Quảng Nam: Văn chỉ Minh Hương - Hội An được công nhận Di tích cấp tỉnh
- Chủ nhật - 07/05/2023 23:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm QLDT và Danh thắng Quảng Nam trao bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh Văn chỉ Minh Hương
Sáng ngày 21.4, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ đón bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh Văn chỉ Minh Hương (phường Minh An, Hội An). Qua hoạt động này nhằm góp phần giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của di tích Văn chỉ Minh Hương nói riêng, của Di sản văn hóa Hội An nói chung; qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng cư dân địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong thời gian đến.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, TP Hội An, các ban ngành liên quan, tổ quản lý các di tích trong khu phố cổ, đặc biệt là đông đảo người dân địa phương, du khách cũng đến tham gia.
Văn chỉ Minh Hương được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam cho biết: Với những giá trị về nhiều mặt của Di tích, ngày 5.1.2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND xếp hạng Văn Chỉ Minh Hương là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Đây cũng chính là sự ghi nhận của tỉnh Quảng Nam về nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích của các cấp chính quyền và nhân dân Hội An trong thời gian qua. Đồng thời cũng sẽ là cơ sở pháp lý, là điều kiện quan trọng để di tích được quản lý, chăm nom và phát huy giá trị tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Trần Ánh, Bí thư Thành uỷ Hội An tặng hoa chúc mừng
Văn chỉ Minh Hương là di tích kiến trúc nghệ thuật, đồng thời là một trong những thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng của làng Minh Hương tại Hội An được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Tại nhà Tây di tích hiện còn lưu giữ tấm bia đá rất quý giá do Tiến sĩ Đặng Huy Trứ đề bút niên đại 1871 đã cho biết Văn chỉ Minh Hương được khởi dựng vào năm 1867 và hoàn thành vào năm 1868. Di tích là nơi cung cấp những tư liệu quý giá về quá trình hình thành và phát triển của làng Minh Hương; vai trò cộng đồng làng Minh Hương ở Hội An nói riêng, cũng như sự phát triển của thương cảng Hội An qua nhiều thế kỷ.
Theo ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An: Trong quá khứ, Văn chỉ Minh Hương đã trải qua nhiều trùng tu lưu lại dấu tích như: Xà cò có niên đại Duy Tân thứ 5 (1911), cặp câu đối chữ Hán Nôm tại cổng niên đại Bảo Đại thứ 12 (1937).
Trải qua một thời gian dài, trước tác động của khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến tranh,… Văn chỉ Minh Hương đã bị hư hại, xuống cấp trầm trọng, trong đó có hạng mục nhà Đông bị sụp đổ hoàn toàn.
Năm 1998, thị xã Hội An và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện trùng tu di tích này; đến năm 2000, tiếp tục thực hiện trùng tu hạng mục nhà Tây. Năm 2019, di tích được tu bổ hệ mái ngói âm dương, đồ án trang trí ở các bàn thờ, khám thờ và tôn tạo khuôn viên.
Lễ dâng hương tại chính điện di chỉ
Bố cục tổng thể di tích gồm có tường rào, cổng ngõ, sân trước, bình phong, chính điện và nhà Tây. Trong đó, chính điện là hạng mục chứa đựng các giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, được xây theo kiểu thức ba gian, lại có hai nếp kiến trúc chỉ gồm một nếp mái để phân chia thành hai không gian chức năng: Nếp nhà trước là không gian để hành lễ, tế tự, nếp nhà sau là không gian thờ tự,...
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Văn chỉ Minh Hương
Trải qua hơn 150 năm xây dựng, tuy đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng Văn chỉ Minh Hương vẫn giữ được kiến trúc truyền thống với vẻ đẹp tôn nghiêm, góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc văn hoá tín ngưỡng nói chung, miếu thờ nói riêng tại Hội An. Sự hiện diện của di tích Văn chỉ Minh Hương góp phần tạo nên giá trị đặc sắc của di tích quốc gia đặc biệt - Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An. Không chỉ về giá trị vật thể, di tích là minh chứng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng, tôn sư trọng đạo của cư dân Hội An nói riêng, cư dân Quảng Nam nói chung trong lịch sử. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được gìn giữ, tiếp tục vun đắp tô bồi cho cả mai sau.