Rau rừng Cù Lao Chàm, nấu cua ăn cạn nồi cơm
- Chủ nhật - 04/04/2021 22:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không biết vì thiên nhiên quá ưu ái hay do quá ít sự lựa chọn mà mỗi khi đặt chân lên rồi mua một mớ rau trên đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), rất nhiều người đặt câu hỏi: tại sao chỉ một hòn đảo nhỏ, quá ít những mảng xanh mà lại có nhiều loài rau ngon tới mức "gây thèm thuồng" và thương nhớ như vậy?
Đi tìm câu trả lời, chúng tôi ngược xuôi ra đảo rất nhiều lần. Mỗi lần xuống bến tàu cao tốc đều rấm rứt nếu không thể tự mình mua được một vài nhúm rau gói trong những chiếc túi thủ công bà con tự may.
Rau ngon, nhiều người ăn một lần đều muốn được ăn lại lần thứ hai và nếu có cơ hội họ lại mua tiếp những lần khác. Cù Lao Chàm quá nhỏ bé, khách du lịch lại đông nên rau ở đây cũng bán ra có "quota" (hạn ngạch) như hàng xuất nhập khẩu chứ không phải bao nhiêu cũng có.
Rau cũng có "quota"
Một người bạn khá sành ăn của tôi ở thủ đô Hà Nội khi vào Hội An dịp cuối tuần thì gọi điện nhờ tìm một ít rau đảo Cù Lao Chàm. Hôm đó trúng vào dịp gió mùa đông bắc tràn về, tàu thuyền ra đảo buộc phải neo bờ để đảm bảo an toàn.
Vậy là chuyến trở về, khi không thể có nắm rau đảo mang theo, người khách từ Hà Nội bảo rằng "tiếc mấy ký ghẹ, cua mua ở bờ biển về để nấu với rau đảo nhưng lại không có rau".
Vì đinh ninh rằng mua được rau non từ đảo nên bạn đã háo hức ra biển An Bàng sớm để mua ghẹ, cua biển về nấu bữa canh với rau. Nhưng rau không mua được, mớ cua, ghẹ cũng không còn mấy ý nghĩa.
Cù Lao Chàm là một cụm đảo với nhiều hòn đảo nhỏ nhưng duy nhất chỉ một hòn đảo có người sinh sống. Vẻn vẹn chưa đầy 15km2 nhưng Cù Lao Chàm lại có quá nhiều đặc sản mà thường thì chỉ dân sành ăn mới biết: đó là hải sản, bào ngư, nhum biển, cua đá, yến sào.
Những thứ này có ở nhiều bãi biển nhưng không hiểu sao khi ăn ở Cù Lao Chàm lại ngon hơn hẳn. Khách ra đảo, đặc biệt là khách Trung Quốc, cứ thấy bà con ở bãi Hương ngồi soạn hàng ra trên bãi cát là họ mua bằng sạch, không trừ một thứ gì.
Nhưng vẫn còn một món nữa mà có lẽ không có nhiều vị khách Trung Quốc biết tới do người dân hái với số lượng có hạn, chỉ dành cho bà con địa phương và một ít khách vãng lai, đó là món rau đảo.
Món rau này có rất nhiều tên gọi, nhưng quen miệng nhất là hai cái tên "rau rừng, rau đảo". Rau này cũng khá đặc biệt khi được bà con đi rừng hái đủ thứ, như một mớ rau "tập tàng" trộn nhiều loại rau khác nhau mà người dân ở miền Trung hay hái để nấu canh tôm, cua.
Chị Lê Thị Bích Công - cô gái trẻ từng làm cán bộ xã đảo Cù Lao Chàm, nay nghỉ việc để ra ngoài kinh doanh hải sản, mở tour đưa khách đi ngắm rừng ở đảo - nói rằng với người sành ăn, đã một lần ghé đảo Cù Lao Chàm là muốn đặt mua bằng được một ít rau đảo để mang về.
Nhưng rau không hề có sẵn, cũng không bán ở chợ mà chỉ có một số chị em dân đảo quen đi rừng, biết mặt rau mới có hàng và số lượng cũng rất hạn chế. "Bà con chỉ lên rừng tranh thủ theo mỗi buổi sáng, họ chọn những ngọn lá còn tươi, non nhất rồi pha trộn lại với nhau, bỏ trong một chiếc túi tự may rồi đem về nhà.
Không ai đưa ra chợ mà chỉ gọi cho những người thân thích để gửi rau, còn nếu không thì chia cho người nhà cùng ăn. Rau không chỉ ngon mà còn "số lượng có hạn" nữa nên chẳng khi nào ế" - chị Công nói. Chị cũng cho biết thêm vì lớn lên với những món rau mẹ hái trên đảo mà nay khi lập trang Facebook cá nhân của mình chị cũng lấy tên là "Rau Rừng".
Rau mang vị thuốc
Thật thú vị khi một vài lần lên đảo và được mời mua những gói chè khô của bà con, được pha trộn từ nhiều loài cây thảo mộc trên đảo, chúng tôi phát hiện có những mùi vị rất quen thuộc giống với món rau trên đảo đã từng được ăn.
Đem câu hỏi này gặp nhiều bô lão và người đi rừng ở Cù Lao Chàm thì được biết trên đảo có khoảng 80 loài thực vật có thể ăn được.
Trong số này có một số loại cây thân gỗ có thể sử dụng tất cả các bộ phận, không bỏ một thứ gì: rễ, thân cành thì phơi khô nấu nước sắc uống như nước chè, làm thuốc Nam, thuốc Bắc; lá non hoặc ngọn thì hái làm món rau rừng đặc trưng.
Cầm trên tay mớ rau với đủ thứ cành, lá, đọt non, nếu là khách ở xa chưa một lần ăn sẽ cảm giác hơi sợ. Thậm chí một số người khi lần đầu mua về ăn, đem rửa thì thấy cả hoa, lá... cỏ hôi (cây cứt lợn, bù xí...).
Nhưng để có bao nhiêu ngọn, lá cỏ hôi và các loại cỏ, rau dại khác trong một mớ rau là cả một kinh nghiệm lấy rau và pha trộn đầy tuyệt vời của bà con trên đảo.
Người dân trên đảo Cù Lao Chàm nếu lớn tuổi sẽ nhận ra từng loại rau trong mớ hỗn độn, phổ biến và quen mặt nhất là 35 loại khác nhau như rau bác bác, cỏ bạc đầu, rau đắng đất, rau đậu, rau má, mã đề, mè đất, rau nho, ngổ điếc, sam, thành ngành, thông đất...
Người đi hái rau Cù Lao Chàm cho biết món rau rừng đã được bà con trên đảo ăn từ xưa tới nay và chỉ cho nhau. Do đảo chật, diện tích không lớn nên số lượng rau cũng không phong phú, bà con thay phiên nhau đi hái.
Rau mọc hoàn toàn từ tự nhiên chứ không ai chăm trồng, rau nằm dưới lòng suối tinh khiết, nằm trong kẽ đá, rau mọc trên mớ dây leo chằng chịt hay đôi khi đó là một ngọn thảo mộc được ngắt khi sương còn đọng trên đọt lá, nụ mới nhú.
Rau đảo Cù Lao Chàm không đơn thuần chỉ là một món ăn mà đó thật sự là một vị thuốc giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, giúp mát gan, lợi đường huyết. Thú vị nhất khi ăn món rau này là bắt gặp vị thanh chua, có mùi hăng hắc thơm thơm giống như lá quýt. Đó là sự kỳ diệu của hương vị khi trộn lẫn rau cây thân gỗ với các loại rau khác nhau.
Rau rừng ở đảo Cù Lao Chàm có thể dùng để ăn nhiều món khác nhau. Nhưng nếu "đúng chuẩn" nhất phải là dùng rau để nấu canh cua, ghẹ. Nếu nấu canh này với cua đá trên đảo Cù Lao Chàm thì ăn cạn nồi cơm.
Nhưng ngay cả khi không cần quá cầu kỳ hay tốn kém để thưởng thức trọn vị của món rau chỉ Cù Lao Chàm có này, chỉ cần luộc mớ rau lên, bỏ ra đĩa rồi chế biến một bát mắm cá cơm và dùng rau để chấm thì cũng đủ thấy một niềm vui lớn về ăn uống. Nước rau sau khi luộc xong, nêm bột nêm vào sẽ trở thành món canh giải nhiệt cực kỳ bổ và tốt cho sức khỏe.
Rau Cù Lao Chàm ngon, bổ là thế nhưng ít người nói ra và cũng ít "quảng cáo". Lý do là "có đủ ăn đâu mà quảng cáo chi cho người ta... mua hết"! 50.000 đồng để có một nhúm nặng chỉ vài lượng (gram), nhưng có tiền cũng không hề dễ mua mà phải biết chỗ để hỏi. Cũng vì một phần "bí hiểm" như thế nên rau đảo càng gây tò mò với người chưa từng ăn qua.