹ, trân trọng ơn thầy, ân nhân của mình. Sau đó mới đến xóm giềng, bạn bè thân hữu,…
Theo tín ngưỡng dân gian, hầu hết người dân nơi đây còn giữ tục đầu năm đến chùa lễ Phật. Chắp tay cầu nguyện cuộc sống thanh bình, nhà nhà hạnh phúc là điều mà bất cứ người nào cũng muốn làm. Vì thế, từ sớm mồng Một Tết, hàng ngàn người dân Hội An đã đổ về các ngôi chùa cổ như Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Pháp Bảo,… để trao gởi ước nguyện an lành.
Ngày Tết ở Hội An tất cả làng quê đều tổ chức hội làng. Hòa cùng dòng người rước lễ vật cầu mùa của cư dân làng rau Trà Quế, thi làm đồ gốm ở làng gốm Thanh Hà hay tập hát bả trạo, cầu ngư của ngư dân các vùng quê biển,…
Cuộc vui xuân đến chiều mồng 3 thì nhà nào cũng làm mâm cơm tiễn đưa ông bà, tổ tiên. Thế nhưng, dư hưởng của Tết vẫn còn kéo dài nên dân gian truyền tụng câu rằng: “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”. Thậm chí đến Tết Nguyên Tiêu, rằm tháng Giêng âm lịch, cuộc hội hè phường phố vẫn còn diễn ra trong không khí ấm cúng, rộn ràng của mọi gia đình, dòng họ, từ làng quê đến phố phường.
Tết ở phố cổ Hội An mang những nét riêng không nơi nào có được, cảm xúc thiêng liêng truyền thần từ không gian yên bình, cổ kính. Trong những thanh âm rộn rã ngày xuân, lòng người đi giữa phố Hội những ngày đầu năm mới, vẫn có chút lắng lòng giữa những con đường nho nhỏ, cong như một cánh cung đầy, tự hỏi qua hàng bao thế kỷ, những mái ngói đã thâm nâu mà sao năm này sang năm nọ phố vẫn như trẻ mãi không già trong từng nụ cười, ánh mắt dễ bất chợt bắt gặp trên đường phố Hội An.
30 Tháng Một, 2020- 01:59