Sống chung với bão, lũ - bài học từ Hội An
- Thứ năm - 08/10/2020 21:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Đến hẹn lại lên”, từ tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, cư dân phố cổ cùng quần thể kiến trúc nhà cổ đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới lại đối mặt với lũ lụt. Lụt thường xảy ra ngay sau khi bão dứt, khi nước mưa từ thượng nguồn đổ về, nước biển dâng cao và gần đây là sự xả lũ đồng loạt của các thủy điện với công suất lên đến hàng ngàn m3/giây.
Tình trạng thiên tai và nhân tai này hàng năm đã và đang đe dọa cuộc sống của người dân và gây ảnh hưởng xấu đến các công trình hiện là di sản văn hóa. Từng có ý kiến bảo vệ đô thị cổ khỏi nước lũ với giải pháp đắp một con đê thấp bao quanh đô thị cổ Hội An. Tuy nhiên giải pháp này có những cản trở không chỉ riêng về vấn đề kinh phí xây dựng mà còn ảnh hưởng đến vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ của thành phố di sản.
Bởi vậy cơ quan chức năng của thành phố và chủ nhân của những di tích đã giải quyết vấn đề theo tính logic, đó là gắn bó giữa con người và thiên nhiên, thuận theo tự nhiên và chấp nhận chung sống với lụt lội thay vì chỉ đắp đê ngăn không cho nước tràn vào.
Mùa nước lụt năm 2009 ở Hội An. Ảnh: Nguyễn Lượng
Di sản bên sông
Phố ngửa mặt ra sông với những con đường nằm cạnh sông Thu Bồn trải dài theo hướng Đông - Tây. Sát với sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó là đường Nguyễn Thái Học và đường Trần Phú. Theo những người dân ở đây cho biết, đường Bạch Đằng được xây dựng năm 1878, đường Nguyễn Thái Học được xây dựng năm 1840 và đường Trần Phú là con đường cổ nhất.
Ngoài ra, còn có một số đường ngắn nằm theo trục Bắc - Nam vuông góc với những đường song song với sông. Nếu tính từ phía hạ lưu của sông có đường Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Nhị Trưng và rất nhiều hẻm nhỏ. Tất cả những con đường và những con hẻm nhỏ này đổ thẳng ra sông.
Những công trình kiến trúc quan trọng phần lớn đều nằm trên đường Trần Phú. Trong những công trình đó nổi bật nhất là những hội quán do người Hoa xây dựng để tưởng nhớ đến quê hương của họ. Tất cả các hội quán cũng đều quay mặt về phía sông. Những người dân Hội An cho biết, hướng đó sẽ dẫn đến núi Sơn Trà và toàn bộ sinh khí của các hội quán sẽ được hội tụ tại đây.
Ngồi trong những quán cà phê ở gác hai trên đường Bạch Đằng khi chiều dần về tối hay khi phố đã lung linh ánh đèn lồng, du khách được sống trong không gian vô cùng thơ mộng. Nhưng khi có lũ, đường Bạch Đằng sẽ ngập đầu tiên và những năm lụt lớn, đứng ở gác hai của những ngôi nhà trên đường này, thấy người dân vẫn phải lội bì bõm trong nước và nhiều gia đình phải di dời bằng việc dỡ mái ngói để lên ca nô cứu hộ.
Ông Hà Rê, một người dân ở trên đường Bạch Đằng, bảo: “Di sản nằm bên sông, Hội An nằm ở vùng rốn lũ, năm nào không lụt mới là chuyện lạ”. Không chỉ ông Hà Rê, hầu như bất cứ người dân Hội An nào cũng đã quá quen với chuyện này.
Sẵn sàng… sống chung với lũ
Liên tục các cơn bão, lũ “tìm” dải đất miền Trung đổ xuống. Như con người nơi đây, cả một vùng di sản văn hóa vật chất giàu có nhất cả nước với 4 Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (trong đó có 3 Di sản văn hóa vật thể) cũng phải gánh chịu những tác động nặng nề từ sự giận dữ của thiên nhiên.
Theo ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes khi ông đến Hội An trong vòng hai năm, bắt đầu từ 1624 “mùa mưa làm nước sông dâng lên gây nên lụt lội”, thì chuyện lụt lội của Hội An đã diễn ra từ mấy trăm năm trước. Chính vì nằm trong vùng bão lụt nên từ thời xa xưa, chủ nhân của những ngôi nhà ở Hội An khi xây dựng nhà cửa đã tính đến chuyện phải chống lụt, chống bão.
Để bảo vệ ngôi nhà khỏi mưa, bão, mái ngói ở những ngôi nhà trong phố cổ có vai trò quan trọng nhất. Ngói ở Hội An là loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô, có chu vi hình vuông, hơi cong. Đầu tiên, người ta xếp một hàng ngói ngửa lên sau đó là một hàng ngói úp xuống theo kiểu “âm dương”. Khi lợp xong mái, các viên ngói được cố định bằng vữa xi măng tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái. Hai bên cạnh của hàng ngói được đắp vữa để cố định chúng với nhau thật chắc chắn.
Nói về nghệ thuật lợp ngói ở Hội An, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An, khẳng định: “Mái ngói còn thì di tích còn. Nhiều trận bão lớn đổ bộ vào Hội An, ở ngoại vi khu phố cổ, trong khi những ngôi nhà mới xây bị bay ngói, bị tốc mái tôn thì những ngôi nhà hàng mấy trăm tuổi trong phố với mái ngói âm dương chưa bị xuống cấp gần như an toàn tuyệt đối, có chăng chỉ là sự xô lệch chứ chưa bị tốc mái”.
Bên cạnh đó, để sống chung với lụt, hầu hết các ngôi nhà trong phố cổ đều có gác hai và có hệ thống cửa sập để vận chuyển đồ dùng khi nước lên.
Tâm thế sống chung với bão, lụt được truyền từ đời cha ông trong các thế hệ gia đình ở Hội An, ngấm vào máu thịt, vào ý thức của mỗi cư dân phố cổ nên người dân khá bình tĩnh mỗi khi lụt lội. Nhờ ý thức phòng chống bão, lụt ngay trong kiến trúc xây dựng nhà cửa của cha ông nên chưa bao giờ phố cổ Hội An xảy ra tình trạng sập nhà trong bão.
Tuy nhiên, sau mỗi mùa bão lũ, di tích bị xuống cấp một cách ngấm ngầm và nhiều di tích đứng trước nguy cơ sụp đổ. Xác định điều này, mỗi năm, cơ quan chuyên môn của Hội An đều đi khảo sát, nắm tình hình di tích và có hồ sơ chi tiết.
Toàn thành phố có 1.360 di tích, riêng trong khu phố cổ là 1.107 di tích gồm nhà ở, hội quán, miếu, đình, nhà thờ, chùa. Trong đó 82,4% di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Với số lượng di tích nhiều như vậy nhưng cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An thuộc lòng tình trạng từng ngôi nhà như rành đường kẻ chỉ trong lòng bàn tay. Không chờ khi mùa mưa bão đến, ngay từ tháng 6 hàng năm, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An đã phối hợp với lực lượng cộng tác viên trong phố khảo sát từng ngôi nhà, đưa vào danh sách những ngôi nhà cần hỗ trợ khi bão, lụt và giúp đỡ họ về kỹ thuật, cây chống, nhân lực.
Ông La Vĩnh Diệu, hiện đang nhà số 16 đường Nguyễn Thái Học cho biết: “Các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An còn rành mọi ngóc ngách trong nhà tôi hơn cả tôi nữa. Trước mỗi mùa mưa bão, họ đều đến hỗ trợ gia đình tôi cây, cột để chống đỡ và giúp chúng tôi bảo vệ những bộ phận có khả năng sụp đổ của ngôi nhà. Chính nhờ vậy mà ngay trong trận bão lớn số 11 vừa qua, Hội An là một trong những tâm bão nhưng ngôi nhà này vẫn được an toàn, chỉ vài hàng ngói bị xô lệch”.
Ông Lê Dũng cùng bức vách đánh dấu những mốc lụt lớn. Ảnh: Khiếu Thị Hoài Trong nhà ông Lê Dũng - chủ đời thứ 6 của ngôi nhà cổ Tấn Ký - có một bức vách đánh dấu những mốc lụt lớn trong lịch sử. Bên cạnh bức vách này là một bức vách dán chi chít những tấm danh thiếp trên đó ghi những cảm nhận của du khách khắp nơi khi đến tham quan nhà cổ Tấn Ký lưu lại.Sự sắp đặt ngẫu nhiên ấy dường như cũng là một thông điệp của những người dân Hội An rằng họ đón nhận tất cả, trân trọng tất cả, từ những gì tốt đẹp nhất là tình cảm của du khách dành cho họ khi đến thăm di tích cho đến những nỗi đe dọa của thiên nhiên hàng năm qua mỗi mùa bão lũ. Lưu giữ ký ức và tâm thế sẵn sàng sống chung với bão, lụt của người dân Hội An đã giúp cho con người nơi đây bình tĩnh hơn trước thiên tai và giữ gìn di tích, những ngôi nhà của mình tốt hơn. Ông Lê Dũng, chủ đời thứ 6 của nhà cổ Tấn Ký chia sẻ: “Những ngôi nhà ở Hội An khá dày nhau, có thể nói vách liền vách nên cả khu phố gần như một tổng thể kiên cố, lại thêm mái ngói âm dương được lợp đúng kỹ thuật nên bão không phải là vấn đề đáng lo lắng lắm. Tuy nhiên, nước lụt thấm vào nhà thì đáng lo ngại lắm. Những trận lụt qua đi đều để lại sự phá hoại ngấm ngầm với từng ngôi nhà, trong từng bức vách, từng cây cột khi mối mọt có điều kiện sinh sôi. Trận lụt năm 1964 là trận lụt lớn nhất từ trước đến nay, khi đó tôi mới 11 tuổi, ngồi trên tầng hai của ngôi nhà, đưa tay xuống là với được nước bạc. Năm đó nước lụt ngâm phố cổ cả tuần liền, chúng tôi gần như không còn đồ ăn dự trữ, khi chỉ còn que diêm cuối cùng, chúng tôi phải tìm cách giữ cho được ngọn lửa leo lét bằng miếng vải nhỏ và ít dầu phụng còn lại. Nhưng những năm gần đây, lụt đã trở lên quen thuộc với chúng tôi cùng khả năng tài chính cũng như sự hiện đại của kỹ thuật, chúng tôi dễ dàng chuyển đồ lên gác bằng ròng rọc chạy bằng mô-tơ, chuẩn bị máy phát điện để dùng mấy ngày trên gác…”. |